Có được mượn sổ đỏ người khác để thế chấp vay ngân hàng? Thủ tục thế chấp, bảo lãnh cho người khác vay ngân hàng bằng sổ đỏ của gia đình.
Sổ đỏ là một tài sản quý giá của mỗi các nhân, hộ gia đình. Trên thực tế, nhiều người có nhu cầu mượn sổ đỏ của người khác để đi vay thế chấp ngân hàng. Vậy khi nào thì được mượn sổ đỏ để vay thế chấp và trình tự thủ tục như thế nào? Bài viết sau đây chúng tôi sẽ tư vấn cụ thể cho bạn về các trường hợp được mượn sổ đỏ người khác để thế chấp vay ngân hàng.
I.Cơ sở pháp lý
II.Nôi dung
Mục lục bài viết
1. Sổ đỏ là gì?
Sổ đỏ là từ mà người dân thường dùng để gọi Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất dựa theo màu sắc của Giấy chứng nhận; pháp luật đất đai từ trước tới nay không quy định về Sổ đỏ.
Tùy theo từng giai đoạn, ở Việt Nam có các loại giấy chứng nhận như:
+ Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất;
+ Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở;
+ Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở,
+ Giấy chứng nhận quyền sở hữu công trình xây dựng.
Tuy nhiên, ngày 19/10/2009 Chính phủ ban hành Nghị định 88/2009/NĐ-CP. Theo đó, từ ngày 10/12/2009 Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành mẫu Giấy chứng nhận mới áp dụng chung trên phạm vi cả nước với tên gọi Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.
Hiện nay, Luật Đất đai 2013 và các văn bản hướng dẫn thi hành kế thừa tên gọi Giấy chứng nhận mới, cụ thể:
– Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất là chứng thư pháp lý để Nhà nước xác nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở, tài sản khác gắn liền với đất hợp pháp của người có quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và quyền sở hữu tài sản khác gắn liền với đất (theo khoản 16 Điều 3 Luật Đất đai năm 2013).
Như vậy, Sổ đỏ là ngôn ngữ thường ngày của người dân để gọi Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, không được pháp luật quy định. Để thuận tiện cho người đọc, trong nhiều bài viết thường sử dụng từ “Sổ đỏ” thay cho tên gọi của Giấy chứng nhận như quy định của pháp luật.
2. Vay thế chấp ngân hàng là gì?
Theo quy định tại Điều 317 Bộ luật dân sự 2015 có nêu: “Điều 317. Thế chấp tài sản: 1. Thế chấp tài sản là việc một bên (sau đây gọi là bên thế chấp) dùng tài sản thuộc sở hữu của mình để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ và không giao tài sản cho bên kia (sau đây gọi là bên nhận thế chấp).
2.Tài sản thế chấp do bên thế chấp giữ. Các bên có thể thỏa thuận giao cho người thứ ba giữ tài sản thế chấp.”
Như vậy, Vay thế chấp là hình thức cho vay có tài sản đảm bảo. Tùy từng ngân hàng và gói vay sẽ có các loại tài sản đảm bảo khác nhau, như: Sổ đỏ hoặc sổ hồng, ô tô, hàng hoá luân chuyển, máy móc, thiết bị… Khi đi vay thế chấp, người đi vay vẫn có quyền sở hữu tài sản đó, nhưng ngân hàng sẽ giữ các giấy tờ liên quan, chỉ khi người vay không thể trả được nợ thì lúc đó phải chuyển sở hữu tài sản cho ngân hàng để thanh lý trừ nợ.
Lợi ích khi vay thế chấp tại ngân hàng
-Số tiền được vay lớn (tối đa đến 100% giá trị tài sản đảm bảo), phù hợp với nhiều mục đích vay trả góp dài hạn như mua nhà, xây sửa nhà, mua ô tô, kinh doanh, du học…
-Thời gian vay dài khoảng 20 năm, 25 năm làm giảm gánh nặng trả nợ.
-Lãi suất cạnh tranh, với chương trình ưu đãi: Lãi suất có thể chỉ 6% – 8%/năm, hết ưu đãi lãi suất khoảng 10% -12%/năm.
-Khách hàng vẫn được sử dụng tài sản của mình.
Đặc điểm hình thức vay thế chấp
-Phải có tài sản đảm bảo, tài sản này này sẽ được ngân hàng thẩm định giá trị.
-Lãi suất thấp hơn nhiều so hình thức vay tín chấp.
-Thời gian cho vay kéo dài.
-Số tiền mà khách hàng có thể vay rất lớn và khoảng 70% – 80% giá trị tài sản đảm bảo.
-Hình thức trả nợ linh hoạt.
3. Có được mượn sổ đỏ của người khác để thế chấp vay ngân hàng không?
Tại điều 117 Bộ luật Dân sự năm 2015 có quy định về điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự:
“1. Giao dịch dân sự có hiệu lực khi có đủ các điều kiện sau đây:
a) Chủ thể có năng lực hành vi dân sự, năng lực pháp luật dân sự phù hợp với giao dịch dân sự được xác lập;
b) Chủ thể tham gia giao dịch dân sự hoàn toàn tự nguyện;
c) Nội dung và mục đích của giao dịch dân sự không không trái đạo đức xã hội, vi phạm điều cấm của luật.
2. Hình thức của giao dịch dân sự là điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự trong trường hợp luật có quy định”.
Ngoài ra, tại điểm a khoản 1 Điều 119
Căn cứ theo các quy định của pháp Luật trên thì ta chỉ có thể thể chấp sổ đỏ đi mượn trong các trường hợp sau:
Trường hợp 1:Chủ sở hữu nhà, đất trực tiếp thực hiện hợp đồng vay vốn với ngân hàng, sau đó thực hiện hoạt động có vay lại với người có như cầu vay vốn ngân hàng.
Trường hợp 2: Hợp đồng thế chấp do người mượn Sổ đỏ ký tên song phải được người sử dụng đất ủy quyền bằng văn bản
4. Trách nhiệm của người cho người khác mượn sổ đỏ để thế chấp vay ngân hàng
Điều 335, Bộ luật dân sự 2015 quy định về bao lãnh như sau:
“1. Bảo lãnh là việc người thứ ba (sau đây gọi là bên bảo lãnh) cam kết với bên có quyền (sau đây gọi là bên nhận bảo lãnh) sẽ thực hiện nghĩa vụ thay cho bên có nghĩa vụ (sau đây gọi là bên được bảo lãnh), nếu khi đến thời hạn thực hiện nghĩa vụ mà bên được bảo lãnh không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ.
Các bên có thể thỏa thuận về việc bên bảo lãnh chỉ phải thực hiện nghĩa vụ thay cho bên được bảo lãnh trong trường hợp bên được bảo lãnh không có khả năng thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh.”
Theo quy định trên, về mặt pháp lý, người cho mượn sổ đỏ để thế chấp vay ngân hàng thì người đứng tên thế chấp và có nghĩa vụ trả nợ thay người vay khi người vay không trả được nợ chính là người cho mượn sổ đỏ. Khi đó, ngân hàng sẽ yêu cầu người bảo lãnh phải thực hiện nghĩa vụ trả nợ thay cho người được bảo lãnh (người vay).
Việc cho người khác mượn sổ đỏ, tức là mang tài sản của mình ra bảo lãnh cho nghĩa vụ trả nợ của người đó là thoả thuận riêng (thoả thuận dân sự) của bạn và người mượn sổ. Nếu người mượn sổ của bạn không thực hiện nghĩa vụ trả nợ thì bạn vẫn phải trả nợ cho ngân hàng theo đúng hợp đồng bảo đảm đã ký. Trả nợ xong, bạn mới được nhận lại được Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) của mình.
Để có thể rút được sổ đỏ nhanh gọn và thuận tiện nhất, bạn có thể yêu cầu người mượn sổ dùng một tài sản khác để đề nghị ngân hàng nhận thế chấp thay thế cho tài sản của bạn. Hoặc bạn phải đứng ra trực tiếp trả nợ cho ngân hàng, sau đó yêu cầu người mượn sổ của bạn trả lại tiền cho bạn. Nếu người đó cố tình không trả, bạn có thể khởi kiện ra Toà án nhân dân cấp huyện nơi người mượn sổ của bạn sinh sống, làm việc.
5. Thủ tục vay thế chấp ngân hàng bằng sổ đỏ của người khác
Nếu muốn cầm sổ đỏ của người khác đi vay trước tiên bạn cần có giấy ủy quyền từ chủ tài sản.
-Nếu chủ tài sản là 1 người: Chỉ cần hợp đồng hoặc giấy ủy quyền có công chứng tại văn phòng công chứng.
-Nếu chủ tài sản là 2 người trở lên: Cần chữ ký đồng ý của tất cả mọi người sở hữu tài sản thế chấp trong
-Nếu 1 chủ tài sản bị mất: Cần xác nhận của người thừa kế theo di chúc, nếu không có di chúc thì cần xác nhận của những người thuộc hàng thừa kế thứ nhất.
Sau khi có giấy ủy quyền tài sản hợp pháp bạn có thể làm hồ sơ vay tiền bằng hình thức thế chấp sổ đỏ tại ngân hàng hoặc các tổ chức tín dụng theo quy định bao gồm:
-Giấy đề nghị vay vốn theo yêu cầu của ngân hàng/ tổ chức tín dụng
-Hồ sơ người vay và người ủy quyền: CMND / hộ chiếu , sổ hộ khẩu / giấy tạm trú, giấy chứng nhận kết hôn / đăng ký độc thân…
-Hồ sơ chứng minh tài chính:
-Hồ sơ tài sản thế chấp: sổ đỏ, sổ hồng…
-Hồ sơ phương án sử dụng tiền: hợp đồng mua nhà ở, đầu tư, kinh doanh…
Sau khi chuẩn bị đầy đủ hồ sơ, thì thực hiện theo trình tự, thủ tục như sau:
Bước 1: Ngân hàng sẽ tiến hành thẩm định và phê duyệt hồ sơ. Mỗi ngân hàng có những điều kiện thẩm định và phê duyệt hồ sơ khác nhau tùy theo định hướng chiến lược từng thời kì
Bước 2: Thực hiện thẩm định và định giá tài sản (sổ đỏ) dùng thế chấp để vay vốn. Việc định giá có thể do nội bộ ngân hàng hay bên thẩm định giá thứ ba, thường là 1 công ty định giá do ngân hàng chỉ định.
Bước 3: Sau khi tài sản thế chấp, cầm cố xác định được giá trị thì ngân hàng sẽ quyết định bạn được vay tối đa bao nhiêu tiền dựa trên giá trị tài sản này.
Bước 4 : Sau thỏa thuận về hạn mức vay cũng như giá trị tài sản đảm bảo, tài sản cầm cố thì sẽ tiến hành các thủ tục ký kết hợp đồng vay và hợp đồng thế chấp. Việc ký hợp đồng thế chấp sẽ được thực hiện dưới sự chứng kiến và xác nhận của công chứng viên.
Bước 5: Đăng ký giao dịch đảm bảo
Như vậy, theo quy định của pháp luật để được mượn sổ đỏ đi thế chấp vay ngân hàng phải đáp ứng đầu đủ các điều kiện như đã nêu trên. Tuy nhiên, việc cho người khác mượn sổ đỏ đi thế chấp là đang tự tạo rủi ro cho tài sản của chính mình bởi khi người vay không có khả năng chi trả khoản nợ cho ngân hàng thì người cho mượn sổ đỏ có trách nhiệm phải trả khoản nợ đó rồi mới lấy được sổ đỏ từ ngân hàng . Vì vậy, người dân cần phải cân nhăc cũng như tìm hiểu thật kỹ về vấn đề này để tự bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của mình.