Truyện ngắn "Bức tranh của em gái tôi" của nhà văn Tạ Duy Anh đã để lại cho những độc giả nhiều ấn tượng khó quên về hình ảnh anh trai của Kiều Phương - một người anh có tình yêu thương em gái nhưng đôi lúc lại tỏ ra hẹp hòi, ích kỷ, đố kỵ trước tài năng hội họa của em gái. Hãy phân tích nhân vật người anh trong bức tranh của em gái tôi?
Mục lục bài viết
1. Phân tích nhân vật người anh trong bức tranh của em gái tôi:
Truyện ngắn “Bức tranh của em gái tôi” của nhà văn Tạ Duy Anh đã để lại cho những độc giả nhiều ấn tượng khó quên về hình ảnh anh trai của Kiều Phương – một người anh có tình yêu thương em gái nhưng đôi lúc lại tỏ ra hẹp hòi, ích kỷ, đố kỵ trước tài năng hội họa của em gái. Những nét tính cách trong nhân vật người anh đã giúp độc giả nhìn lại mình, biết khắc phục những hạn chế trong tính cách của mình để sống đẹp hơn.
Tạ Duy Anh được đánh giá là một cây bút sung sức, trung thực với nhiều tìm tòi đổi mới, thay đổi: “để tiếp tục sáng tạo, dù cho có gặp về những sự bài xích đi chăng nữa, để rồi mỗi cuốn sách lại có một cuộc đời riêng có với cách cấu trúc và ngôn ngữ của mình”.
Truyện ngắn “Bức tranh của em gái tôi” rút trong tập “Con dế ma”, tác phẩm đã đạt giải nhì trong cuộc thi sáng tác “Tương lai vẫy gọi” do báo Thiếu niên Tiền Phong tổ chức thực hiện. Câu chuyện “Bức tranh của em gái tôi” chỉ là một câu chuyện rất đời thường, nhưng bằng chính tài năng sáng tạo nghệ thuật của nhà văn Tạ Duy Anh, chuyện đã để lại những bài học sâu sắc và thấm thía về mối quan hệ, về thái độ và cách ứng xử giữa con người với nhau trong cuộc sống hàng ngày.
Anh trai Kiều Phương là một người anh giàu tình yêu thương em gái, luôn quan tâm đến những việc làm của người em nhưng từ khi chú Tiến Lê phát hiện ra tài năng hội họa của Kiều Phương thì người anh lại tỏ ra ích kỷ, hẹp hòi, luôn ganh tị với chính em gái mình. Cái biệt hiệu “Mèo” của Kiều Phương là do người anh trai đặt. Tuy đôi lúc, người anh trai đó cảm thấy “khó chịu” khi thấy đứa em của mình hay “lục lọi các đồ vật với sự thích thú”, thích bắt bẻ em gái: “Này, em không để chúng nó yên được à?” hay là tò mò “bí mật theo dõi em gái” khi nó chế tạo thuốc vẽ. Tất cả đã cho thấy được tình cảm sâu đậm giữa hai anh em. Từ khi họa sĩ Tiến Lê – một người bạn của bố phát hiện ra được tài năng của Kiều Phương, chú Tiến Lê đã hết lời ca ngợi cô bé, mọi người ở trong gia đình từ người bố thì “ngây người”, bất ngờ và vui sướng khi khám phá và tài năng đặc biệt của con, người mẹ hiền lành thì “không kìm được cơn xúc động” khi kịp nghe, chứng kiến chuyện vui này. Chính từ lúc đó, người anh trai này đã bắt đầu “cảm thấy mình bất tài nên bị để ra ngoài”, nhiều khi ngồi ở trên bàn học “chỉ muốn ngồi gục xuống khóc”,…Người anh trai cảm thấy vô cùng buồn bã vì thấy bản thân mình không có tài năng, rồi bỗng nhiên cảm thấy cô đơn khi mọi sự chú ý trong gia đình đều dành cho người em gái, ghen tị bắt đầu xâm chiếm tâm trí của người anh. Lòng ghen tị như là một con rắn độc khiến cho con người trở nên ích kỷ, xấu xa và chính lòng ghen tị đó đã chia rẽ tình cảm của hai anh em Kiều Phương.
Người anh cảm thấy ngỡ ngàng, trước bức tranh cô em gái vẽ mình “Anh trai tôi” và cảm thấy xấu hổ trước tấm lòng nhân hậu và tâm hồn trong sáng, đáng yêu của Kiều Phương. Đứng trước bức tranh đạt giải nhất – bức tranh Anh trai tôi, cậu đã thật sự bất ngờ. Người anh cảm thấy hãnh diện vì cậu chính là nhân vật trong bức tranh đạt giải nhất, được bao người chiêm ngưỡng, vì thấy ở trong tranh mình rất đẹp, vừa trong sáng vừa mơ mộng, cậu còn hãnh diện vì mình là anh trai của cô em gái rất tài năng. Nhưng từ ngạc nhiên, hãnh diện cậu cảm thấy xấu hổ vì đang coi thường em, đã xa lánh em và ghen tị với em. Cậu cảm thấy mình thật ích kỷ, thật nhỏ nhen, hèn kém. Cậu đã nhận ra cái sai lầm của mình và thấy được vẻ đẹp tâm hồn của em gái. Chính bức tranh của cô em gái mà người anh có cảm giác ngỡ ngàng, ngỡ ngàng vì cậu không thể ngờ được mình đối xử với em gái như vậy mà em lại coi mình là người thân thuộc nhất, lại chọn mình để vẽ, ngỡ ngàng vì chính tài năng của em gái mà bấy lâu nay cậu vẫn vô tình phủ nhận. Trong cảm xúc của nhân vật người anh Kiều Phương có cả sự ân hận và xấu hổ trước tấm lòng nhân hậu của cô em gái thân yêu.
Nhân vật người anh đã để lại cho chúng ta bài học sâu sắc về tình anh em và cách giữ gìn tình cảm anh em trong gia đình bền vững, tốt đẹp. Chính nhân vật người anh cũng đã thức tỉnh trong mỗi chúng ta về cách ứng xử với người thân yêu trong gia đình. Truyện ngắn “Bức tranh của em gái tôi” – một truyện ngắn xinh xắn, lối viết nhẹ nhàng, Tạ Duy Anh đã sáng tạo nên một câu chuyện chan chứa tình yêu thương. Truyện ngắn như một lời tâm sự, thủ thỉ của chính tác giả với bạn đọc về tình anh em trong gia đình, về sức mạnh của nghệ thuật và cả thói đố kỵ ở trong cuộc sống.
2. Phân tích nhân vật người anh trong bức tranh của em gái tôi hay nhất:
Truyện ngắn “Bức tranh của em gái tôi” của Tạ Duy Anh là truyện ngắn hay. Hay ở lời viết, ở cách dùng ví von và cả sự bình dị nhưng lại có sức lay động mạnh mẽ. Trong hai nhân vật Kiều Phương và người anh đều có nét đáng yêu, nhưng đối với tôi, ấn tượng nhất vẫn là nhân vật người anh.
Người anh trai của Kiều Phương đang độ tuổi chơi diều, hồn nhiên, rất yêu quý em gái. Cái biệt hiệu “Mèo” tặng em gái đã nói lên được tính hồn nhiên, ngây thơ của người anh trai nhỏ tuổi. Một người anh cũng cảm thấy “khó chịu” khi mà thấy đứa em gái hay “lục lọi các đồ vật với sự thích thú”. Thích bắt bẻ em gái của mình: “Này, em không để chúng nó yên được à?” hay tò mò “bí mật theo dõi em gái” khi nó chế tạo thuốc vẽ.
Kể từ khi họa sĩ Tiến Lê phát hiện ra tài năng của em gái Kiều Phương, hết lời ca ngợi, người bố thì “ngây người”, bất ngờ và vui sướng khi khám phá ra tài năng đặc biệt của con gái. Người mẹ hiền lành “không kìm được cơn xúc động” khi kịp nghe, kịp chứng kiến về chuyện vui này. Từ cái khoảnh khắc ấy, người anh trai “luôn luôn cảm thấy mình bất tài nên bị đẩy ra ngoài”, ngồi bên bàn học, cậu bé ấy “chỉ muốn gục xuống khóc”. Tâm trạng đó rất thực, rất người, nhất là đối với một chú bé đang tuổi nổi loạn. Người anh buồn vì cảm thấy mình không có tài năng, cảm thấy cô đơn vì bị bố mẹ mình hầu như chỉ săn sóc, yêu quý con gái nhiều hơn, nhất là khi cậu thấy bố mẹ “hào hứng mua sắm cho em gái những thứ cần cho công việc vẽ”. Có lẽ cảm xúc đó của người anh trai một phần do bố mẹ thiếu sự tinh tế trong cách thể hiện tình yêu thương với các con của mình. Hậu quả chính là sự xa cách của hai anh em, người anh thậm chí “gắt um lên” khi phát hiện một nỗi nhỏ ở em gái.
Tạ Duy Anh còn nhấn mạnh hơn về tâm trạng của người anh khi diễn tả cảnh quyết định “xem trộm” các bức tranh của Mèo, một việc làm mà bản thân người anh từng “coi khinh”. Tiếng thở dài của người anh lại càng thể hiện bản thân anh ta tự nhận mình bất tài chứ không còn là sự đố kỵ tài năng của em gái nữa. Trước kia, khi thấy gương mặt “lem nhem” của em gái mới đáng yêu làm sao, nhưng giờ đây người anh lại quát mắng khiến cô em gái “xịu xuống, miệng dẩu ra”.
Khi em gái và bố mẹ trở về từ trại thi vẽ quốc tế đều vui sướng, hân hoan vì Mèo giành được giải nhất, muốn được người anh chia vui cho, ôm lấy cổ anh nói thầm: “Em muốn cả anh cùng đi nhận giải” thì anh trai lại “viện cớ đang dở việc đẩy nhẹ nó ra”. Những biểu hiện ấy có lẽ là một chút bốc đồng của tuổi thơ, ta lại càng cảm thông với người anh biết mấy.
Đến cuối truyện, cả gia đình đi nhận giải thưởng, khi người anh khi cùng mẹ đến phòng trưng bày xem bức tranh đã được giải nhất của em gái, cảnh này dường như xuất hiện hai nhân vật người anh. Người anh ở trong bức tranh rất đẹp: “Một chú bé đang ngồi nhìn ra cửa sổ, nơi bầu trời trong xanh. Mặt chú bé như là tỏa ra một thứ ánh sáng rất lạ”. Đó chính là hình ảnh người anh lí tưởng rất thông minh, nhiều khát vọng, có tâm hồn mơ mộng do họa sĩ Mèo tí hon vẽ ra.
Người anh đứng nhìn bức tranh với bao tâm trạng. Xúc động cao độ đến mức “phải bám chặt lấy tay mẹ” bởi vì ngạc nhiên ngỡ ngàng. Ngỡ ngàng vì cảm thấy người anh ở trong bức tranh kì diệu quá, ngoài sức tưởng tượng của mình. Sau đó chính là sự hãnh diện vì mình có một cô em gái có tài năng và tấm lòng nhân hậu bao la. Cuối cùng lại là sự xấu hổ vì bản thân mình. Lúc này, cái suy nghĩ: “Dưới mắt em tôi, tôi hoàn hảo thế kia ư?” đã thể hiện được rất rõ sự xấu hổ của mình. Cuối cùng người anh còn muốn bật khóc và nói với mẹ mình rằng: “Không phải con đâu. Đây là tâm hồn và lòng nhân hậu của em con đấy”. Chú bé đã cảm thấy mình không được hoàn hảo, phải cố gắng vươn lên, càng yêu thương, quý mến em gái hơn bao giờ hết.
Qua Bức tranh của em gái, ta cảm thấy được nhân vật người anh trai càng ngày càng trưởng thành hơn. Dưới ngòi bút đầy chân thực của tác giả Tạ Duy Anh, hai anh em Kiều Phương hiện ra càng rõ nét biết mấy. Qua đó ta cũng cảm nhận được rõ rằng: “Lòng nhân hậu và sự vị tha sẽ giúp con người tự vượt lên bản thân để sống thanh thản, tốt đẹp hơn.”
3. Phân tích nhân vật người anh trong bức tranh của em gái tôi ngắn gọn:
Tạ Duy Anh là một trong những nhà văn nổi tiếng của thế hệ trước. Văn của ông đậm chất cảm xúc và gợi mở lòng người bằng chính sự chân thực, trải nghiệm và cảm xúc thực tế. “Bức tranh của em gái tôi” là một trong các tác phẩm nổi tiếng của ông, gợi lên tình thương trong lòng của người anh trai qua sự ngây thơ và trong sáng của một đứa trẻ.
Khi thấy em tự sáng tạo ra màu vẽ, người anh trai cho rằng đó là một hành động bình thường của trẻ con. Nhưng khi phát hiện ra tài năng thực sự của em, anh bắt đầu cảm nhận sự mặc cảm và ghen tị. Anh cảm thấy bản thân mình bị lãng quên, khi mọi sự chú ý đều dành cho em gái, khiến anh ngày càng xa lánh em hơn.
Người anh cứ tưởng rằng khi người em gái nhận được sự đối xử như vậy thì sẽ cảm thấy ghét mình. Nhưng thực tế lại không như vậy, em vẫn yêu thương anh trai của mình hết mực, điều đó được thể hiện qua bức tranh “Anh trai tôi” – một bức tranh thấm đẫm tình cảm mà người em dành cho anh. Không phải là lúc anh cáu gắt hay ghen tị với em, mà ở trong bức tranh ấy, hình ảnh của người anh lại hiện lên đẹp đến thế. Đó là một người anh trai luôn luôn yêu thương em, luôn hoàn hảo trong mắt em gái. Khi nhìn thấy bức tranh đó, niềm tự hào mãnh liệt được dâng lên ở trong lòng người anh – đó là sự tự hào, niềm hãnh diện mà người anh không thể nào diễn tả bằng lời, và đó cũng chính là sự xấu hổ đối với em gái và chính bản thân mình vì tất cả những hành động dại dột và nông nổi. Anh xấu hổ vì đã cư xử không đúng với em gái thân yêu. Anh xấu hổ vì con người thật của mình không xứng đáng với người ở trong tranh.
Những suy nghĩ trong đầu của người anh trai cứ như muốn bùng lên mà không thể diễn đạt được bằng lời: “Không phải con đâu. Đấy là tâm hồn và lòng nhân hậu của em đấy”. Chính tâm hồn đẹp đẽ ấy và sự yêu thương của em gái đã làm cho người anh nhận ra lỗi lầm.
Khép lại câu chuyện, tác giả đã cho thấy nhân vật người anh đã vượt lên chính mình, đã nhận thức được sự kém cỏi trong nhân cách của mình và thừa nhận sự nhân hậu, tốt đẹp của người khác. Đó chính là một sự giác ngộ lớn. Thông qua đó, tác giả muốn truyền đạt một bài học sâu sắc về lòng bao dung và cả tình cảm yêu thương sâu sắc của con người.
THAM KHẢO THÊM: