Trò chơi dân gian "Bịt mắt bắt dê" là một trong những trò chơi quen thuộc gắn liền với tuổi thơ của nhiều thế hệ trẻ em Việt Nam. Trò chơi này không chỉ phổ biến ở Việt Nam mà còn xuất hiện trong các nền văn hóa khác nhau. Dưới đây là hướng dẫn chi tiết cách chơi trò bịt mắt bắt dê. Chúc các bé có những phút giây vui vẻ khi tham gia trò chơi này!
Mục lục bài viết
1. Hướng dẫn cách chơi trò chơi dân gian bịt mắt bắt dê cho trẻ:
Trò chơi dân gian “Bịt mắt bắt dê” là một hoạt động vui nhộn, giúp trẻ phát triển sự linh hoạt, nhanh nhẹn và tạo không khí sôi động.
Chuẩn bị:
-
Số lượng người chơi: Từ 5 trẻ trở lên (càng đông càng vui).
-
Dụng cụ cần thiết: Một chiếc khăn hoặc mảnh vải để bịt mắt.
-
Địa điểm: Không gian rộng rãi, bằng phẳng và an toàn như sân chơi, sân trường hoặc phòng rộng.
Luật chơi:
-
Một người chơi sẽ được bịt mắt bằng khăn để trở thành người “bắt dê”.
-
Những người còn lại sẽ đóng vai “dê” và di chuyển xung quanh người bị bịt mắt.
-
Người bị bịt mắt sẽ phải tìm và bắt một người chơi khác (dê).
-
Khi bắt được, người bịt mắt phải đoán đúng tên của người bị bắt. Nếu đoán đúng, người bị bắt sẽ thay thế làm người bị bịt mắt trong lượt chơi tiếp theo.
Cách chơi chi tiết:
* Bước 1: Chọn người bịt mắt
-
Thông qua cách oẳn tù tì hoặc xung phong để chọn ra một người làm “người bịt mắt”.
-
Người này sẽ được bịt kín mắt bằng khăn, đảm bảo không thể nhìn thấy xung quanh.
* Bước 2: Những người chơi còn lại di chuyển xung quanh
Những người chơi khác đóng vai “dê” và di chuyển nhẹ nhàng, chạy quanh người bịt mắt.
Để tăng thêm sự vui nhộn, các “dê” có thể vỗ tay, tạo tiếng động hoặc gọi to để người bịt mắt nghe thấy và di chuyển theo hướng đó.
* Bước 3: Người bịt mắt tìm và bắt dê
Người bịt mắt sẽ phải lắng nghe âm thanh và cảm nhận xung quanh để tiến đến và bắt dê.
Khi bắt được một người, người bịt mắt phải đoán tên của người chơi đó dựa vào cảm giác hoặc giọng nói.
* Bước 4: Kết quả và đổi vai
-
Nếu đoán đúng, người bị bắt sẽ thay thế làm người bịt mắt trong lượt chơi tiếp theo.
-
Nếu đoán sai, trò chơi tiếp tục với cùng người bịt mắt.
Lưu ý khi chơi:
-
Đảm bảo không gian chơi an toàn, tránh các vật cản có thể gây vấp ngã.
-
Người bịt mắt cần được bịt kỹ nhưng không quá chặt để đảm bảo thoải mái.
-
Khuyến khích các bạn chơi trung thực, không chạy quá xa hoặc cố ý trêu chọc người bịt mắt quá mức.
Lợi ích của trò chơi:
-
Rèn luyện khả năng phản xạ và phán đoán cho trẻ.
-
Tăng cường thể chất và sự linh hoạt thông qua hoạt động chạy nhảy.
-
Giúp trẻ vui chơi lành mạnh và phát triển kỹ năng giao tiếp, tinh thần đoàn kết.
2. Tìm hiểu khái quát về trò chơi “Bịt mắt bắt dê”:
2.1. Nguồn gốc:
Trò chơi “Bịt mắt bắt dê” bắt nguồn từ các làng quê Việt Nam, nơi người dân chủ yếu làm nông nghiệp và chăn nuôi. Trong đó, hình ảnh con dê gần gũi và quen thuộc vì nó là loài vật thường được nuôi trong các gia đình.
Trò chơi ra đời từ nhu cầu giải trí của trẻ em và người dân trong các dịp hội làng, lễ Tết hoặc lúc nông nhàn. Những không gian như sân đình, sân nhà, bãi đất trống trở thành địa điểm lý tưởng để tổ chức các trò chơi dân gian như “Bịt mắt bắt dê”.
Sau đó, “Bịt mắt bắt dê” được truyền miệng từ thế hệ này sang thế hệ khác, trở thành nét văn hóa đặc trưng của vùng quê Việt Nam. Mỗi vùng miền có thể sẽ có một số biến thể nhỏ về cách chơi, nhưng vẫn giữ nguyên tinh thần của trò chơi.
2.2. Ý nghĩa:
Giá trị văn hóa truyền thống: Trò chơi không chỉ mang tính giải trí mà còn thể hiện đời sống văn hóa phong phú của người dân Việt Nam, nơi con người hòa mình vào thiên nhiên và cuộc sống bình dị.
Gắn kết cộng đồng: Trò chơi thường được tổ chức trong các dịp lễ hội, tạo cơ hội để mọi người giao lưu, gắn kết tình làng nghĩa xóm. Trẻ em học cách vui chơi lành mạnh, đoàn kết và tinh thần tập thể.
2.3. Sự phổ biến trong văn hóa dân gian của trò chơi:
Ngoài Việt Nam, các trò chơi tương tự “Bịt mắt bắt dê” cũng được tìm thấy trong các nền văn hóa khác:
-
Ở Trung Quốc: Có trò chơi “Bịt mắt bắt người” (蒙眼捉人).
-
Ở châu Âu: Có Trò chơi “Blind Man’s Buff” cũng có cách chơi tương tự.
Điều này cho thấy trò chơi bịt mắt có tính phổ biến rộng rãi, nhưng khi du nhập vào mỗi nền văn hóa, nó lại mang những nét đặc trưng riêng. Ở Việt Nam, hình tượng con dê được đưa vào trò chơi để gần gũi với đời sống nông thôn.
3. Các trò chơi dân gian phổ biến dành cho trẻ em:
3.1. Rồng rắn lên mây:
Trò chơi rồng rắn lên mây càng đông người tham gia sẽ càng sôi động và vui hơn.
Một bạn sẽ đóng vai thầy thuốc, các bạn còn lại xếp thành một hàng dọc đứng nối với nhau và đối diện người thầy thuốc.
Rồng rắn lên mây đi lượn vòng vèo trước mặt thầy thuốc vừa đi vừa hát bài đồng dao rồng rắn lên mây:
“Rồng rắn lên mây
Có cây lúc lắc
Có nhà hiển vinh
Hỏi thăm thầy thuốc
Có nhà hay không ?”
Đến câu cuối dừng trước mặt thầy thuốc và hỏi “Có thầy thuốc ở nhà không?”
Thầy thuốc: Thầy không có nhà, thầy đang ngủ, đang đi chơi, đi xem phim.
Rắn: Lại đi tiếp và đọc lời đồng dao.
Thầy thuốc: Thầy thuốc đang đánh răng.
Rắn: Lại đi tiếp và đọc lời ca
Thầy thuốc: Có nhà. Mẹ con con rắn đi đâu?
Rắn: Mẹ con rồng rắn đi xin thuốc.
Thầy thuốc: Xin khúc đầu.
Rắn: Cùng xương cùng xẩu.
Thầy thuốc: Xin khúc giữa.
Rắn: Cùng máu cùng mẹ.
Thầy thuốc : Xin khúc đuôi.
Rắn: Tha hồ mà đuổi.
Nghe rồng rắn trả lời tha hồ mà đuổi, thầy thuốc đứng dậy đuổi cho bằng được khúc đuôi (tức là người đứng cuối cùng trong hàng). Rồng rắn chạy, người đứng đầu cố cản thầy thuốc không cho thầy thuốc chạm vào đuôi của mình.
Các bạn cùng chạy nhảy, reo hò cho đến khi nào thầy thuốc chạm được vào đuôi của mình thì trò chơi kết thúc và bắt đầu lại từ đầu.
3.2. Kéo co:
Để tham gia trò chơi kéo co, người chơi cần có thể lực tốt, sự dẻo dai và kiên trì. Trò chơi kéo co thường chơi theo đội, mỗi đội từ 5 – 7 người tham gia. Kéo co là trò chơi vận động nên thường được tổ chức ở nơi rộng rãi, bằng phẳng và sạch sẽ.
Trước khi vào cuộc chơi, cần chuẩn bị một số dụng cụ như sau: Một đoạn dây đay, dây thừng dài và mềm. Tùy theo điều kiện và tập tục từng nơi sẽ chuẩn bị dụng cụ khác nhau, có nơi sử dụng cây tre nhỏ, dài và thẳng, có nơi không cần dụng cụ mà hai đội chơi kéo trực tiếp bằng tay không.
Kẻ một vạch để làm ranh giới giữa hai đội chơi và ở giữa đoạn dây cũng buộc 1 mảnh vải màu để đánh dấu làm mốc phân thắng thua giữa hai đội.
Chia số người chơi thành hai đội bằng số lượng và cân sức nhau. Đứng đối mặt ở hai bên vạch theo hàng dọc. Người chơi trong đội nên đứng so le nhau, chân trước và chân sau trụ vững, tay cầm vào dây. Thông thường người có sức khỏe tốt nhất sẽ đứng đầu hàng.
Trọng tài sẽ là người đứng giữa vạch để ra hiệu lệnh và quan sát hai đội chơi. Trong các cuộc thi chuyên nghiệp, ở mỗi đội sẽ có huấn luyện viên quan sát để hướng dẫn và bắt nhịp cho đội của mình.
Trọng tài đứng ở giữa vạch xuất phát, cầm cờ và hô to 1…2…3 bắt đầu thì hai đội chơi bắt đầu kéo.
Cách chơi:
-
Hai đội dùng hết sức kéo dây về phía đội mình. Đội nào kéo được điểm mốc đánh dấu trên dây về phía mình thì đó là đội chiến thắng.
-
Trò chơi kéo co thường diễn ra từ 5 – 10 phút và hai đội phải thi đấu 3 lượt để phân thắng bại. Đội nào có hai lượt thắng sẽ là đội dành chiến thắng. Trong trường hợp tỉ số hòa nhau bại thì kết thúc 3 hiệp đấu hai đội sẽ nghỉ giải lao sau đó thi đấu 1 hiệp cuối cùng tìm ra đội chiến thắng.
-
Đội chơi nào kéo dây trước khi có hiệu lệnh của trọng tài là phạm luật và phải kéo lại từ đầu, nếu vi phạm hai lần sẽ tính là thua luôn trận đó
-
Đội nào có người chơi ngã hoặc tuột tay ra khỏi dây cũng bị tính là thua cuộc.
3.3. Chơi chuyền:
Chơi chuyền (nhiều vùng gọi là chơi chắt) cần người chơi phải khéo léo, nhanh nhẹn khi chuyền bóng và lượm que. Chơi chuyền là trò chơi tương đối đơn giản, chỉ cần một khoảng nhỏ, đủ chỗ cho từ 2 đến 5 bạn cùng chơi.
Đầu tiên, chuẩn bị một đồ vật hình tròn (quả cà, quả bưởi non, quả bóng nhỏ,….) và 10 que nhỏ được vót nhẵn, bằng nhau, độ dài như đôi đũa.
Người chơi cùng oẳn tù tì xem ai là người thắng cuộc sẽ được chơi trước. Người chơi cầm quả bằng tay phải, tung lên không trung và nhặt que theo thứ tự từ bàn 1 đến bàn 10. Trong quá trình chơi, vừa kết hợp tung quả chuyền lên, nhặt que, đón quả truyền, vừa hát những câu thơ phù hợp với từng bàn, từng chặng.
Chặng 1: 10 bàn
Bàn 1: Cái mốt, Cái mai, Con trai, cái hến, con nhện, vương tơ, quả mơ, quả mít, chuột chít, lên bàn đôi.
Bàn 2: Đôi tôi, đôi chị, đôi cành thị, đôi cành na, đôi lên ba
Bàn 3: Ba đi ra, ba đi vào, ba cành đào, một lên tư
Bàn 4: Tư ông sư, tư bà vãi, hai lên năm.
Bàn 5: Năm con tằm, năm lên sáu
Bàn 6: Sáu của ấu, Bốn lên bảy
Bàn 7: Bảy lá đa, ba lên tám
Bàn 8: Tám quả trám, hai lên chín
Bàn 9: Chín cái cột, một lên mười
Bàn 10: Ngả năm mươi, mười quả đấm, chấm tay vỏ, bỏ tay chuyền
Chặng 2: Chuyền thẻ, gồm 5 bàn
Bàn 1: Chuyền chuyền một, một đôi
Bàn 2: Chuyền chuyền khoai, hai đôi
Bàn 3: Chuyền chuyền cà, ba đôi
Bàn 4: Chuyền chuyền từ, tư đôi
Bàn 5: Chuyền chuyền tằm, năm đôi, Sang bàn chống
Chặng 3: Chống, gồm 5 bàn
Bàn 1: Chống cột, một đôi
Bàn 2: Chống khoai, hai đôi
Bàn 3: Chống cà, ba đôi
Bàn 4: Chống từ, tư đôi
Bàn 5: Chống tằm, năm đôi
Chặng 4: Quét, gồm 5 bàn
Đọc giống chặng 3, thay chữ chống bằng chữ quét.
Chặng 5: Đập, gồm 5 bàn
Đọc giống chặng 3 thay chữ quét bằng chữ đập.
Chặng 6: Chải
Đọc giống chặng 3 thay chữ quét bằng chữ chải.
Nếu không nhanh tay tinh mắt để có thể bắt được cả bóng và que cùng một lúc sẽ bị mất lượt, lượt chơi sẽ bị chuyển sang người bên cạnh.
3.6. Đá cầu:
Đá cầu là một hoạt động phổ biến của trẻ em Việt Nam, thường được chơi ở sân trường, sân nhà hoặc các khu vực ngoài trời. Đây là trò chơi giúp trẻ rèn luyện sức khỏe, sự khéo léo và khả năng phối hợp trong vận động.
Chuẩn bị:
-
Dụng cụ: Một quả cầu được làm bằng đế cao su hoặc nút chai và gắn lông vũ ở phía trên.
-
Số lượng người chơi: Từ 2 người trở lên. Có thể chơi cá nhân (đá cầu đơn) hoặc theo nhóm (đá cầu vòng tròn).
-
Địa điểm: Không gian rộng rãi, bằng phẳng như sân chơi, sân trường hoặc công viên.
Luật chơi:
-
Người chơi dùng bàn chân, mu bàn chân, gót chân hoặc đầu gối để tâng cầu.
-
Không được dùng tay hoặc các bộ phận khác ngoài chân để chạm vào cầu.
-
Mục tiêu là giữ cho cầu không rơi xuống đất và tâng cầu càng nhiều lần càng tốt.
Các hình thức chơi:
a. Đá cầu đơn (cá nhân):
-
Mỗi người chơi tự tâng cầu một mình.
-
Mục tiêu: Đếm số lần tâng cầu liên tiếp mà không để rơi xuống đất. Ai tâng được nhiều lần hơn sẽ chiến thắng.
b. Đá cầu theo nhóm (đá cầu vòng tròn):
-
Người chơi đứng thành một vòng tròn và chuyền cầu cho nhau bằng chân.
-
Luật chơi:
+ Không được để cầu rơi xuống đất khi chuyền.
+ Người nhận cầu phải tâng hoặc chuyền cầu tiếp cho người khác.
+ Nếu để cầu rơi xuống đất, người đó sẽ bị loại hoặc tính điểm trừ tùy theo thỏa thuận ban đầu.
+ Mục tiêu: Giữ cho quả cầu không rơi xuống đất càng lâu càng tốt và chuyền cầu khéo léo cho đồng đội.
Lưu ý khi chơi:
-
Chọn không gian chơi an toàn, tránh những khu vực có nhiều chướng ngại vật hoặc đường giao thông.
-
Đảm bảo cầu vừa tầm chơi, không quá nặng hoặc quá nhẹ.
-
Khi chơi theo nhóm, các bạn cần phối hợp nhịp nhàng và tránh va chạm để đảm bảo an toàn.
3.7. Cướp cờ:
Cướp cờ là trò chơi dân gian rất phổ biến ở trẻ em, thường được tổ chức trong các hoạt động tập thể, mang lại cho trẻ những tiếng cười vui vẻ, thư giãn sau giờ học căng thẳng. Khi tham gia trò chơi cướp cờ, trẻ sẽ được luyện khả năng vận động nhanh nhẹn, khéo léo. Ngoài ra, trò chơi còn giúp tạo không khí sôi động và tăng cường thêm tính đoàn kết.
Chuẩn bị trước khi chơi:
-
Người chơi: Số lượng người chơi tham gia chơi thường từ 8 – 10 người. Chia làm 2 đội với số thành viên mỗi đội bằng nhau.
-
Khu vực chơi: Cần phải có 1 khuôn viên rộng, bằng phẳng không có chướng ngại vật (như ở các sân trường, sân nhà văn hóa, ủy ban,…).
Dụng cụ:
-
Một cái khăn bất kì tượng trưng cho cờ
-
Một vòng tròn
-
Vạch xuất phát cũng là đích của 2 đội
Cách chơi:
-
2 đội đứng hàng ngang ở vạch xuất phát của đội mình. Các thành viên lần lượt điểm danh từ 1 đến hết. Mỗi người cần nhớ chính xác số của mình.
-
Khi quản trò gọi tới số nào thì số đó của hai đội nhanh chóng chạy đến vòng và cướp cờ.
-
Khi quản trò gọi số nào về thì số đó phải về.
-
Một lúc quản trò có thể gọi hai ba bốn số.
Luật chơi:
-
Khi đang cắm cờ nếu bị bạn vỗ vào người thì sẽ thua cuộc.
-
Khi lấy được cờ, chạy về vạch xuất phát của đội mình không bị đội bạn vỗ vào người thì thắng cuộc.
-
Khi có nguy cơ bị vỗ vào người thì được phép bỏ cờ xuống đất để tránh bị thua.
-
Trong trường hợp gọi nhiều số lên một lúc thì số nào vỗ số đó, không được vỗ vào số khác (số 1 đội bạn cướp được cờ thì số 1 bên mình phải là người dồn theo chạm vào, số 2 đứng gần chạm được cũng không được tính).
-
Số nào bị thua rồi (“bị chết”), quản trò không gọi số đó chơi nữa.
-
Người chơi không được ôm, giữ nhau cho bạn cướp cờ.
-
Khoảng cách cờ đến hai đội bằng nhau.
THAM KHẢO THÊM: