Ai là người có quyền sử dụng đất? Quyền của người sử dụng đất theo luật mới nhất? Người sử dụng đất bao gồm những đối tượng nào? Quyền của người sử dụng đất là hộ gia đình, cá nhân, người nước ngoài, Việt Kiều,...
Khi nhắc đến khái niệm người sử dụng đất, ắt hẳn ai cũng sẽ nghĩ đến cá nhân sử dụng. Nhưng pháp luật quy định Người sử dụng đất không chỉ là cá nhân. Vậy người sử dụng đất bao gồm những ai? Quyền của người sử dụng đất theo pháp luật hiện hành như thế nào? Hãy cùng Luật Dương Gia tìm hiểu qua bài viết sau đây.
Căn cứ pháp lý
– Hiến pháp 2013 của nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam
Mục lục bài viết
- 1 1. Nguyên tắc đất đai thuộc sở hữu toàn dân
- 2 2. Người sử dụng đất bao gồm những đối tượng nào?
- 3 3. Quyền chung của người sử dụng đất
- 4 4. Các hình thức giao dịch quyền sử dụng
- 5 5. Quyền của người sử dụng đất là hộ gia đình, cá nhân
- 6 6. Quyền của người sử dụng đất là cơ sở tôn giáo, cộng đồng dân cư sử dụng đất quy định tại Điều 181
- 7 7. Quyền của người sử dụng đất là tổ chức nước ngoài có chức năng ngoại giao
- 8 8. Quyền của người sử dụng đất là tổ chức kinh tế, tổ chức sự nghiệp công lập sử dụng đất thuê trả tiền thuê đất hàng năm
- 9 9. Quyền của người sử dụng đất là người Việt Nam định cư ở nước ngoài được sở hữu nhà ở tại Việt Nam; người nước ngoài hoặc người Việt Nam định cư ở nước ngoài không thuộc đối tượng được mua nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở tại Việt Nam
- 10 10. Quyền của người sử dụng đất là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài
1. Nguyên tắc đất đai thuộc sở hữu toàn dân
Hiến pháp 2013 nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam đã quy định rõ đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước làm đại diện chủ sở hữu
Điều 53. Đất đai, tài nguyên nước, tài nguyên khoáng sản, nguồn lợi ở vùng biển, vùng trời, tài nguyên thiên nhiên khác và các tài sản do Nhà nước đầu tư, quản lý là tài sản công thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý.
Luật đất đai cũng quy định Điều 4. Sở hữu đất đai Đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý. Nhà nước trao quyền sử dụng đất cho người sử dụng đất theo quy định của Luật này.
2. Người sử dụng đất bao gồm những đối tượng nào?
Theo Điều 5 Luật đất đai 2013 quy định rất rõ các đối tượng được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất, nhận chuyển quyền sử dụng đất theo quy định của Luật này, bao gồm:
1. Tổ chức trong nước gồm cơ quan nhà nước, đơn vị vũ trang nhân dân, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức kinh tế, tổ chức chính trị xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp, tổ chức sự nghiệp công lập và tổ chức khác theo quy định của pháp luật về dân sự (sau đây gọi chung là tổ chức);
2. Hộ gia đình, cá nhân trong nước (sau đây gọi chung là hộ gia đình, cá nhân);
3. Cộng đồng dân cư gồm cộng đồng người Việt Nam sinh sống trên cùng địa bàn thôn, làng, ấp, bản, buôn, phum, sóc, tổ dân phố và điểm dân cư tương tự có cùng phong tục, tập quán hoặc có chung dòng họ;
4. Cơ sở tôn giáo gồm chùa, nhà thờ, nhà nguyện, thánh thất, thánh đường, niệm phật đường, tu viện, trường đào tạo riêng của tôn giáo, trụ sở của tổ chức tôn giáo và cơ sở khác của tôn giáo;
5. Tổ chức nước ngoài có chức năng ngoại giao gồm cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự, cơ quan đại diện khác của nước ngoài có chức năng ngoại giao được Chính phủ Việt Nam thừa nhận; cơ quan đại diện của tổ chức thuộc Liên hợp quốc, cơ quan hoặc tổ chức liên chính phủ, cơ quan đại diện của tổ chức liên chính phủ;
6. Người Việt Nam định cư ở nước ngoài theo quy định của pháp luật về quốc tịch;
7. Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài gồm doanh nghiệp 100% vốn đầu tư nước ngoài, doanh nghiệp liên doanh, doanh nghiệp Việt Nam mà nhà đầu tư nước ngoài mua cổ phần, sáp nhập, mua lại theo quy định của pháp luật về đầu tư.
3. Quyền chung của người sử dụng đất
Như vậy Theo luật có 7 đối tượng có quyền sử dụng đất nhưng với mỗi đối tượng, pháp luật sẽ quy định khác nhau về quyền và nghĩa vụ khi sử dụng đất.
Những quyền chung của người có quyền sử dụng đất được luật đất đai 2013 quy định tại Điều 166 bao gồm
1. Được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.
2. Hưởng thành quả lao động, kết quả đầu tư trên đất.
3. Hưởng các lợi ích do công trình của Nhà nước phục vụ việc bảo vệ, cải tạo đất nông nghiệp.
4. Được Nhà nước hướng dẫn và giúp đỡ trong việc cải tạo, bồi bổ đất nông nghiệp.
5. Được Nhà nước bảo hộ khi người khác xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp về đất đai của mình.
6. Được bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất theo quy định của Luật này.
7. Khiếu nại, tố cáo, khởi kiện về những hành vi vi phạm quyền sử dụng đất hợp pháp của mình và những hành vi khác vi phạm pháp luật về đất đai
Tuy nhiên với mỗi trường hợp người sử dụng đất quy định tại Điều 5 sẽ được quy định riêng trong từng điều khoản khác để bảo vệ các nguyên tắc và chế độ.
4. Các hình thức giao dịch quyền sử dụng
- Quyền chuyển đổi QSDĐ
- Quyền chuyển nhượng QSDĐ
- Quyền tặng cho QSDĐ
- Quyền thừa kế QSDĐ
- Quyền góp vốn QSDĐ
- Quyền cho thuê, cho thuê lại QSDĐ
- Quyền thế chấp QSDĐ
- Quyền bảo lãnh QSDĐ
Luật sư
tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài: 1900.6568
5. Quyền của người sử dụng đất là hộ gia đình, cá nhân
Quyền của hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất quy định chi tiết điều này tại Điều 179 Luật đất đai 2013.
1. Hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất nông nghiệp được Nhà nước giao trong hạn mức; đất được Nhà nước giao có thu tiền sử dụng đất, cho thuê đất trả tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê, được Nhà nước công nhận quyền sử dụng đất; đất nhận chuyển đổi, nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho, nhận thừa kế thì có các quyền và nghĩa vụ sau đây:
a) Quyền và nghĩa vụ chung quy định tại Điều 166 và Điều 170 của Luật này;
b) Chuyển đổi quyền sử dụng đất nông nghiệp trong cùng một xã, phường, thị trấn với hộ gia đình, cá nhân khác;
c) Chuyển nhượng quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật;
d) Cho tổ chức, hộ gia đình, cá nhân khác, người Việt Nam định cư ở nước ngoài đầu tư tại Việt Nam thuê quyền sử dụng đất;
đ) Cá nhân sử dụng đất có quyền để thừa kế quyền sử dụng đất của mình theo di chúc hoặc theo pháp luật.
Hộ gia đình được Nhà nước giao đất, nếu trong hộ có thành viên chết thì quyền sử dụng đất của thành viên đó được để thừa kế theo di chúc hoặc theo pháp luật.
Trường hợp người được thừa kế là người Việt Nam định cư ở nước ngoài thuộc đối tượng quy định tại khoản 1 Điều 186 của Luật này thì được nhận thừa kế quyền sử dụng đất; nếu không thuộc đối tượng quy định tại khoản 1 Điều 186 của Luật này thì được hưởng giá trị của phần thừa kế đó;
e) Tặng cho quyền sử dụng đất theo quy định tại Điểm C Khoản 2 Điều 174 của Luật này; tặng cho quyền sử dụng đất đối với hộ gia đình, cá nhân hoặc người Việt Nam định cư ở nước ngoài thuộc đối tượng quy định tại Khoản 1 Điều 186 của Luật này;
g) Thế chấp quyền sử dụng đất tại tổ chức tín dụng được phép hoạt động tại Việt Nam, tại tổ chức kinh tế khác hoặc cá nhân theo quy định của pháp luật;
h) Góp vốn bằng quyền sử dụng đất với tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, người Việt Nam định cư ở nước ngoài để hợp tác sản xuất, kinh doanh;
i) Trường hợp đất thuộc diện thu hồi để thực hiện dự án thì có quyền tự đầu tư trên đất hoặc cho chủ đầu tư dự án thuê quyền sử dụng đất, góp vốn bằng quyền sử dụng đất với chủ đầu tư dự án để thực hiện dự án theo quy định của Chính phủ.
6. Quyền của người sử dụng đất là cơ sở tôn giáo, cộng đồng dân cư sử dụng đất quy định tại Điều 181
1. Cơ sở tôn giáo, cộng đồng dân cư sử dụng đất có quyền và nghĩa vụ chung quy định tại Điều 166 và Điều 170 của Luật này.
2. Cơ sở tôn giáo, cộng đồng dân cư sử dụng đất không được chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, tặng cho quyền sử dụng đất; không được thế chấp, góp vốn bằng quyền sử dụng đất.
Như vậy ngoài những quyền chung ra thì cơ sở tôn giáo, cộng dồng dân cư không được chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, tặng cho quyền sử dụng đất; không được thế chấp, góp vốn bằng quyền sử dụng đất.
7. Quyền của người sử dụng đất là tổ chức nước ngoài có chức năng ngoại giao
1. Tổ chức nước ngoài có chức năng ngoại giao sử dụng đất tại Việt Nam có các quyền theo Điều 182 Luật đất đai 2013 quy đinh:;
a) Quyền và nghĩa vụ chung quy định tại Điều 166 và Điều 170 của Luật này;
b) Xây dựng các công trình trên đất theo giấy phép của cơ quan nhà nước Việt Nam có thẩm quyền;
c) Sở hữu công trình do mình xây dựng trên đất thuê trong thời hạn thuê đất.
ngoài việc xây dựng các công trình trên đất theo giấy phép của cơ quan có thẩm quyền và sở hữu công trình đó ra thì tổ chức nước ngoài có chức năng ngoại giao không có quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê,thừa kế, tặng cho quyền sử dụng đất; không được thế chấp, góp vốn bằng quyền sử dụng đất
8. Quyền của người sử dụng đất là tổ chức kinh tế, tổ chức sự nghiệp công lập sử dụng đất thuê trả tiền thuê đất hàng năm
a) Quyền và nghĩa vụ chung quy định tại Điều 166 và Điều 170 của Luật này;
b) Thế chấp tài sản thuộc sở hữu của mình gắn liền với đất thuê tại các tổ chức tín dụng được phép hoạt động tại Việt Nam;
c) Bán tài sản thuộc sở hữu của mình gắn liền với đất thuê khi có đủ điều kiện quy định tại Điều 189 của Luật này; người mua tài sản được Nhà nước tiếp tục cho thuê đất theo mục đích đã được xác định;
d) Góp vốn bằng tài sản thuộc sở hữu của mình gắn liền với đất thuê; người nhận góp vốn bằng tài sản được Nhà nước tiếp tục cho thuê đất theo mục đích đã được xác định;
đ) Cho thuê lại quyền sử dụng đất theo hình thức trả tiền thuê đất hàng năm đối với đất đã được xây dựng xong kết cấu hạ tầng trong trường hợp được phép đầu tư xây dựng kinh doanh kết cấu hạ tầng đối với đất khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế.
9. Quyền của người sử dụng đất là người Việt Nam định cư ở nước ngoài được sở hữu nhà ở tại Việt Nam; người nước ngoài hoặc người Việt Nam định cư ở nước ngoài không thuộc đối tượng được mua nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở tại Việt Nam
a) Quyền và nghĩa vụ chung quy định tại Điều 166 và Điều 170 của Luật này;
b) Chuyển quyền sử dụng đất ở khi bán, tặng cho, để thừa kế, đổi nhà ở cho tổ chức, cá nhân trong nước, người Việt Nam định cư ở nước ngoài thuộc diện được sở hữu nhà ở tại Việt Nam để ở; tặng cho nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở cho Nhà nước, cộng đồng dân cư, tặng cho nhà tình nghĩa theo quy định tại điểm c khoản 2 Điều 174 của Luật này. Trường hợp tặng cho, để thừa kế cho đối tượng không thuộc diện được sở hữu nhà ở tại Việt Nam thì đối tượng này chỉ được hưởng giá trị của nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở;
c) Thế chấp nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở tại tổ chức tín dụng được phép hoạt động tại Việt Nam;
d) Cho thuê, ủy quyền quản lý nhà ở trong thời gian không sử dụng.
e, Nhận thừa kế ủy quyền cho người khác trông nom hoặc tạm sử dụng đất và thực hiện nghĩa vụ theo quy định của pháp luật về đất đai
10. Quyền của người sử dụng đất là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài
a) Trường hợp trả tiền thuê đất, thuê lại đất một lần cho cả thời gian thuê, thuê lại thì có quyền và nghĩa vụ quy định tại Điều 174 của Luật đất đai 2013 về Quyền và nghĩa vụ của tổ chức được Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất, cho thuê đất thu tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê
b) Trường hợp trả tiền thuê đất, thuê lại đất hàng năm thì có quyền như là tổ chức kinh tế, tổ chức sự nghiệp công lập sử dụng đất thuê trả tiền thuê đất hàng năm quy định tại Điều 175 của Luật đất đai 2013;