Trong thương mại quốc tế, các biện pháp chống bán phá giá, chống trợ cấp và biện pháp tự vệ được coi là những trụ cột chính của toàn bộ hệ thống biện pháp phòng vệ thương mại. Vậy theo quy định của pháp luật thì điều kiện áp dụng biện pháp chống bán phá giá ở Việt Nam hiện nay được thực hiện như thế nào?
Mục lục bài viết
- 1 1. Điều kiện áp dụng biện pháp chống bán phá giá ở Việt Nam:
- 2 2. Xác định thiệt hại đáng kể hoặc đe dọa gây ra thiệt hại đáng kể đối với ngành sản xuất trong nước như thế nào?
- 3 3. Xác định mối quan hệ nhân quả giữa hàng hóa bị bán phá giá nhập khẩu vào Việt Nam với thiệt hại của ngành sản xuất trong nước như thế nào?
1. Điều kiện áp dụng biện pháp chống bán phá giá ở Việt Nam:
Trước hết, bán phá giá được xem là một khái niệm quen thuộc trong quan hệ thương mại tế, bán phá giá có thể được hiểu đơn giản là việc bán các sản phẩm ra nước ngoài với giá thấp hơn so với giá thông thường của nó, mà trong hầu hết các trường hợp là giá tại thị trường nội địa của các nhà xuất khẩu. Theo đó, hoạt động chống bán phá giá là một trong những hoạt động phòng vệ thương mại được cơ quan nhà nước có thẩm quyền áp dụng nhằm đối phó trực tiếp với những ảnh hưởng xấu của các sản phẩm được bán phá giá trong thị trường. Một biện pháp thường được áp dụng phổ biến nhất chính là hoạt động đánh thuế, từ đó nhằm mục đích phá bỏ lợi thế về giá “không công bằng” của những sản phẩm này.
Trong đó, căn cứ theo quy định tại khoản 1 Điều 77 Luật Quản lý ngoại thương năm 2017 có quy định, biện pháp chống bán phá giá là khái niệm để chỉ biện pháp được áp dụng trong trường hợp hàng hóa được xác định bị bán phá giá khi thực hiện thủ tục nhập khẩu vào lãnh thổ của Việt Nam, từ đó gây ra thiệt hại đáng kể hoặc đe dọa gây thiệt hại đáng kể cho ngành sản xuất trong nước hoặc có khả năng ngăn cản sự hình thành của ngành sản xuất trong nước.
Như vậy, biện pháp chống bán phá giá được áp dụng đối với các loại hàng hóa nhập khẩu khi đáp ứng được đầy đủ các điều kiện căn cứ theo quy định tại Điều 78 của Luật quản lý ngoại thương năm 2017. Cụ thể bao gồm các điều kiện như sau:
Thứ nhất, các loại hàng hóa thực hiện thủ tục nhập khẩu vào lãnh thổ của Việt Nam bị bán phá giá với biên độ bán phá giá được xác định cụ thể, ngoại trừ trường hợp được quy định cụ thể tại khoản 2 Điều 78 của Luật Quản lý ngoại thương năm 2017.
Thứ hai, ngành sản xuất trong nước bị thiệt hại đáng kể hoặc ngành sản xuất trong nước bị đe dọa gây ra thiệt hại đáng kể hoặc ngăn cản sự hình thành của ngành sản xuất trong nước.
Thứ ba, tồn tại mối quan hệ nhân quả giữa hoạt động nhập khẩu hàng hóa bị bán phá giá với thiệt hại của ngành sản xuất trong nước.
Ngoài ra, căn cứ theo quy định tại khoản 2 Điều 78 của Luật Quản lý ngoại thương năm 2017 có quy định thêm, tuyệt đối không áp dụng biện pháp chống bán phá giá đối với các loại hàng hóa nhập khẩu có biên độ bán phá giá không vượt quá 2% so với giá xuất khẩu hàng hóa vào lãnh thổ của Việt Nam.
2. Xác định thiệt hại đáng kể hoặc đe dọa gây ra thiệt hại đáng kể đối với ngành sản xuất trong nước như thế nào?
Xác định thiệt hại đáng kể hoặc đe dọa gây ra thiệt hại đáng kể đối với ngành sản xuất trong nước là một trong những điều kiện bắt buộc để áp dụng biện pháp chống bán phá giá trên lãnh thổ của Việt Nam. Pháp luật hiện nay đã có nghị định hướng dẫn cụ thể về vấn đề này. Theo đó, căn cứ theo quy định tại Điều 23 của Nghị định 10/2018/NĐ-CP, có quy định về vấn đề xác định thiệt hại đáng kể của ngành sản xuất trong nước dựa trên cơ sở xem xét các yếu tố như sau:
-
Sự gia tăng tuyệt đối hoặc sự gia tăng tương đối của cuối lượng hàng hóa, số lượng hàng hóa bị bán phá giá, được trợ cấp nhập khẩu vào lãnh thổ của Việt Nam so với khối lượng hàng hóa, số lượng hàng hóa tương tự sản xuất trong nước hoặc hàng hóa tiêu dùng trong nước;
-
Tác động ép giá, tác động kìm hãm giá của các loại hàng hóa bị điều tra nhập khẩu vào lãnh thổ của Việt Nam đối với giá bán của hàng hóa tương tự sản xuất trong nước;
-
Tác động của các loại hàng hóa bị bán phá giá trên thực tế, được trợ cấp đối với tình trạng hoạt động sản xuất kinh doanh của ngành sản xuất trong nước, trong đó bao gồm mức độ suy giảm thực tế, suy giảm tiềm ẩn của doanh thu hàng hóa, khối lượng hàng hóa phải lợi nhuận của hàng hóa, sản lượng hàng hóa, thị phần, công suất, công năng, khả năng đầu tư; các yếu tố ảnh hưởng đến giá bán trong nước; độ lớn của biên độ bán phá giá trên thực tế, của mức trợ cấp các loại hàng hóa; và ảnh hưởng bất lợi thực tế cùng với tiềm ẩn dòng tiền, khả năng tồn kho, lao động, tiền lương và khả năng huy động vốn;
-
Một số yếu tố tác động khác.
Bên cạnh đó, căn cứ theo quy định tại Điều 24 của Nghị định 10/2018/NĐ-CP, xác định đe dọa thiệt hại đáng kể của ngành sản xuất trong nước được dựa trên cơ sở xem xét những yếu tố sau đây:
-
Sự gia tăng tuyệt đối của khối lượng hoặc tương đối của khối lượng, số lượng hàng hóa bị bán phá giá nhập khẩu vào lãnh thổ của Việt Nam so với khối lượng hàng hóa, số lượng hàng hóa tương tự sản xuất trong nước hoặc so với mức độ tiêu dùng trong nước;
-
Năng lực sản xuất của các nhà sản xuất, xuất khẩu nước ngoài đủ lớn hoặc có thể gia tăng đáng kể trong tương lai gần, từ đó dẫn đến khả năng gia tăng đáng kể của khối lượng hàng hóa, số lượng hàng hóa bị điều tra nhập khẩu vào lãnh thổ của Việt Nam;
-
Số liệu tồn kho của các loại hàng hóa bị điều tra trên thực tế;
-
Hàng hóa bị bán phá giá nhập khẩu vào lãnh thổ của Việt Nam làm giảm đáng kể hoặc kim giá ở mức đáng kể, hoặc có khả năng ngăn cản không cho tăng đáng kể giá bán của hàng hóa tương tự sản xuất trong nước, từ đó dẫn đến khả năng gia tăng nhu cầu đối với các loại hàng hóa nhập khẩu;
-
Một số yếu tố cơ bản khác.
Ngoài ra, căn cứ theo quy định tại Điều 25 của Nghị định 10/2018/NĐ-CP, có quy định về vấn đề xác định ngăn cản đáng kể sự hình thành của ngành sản xuất trong nước dựa trên cơ sở xem xét những yếu tố cơ bản như sau:
-
Mức độ tồn kho, nhân công và tiền lương;
-
Kế hoạch của ngành sản xuất trong nước;
-
Công suất, sản lượng sản xuất, khối lượng hàng hóa, số lượng bán hàng trong nước;
-
Thị phần, lợi nhuận, doanh thu, giá bán hàng hóa tương tự trong nước;
-
Tình hình sản xuất hàng hóa tương tự, tình hình sản xuất hàng hóa bị điều tra;
-
Một số yếu tố khác mà cơ quan điều tra xác định là phù hợp.
3. Xác định mối quan hệ nhân quả giữa hàng hóa bị bán phá giá nhập khẩu vào Việt Nam với thiệt hại của ngành sản xuất trong nước như thế nào?
Căn cứ theo quy định tại Điều 27 của Nghị định 10/2018/NĐ-CP, thì khi thực hiện hoạt động xác định mối quan hệ nhân quả giữa việc bán phá giá hàng hóa nhập khẩu vào lãnh thổ của Việt Nam so với thiệt hại đáng kể hoặc đe dọa gây thiệt hại đáng kể cho ngành sản xuất trong nước hoặc có khả năng ngăn cản đáng kể sự hình thành của một ngành sản xuất trong nước, cần xem xét đến những yếu tố cơ bản như sau:
(1) Việc bán phá giá hàng hóa, trợ cấp hàng hóa nhập khẩu vào lãnh thổ của Việt Nam được xác định là nguyên nhân trực tiếp, chủ yếu và gây ra thiệt hại đáng kể hoặc đe dọa gây ra thiệt hại đáng kể cho ngành sản xuất trong nước vật có khả năng ngăn cản đáng kể sự hình thành của một số ngành sản xuất trong nước.
(2) Các yếu tố khác ngoài việc bán phá giá hàng hóa, trợ cấp hàng hóa nhập khẩu vào lãnh thổ của Việt Nam gây ra thiệt hại hoặc đe dọa gây ra thiệt hại đáng kể hoặc có khả năng ngăn cản đáng kể sự hình thành một số ngành sản xuất trong nước sẽ không được xem xét vào ảnh hưởng do hàng hóa bị bán phá giá, được trợ cấp gây ra, trong đó bao gồm:
-
Khối lượng hàng hóa, số lượng của hàng hóa tương tự nhập khẩu vào lãnh thổ của Việt Nam không bị bán phá giá hoặc không được trợ cấp;
-
Mức độ suy giảm của nhu cầu tiêu dùng hoặc có sự thay đổi về hình thức tiêu dùng đối với một số loại hàng hóa tương tự sản xuất trong nước;
-
Sự phát triển của khoa học công nghệ;
-
Chính sách hạn chế thương mại của cơ quan có thẩm quyền;
-
Khả năng xuất khẩu, năng suất của một số ngành sản xuất trong nước;
-
Một số yếu tố khác mà cơ quan điều tra nhận thấy phù hợp chống bán phá giá.
THAM KHẢO THÊM: