Khởi tố vụ án hình sự là giai đoạn đầu tiên của quá trình tố tụng, đây là giai đoạn cơ quan có thẩm quyền xem xét có hay không có dấu hiệu tội phạm để thực hiện khởi tố. Vậy theo quy định pháp luật thì cơ quan nào có thẩm quyền khởi tố vụ án hình sự?
Mục lục bài viết
1. Khái niệm khởi tố vụ án hình sự:
Khởi tố vụ án hình sự là giai đoạn tố tụng đầu tiên trong đó cơ quan tiến hành tố tụng có thẩm quyền căn cứ vào các quy định pháp luật tố tụng tiến hành xác định có hay không có các dấu hiệu tội phạm trong các hành vi nguy hiểm cho xã hội đã được thực hiện, đồng thời ban hành quyết định về việc khởi tố hoặc không khởi tố vụ án hình sự liên quan đến hành vi đó.
Theo đó, khởi tố vụ án hình sự là giai đoạn tố tụng đặc biệt, bắt đầu cho các hoạt động điều tra nên ở giai đoạn này sẽ xác định các tiền đề pháp luật về nội dung và hình thức đối với việc điều tra vụ án. Giai đoạn khởi tố vụ án hình sự bắt đầu từ thời điểm nhận được thông tin về hành vi tội phạm cho đến khi cơ quan có thẩm quyền quyết định khởi tố hay không khởi tố.
2. Thẩm quyền khởi tố vụ án hình sự:
Theo quy định tại Điều 18 Bộ luật tố tụng hình sự 2015 quy định về trách nhiệm khởi tố và xử lý vụ án hình sự thì cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng có trách nhiệm khởi tố vụ án, áp dụng các biện pháp pháp luật quy định để xác định tội phạm và xử lý người phạm tội, pháp nhân phạm tội khi phát hiện hành vi có dấu hiệu tội phạm, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình. Không được thực hiện khởi tố vụ án ngoài những căn cứ và trình tự thủ tục được quy định tại Bộ luật tố tụng hình sự.
Như vậy thẩm quyền khởi tố vụ án hình sự thuộc về cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng. Theo quy định tại Điều 34 Bộ luật tố tụng hình sự 2015 thì cơ quan tiến hành tố tụng bao gồm: cơ quan điều tra, viện kiểm sát và tòa án.
2.1. Thẩm quyền của cơ quan điều tra:
Theo quy định tại khoản 1 Điều 153 Bộ luật tố tụng hình sự 2015 thì cơ quan điều tra có thẩm quyền ra quyết định khởi tố vụ án hình sự đối với các vụ việc dấu hiệu tội phạm, trừ những vụ việc mà cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra, Viện kiểm sát hoặc Hội đồng xét xử đang thụ lý, giải quyết theo quy định Bộ luật tố tụng hình sự. Theo đó thì thẩm quyền khởi tố vụ án hình sự của cơ quan điều tra được cụ thể hóa như sau:
– Cơ quan điều tra của Công an nhân dân có thẩm quyền ra quyết định khởi tố vụ án hình sự đối với tất cả các tội phạm thuộc thẩm quyền điều tra của mình, trừ trường hợp tội phạm thuộc thẩm quyền điều tra của cơ quan điều tra trong Quân đội nhân dân và cơ quan điều tra Viện kiểm sát nhân dân tối cao.
– Đối với cơ quan điều tra trong Quân đội nhân dân sẽ có thẩm quyền ra quyết định khởi tố vụ án hình sự đối với các tội phạm thuộc thẩm quyền xét xử của Tòa án quân sự.
– Các cơ quan điều tra Viện kiểm sát nhân dân tối cao, cơ quan điều tra Viện kiểm sát quân sự trung ương có thẩm quyền ra quyết định khởi tố vụ án hình sự đối với các tội phạm xâm phạm đến hoạt động tư pháp, tội phạm về tham nhũng, chức vụ mà người phạm tội là cán bộ, công chức thuộc cơ quan điều tra, tòa án, viện kiểm sát, cơ quan thi hành án, người có thẩm quyền trong hoạt động tư pháp.
2.2. Thẩm quyền của Cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra:
Căn cứ theo quy định tại Điều 164 Bộ luật tố tụng hình sự 2015 thì các cơ quan của Bộ đội biên phòng, Hải quan, Kiểm lâm, lực lượng Cảnh sát biển, Kiểm ngư có quyền khởi tố vụ án hình sự khi phát hiện hành vi có dấu hiệu tội phạm trong lĩnh vực địa bàn quản lý của mình thì có nhiệm vụ, quyền hạn như sau:
– Ra quyết định khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can, tiến hành điều tra và trong thời hạn 01 tháng kể từ ngày ra quyết định khởi tố vụ án hình sự phải chuyển hồ sơ vụ án cho Viện kiểm sát có thẩm quyền giảu quyết đối với việc phát hiện hành vi có dấu hiệu phạm tội ít nghiêm trọng;
– Đối với tội phạm nghiêm trọng, tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng hoặc tội phạm ít nghiêm trọng nhưng phức tạp các cơ quan ra quyết định khởi tố vụ án hình sự, tiến hành điều tra ban đầu và trong thời hạn 07 ngày kể từ ngày ra quyết định khởi tố vụ án hình sự phải chuyển hồ sơ vụ án cho Cơ quan điều tra có thẩm quyền.
2.3. Thẩm quyền của Viện kiểm sát:
Theo quy định tại khoản 3 Điều 153 Bộ luật tố tụng hình sự 2015 thì viện kiểm sát có thẩm quyền ra quyết định khởi tố vụ án hình sự trong những trường hợp cụ thể sau:
– Quyết định không khởi tố vụ án hình sự của cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra đã bị Viện kiểm sát ra quyết định hủy bỏ.
– Các vụ án do viện kiểm sát trực tiếp giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố.
– Viện kiểm sát ra quyết định khởi tố vụ án hình sự đối với các trường hợp viện kiếm sát trực tiếp phát hiện dấu hiệu tội phạm hoặc theo yêu cầu khởi tố của Hội đồng xét xử.
Như vậy thẩm quyền ra quyết định khởi tố vụ án hình sự thuộc về Viện trưởng, Phó viện trưởng Viện kiểm sát các cấp.
2.4. Thẩm quyền của Hội đồng xét xử:
Theo quy định tại khoản 4 Điều 153 Bộ luật tố tụng hình sự 2015 thì trong quá trình xét xử vụ án hình sự tại phiên tòa mà phát hiện có việc bỏ lọt tội phạm thì Hội đồng xét xử có quyền ra quyết định khởi tố vụ án hình sự hoặc yêu cầu Viện kiểm sát khời tố vụ án hình sự.
3. Căn cứ khởi tố vụ án hình sự:
Tại Điều 143 Bộ luật tố tụng hình sự 2015 quy định về căn cứ khởi tố vụ án hình sự thì chỉ được khởi tố vụ án hình sự khi đã xác định được dấu hiệu tội phạm.Để xác định dấu hiệu tội phạm được dựa trên những căn cứ sau:
– Căn cứ vào lời tố giác của cá nhân.
– Căn cứ vào tin báo của cơ quan, tổ chức, cá nhân.
– Căn cứ vào tin báo trên thông tin phương tiện đại chúng.
– Căn cứ vào kiến nghị khởi tố của cơ quan nhà nước.
– Căn cứ vào việc cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng trực tiếp phát hiện dấu hiệu tội phạm.
– Căn cứ vào việc người phạm tội tự thú.
4. Căn cứ không khởi tố vụ án hình sự:
Theo quy định tại Điều 157 Bộ luật tố tụng hình sự 2015 thì khi có một trong các căn cứ sau thì không được khởi tố vụ án hình sự:
– Không có sự việc phạm tội có thể là thông tin về tội phạm là không chính xác, hoàn toàn không có sự việc xảy ra như thông tin mà các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng tiếp nhận hoặc có sự việc xảy ra như nhưng sự việc đó không có dấu hiệu của tội phạm.
– Hành vi không cấu thành tội phạm đây là hành vi của người hoặc pháp nhân nào đó không thỏa mãn các dấu hiệu của một cấu thành tội phạm cụ thể được quy định trong bộ luật hình sự.
– Người có hành vi gây nguy hiểm cho xã hội chưa đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự theo quy định của bộ luật hình sự.
– Hành vi phạm tội của người phạm tội đã có bản án hoặc có quyết định đình chỉ vụ án đã có hiệu lực pháp luật.
– Thời hạn truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người phạm tội đã hết.
– Người phạm tội đã được đại xá.
– Người phạm tội đã chết, trừ trường hợp cần tái thẩm đối với người khác.
– Bị hại hoặc người đại diện của bị hại không có yêu cầu khởi tố vụ án hình sự đối với các tội phạm được quy định tại khoản 1 các Điều 134, 135, 136, 138, 139, 141, 143, 155 và 156 Bộ luật hình sự.
THAM KHẢO THÊM: