Tác phẩm "Những trò lố hay là Va-ren và Phan Bội Châu" là một truyện ngắn tiêu biểu của Nguyễn Ái Quốc (tên gọi khác của Hồ Chí Minh). Đây là một tác phẩm thể hiện tài năng châm biếm sắc sảo cùng tư tưởng cách mạng mạnh mẽ của tác giả. Xin mời các em học sinh cùng theo dõi bài viết dưới đây về Phân tích tác phẩm “Những trò lố hay là Va-ren và Phan Bội Châu”.
Mục lục bài viết
1. Phân tích Những trò lố hay là Va-ren và Phan Bội Châu hay:
Nguyễn Ái Quốc là tên gọi rất nổi tiếng của Chủ tịch Hồ Chí Minh được dùng trong giai đoạn hoạt động cách mạng của Bác từ năm 1919 – 1945. Tên gọi ấy gắn liền với tờ báo “Người cùng khổ”. Nhiều chuyện ký và cả tác phẩm “Bản án chế độ thực dân Pháp” được Bác viết trên chính đất Pháp, bằng tiếng Pháp trong khoảng những năm 1922-1925. Truyện ngắn “Những trò lố hay là Va-ren và Phan Bội Châu được viết sau khi nhà yêu nước Phan Bội Châu” bị bắt vào ngày 18 tháng 6 năm 1925 ở Trung Quốc và bị giải về giam ở Hỏa Lò, Hà Nội để chuẩn bị đem ra xét xử, còn Va-ren đang chuẩn bị lên đường sang Việt Nam nhậm chức toàn quyền Đông Dương. Nguyễn Ái Quốc viết tác phẩm này với mục đích kêu gọi cổ vũ phong trào biểu tình đòi thả Phan Bội Châu ở Việt Nam lúc bấy giờ và đã nhận được rất nhiều sự ủng hộ, yêu mến của nhân dân Việt Nam bởi lối châm biếm thâm thúy, ngòi bút đả kích mạnh mẽ đến Va-ren và chính quyền Pháp.
Với nhan đề “Những trò lố hay là Va-ren và Phan Bội Châu”, cụm từ “những trò lố” đã gợi lên sự châm biếm sâu sắc, vạch trần những hành động và lời nói lố bịch, giả tạo của Va-ren. Ngay từ đầu, tác phẩm đã mở ra một bức tranh châm biếm sắc nét, lần lượt lật tẩy bản chất nham hiểm, dối trá của tên Toàn quyền Đông Dương thông qua chuỗi hành động và phát ngôn kệch cỡm. Đồng thời, nhan đề cũng đặt nền móng cho chủ đề chính của câu chuyện: không chỉ phơi bày bộ mặt cáo già, trơ trẽn của Va-ren mà còn tôn vinh khí phách kiên cường, bất khuất của lãnh tụ Phan Bội Châu. Dù trong cảnh thất thế, cụ Phan vẫn giữ vững phong thái hiên ngang, chính trực, thể hiện sự trung thành tuyệt đối với cách mạng, với dân tộc và đất nước.
Tác phẩm “Những trò lố hay là Va-ren và Phan Bội Châu” được viết theo lối ký sự, nhưng điều đặc biệt ở đây là câu chuyện hoàn toàn do Nguyễn Ái Quốc hư cấu, không dựa trên sự kiện có thật. Bối cảnh ra đời xuất phát từ việc trước khi Va-ren nhậm chức Toàn quyền Đông Dương, hắn ta tuyên bố sẽ quan tâm đến cụ Phan Bội Châu. Tuy nhiên, khi tác phẩm được viết, Va-ren vẫn chưa chính thức nhậm chức. Sáng tác này của Nguyễn Ái Quốc nhằm mục đích khơi dậy phong trào đấu tranh đòi thả cụ Phan, biến dư luận thành sức ép lớn đối với Va-ren và chính quyền thực dân Pháp. Qua đó, Nguyễn Ái Quốc không chỉ thể hiện sự châm biếm sắc sảo mà còn dùng ngòi bút làm vũ khí đấu tranh, góp phần thúc đẩy phong trào cách mạng mạnh mẽ hơn.
Ngay từ phần mở đầu tác phẩm, Nguyễn Ái Quốc đã khéo léo vạch trần sự giả dối và những trò lố bịch của Va-ren bằng giọng văn đầy châm biếm. Va-ren nhận lời “chăm sóc” vụ Phan Bội Châu không phải vì lý do nhân văn hay tinh thần trách nhiệm, mà đơn thuần là để đối phó với sức ép từ dư luận Pháp và Đông Dương. Lời hứa của hắn chỉ là một cách trấn an dư luận, nhằm làm dịu sự phẫn nộ của nhân dân Việt Nam và Đông Dương, trong khi thực tế, nó không ảnh hưởng gì đến việc nhậm chức của hắn. Đó chỉ là một lời hứa “nửa chính thức,” đầy mập mờ và chẳng có chút cam kết thực sự nào. Thậm chí, từ thời điểm đưa ra lời hứa đến lúc nhậm chức, Va-ren còn tới bốn tuần để ung dung, mặc kệ Phan Bội Châu tiếp tục bị giam cầm trong nhà tù.
Hơn thế, Nguyễn Ái Quốc còn tinh tế nhấn mạnh bản chất gian trá của Va-ren qua chi tiết hắn chỉ muốn “chăm sóc” vụ việc sau khi đã an vị chắc chắn ở Đông Dương. Lời mỉa mai trong câu “Giả sử cứ cho rằng một vị Toàn quyền mà lại biết giữ lời đi chăng nữa thì chúng ta lại cứ được phép tự hỏi… ra sao” đã ngầm tiết lộ cho độc giả thấy rõ bộ mặt thật của Va-ren. Hắn, cũng như bao tên thực dân trước đó, chẳng khác gì một kẻ dối trá, độc ác, chuyên tạo ra những trò lố mang danh nghĩa “nhân văn,” “khai sáng”. Nguyễn Ái Quốc cũng không quên nhấn mạnh một thực tế đáng buồn: trong quá trình cai trị thuộc địa, các quan chức thực dân thường đưa ra những lời hứa hoa mỹ, nghe tưởng chừng vì lợi ích của người dân, nhưng thực chất chỉ để che đậy dã tâm vơ vét tài nguyên, bắt người dân làm lao dịch, thậm chí biến họ thành bia đỡ đạn cho những tham vọng chiến tranh. Những lời hứa ấy dù nghe rất xuôi tai nhưng chưa bao giờ được thực hiện, bởi chúng chẳng mang lại lợi ích nào cho chính quyền thực dân. Chính cách đặt vấn đề sắc bén và giọng văn châm biếm của Nguyễn Ái Quốc đã lột tả rõ nét bản chất xấu xa của Va-ren và cả chế độ thực dân mà hắn đại diện.
Trong cuộc chạm trán giữa Va-ren và Phan Bội Châu, Nguyễn Ái Quốc đã khéo léo xây dựng hai hình tượng nhân vật với sự tương phản đối lập gay gắt, tạo nên một bức tranh sống động về hai thái cực. Va-ren là tên Toàn quyền vừa nhậm chức, kẻ thống trị bất lương và giả tạo, còn Phan Bội Châu là người tù cách mạng kiên cường, vĩ đại nhưng đang trong cảnh thất thế. Cuộc đối mặt này được tác giả mở đầu bằng một lời bình sâu sắc, đậm tính châm biếm: “Ôi thật là một tấn bi kịch! Ôi thật là một cuộc chạm trán…”. Lời bình này làm nổi bật sự tương phản giữa Va-ren, kẻ “đã ruồng bỏ quá khứ, ruồng bỏ lòng tin, ruồng bỏ giai cấp” và Phan Bội Châu, người lãnh tụ vĩ đại đã “hy sinh cả gia đình và của cải, sống xa lìa quê hương, luôn bị bọn cướp nước săn đuổi”. Việc sử dụng số lượng lớn từ ngữ giàu hình ảnh của tác giả càng khắc họa rõ nét tính cách và sự giả tạo của Va-ren. Hắn hiện lên như một con người lố bịch, tự mãn và nham hiểm. Đặc biệt, trong cuộc đối thoại (giả tưởng) giữa hai nhân vật, Va-ren nói rất nhiều, lời thoại của hắn dài dòng, tự mãn như thể đang độc thoại, làm nổi bật bản chất khoe khoang và trơ trẽn. Cử chỉ của hắn – “một tay đỡ gông, một tay bắt tay Phan Bội Châu” – cùng lời nói đầy giả dối: “Tôi mang tự do đến cho ông đây” càng làm lộ rõ bộ mặt của kẻ thực dân giả nhân giả nghĩa.
Ngược lại, với Phan Bội Châu, tác giả lại chọn cách diễn tả bằng sự im lặng. Sự im lặng của Phan Bội Châu không chỉ là sự bất hợp tác mà còn là biểu hiện cao nhất của lòng khinh bỉ, sự thanh cao và khí phách của người tù cách mạng. Sự đối lập này được Nguyễn Ái Quốc khắc họa vô cùng sống động và ý nhị, vừa mang tính tả thực, vừa gợi nhiều suy ngẫm. Qua đó, hình tượng Phan Bội Châu nổi bật như một biểu tượng bất khuất, kiên cường, trái ngược hoàn toàn với sự nhục nhã, đê hèn của Va-ren. Cách xây dựng hình tượng đối lập này không chỉ làm nổi bật bản chất hai nhân vật mà còn thể hiện tài năng nghệ thuật châm biếm bậc thầy của Nguyễn Ái Quốc. Tác phẩm vừa hài hước, chua cay, vừa sâu sắc, lay động lòng người, khẳng định giá trị bất diệt của khí phách người anh hùng cách mạng Việt Nam.
Va-ren không ngừng ve vuốt, dụ dỗ Phan Bội Châu bằng những lời lẽ xảo trá, trắng trợn, nhằm thuyết phục Phan Bội Châu đầu hàng. Hắn nói: “Ông hãy bỏ qua những ý nghĩ phục thù,” “quên đi những mưu đồ xưa cũ và đừng xúi giục đồng bào nổi dậy nữa” và hứa hẹn rằng “ông sẽ có tất cả: cho đất nước ông và cho bản thân ông.” Để tạo thêm sự tin tưởng, hắn còn lôi kéo những cái tên phản bội như Nguyễn Bá Trác, Guy-xta-vơ, A-lếch-xăng, những kẻ đã phản lại dân tộc mình, nhằm gây ảnh hưởng đến Phan Bội Châu. Đáng lố bịch hơn, Va-ren còn khoe khoang về quá khứ của mình, một kẻ đã phản bội lý tưởng của đồng đội trong Đảng Xã hội, để thuyết phục Phan Bội Châu theo gương mình, hy vọng có được cuộc sống tự do và sung sướng.
Trái ngược hoàn toàn với sự ba hoa và khoác lác của Va-ren, hình ảnh Phan Bội Châu hiện lên qua sự im lặng kiên định của ông. Suốt cuộc đối thoại, Phan Bội Châu phớt lờ tất cả lời dụ dỗ và thuyết phục của Va-ren, coi như hắn không hề tồn tại. Sự im lặng ấy của Phan Bội Châu đã thể hiện thái độ khinh bỉ, đồng thời cho thấy bản lĩnh kiên cường của nhà cách mạng, người không hề bị lay chuyển dù dưới sức ép và lời dụ dỗ của quân thù. Hình ảnh ấy càng trở nên rõ nét hơn qua lời kể của một nhân vật tưởng tượng – anh lính canh ngục, người đã chú ý đến sự thay đổi nhẹ trên gương mặt của Phan Bội Châu, “đôi ngọn râu mép người tù nhếch lên một chút rồi lại hạ xuống ngay, mỉm cười một cách kín đáo, vô hình và im lặng, như cánh ruồi lướt qua vậy.”
Việc dẫn lời như vậy không chỉ tạo cho độc giả cảm giác khách quan mà còn một lần nữa tô đậm thái độ của Phan Bội Châu khi đối mặt với Va-ren là sự khinh bỉ đến tột cùng. Trong mắt của ông, rốt cuộc Va-ren cũng chỉ là một đứa trẻ, là một con khỉ thích làm trò mà thôi. Chưa dừng lại ở đó, thái độ khinh ghét của Phan Bội Châu lại một lần nữa được đẩy lên cao trào khi Nguyễn Ái Quốc tiếp tục trích dẫn lời của một nhân chứng thứ hai quả quyết cho rằng Phan Bội Châu đã nhổ vào mặt Va-ren và tác giả cũng ỡm ờ rằng “cũng có thể lắm”. Sự trần thuật xen lẫn các yếu tố bình luận hóm hỉnh, châm biếm phong phú và đa dạng của Nguyễn Ái Quốc đã làm nổi bật tình cảnh vừa lố bịch vừa hài hước của Va-ren, đồng thời làm sáng ngời lên những nét đẹp phẩm chất tinh thần cách mạng của người anh hùng Phan Bội Châu: kiên cường, bản lĩnh và một lòng trung với nước, hiếu với dân.
Kết thúc cuộc đối thoại, tác giả đã có một lời bình khá thú vị mà chúng ta cần xem xét “Nhưng xét binh tình, thì đó chỉ vì Phan Bội Châu không hiểu Va-ren cũng như Va-ren không hiểu Phan Bội Châu”, đó là một lời bình thật hóm hỉnh và sâu sắc. Hai chữ “không hiểu” ấy đã được tác giả khéo léo giải thích không phải là do khác biệt về ngôn ngữ, bởi vốn đã có người thông ngôn. Ở đây, “không hiểu” là bởi hai con người ấy hoàn toàn khác nhau về lý tưởng, về mục đích sống, thế nên vĩnh viễn họ cũng chẳng thể có một cuộc nói chuyện “thấu hiểu” được. Cho dù Va-ren có nói nhiều hơn nữa những lời bịp bợm, dối trá thì đối với Phan Bội Châu, y cũng chỉ là một kẻ xa lạ, một kẻ không đáng để bận tâm, không cần lãng phí hơi sức tiếp chuyện làm gì. “Những trò lố hay là Va-ren và Phan Bội Châu” với lối viết trào phúng, lời dẫn chuyện hóm hỉnh, hài hước cùng thể loại bút ký với các nhân vật hư cấu, ngòi bút tưởng tượng tài hoa, sắc sảo, Nguyễn Ái Quốc đã dựng lên một cuộc chạm trán sinh động, đặc sắc giữa hai con người ở hai chiến tuyến khác nhau. Từ đó, làm nổi bật lên nét tính cách, thái độ và bản lĩnh kiên cường của Phan Bội Châu trước tên Toàn quyền Va-ren xảo trá, đê tiện, luôn ba hoa khoác loác, thích làm trò lố bịch.
2. Phân tích Những trò lố hay là Va-ren và Phan Bội Châu ấn tượng:
Bác Hồ không chỉ được biết đến với những bài thơ giản dị, giàu ý nghĩa mà trong thời gian hoạt động ở nước ngoài, đặc biệt là Pháp,tại đây, bằng bút danh Nguyễn Ái Quốc, Bác đã có những tác phẩm viết bằng chữ Pháp thể hiện tính chiến đấu mạnh mẽ và “Những trò lố hay là Va-ren và Phan Bội Châu” là một trong số các tác phẩm như vậy. Tác phẩm đã cho thấy vẻ đẹp phẩm chất nhân cách của người anh hùng Phan Bội Châu, đồng thời vạch trần bộ mặt gian xảo của tên Va-ren.
“Những trò lố hay là Va-ren và Phan Bội Châu” được đăng trên báo “Người cùng khổ” số 36, 37 vào tháng 9 và tháng 10 năm 1925. Đoạn trích thuộc phần thứ ba của tác phẩm. Nội dung chính của đoạn trích nói về cuộc chạm trán kịch tích giữa Va-ren và Phan Bội Châu cho thấy ngòi bút châm biếm sắc sảo của Nguyễn Ái Quốc.
Câu chuyện mở đầu bằng cuộc gặp gỡ giả tưởng giữa hai nhân vật – vị lãnh tụ cách mạng Phan Bội Châu và Va-ren, kẻ sang Việt Nam nhận chức Toàn quyền Đông Dương. Trên thực tế, cuộc gặp gỡ này không hề xảy ra, mà là một sáng tạo hư cấu được Nguyễn Ái Quốc xây dựng trước khi Va-ren đặt chân tới Việt Nam. Tình huống này không chỉ thu hút người đọc mà còn là công cụ sắc bén để vạch trần bản chất bịp bợm, hèn hạ của Va-ren, đồng thời tôn vinh nhân cách cao đẹp của cụ Phan Bội Châu.
Ngay từ đầu, “trò lố” của Va-ren đã bị tác giả phơi bày qua lời hứa đầy nửa vời của hắn về việc “chăm sóc” cụ Phan Bội Châu, thực chất chỉ là một lời hứa nhằm xoa dịu dư luận. Hắn chỉ định quan tâm đến vụ việc sau khi đã “yên vị thật xong xuôi ở bên ấy”. Những ngôn từ châm biếm, mỉa mai của Nguyễn Ái Quốc vừa lột tả được sự giả dối của Va-ren đồng thời dẫn dắt người đọc hiểu rõ được bản chất của tên nhân vật xảo trá này.
Đỉnh điểm là khi Va-ren “đụng độ” Phan Bội Châu trong cuộc gặp gỡ, nơi hắn độc thoại liên tục, tự phơi bày sự xảo trá và hèn hạ của mình. Trái lại, Phan Bội Châu hoàn toàn im lặng, không nói bất cứ điều gì với hắn. Sự im lặng ấy của cụ Phan Bội Châu rõ ràng là lời phản kháng mạnh mẽ, là biểu tượng cho khí phách kiên trung của người chiến sĩ cách mạng. Trước cuộc gặp, Nguyễn Ái Quốc đã khéo léo dẫn dắt bằng một đoạn bình luận sắc sảo: “Ôi thật là một tấn bi kịch! Ôi thật là một cuộc chạm trán…” Một bên là Va-ren – “kẻ đã ruồng bỏ quá khứ, ruồng bỏ lòng tin, ruồng bỏ giai cấp”, một bên là Phan Bội Châu – “người đã hy sinh cả gia đình và của cải để xa lánh khỏi thấy bọn cướp nước mình, sống xa lìa quê hương, luôn luôn bị lũ này săn đuổi…” Hình tượng đối lập giữa hai nhân vật được khắc họa rõ nét đã làm nổi bật lên thái độ của người viết đối với đối tượng, một bên là mỉa mai, châm biếm, coi thường, một bên là ngợi ca, tôn vinh, yêu quý.
Cuộc mặc cả bắt đầu với những lời dụ dỗ trơ trẽn của Va-ren. Y dụ dỗ, yêu cầu cụ Phan Bội Châu từ bỏ ý chí đấu tranh vì độc lập dân tộc, khuyên cụ nên “bỏ đi những ý nghĩ phục thù”, từ bỏ “những mưu đồ xưa cũ” và thôi không “xúi giục đồng bào ông nổi lên”. Thay vào đó, y mời gọi cụ hợp tác để cùng nhau làm những điều mà hắn gọi là “tốt đẹp” cho xứ Đông Dương, hứa hẹn rằng “làm như vậy ông sẽ được tất cả, được cho đất nước ông, được cho bản thân ông”. Không chỉ dùng lời lẽ dụ dỗ, Va-ren còn lấy những ví dụ từ các kẻ phản bội như Nguyễn Bá Trác, Guy-xta-vơ, A-lếch-xăng, hòng làm gương để cụ Phan bị lung lay. Thậm chí, hắn không ngại khoe khoang “thành tích” phản bội của chính mình: “Trước tôi là đảng viên xã hội đấy và giờ đây thì tôi làm Toàn quyền…” Những lời nói và hành động của Va-ren càng về cuối càng bộc lộ rõ bản chất xảo trá, bịp bợm và phản trắc đến tận cùng. Hắn hiện lên là một kẻ vô liêm sỉ, sẵn sàng chối bỏ niềm tin, bạn bè và cả giai cấp để đạt được tham vọng cá nhân của mình.
Trái ngược với màn kịch lố bịch của Va-ren, cụ Phan Bội Châu hoàn toàn im lặng. Sự im lặng ấy không phải là sự bất lực mà là thái độ khinh bỉ tuyệt đối. Đối với cụ, Va-ren chẳng khác nào một kẻ vô hình, những lời hắn nói chỉ như “nước đổ lá khoai”. Hành động “nhếch mép cười một cách kín đáo, vô hình và im lặng, như cánh ruồi lướt qua” càng khẳng định thái độ khinh miệt sâu sắc của cụ đối với kẻ phản bội. Thái độ ứng xử đó của Phan Bội Châu một lần nữa thể hiện sự điềm tĩnh, bản lĩnh của một người cách mạng, cũng như làm nổi bật phẩm chất kiên trung, sắt đá của cụ. Không một lời dụ dỗ hay lời đe dọa nào có thể làm lay chuyển ý chí chiến đấu vì độc lập tự do của cụ. Chi tiết ở phần cuối tác phẩm – hành động nhổ vào mặt Va-ren – là đỉnh cao của sự khinh bỉ, là một phản ứng quyết liệt của một người yêu nước trước kẻ hèn hạ. Cách khép lại tác phẩm không chỉ tạo ra sự mở rộng cho câu chuyện mà còn khắc sâu chủ đề, làm sáng ngời khí phách của người anh hùng Phan Bội Châu.
Tác phẩm nổi bật nhờ giọng văn châm biếm, mỉa mai sắc sảo cùng tình huống hư cấu hấp dẫn, đầy bất ngờ. Với lối viết giàu trí tưởng tượng, Nguyễn Ái Quốc đã khéo léo phơi bày bộ mặt lố bịch, xấu xa của Va-ren, đồng thời tôn vinh phẩm chất cao đẹp của cụ Phan Bội Châu – biểu tượng của tinh thần yêu nước và sự kiên định trong đấu tranh cách mạng của dân tộc.
3. Phân tích Những trò lố hay là Va-ren và Phan Bội Châu ngắn gọn:
Tác phẩm “Những trò lố hay là Va-ren và Phan Bội Châu” của Hồ Chí Minh là một truyện ngắn đặc sắc mang đậm tính trào phúng và nghệ thuật châm biếm sâu sắc. Qua hình ảnh đối lập giữa Va-ren, một kẻ đại diện cho thực dân Pháp và Phan Bội Châu, biểu tượng cho tinh thần yêu nước, Hồ Chí Minh đã phê phán mạnh mẽ bộ máy thực dân thối nát đồng thời thể hiện sự ngưỡng mộ và niềm tự hào với những người yêu nước của dân tộc.
Truyện ngắn được viết trong bối cảnh cụ Phan Bội Châu, một nhà chí sĩ yêu nước, bị thực dân Pháp bắt giam vào năm 1925, gây chấn động dư luận trong và ngoài nước. Trong tình thế ấy, Va-ren, Toàn quyền Đông Dương mới, hứa sẽ “chăm sóc” cụ Phan, một lời hứa đầy mỉa mai và giả tạo. Tác phẩm khắc họa cuộc đối thoại tưởng tượng giữa Va-ren và cụ Phan Bội Châu, qua đó vạch trần bản chất xấu xa của Va-ren và tôn vinh ý chí bất khuất của cụ Phan.
Hồ Chí Minh đã vận dụng nghệ thuật châm biếm sắc bén để vạch trần bản chất lố bịch, giả dối của Va-ren. Ngay từ nhan đề, “Những trò lố” đã gợi lên sự khinh bỉ, chế giễu dành cho hành vi và lời nói của kẻ thực dân. Va-ren hiện lên là một tên quan cai trị hèn hạ, đạo đức giả. Lời hứa “chăm sóc” cụ Phan chỉ là một cách để che đậy bản chất của hắn – một kẻ sẵn sàng dùng mọi thủ đoạn để bảo vệ quyền lợi thực dân.
Cách xây dựng hình ảnh Va-ren cũng đầy tính trào phúng. Hắn là một kẻ tham lam, ích kỷ, chỉ biết lợi dụng vị trí của mình để tìm kiếm lợi ích cá nhân. Trong đoạn đối thoại tưởng tượng với cụ Phan, Va-ren liên tục thuyết phục cụ từ bỏ con đường yêu nước, nhưng điều đó chỉ làm nổi bật sự lố bịch và yếu đuối của hắn trước khí phách kiên cường của một nhà yêu nước chân chính mà thôi.
Trái ngược với hình ảnh lố bịch của Va-ren, cụ Phan Bội Châu hiện lên như một tượng đài bất khuất. Cụ im lặng trước mọi lời dụ dỗ, giữ vững tinh thần yêu nước, không chịu khuất phục trước kẻ thù. Sự im lặng của cụ Phan không chỉ là sự khinh bỉ dành cho Va-ren mà còn là tiếng nói mạnh mẽ nhất của lòng yêu nước.
Hồ Chí Minh đã xây dựng nhân vật Phan Bội Châu với sự kính trọng sâu sắc. Dù bị giam cầm và đối mặt với nguy hiểm, cụ vẫn giữ vững niềm tin vào con đường cách mạng, trở thành biểu tượng của ý chí và lòng kiên trung vì dân tộc.
Bằng lối viết sắc sáo, khả năng tưởng tượng phong phú, tác giả đã xây dựng một tình huống truyện rất có ý nghĩa: cuộc đối đầu giữa tên quan Toàn quyền Đông Dương và người chiến sĩ cách mạng đấu tranh cho sự nghiệp giải phóng dân tộc. Qua những chi tiết được miêu tả, các tình tiết được hư cấu, tác giả làm nổi bật sự đối lập sâu sắc giữa một tên quan lại thực dân mưu mô, xảo trá nhưng đã trở nên hết sức lố bịch trước người chiến sĩ cách mạng kiên cường, không chịu khuất phục trước danh lợi cũng như sức mạnh của kẻ cầm quyền.
“Những trò lố hay là Va-ren và Phan Bội Châu” không chỉ là một tác phẩm phê phán chủ nghĩa thực dân mà còn là lời ca ngợi tinh thần bất khuất của những người yêu nước. Qua đó, Hồ Chí Minh khích lệ tinh thần dân tộc, khơi dậy lòng tự hào và ý chí đấu tranh của nhân dân.
THAM KHẢO THÊM: