Độc Tiểu Thanh Kí là một tác phẩm nổi tiếng của Nguyễn Du, một nhà thơ lớn của nền văn học Việt Nam, thể hiện tấm lòng nhân đạo sâu sắc của Nguyễn Du đối với những số phận tài hoa bạc mệnh. Xin mời các em học sinh cùng tham khảo bài viết sau với chủ đề Thuyết minh về tác phẩm Độc Tiểu Thanh kí của Nguyễn Du.
Mục lục bài viết
1. Thuyết minh về tác phẩm Độc Tiểu Thanh kí của Nguyễn Du đặc sắc:
Thơ chữ Hán của Nguyễn Du có một loạt bài viết về các nhân vật lịch sử mà trong đó nhà thơ gửi gắm rất nhiều tâm sự. “Độc Tiểu Thanh Kí” là một bài thơ như vậy. Bằng tiếng nói tri âm sâu sắc với một người con gái sống cách mình hơn 300 năm, Nguyễn Du đã bộc lộ một cách sâu sắc cái nhìn cảm thông của tác giả trước những thân phận tài hoa mà bạc mệnh trong xã hội cũ và dường như đó còn là bức thông điệp tình thương, nỗi nhói buốt can tràng của muôn đời.
Thắng cảnh Hồ Tây gắn liền với những giai thoại về nàng Tiểu Thanh tài sắc vẹn toàn, sống vào đầu đời nhà Minh. Vì hoàn cảnh éo le, nàng phải làm vợ lẽ cho một thương gia giàu có ở Hàng Châu, tỉnh Chiết Giang. Vợ cả ghen, bắt nàng ở trong ngôi nhà xây biệt lập trên núi Cô Sơn. Nàng làm một tập thơ ghi lại tâm trạng đau khổ của mình. Ít lâu sau, Tiểu Thanh buồn mà chết, giữa lúc tuổi vừa mười tám. Khi nàng chết rồi, vợ cả vẫn ghen, đem đốt tập thơ của nàng, may còn sót một số bài được người đời chép lại, đặt tên là “Phần dư” (đốt còn sót lại) và thuật luôn câu chuyện bạc phận của nàng.
Mở đầu bài thơ tác giả dựng lên một hình ảnh Hồ Tây đầy những u ám, nó không đẹp phảng phất ngây ngất nữa mà nó mang một nỗi niềm oan ức của người con gái đa tài có nhan sắc kia:
“Tây Hồ cảnh đẹp hóa gò hoang.”
Cảnh đẹp trước đây “hoa uyển” đã hóa thành “gò hoang” (thành khư). Câu thơ này xuất phát từ một thành ngữ Trung Quốc “Thương hải biến vi tang điền” (Biển xanh biến thành nương dâu). Dẫu cho biết rằng sinh – hóa, trụ – diệt,… vốn là quy luật bất biến của tự nhiên, không thể thay đổi nhưng sao vẫn thấy có gì xót xa? Nhất là khi nơi ấy lại gắn liền với cuộc đời và số phận của Tiểu Thanh, một cuộc đời gợi bao nỗi cảm thương qua những vần thơ cháy dở.
Có thể coi “Độc Tiểu Thanh kí” như một bài thơ viếng Tiểu Thanh. Câu thơ thứ hai đã hé mở cho thấy trong nỗi ngậm ngùi luyến tiếc, một mình viếng người đã khuất (Độc điếu) qua một tập giấy mỏng (nhất chỉ thư). Tập giấy mỏng ấy chính là mảnh hồn của Tiểu Thanh còn vương lại. Người chết cô đơn mà người viếng cũng cô đơn. Một lòng đau tìm đến một hồn đau. Câu thơ với cách nói hàm súc đã vượt qua thời gian và sinh tử để tri âm.
Hai câu thơ tiếp theo đã vươn rộng tới nhiều lớp nghĩa:
“Son phấn có thần chôn vẫn hận
Văn chương không mệnh đốt còn vương.”
“Son phấn” là biểu tượng của sắc đẹp, “văn chương” là bằng chứng của tài năng. Cái đẹp, cái tài ở đời là bất tử, không có số mệnh, vậy mà vẫn bị “liên tử hậu”, “lụy phần dư”, vẫn luôn bị chà đạp phũ phàng và nghiệt ngã. Thế mới thấy cuộc đời quả là nhiều bất công và ngang trái.
Hận cho số phận của Tiểu Thanh, hận cho muôn đời, muôn người. Trong cái hận của Tiểu Thanh, có ẩn chứa cái hận của một người và của chính bản thân nhà thơ, không chỉ có nỗi hận mà còn có thương người và thương mình nữa. Nỗi hận nỗi đau thương ấy thật khó mà hỏi trời (Cổ kim hận sự thiên nan vấn) mà đành ôm trọn vào lòng thành nỗi cô đơn. Câu thơ này chính là một kết luận mang tính chất triết lý thấm đẫm nước mắt. Cho nên, ở câu thơ tiếp theo, Nguyễn Du đã viết về Tiểu Thanh một cách da diết để giúp người đọc hiểu rõ hơn và sâu hơn. Ở câu thơ đó, Nguyễn Du khóc cho người cũng là khóc cho mình.
Bài thơ cuối cùng khép lại bằng câu hỏi tu từ bộc lộ nỗi niềm trăn trở, dự cảm nhói buốt, cứ day cứa mãi vào tâm trạng người đọc các thế hệ:
“Chẳng biết ba trăm năm lẻ nữa
Người đời ai khóc Tố Như chăng?”
(Bất tri tam bách dư niên hậu
Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như?)
“Ba trăm năm lẻ” là một con số ước lệ chỉ mai sau khi nhà thơ đã chết cũng giống như hơn ba trăm năm sau cái chết của Tiểu Thanh vậy. Mai sau liệu có ai khóc cho Tố Như, cùng Tố Như khóc cho mỗi kiếp người dâu bể. Bài thơ với hai lần tự xưng (xưng “tôi” và xưng “Tố Như”) đã hé mở cho một cái “tôi” đang cô đơn đến tột cùng, một cái “tôi” tự thương, tự đau. Có thể thấy rằng, Nguyễn Du không chỉ thương cho người xưa (quá khứ) mà còn thương cho mình và nhiều con người bất hạnh cùng thời với mình (hiện tại), thương cả cho người sau phải khóc vì mình nữa (tương lai). Đấy chính là nỗi buồn sâu lắng về cuộc đời và cũng là một triết lý sâu sắc về kiếp người của tác giả.
Hãy cứ đọc trực tiếp bài thơ từ phiên âm chữ Hán rồi lắng nghe âm điệu réo rắt đau thương cố kìm, cố nén của nó ta sẽ chạm được phần nào tới tiếng lòng của thi nhân. “Độc Tiểu Thanh kí” vượt lên cả những bản ai điếu thông thường bởi Nguyễn Du không chỉ viếng mộ cô hồn thuộc về quá khứ mà còn khóc cho cả “thập loại chúng sinh” trong hiện tại. Dòng lệ nhân văn ấy thấm đẫm tình đời và tình người ấy đã tràn cả đến hậu thế. Phải thật tinh tế và sâu sắc mới hiểu và cảm nhận được tình thơ, ý thơ, từng câu chữ trong bài thơ. Lởi với thiên tài của mình, Nguyễn Du đã viết một cách rất hàm súc cao độ, mỗi từ đều có độ nén, sức nặng và sức bật để tạo nên cộng hưởng trong lòng người đọc.
Bụi thời gian có thể phủ mờ nhiều thứ nhưng những bài thơ được chất ra từ máu và nước mắt như Đọc Tiểu Thanh kí, được luyện bởi một thiên tài văn học như Nguyễn Du chắc chắn thời gian càng giúp thi phẩm đứng vững trong lòng người.
2. Thuyết minh về tác phẩm Độc Tiểu Thanh kí của Nguyễn Du 10 điểm:
Nguyễn Du (1765-1820) là đại thi hào dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới với nhiều tác phẩm kiệt xuất để lại cho nền văn học Việt Nam. Trong số đó, bài thơ “Độc Tiểu Thanh ký” (Đọc tập thơ của Tiểu Thanh) là một tác phẩm nổi bật, thể hiện sâu sắc tư tưởng nhân đạo và tài năng nghệ thuật của Nguyễn Du.
“Độc Tiểu Thanh ký” được viết bằng chữ Hán trong tập thơ “Thanh Hiên thi tập”, ra đời khi Nguyễn Du chu du nhiều nơi sau khi nhà Lê sụp đổ. Trong một lần đọc tập thơ của Tiểu Thanh, một người phụ nữ tài sắc ở Trung Quốc có số phận bi thảm, Nguyễn Du đã đồng cảm sâu sắc và viết nên bài thơ này để bày tỏ nỗi lòng của mình. Bài thơ thuộc thể thất ngôn bát cú Đường luật, gồm 8 câu chia làm 4 phần: đề, thực, luận và kết. Qua bài thơ, Nguyễn Du đã thể hiện sự đồng cảm với số phận bi kịch của Tiểu Thanh, đồng thời giãi bày nỗi niềm riêng về cuộc đời mình và kiếp người nói chung.
Hai câu đề đã nói lên tấm lòng cảm khái của nhà thơ trước sự thay đổi của cuộc đời con người:
“Tây Hồ hoa uyển tẫn thành khư,
Độc điếu song tiền nhất chỉ thư.”
(Cảnh đẹp Tây Hồ nay đã thành bãi hoang, ta ngậm ngùi đọc tập di cảo bên cửa sổ.)
Nguyễn Du đã vẽ nên sự đối lập giữa quá khứ tươi đẹp với hiện tại là những gò hoang lụi tàn, buồn vắng và thê lương. Câu thơ chính là tiếng lòng của người thi sĩ bày tỏ sự xót thương đối với nhân thế, sự biến đổi của cảnh vật trong dòng chảy của thời gian. Ở hai câu đề, Nguyễn Du mở đầu bằng sự tàn phai của cảnh sắc Tây Hồ, nơi từng là nơi ở của Tiểu Thanh. Nhắc đến Tiểu Thanh, người ta nhớ đến một người con gái xinh đẹp, tài sắc vẹn toàn, sống cách Nguyễn Du 300 năm trước ở đời nhà Minh. Thế nhưng, nàng phải chịu số phận làm lẽ cô đơn, bất hạnh và hẩm hiu. Sự lụi tàn của cảnh vật của thiên nhiên Tây Hồ là những lời cảm khái trước số phận người con gái đẹp đang dần bị hủy hoại. Qua hình ảnh “hoa uyển tẫn thành khư” (cảnh đẹp thành hoang phế), nhà thơ ngậm ngùi khi cảm nhận sâu sắc trước sự vô thường của đời người và cũng để nói lên sự đau xót tiếc nuối người con gái tài sắc mà bạc mệnh.
“Độc điếu” nghĩa là một mình ta khóc thương, là tiếng khóc thương nàng Tiểu Thanh qua một tập sách nhỏ. Tiểu Thanh cô đơn giữa chốn không người, cảnh vật thê lương. Còn Nguyễn Du thì cô đơn giữa dòng đời bởi chẳng ai hiểu được ông, hiểu được cái nhân đạo cao quý, tư tưởng sâu sắc của con người cao cả hướng tới bấy lâu nay. Vì thế, ông không khỏi xót xa bởi cái phũ phàng của cuộc đời đặt ra để thử thách đời người và có lẽ chính ông cũng đã sớm chiêm nghiệm được điều ấy.
Đến hai câu thực, cuộc đời Tiểu Thanh, số phận của nàng làm người đời phải suy tư thổn thức, ngay cả Nguyễn Du cũng vậy:
“Chi phấn hữu thần liên tử hậu,
Văn chương vô mệnh lụy phần dư.
(Phấn son có linh hồn cũng thương người chết, văn chương dù không có số phận vẫn chịu cảnh bị đốt bỏ.)
Son phấn là những vật dụng gắn liền với người phụ nữ, là ẩn dụ về nàng Tiểu Thanh một người vô cùng xinh đẹp. Hai câu thơ đầy ý vị ngậm ngùi, Nguyễn Du tiếc thương cho Tiểu Thanh – một tài sắc nhưng bạc mệnh. Hình ảnh phấn son được nhân hóa như có linh hồn, cảm thông với nỗi đau của người phụ nữ tài hoa. Đồng thời, ông xót xa cho số phận những tác phẩm của Tiểu Thanh bị đốt bỏ, biểu tượng cho sự vùi dập của xã hội với những con người tài năng nhưng bạc mệnh.
Ở hai câu luận tiếp theo, Nguyễn Du cho thấy rằng cái đẹp ấy bị đặt trong xã hội phong kiến xưa, xã hội mà người phụ nữ luôn bị coi thường nên thật chua xót:
“Cổ kim hận sự thiên nan vấn,
Phong vận kỳ oan ngã tự cư.”
(Hận xưa nay hỏi trời không được, nỗi oan lạ lùng ta tự mang lấy.)
Như thế này, Nguyễn Du nhận ra rằng những nỗi oan, những đau khổ của con người tài hoa là vấn đề muôn thuở. “Cổ kim hậu sự” là mối hận xưa và nay, mối hận muôn đời, mối hận truyền kiếp, mối hận của những người tài hoa mà bạc mệnh. Cảm thông với Tiểu Thanh, ông cũng tự nhận mình chịu chung số phận bi kịch của những người có tài mà bị đời ghẻ lạnh.
Khép lại bài thơ ở hai câu kết, Nguyễn Du đã đặt ra câu hỏi mang tính dự báo:
“Bất tri tam bách dư niên hậu,
Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như?”
(Chẳng biết ba trăm năm nữa,
Ai là người khóc Tố Như?)
Câu hỏi ấy vừa là lời tâm sự, vừa là niềm hy vọng có ai đó sẽ đồng cảm và thấu hiểu cho nỗi lòng của ông trong tương lai. Đồng thời, hai câu kết cũng là tiếng khóc cho nàng Tiểu Thanh. Ý thơ là nơi chuyển đổi đột ngột từ “thương người” qua “thương mình”. “Người đời ai khóc Tố Như chăng” là câu hỏi thổn thức, da diết, ngậm ngùi, thể hiện sự cô độc của chính tác giả trong xã hội hiện tại.
Bằng thể thơ thất ngôn bát cú Đường luật chuẩn mực, súc tích nhưng hàm chứa ý nghĩa sâu sắc, cách sử dụng ngôn ngữ hình ảnh giàu biểu cảm như “hoa uyển”, “phấn son”, “văn chương” làm nổi bật ý nghĩa biểu tượng của cái đẹp bị hủy hoại kết hợp với cách bộc lộ cảm xúc tự nhiên, vừa thương xót cho Tiểu Thanh vừa gửi gắm nỗi niềm cá nhân, tạo nên sự giao hòa giữa cảnh và tình, bài thơ “Độc Tiểu Thanh ký” đã thể hiện tư tưởng nhân đạo sâu sắc của Nguyễn Du về lòng cảm thương với số phận những người phụ nữ tài sắc nhưng bất hạnh, đồng thời là sự trân trọng với giá trị của cái đẹp, của văn chương. Tác phẩm còn phản ánh triết lý nhân sinh về sự vô thường, nhỏ bé của con người trước dòng chảy thời gian và những bất công xã hội.
Nguyễn Du đã để lại cho đời một bài thơ có giá trị bất hủ, vừa sâu sắc về nội dung, vừa hoàn mỹ về nghệ thuật, góp phần khẳng định vị trí của ông trong nền văn học Việt Nam và thế giới.
3. Thuyết minh về tác phẩm Độc Tiểu Thanh kí của Nguyễn Du ngắn gọn:
Nguyễn Du là một cái tên mà nhắc đến thì ai cũng biết. Tên tuổi của ông thường gắn liền với Truyện Kiều thế nhưng ông còn nhiều sáng tác khác nữa. Có thể nói Nguyễn Du là một người có sự đồng cảm với những người phụ nữ đương thời. Chính vì thế những bài thơ của ông thường khóc cho số phận của những con người hồng nhan bạc mệnh. Ngoài Kiều ra thì chúng ta còn thấy Nguyễn Du khóc thương cho nàng tiểu Thanh đời nhà Minh qua tác phẩm độc tiểu thanh ký. Qua bài thơ Nguyễn Du thể hiện sự thương cảm cho những con người tài sắc nhưng bạc mệnh. Đồng thời qua đó ông thể hiện sự day dứt trăn trở cho số phận những người có tài trong đó có chính bản thân ông.
Cảnh Hồ Tây gắn liền với những giai thoại về nàng Tiểu Thanh tài sắc vẹn toàn, sống vào đầu đời nhà Minh. Vì hoàn cảnh éo le, nàng phải làm vợ lẽ một thương gia giàu có ở Hàng Châu, tỉnh Triết Giang. Vợ cả ghen, bắt nàng sống trong ngôi nhà xây biệt lập trên núi Cô Sơn. Nàng có làm một tập thơ ghi lại tâm trạng đau khổ của mình. Ít lâu sau, Tiểu Thanh buồn mà chết. Khi ấy, nàng mới mười tám tuổi. Nàng chết rồi, vợ cả vẫn ghen, đem đốt tập thơ của nàng. Giờ còn sót lại một số bài được người đời chép lại, đặt tên là “Phần dư” (đốt còn sót lại) và thuật luôn câu chuyện bạc phận của nàng.
Mở đầu bài thơ, tác giả Nguyễn Du một hình ảnh Hồ Tây đầy những u ám. Hồ Tây không đẹp phảng phất nữa mà mang một nỗi niềm oan ức của người con gái đa tài.
“Tây Hồ hoa uyển tẫn thành khư,
Độc điếu song tiền nhất chỉ thư.”
(Tây Hồ cảnh đẹp hóa gò hoang,
Thổn thức bên song mảnh giấy tàn.)
Hai câu đề đã khéo léo tái hiện sự đối lập giữa quá khứ và hiện tại. Hình ảnh “Tây Hồ hoa uyển” (vườn hoa bên Tây Hồ) từng rực rỡ, tươi đẹp giờ đây chỉ còn là “thành khư” (gò hoang). Động từ “tẫn” mang ý nghĩa triệt để, đến cùng, nhấn mạnh sự thay đổi hoàn toàn, không thể cứu vãn. Câu thơ đã khơi gợi lên nỗi xót xa của nhà thơ trước sự tàn phá nghiệt ngã của thời gian đối với những giá trị của cái đẹp. Bên cạnh đó, cách dùng từ “độc điếu” (một mình viếng) và “nhất chỉ thư” (một tập sách) như nhấn mạnh nỗi cô đơn của Nguyễn Du khi đứng trước cảnh hoang tàn, cũng là sự đồng cảm sâu sắc giữa hai tâm hồn bất hạnh: một nhà thơ cô đơn v một người con gái tài hoa nhưng bạc mệnh. Hai câu thơ mở đầu vừa gợi cảnh, vừa thể hiện tâm trạng xót xa, tiếc nuối của Nguyễn Du đối với số phận nàng Tiểu Thanh và cái đẹp bị hủy hoại bởi thời gian cũng như định kiến xã hội.
Đến hai câu thơ sau, chúng ta lại thấy được những linh hồn của nàng Tiểu Thanh tài sắc ấy vẫn còn vấn vương trên cõi trần, vẫn ở đâu đó khiến cho nhà thơ cảm nhận được.
“Chi phấn hữu thần liên tử hậu,
Văn chương vô mệnh lụy phần dư:”
(Son phấn có thần chôn vẫn hận,
Văn chương không mệnh đốt còn vương.)
Nguyễn Du đã cho thấy rõ triết lý về số phận con người tài hoa trong xã hội phong kiến qua nghệ thuật hoán dụ đặc sắc. Hình ảnh “son phấn” không chỉ tượng trưng cho vẻ đẹp hình thức của người phụ nữ mà còn ẩn dụ cho số phận mỏng manh và dễ bị tổn thương của họ. “Văn chương” đại diện cho tài năng và trí tuệ, là những giá trị cao quý của con người. Các từ ngữ “hận” và “vương” càng diễn tả nỗi xót xa dai dẳng trước sự vùi dập bất công của xã hội đối với người tài. Bên cạnh đó, hình ảnh “chôn” và “đốt” biểu tượng cho sự hủy hoại phũ phàng của xã hội phong kiến – một xã hội không có sự khoan dung với những con người tài sắc, khiến họ chịu cảnh “hồng nhan đa truân” hay “tài mệnh tương đố.” Qua đó, hai câu thơ không chỉ cực tả nỗi đau và số phận bi kịch của nàng Tiểu Thanh, mà còn thể hiện tấm lòng trân trọng, ngợi ca vẻ đẹp và tài năng của Nguyễn Du. Đồng thời, tác phẩm cũng mang sức tố cáo mạnh mẽ những định kiến xã hội hà khắc đã đẩy con người vào bước đường cùng.
Nhà thơ tiếp tục bày tỏ nỗi lòng mình với nàng Tiểu Thanh tài sắc trong hai câu thơ tiếp. Có thể nói rằng, những câu thơ như càng ngày càng thấm đẫm sự thương xót người xưa của nhà thơ. Từ đó ta thấy được nhà thơ đang như “thương người như thể thương thân” vậy.
“Cổ kim hận sự thiên nan vấn,
Phong vận kì oan ngã tự cư.”
(Nỗi hờn kim cổ trời khôn hỏi,
Cái án phong lưu khách tự mang.)
Ở hai câu luận, chúng ta có thể thấy được tư tưởng khái quát sâu sắc của Nguyễn Du về số phận con người tài hoa bạc mệnh trong xã hội phong kiến. “Cổ kim hận sự” gợi lên mối hận muôn đời, kéo dài từ quá khứ đến hiện tại, tượng trưng cho nỗi đau của những con người tài sắc mà cuộc đời lại ngắn ngủi, bất hạnh. Ngoài ra, Nguyễn Du còn sử dụng cụm từ “thiên nan vấn” (khó mà hỏi trời được) để diễn tả sự bất lực, bế tắc của con người trước bất công và nghịch lý. Nỗi oan “kì oan” (oan lạ lùng) không chỉ là nỗi oan của riêng Tiểu Thanh mà còn là của Nguyễn Du, và hơn thế, là nỗi oan của tất cả những người tài năng bị xã hội chà đạp. Từ “ngã” (ta) cho thấy sự nhập cuộc táo bạo của Nguyễn Du khi chủ động đồng cảm sâu sắc với nàng Tiểu Thanh, tự nhận mình chung số phận tài hoa bạc mệnh. Như thế này, Nguyễn Du vừa bộc lộ nỗi đau xót cho nàng Tiểu Thanh vừa mở rộng thành lời than thở mang tính thời đại, thể hiện sự cảm thông đến mức tri âm tri kỷ của nhà thơ đối với những kiếp người bất hạnh.
Càng thương tiếc Tiểu Thanh bao nhiêu thì Nguyễn Du lại nghĩ đến bản thân mình bấy nhiêu.
“Bất tri tam bách dư niên hậu, .
Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như?”
(Chẳng biết ba trăm năm lẻ nữa,
Người đời ai khóc Tố Như chăng?)
Hai câu kết lại càng thấm đượm nỗi cô đơn và lòng nhân ái sâu sắc của Nguyễn Du. Với nghệ thuật câu hỏi tu từ, ông không chỉ khóc thương cho số phận bất hạnh của nàng Tiểu Thanh mà còn băn khoăn, tự vấn về chính mình: liệu ai trong hậu thế sẽ khóc thương cho ông như ông đã khóc Tiểu Thanh? Từ “khấp” (khóc) diễn tả một cảm xúc mãnh liệt, tiếng khóc thương thân mình và thương người không kìm nén được, trở thành biểu tượng cho sự cô đơn và trăn trở của một tâm hồn nghệ sĩ lớn. Nỗi cô đơn ấy giống như “tiếng chim cô lẻ giữa trời thu khuya” mà Xuân Diệu từng miêu tả, thể hiện sự lạc lõng trong hiện tại. Nguyễn Du tìm thấy tri kỷ ở quá khứ nơi nàng Tiểu Thanh nhưng vẫn đau đáu mong ngóng một tấm lòng đồng cảm trong tương lai. Hai câu thơ kết không chỉ khép lại bài thơ mà còn mở ra tấm lòng nhân đạo mênh mông, vượt qua mọi giới hạn không gian và thời gian của Nguyễn Du.
Bài thơ Độc Tiểu Thanh kí đã cho thấy tấm lòng nhân hậu, cảm thông của Nguyễn Du mênh mông sâu nặng biết nhường nào. Ông có tình thương bao la với những kiếp người tài hoa, bạc mệnh dù là người Việt Nam hay Trung Quốc. Rồi ông lại tự vận vào mình cái án phong lưu để mà tự đau, tự thương cho mình bơ vơ, không tri âm, tri kỷ trước cõi đời. Trong văn chương thời trung đại, quan niệm vô ngã, phi ngã chi phối dễ gì có nhiều người biết thương mình, thương một cách cực độ như Nguyễn Du. Nguyễn Du luôn sống mãi trong lòng người với tinh thần nhân đạo cao cả, xứng đáng là nhà nhân đạo lớn.
THAM KHẢO THÊM: