Vân Canh là một huyện miền núi, nằm ở phía tây nam của tỉnh Bình Định, cách thành phố Quy Nhơn khoảng 30 km, dựa lưng vào những khối đá núi kết tinh đồ sộ của cao nguyên Gia Lai – KonTum. Sau đây là bản đồ, các xã phường huyện Vân Canh, Bình Định, mời các bạn cùng theo dõi!
Mục lục bài viết
1. Bản đồ hành chính huyện Vân Canh (Bình Định):
2. Các xã phường thuộc huyện Vân Canh (Bình Định ):
Huyện Vân Canh có 7 đơn vị hành chính cấp phường, xã, bao gồm 1 thị trấn và 6 xã.
STT | Danh sách xã, phường huyện Vân Canh ( Bình Định ) |
1 | Canh Hiển |
2 | Canh Hiệp |
3 | Canh Hòa |
4 | Canh Liên |
5 | Canh Thuận |
6 | Canh Vinh |
7 | Thị trấn Vân Canh |
3. Giới thiệu huyện Vân Canh (Bình Định):
Vị trí địa lý
Huyện Vân Canh nằm ở phía Nam của tỉnh Bình Định, có vị trí địa lý:
- Phía Đông giáp thành phố Quy Nhơn và thị xã Sông Cầu, tỉnh Phú Yên
- Phía Tây giáp huyện Kông Chro, tỉnh Gia Lai
- Phía Nam giáp huyện Đồng Xuân, tỉnh Phú Yên
- Phía Bắc giáp huyện Tây Sơn, huyện Tuy Phước và thị xã An Nhơn.
Diện tích, dân tộc
Diện tích đất tự nhiên 798 km², dân số 27.875 người (đến 01.04. 2019), mật độ dân số thấp chỉ có hơn 36 người/km².
Có 3 dân tộc cùng chung sống là dân tộc Kinh, dân tộc Chăm và dân tộc Ba Na; trong đó dân tộc Chăm tập trung chủ yếu ở xã Canh Hòa, dân tộc Bana tập trung ở các xã Canh Liên, Canh Thuận, Canh Hiệp với dân số chiếm trên 40% so tổng dân số. Người Chăm (Chăm Hroi) ở Vân Canh có quan hệ mật thiết và có quá trình phát triển vừa chung vừa riêng rất đáng được chú ý trong cộng đồng người Chăm trong cả nước. Người Chăm ở Vân Canh sống xen cư với người Bana và người Kinh; họ có khá nhiều tên gọi khác nhau như Chăm Hroi, Hroi, Aroi, Chăm Đắc Rây, Chăm Hơđang, Chăm Đèo…Có thể gốc gác người Chăm ở Vân Canh vốn là người Chàm cổ. Những người Chàm cổ này sau sự kiện thất bại của Vương quốc Chiêm Thành ở thành Đồ Bàn đã chạy dạt lên đây rồi tụ cư lại. Trong quá trình sinh sống do tách biệt cộng đồng ban đầu, do ảnh hưởng của người Bana sống trước đó nên trong văn hoá của bộ phận Chăm miền núi này dần xuất hiện những yếu tố văn hoá mới. Cũng có thể người Chăm này vốn là nhóm người địa phương của người Chàm cổ có mặt ở Vân Canh trước đó. Trong quá trình phát triển đã mang yếu tố văn hoá của nguồn cội, đồng thời mang yếu tố văn hoá khác do môi trường sống tạo nên.
Vân Canh cách không xa Quốc lộ 1A, gần ga Diêu Trì. Từ Vân Canh xuống Cảng Quy Nhơn, hoặc ngược lên đường 19, đến vùng đất Tây Nguyên đều rất thuận tiện. Đặc biệt, từ thị trấn Diêu Trì (huyện Tuy Phước) lên Vân Canh có thể đi thẳng tới tỉnh Phú Yên. Hàng hóa từ Vân Canh ra Bắc, vào Nam, hay ngược lên Tây Nguyên đều thuận lợi và ngược lại.
Sông ngòi
Sông Hà Thanh dài 48km, cùng với các ngọn núi: hòn Ông, hòn Bà, hòn Chuông, hòn Nắm… và các con suối nhỏ chảy quanh co, vừa tạo cho Vân Canh cảnh quan đẹp, có nét hùng vĩ và thơ mộng riêng; đồng thời, cũng chia khu vực này thành ba thung lũng nhỏ: nằm giữa có sông Hà Thanh là vùng đất cày trong tâm niệm của đồng bào Chăm H’roi; phía đông có suối Đá Lót, Đá Lộc xã Canh Giao nhiều dầu rái; phía tây là vùng An Tượng với sông An Trường, suối Khe Cành, suối Lao… Các làng canh tác dọc theo các thung lũng với các vùng: vùng ruộng nước ở An Tượng, đất rừng nà thổ ở vùng đất cày và vùng rừng dầu rái ở vùng Canh Giao.
Phần lớn các xã của huyện Vân Canh nằm trên tuyến đường Diêu Trì – Mục Thịnh mới được nâng cấp nên giao thông khá thuận lợi; trong những năm gần đây phong trào bê tông hóa giao thông nông thôn phát triển nên đường sá có phần được cải thiện đáng kể, trừ địa bàn xã Canh Liên giao thông còn khó khăn. Ngoài ra trên địa bàn huyện còn có đường sắt Việt Nam đi qua với ga Vân Canh.
Đời sống nhân dân còn khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo cao. Đất đai bị bạc màu và thiếu nước tưới nên chủ yếu sản xuất lúa nước 1 vụ và màu. Trong những năm gần đây, cây mía phát triển khá, là vùng nguyên liệu mía của Nhà máy đường Bình Định, nên đời sống nhân dân được cải thiện một bước. Khu vực Canh Liên có đồng cỏ rộng, khả năng phát triển bò đàn. Ở đây còn là khu vực có diện tích rừng tự nhiên còn khá và đang phát triển rừng trồng.
Huyện Vân Canh được tái lập ngày 24 tháng 8 năm 1981 do tách ra từ huyện Phước Vân cũ thuộc tỉnh Nghĩa Bình, ban đầu gồm 4 xã: Canh Hiệp, Canh Hòa, Canh Liên và Canh Thuận.
Ngày 23 tháng 9 năm 1981, chuyển 2 xã Canh Hiển và Canh Vinh (tách ra từ xã Phước Thành) thuộc huyện Tuy Phước về huyện Vân Canh quản lý.
Năm 1989, huyện Vân Canh thuộc tỉnh Bình Định vừa được tái lập.
Ngày 19 tháng 4 năm 2002, thành lập thị trấn Vân Canh (thị trấn huyện lỵ huyện Vân Canh) trên cơ sở:
- 1.396,61 ha diện tích tự nhiên và 2.861 nhân khẩu của xã Canh Thuận
- 599,26 ha diện tích tự nhiên và 2.334 nhân khẩu của xã Canh Hiệp.
Huyện Vân Canh có 1 thị trấn và 6 xã như hiện nay.
Định hướng phát triển
Từ nay đến năm 2025, huyện tập trung khai thác hiệu quả những tiềm năng, lợi thế về tài nguyên thiên nhiên, tài nguyên du lịch; trong đó chú trọng các loại hình du lịch sinh thái kết hợp với du lịch tìm hiểu văn hóa, lịch sử và du lịch cộng đồng… tạo động lực thúc đẩy sự phát triển của các ngành, lĩnh vực tại địa phương, góp phần giải quyết việc làm, nâng cao đời sống người dân và thực hiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế của huyện.
Huyện Vân Canh sẽ đầu tư, phát triển làng dệt thổ cẩm Hà Văn Trên (xã Canh Thuận), kết hợp phát triển mô hình du lịch cộng đồng phục vụ nhu cầu khách du lịch tìm hiểu đời sống văn hóa, phong tục, tập quán sản xuất và các món ăn truyền thống của người dân địa phương. Xây dựng Trung tâm văn hóa cộng đồng của huyện theo hướng kết hợp phục vụ khách du lịch, bao gồm: Nhà truyền thống; điểm biểu diễn, sinh hoạt văn hóa dân tộc; nhà trưng bày các sản phẩm thủ công truyền thống, công cụ trong lao động sản xuất, sinh hoạt hằng ngày, nhạc cụ truyền thống… phục vụ nhu cầu tham quan, mua sắm của du khách. Cùng với đó huyện cũng sẽ cho xây dựng một số công trình hỗ trợ phát triển du lịch như: Khu vui chơi giải trí, khu mua sắm, trạm dừng chân, bãi đậu xe, nhà vệ sinh… đáp ứng nhu cầu tham quan, nghỉ ngơi và mua sắm của khách du lịch.
Liên kết phát triển các tuyến du lịch nội tỉnh: Quy Nhơn – Vân Canh – Canh Liên, hình thành các sản phẩm du lịch gắn liền với phát triển các nghề truyền thống, đặc biệt là nghề dệt thổ cẩm, giới thiệu các món ăn đặc trưng độc đáo của đồng bào Chăm H’roi, Bana, tạo việc làm tại chỗ cho lao động địa phương… là những vấn đề mà huyện Vân Canh đang tính đến. Bên cạnh đó, huyện còn có kế hoạch xây dựng mô hình du lịch cộng đồng tại xã Canh Thuận (làng Hà Văn Trên), Canh Liên (8 làng của xã) và khu phố Đắk Đưm ở thị trấn Vân Canh.
Huyện Vân Canh phấn đấu đến năm 2025 thu hút khoảng 10.000 lượt khách du lịch, tổng doanh thu ước đạt 5 tỷ đồng; có khoảng 3 – 5 cơ sở lưu trú, 1 – 2 homestay đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch với khoảng 30 phòng nghỉ; hình thành ít nhất 3 điểm du lịch sinh thái tại địa phương.
THAM KHẢO THÊM: