Các trường hợp không được hưởng di sản thừa kế là nhà đất. Cá nhân vi phạm những trường hợp cấm của pháp luật không được hưởng thừa kế.
Theo quy định của pháp luật, người thừa kế được hưởng di sản là nhà đất ngoại trừ một số trường hợp. Vậy những trường hợp nào không được hưởng di sản thừa kế là nhà đất.
I.Cơ sở pháp lý
II.Nội dung
Mục lục bài viết
1. Thừa kế là gì?
Thừa kế là việc thực thi chuyển giao tài sản, lợi ích, nợ nần, các quyền, nghĩa vụ từ một người đã chết sang một cá nhân nào đó. Thừa kế có vai trò quan trọng từ rất lâu trong xã hội loài người.
Theo quy định tại Điều 609 về quyền thừa kế thì: Cá nhân có quyền lập di chúc để định đoạt tài sản của mình; để lại tài sản của mình cho người thừa kế theo pháp luật; hưởng di sản theo di chúc hoặc theo pháp luật. Người thừa kế không là cá nhân có quyền hưởng di sản theo di chúc.
Và tại Điều 613 quy định người thừa kế là cá nhân phải là người còn sống vào thời điểm mở thừa kế hoặc sinh ra và còn sống sau thời điểm mở thừa kế nhưng đã thành thai trước khi người để lại di sản chết. Trường hợp người thừa kế theo di chúc không là cá nhân thì phải tồn tại vào thời điểm mở thừa kế.
2. Di sản thừa kế là gì?
Điều 612 Bộ luật dân sự năm 2015 quy định: “Di sản bao gồm tài sản riêng của người chết, phần tài sản của người chết trong tài sản chung với người khác”.
Khái niệm di sản thừa kế được hiểu là tài sản của người chết để lại cho những người thừa kế.
Di sản thừa kế bao gồm: tài sản riêng của người chết, phần tài sản của người chết trong khối tài sản chung với người khác; quyển sử dụng đất là di sản thừa kế theo quy định của pháp luật dân sự và đất đai.
Di sản thừa kế còn bao gồm các quyền và nghĩa vụ tài sản của người chết để lại như: quyền đòi nợ, quyền đòi bồi thường thiệt hại; các quyền nhân thân gắn với tài sản như: quyền tác giả, quyền đối với các đối tượng sở hữu công nghiệp; các khoản nợ, các khoản bồi thường thiệt hại…
3. Thế nào là người thừa kế?
Theo Điều 613 quy định về người thừa kế như sau:
“Người thừa kế là cá nhân phải là người còn sống vào thời điểm mở thừa kế hoặc sinh ra và còn sống sau thời điểm mở thừa kế nhưng đã thành thai trước khi người để lại di sản chết. Trường hợp người thừa kế theo di chúc không là cá nhân thì phải tồn tại vào thời điểm mở thừa kế.”
Theo đó, có thể hiểu người thừa kế là người được người chết để lại di sản theo di chúc hoặc theo quy định của pháp luật. Trong quan hệ thừa kế theo pháp luật, thì người thừa kế chỉ có thể là cá nhân có quan hệ hôn nhân, quan hệ huyết thống hoặc có quan hệ nuôi dưỡng với người để lại di sản; còn trong thừa kế theo di chúc, thì người thừa kế có thể là cá nhân, Nhà nước, hoặc pháp nhân, căn cứ vào ý nguyện của người để lại di sản.
Bên cạnh đó, tại Điều 651 Bộ luật dân sự 2015 quy định về người thừa kế theo pháp luật như sau:
“Điều 651. Người thừa kế theo pháp luật
1.Những người thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự sau đây:
a) Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;
b) Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại;
c) Hàng thừa kế thứ ba gồm: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột; chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại.
2.Những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau.
3.Những người ở hàng thừa kế sau chỉ được hưởng thừa kế, nếu không còn ai ở hàng thừa kế trước do đã chết, không có quyền hưởng di sản, bị truất quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản.”
4. Điều kiện hưởng di sản thừa kế quyền sử dụng đất
Để được nhận thừa kế quyền sử dụng đất, người nhận thừa kế phải đáp ứng các điều kiện theo quy định tại Điều 188 Luật Đất đai 2013. Cụ thể:
-Đất đã có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc đủ điều kiện được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất;
-Đất không có tranh chấp;
-Quyền sử dụng đất không bị kê biên để bảo đảm thi hành án;
-Đất đai thừa kế đang trong thời hạn sử dụng đất.
Lưu ý:
-Việc thừa kế phải đăng ký tại cơ quan đăng ký đất đai và có hiệu lực kể từ thời điểm đăng ký vào sổ địa chính.
-Thực tế, nhiều cá nhân, tổ chức không tiến hành đăng ký đất đai và hiển nhiên cũng sẽ không được đăng ký vào sổ địa chính. Lúc này, việc thừa kế chưa phát sinh hiệu lực dẫn đến nhầm lẫn trong quá trình sử dụng đất và phát sinh tranh chấp.
-Đối với người Việt Nam định cư ở nước ngoài không thuộc đối tượng được mua nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở tại Việt Nam thì không được nhận thừa kế quyền sử dụng đất, đồng nghĩa với không được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất nhưng được nhận thừa kế về giá trị quyền sử dụng đất.
5. Các trường hợp không được hưởng di sản thừa kế là nhà đất
Căn cứ theo quy định tại khoản 1 Điều 621 Bộ Luật dân sự 2015 như sau:
Điều 621. Người không được quyền hưởng di sản
1.Những người sau đây không được quyền hưởng di sản:
a) Người bị kết án về hành vi cố ý xâm phạm tính mạng, sức khoẻ hoặc về hành vi ngược đãi nghiêm trọng, hành hạ người để lại di sản, xâm phạm nghiêm trọng danh dự, nhân phẩm của người đó;
b) Người vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ nuôi dưỡng người để lại di sản;
c) Người bị kết án về hành vi cố ý xâm phạm tính mạng người thừa kế khác nhằm hưởng một phần hoặc toàn bộ phần di sản mà người thừa kế đó có quyền hưởng;
d) Người có hành vi lừa dối, cưỡng ép hoặc ngăn cản người để lại di sản trong việc lập di chúc; giả mạo di chúc, sửa chữa di chúc, huỷ di chúc, che giấu di chúc nhằm hưởng một phần hoặc toàn bộ di sản trái với ý chí của người để lại di sản.
Theo quy định trên, sẽ xảy ra hai trường hợp sau:
Thứ nhất, trường hợp không có di chúc:
Trường hợp người để lại di sản thừa kế không lập di chúc thì những người sau đây sẽ không được hưởng thừa kế:
Một là, Người bị kết án về hành vi cố ý xâm phạm tính mạng, sức khỏe hoặc về hành vi ngược đãi nghiêm trọng, hành hạ người để lại di sản, xâm phạm nghiêm trọng danh dự, nhân phẩm của người đó.
Cố ý xâm phạm tính mạng, sức khỏe của người để lại di sản là cố ý giết người để lại di sản, cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người để lại di sản. Ngược đãi nghiêm trọng, hành hạ người để lại di sản là đối xử tàn tệ hoặc đầy đọa người để lại di sản về thể xác, tinh thần. Xâm phạm nghiêm trọng danh dự, nhân phẩm người để lại di sản thể hiện ở hành vi làm nhục, sỉ nhục, bịa đặt hoặc loan truyền những điều biết rõ là bịa đặt nhằm xúc phạm danh dự người để lại di sản.
Chúng ta cần lưu ý, điều kiện được đặt ra trong trường hợp này là phải có một bản án có hiệu lực của pháp luật. Nếu có những hành vi trên nhưng không bị kết án thì sẽ không bị ràng buộc bởi điều này. Ngoài ra, người thừa kế có những hành vi nói trên đã bị kết án, dù đã được xóa án thì vẫn không có quyền hưởng di sản của người đã chết.
Hai là, người vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ nuôi dưỡng người để lại di sản. Những người có nghĩa vụ nuôi dưỡng nhau theo quy định tại
Ba là, người bị kết án về hành vi cố ý xâm phạm tính mạng người thừa kế khác nhằm hưởng một phần hoặc toàn bộ phần di sản mà người thừa kế đó có quyền hưởng.
Bốn là, người có hành vi lừa dối, cưỡng ép hoặc ngăn cản người để lại di sản trong việc lập di chúc; giả mạo di chúc, sửa chữa di chúc, hủy di chúc, che giấu di chúc nhằm hưởng một phần hoặc toàn bộ di sản trái với ý chí của người để lại di sản. Quyền lập di chúc để định đoạt tài sản chính là quyền định đoạt tài sản của chủ sở hữu khi còn sống. Hành vi cản trở đối với người lập di chúc là hành vi trái pháp luật. Do vậy, người có hành vi cản trở sẽ bị tước quyền hưởng di sản do người có di sản để lại.
Trường hợp người thừa kế có hành vi lừa dối người lập di chúc hoặc giả mạo di chúc, sửa chữa di chúc… mà không nhằm mục đích hưởng một phần hoặc toàn bộ di sản trái với ý chí của người lập di chúc thì chỉ áp dụng các biện pháp chế tài thông thường theo Luật dân sự như bồi thường thiệt hại, chứ không bị tước quyền thừa kế theo trường hợp này.
Thứ hai, trường hợp có di chúc:
Đây là trường hợp, người để lại di sản đã biết hành vi của những người trên, nhưng vẫn cho họ hưởng di sản thì những người đó vẫn được hưởng di sản.Quy định dựa trên cơ sở pháp luật luôn tôn trọng quyền định đoạt của người để lại di sản.
Như vậy, nếu thuộc các trường hợp nêu trên thì không được thừa kế di sản là nhà đất.
6. Thời hiệu thừa kế
Căn cứ vào bộ luật dân sự 2015 quy định:
“Điều 623. Thời hiệu thừa kế
1.Thời hiệu để người thừa kế yêu cầu chia di sản là 30 năm đối với bất động sản, 10 năm đối với động sản, kể từ thời điểm mở thừa kế. Hết thời hạn này thì di sản thuộc về người thừa kế đang quản lý di sản đó. Trường hợp không có người thừa kế đang quản lý di sản thì di sản được giải quyết như sau:
a) Di sản thuộc quyền sở hữu của người đang chiếm hữu theo quy định tại Điều 236 của Bộ luật này;
b) Di sản thuộc về Nhà nước, nếu không có người chiếm hữu quy định tại điểm a khoản này.2.Thời hiệu để người thừa kế yêu cầu xác nhận quyền thừa kế của mình hoặc bác bỏ quyền thừa kế của người khác là 10 năm, kể từ thời điểm mở thừa kế.
3.Thời hiệu yêu cầu người thừa kế thực hiện nghĩa vụ về tài sản của người chết để lại là 03 năm, kể từ thời điểm mở thừa kế.”
Như vậy pháp luật cho phép những người thừa kế có quyền khởi kiện yêu cầu phân chia di sản trong thời gian 30 năm đối với bất động sản, 10 năm đối với động sản kể từ thời điểm mở thừa kế. Thời điểm mở thừa kế được hiểu như sau:
“Điều 611. Thời điểm, địa điểm mở thừa kế
1.Thời điểm mở thừa kế là thời điểm người có tài sản chết. Trường hợp Tòa án tuyên bố một người là đã chết thì thời điểm mở thừa kế là ngày được xác định tại khoản 2 Điều 71 của Bộ luật này.”
Như vậy, nếu không thuộc các trường hợp không được hưởng di sản thừa kế thì người thừa kế cần phải quan tâm đến thời hiệu thừa kế cũng như thời điểm mở thừa kế để đảm bảo quyền, lợi ích chính đáng của mình.