Nếu có nhiều di chúc ở nhiều thời điểm khác nhau, di chúc nào có hiệu lực? Lập nhiều di chúc thì di chúc nào là di chúc có giá trị hiệu lực thi hành?
Việc phân chia tài sản thừa kế và nghĩa vụ thừa kế được dựa vào hai căn cứ chủ yếu là thừa kế theo di chúc và thừa kế theo pháp luật. Thừa kế theo pháp luật được pháp luật quy định tương đối cụ thể nên thông thường ít xảy ra tranh chấp. Riêng đối với các trường hợp thừa kế theo di chúc thường xảy ra nhiều vấn đề phát sinh. Một trường hợp rất hay gặp phải đó là nếu có nhiều di chúc thì sẽ thực hiện theo nội dung di chúc nào?
Mục lục bài viết
1. Điều kiện có hiệu lực của di chúc
+ Người lập di chúc phải có năng lực chủ thể
Người lập di chúc là người từ đủ 18 tuổi có đầy đủ năng lực hành vi dân sự, người từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi có thể lập di chức nếu được cha, mẹ hoặc người giám hộ đồng ý. Người lập di chúc minh mẫn, sáng suốt trong khi lập di chúc.
Pháp luật nước ta công nhận người từ đủ 18 tuổi trở lên là người thành niên. Vì vậy, không phân biệt nam, nữ, tôn giáo, thành phần… Người từ đủ 18 tuổi đều có quyền lập di chức để định đoạt tài sản của mình cho người thừa kế.
Tuy nhiên, người từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi (người có năng lực hành vi một phần) có thể lập di chức nhưng với điều kiện “lập thành văn bản và phải được cha, mẹ hoặc người giám hộ đồng ý” ( khoản 2 Điều 630
+ Người lập di chúc tự nguyện
Người lập di chúc phải tự nguyện khi lập di chúc; không bị lừa dối, đe dọa hoặc cưỡng ép. Tự nguyện của người lập di chúc là sự thống nhất giữa ý chí và bày tỏ ý chí của họ. Sự thống nhất trên chính là sự thống nhất giữa mong muốn chủ quan- mong muốn bên trong của người lập di chúc với hình thức thể hiện ra bên ngoài sự mong muốn đó. Vì vậy việc phá vỡ sự thống nhất giữa mong muốn bên trong và việc thể hiện ra bên ngoài làm mất đi tính tự nguyện của người lập di chúc. Sự thống nhất này có thể bị phá vỡ trong trường hợp người lập di chúc bị cưỡng ép, đe dọa hoặc di chúc do họ lập trên cơ sở bị lừa dối.
Cưỡng ép có thể là sự cưỡng ép về thể chất (đánh đập, giam giữ,.. ) hoặc về tinh thần (dọa làm 1 việc có thể làm mất danh dự, uy tín của người lập di chúc,..) Người lập di chúc có thể bị lừa dối bằng những thủ đoạn như: làm tài liệu giả để cho người có tài sản tin rằng một người đã chết hoặc mất tích nên không lập di chúc để lại di sản cho người đó mà để lại di sản cho người làm tài liệu giả,..
+ Nội dung của di chúc không trái pháp luật, đạo đức xã hội
Nội dung của di chúc là sự thể hiện ý chí của người lập di chúc về việc định đoạt tài sản của mình cho những người thừa kế. Người lập di chúc chỉ định người thừa kế, giao nghĩa vụ cho người thừa kế, phân định di sản thừa kế, đưa ra các điều kiện để chia di sản thừa kế. Ý chí của người lập di chúc phải phù hợp với các quy định của nhà nước và không trái với đạo đức xã hội, tuân thủ các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự gồm:
– Mọi cá nhân, pháp nhân đều bình đẳng, không được lấy bất kỳ lý do nào để phân biệt đối xử; được pháp luật bảo hộ như nhau về các quyền nhân thân và tài sản.
– Cá nhân, pháp nhân xác lập, thực hiện, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của mình trên cơ sở tự do, tự nguyện cam kết, thỏa thuận. Mọi cam kết, thỏa thuận không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội có hiệu lực thực hiện đối với các bên và phải được chủ thể khác tôn trọng.
– Cá nhân, pháp nhân phải xác lập, thực hiện, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của mình một cách thiện chí, trung thực.
– Việc xác lập, thực hiện, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự không được xâm phạm đến lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích công cộng, quyền và lợi ích hợp pháp của người khác.
– Cá nhân, pháp nhân phải tự chịu trách nhiệm về việc không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ dân sự.
+ Hình thức của di chúc không trái quy định của pháp luật
Hình thức của di chúc là phương thức biểu hiện ý chí của người lập di chúc ( nội dung di chúc); là căn cứ pháp lí làm phát sinh quan hệ thừa kế theo di chúc; là chứng cứ để bảo vệ quyền lợi cho người được chỉ định trong di chúc. Vì vậy, di chúc phải được lập dưới một hình thức nhất định. Pháp luật quy định có hai loại là hình thức văn bản là loại di chúc được thể hiện dưới dạng chữ viết ( viết tay, đánh máy, in) có nhứng nhận hoặc không có chứng nhận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền và hình thức miệng: toàn bộ ý chí của người lập di chúc thể hiện bằng lời nói.
Di chúc miệng
Di chúc miệng (chúc ngôn) là sự bày tỏ bằng lời nói ý chí của người để lại di sản của mình cho người khác sau khi mình chết.
Di chúc miệng được coi là hợp pháp nếu người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng của mình trước mặt ít nhất hai người làm chứng và ngay sau khi người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng, người làm chứng ghi chép lại, cùng ký tên hoặc điểm chỉ. Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng thì di chúc phải được công chứng viên hoặc cơ quan có thẩm quyền chứng thực xác nhận chữ ký hoặc điểm chỉ của người làm chứng. (Khoản 5 Điều 630 BLDS). Sau 03 tháng, kể từ thời điểm di chúc miệng mà người lập di chúc còn sống, minh mẫn, sáng suốt thì di chúc miệng mặc nhiên bị hủy bỏ. ( Khoản 2 ĐIều 629)
Di chúc bằng văn bản
Di chúc bằng văn bản bao gồm:
– Di chúc bằng văn bản không có người làm chứng.
– Di chúc bằng văn bản có người làm chứng.
– Di chúc bằng văn bản có công chứng.
– Di chúc bằng văn bản có chứng thực.
2. Thế nào là một di chúc hợp pháp?
Một di chúc hợp pháp là một di chúc thỏa mãn các điều kiện sau đây:
+ Điều kiện chung
Di chúc hợp pháp phải có đủ các điều kiện sau đây:
– Người lập di chúc minh mẫn, sáng suốt trong khi lập di chúc; không bị lừa dối, đe doạ, cưỡng ép;
– Nội dung của di chúc không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội; hình thức di chúc không trái quy định của luật.
+ Các trường hợp khác đối với di chúc lập thành văn bản
– Di chúc của người từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi phải được lập thành văn bản và phải được cha, mẹ hoặc người giám hộ đồng ý về việc lập di chúc.
– Di chúc của người bị hạn chế về thể chất hoặc của người không biết chữ phải được người làm chứng lập thành văn bản và có công chứng hoặc chứng thực.
– Di chúc bằng văn bản không có công chứng, chứng thực chỉ được coi là hợp pháp, nếu có đủ các điều kiện chung trên
+ Đối với di chúc miệng
– Di chúc miệng được coi là hợp pháp nếu người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng của mình trước mặt ít nhất hai người làm chứng và ngay sau khi người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng, người làm chứng ghi chép lại, cùng ký tên hoặc điểm chỉ.
– Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng thì di chúc phải được công chứng viên hoặc cơ quan có thẩm quyền chứng thực xác nhận chữ ký hoặc điểm chỉ của người làm chứng.
Một di chúc hợp pháp không phải là một di chúc luôn có hiệu lực toàn bộ. Nếu di chúc đó thuộc vào các trường hợp sau thì sẽ bị vô hiệu một phần hoặc toàn bộ:
– Người thừa kế theo di chúc chết trước hoặc chết cùng thời điểm với người lập di chúc;
– Cơ quan, tổ chức được chỉ định là người thừa kế không còn tồn tại vào thời điểm mở thừa kế.
Trường hợp có nhiều người thừa kế theo di chúc mà có người chết trước hoặc chết cùng thời điểm với người lập di chúc, một trong nhiều cơ quan, tổ chức được chỉ định hưởng thừa kế theo di chúc không còn tồn tại vào thời điểm mở thừa kế thì chỉ phần di chúc có liên quan đến cá nhân, cơ quan, tổ chức này không có hiệu lực.
– Di chúc không có hiệu lực, nếu di sản để lại cho người thừa kế không còn vào thời điểm mở thừa kế; nếu di sản để lại cho người thừa kế chỉ còn một phần thì phần di chúc về phần di sản còn lại vẫn có hiệu lực.
3. Quy định pháp luật về di chúc vô hiệu
Di chúc vô hiệu được hiểu là di chúc không có hiệu lực pháp luật. Di chúc được coi là vô hiệu một phần hoặc vô hiệu toàn bộ khi không đáp ứng được các điều kiện để di chúc hợp pháp hoặc thuộc các trường hợp không có hiệu lực của di chúc.
+ Các trường hợp di chúc vô hiệu toàn bộ
(1) Do không đáp ứng các điều kiện để di chúc hợp pháp
(2) Di chúc chỉ cần không đáp ứng được một trong các điều kiện để di chúc hợp pháp cả về mặt nội dung hoặc hình thức của di chúc theo quy định tại Điều 630 Bộ luật Dân sự 2015 thì đều bị coi là di chúc vô hiệu. Các trường hợp di chúc bị vô hiệu toàn bộ như sau:
(3) Người lập di chúc không đáp ứng được các điều kiện về mặt chủ thể lập di chúc: năng lực chủ thể chưa đầy đủ; người lập di chúc không tự nguyện, bị lừa dối, de dọa, cưỡng ép.
(4) Nội dung di chúc vi phạm điều cấm của luật, trái đạo đức xã hôi. Trường hợp này, nếu tất cả nội dung đều vi phạm thì di chúc sẽ bị vô hiệu toàn bộ. Còn nếu chỉ có một nội dung vi phạm mà không ảnh hướng đến các nội dung khác thì chỉ phần nội dung đó không có hiệu lực pháp luật.
(5) Di chúc không đáp ứng đủ các điều kiện về mặt hình thức để di chúc hợp pháp.
Như vậy, di chúc bị vô hiệu toàn bộ khi:
Toàn bộ người thừa kế đều không còn vào thời điểm mở thừa kế và không có người thừa kế kế vị. Người thừa kế có thể là cá nhân hoặc cơ quan, tổ chức. Nếu là cơ quan, tổ chức thì không còn vào thời điểm mở thừa kế.
Toàn bộ di sản thừa kế để lại cho người thừa kế không còn vào thời điểm mở thừa kế.
Nếu một người lập nhiều bản di chúc thì chỉ bản di chúc hợp pháp cuối cùng có hiệu lực pháp luật còn lại các bản trước đó đều bị vô hiệu.
+ Các trường hợp di chúc vô hiệu một phần
Khi di chúc bị vô hiệu một phần thì chỉ phần đó không có hiệu lực pháp luật còn các phần di chúc khác vẫn có hiệu lực pháp luật. Các trường hợp cụ thể:
Nếu bản di chúc đáp ứng được hết các điều kiện để di chúc hợp pháp và chỉ có một phần nội dung của di chúc không hợp pháp thì chỉ phần di chúc không hợp pháp bị vô hiệu. (Theo khoản 4 Điều 643 Bộ luật Dân sự 2015.)
Trường hợp có nhiều người thừa kế theo di chúc mà có người chết trước hoặc chết cùng thời điểm với người lập di chúc, một trong nhiều cơ quan, tổ chức được chỉ định hưởng thừa kế theo di chúc không còn vào thời điểm mở thừa kế thì chỉ phần di chúc có liên quan đến cá nhân, cơ quan, tổ chức này không có hiệu lực pháp luật.
Nếu tất cả di sản để lại cho người thừa kế chỉ có một phần di sản không còn vào thời điểm mở thừa kế thì chỉ nội dung phân chia phần di sản đó bị vô hiệu. Các phần di sản thừa kế còn lại vẫn có hiệu lực pháp luật.