Hương Trà là một thị xã thuộc tỉnh Thừa Thiên Huế, miền Trung Việt Nam. Hương Trà không chỉ là một vùng đất giàu truyền thống lịch sử mà còn sở hữu vẻ đẹp tự nhiên thơ mộng, hài hòa giữa sông núi và làng quê yên bình. Bài viết dưới đây Bản đồ, xã phường thuộc TX Hương Trà (Thừa Thiên Huế) sẽ cung cấp cho bạn học các thông tin khái quát về thị xã.
Mục lục bài viết
- 1 1. Bản đồ hành chính thị xã Hương Trà (Thừa Thiên Huế):
- 2 2. Có bao nhiêu xã, phường thuộc thị xã Hương Trà (Thừa Thiên Huế)?
- 3 3. Tìm hiểu chung về thị xã Hương Trà (Thừa Thiên Huế):
- 4 4. Lịch sử hình thành thị xã Hương Trà (Thừa Thiên Huế):
- 5 5. Tiềm năng phát triển của thị xã Hương Trà (Thừa Thiên Huế):
1. Bản đồ hành chính thị xã Hương Trà (Thừa Thiên Huế):
Lưu ý trên đây là bản đồ hành chính cũ của Thị xã Hương Trà
Ngày 1 tháng 1 năm 2020, sáp nhập 2 xã Bình Điền và Hồng Tiến thành xã Bình Tiến.
Ngày 27 tháng 4 năm 2021, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết số 1264/NQ-UBTVQH14 (nghị quyết có hiệu lực từ ngày 1 tháng 7 năm 2021). Theo đó, chuyển 2 phường: Hương An, Hương Hồ và 4 xã: Hải Dương, Hương Phong, Hương Thọ, Hương Vinh về thành phố Huế quản lý.
Ngày 30 tháng 11 năm 2024, Quốc hội ban hành Nghị quyết số 175/2024/QH15 về việc thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương. Thị xã Hương Trà thuộc thành phố Huế.
Thị xã Hương Trà có 5 phường và 4 xã như hiện nay.
2. Có bao nhiêu xã, phường thuộc thị xã Hương Trà (Thừa Thiên Huế)?
Thị xã Hương Trà có 9 đơn vị hành chính cấp phường xã. Trong đó bao gồm 5 phường, 4 xã.
Số thứ tự | Danh sách xã, phường |
1 | Phường Hương Chữ |
2 | Phường Hương Vân |
3 | Phường Hương Văn |
4 | Phường Hương Xuân |
5 | Phường Tứ Hạ |
6 | Xã Bình Thành |
7 | Xã Bình Tiến |
8 | Xã Hương Bình |
9 | Xã Hương Toàn |
3. Tìm hiểu chung về thị xã Hương Trà (Thừa Thiên Huế):
Thị xã Hương Trà là một huyện đồng bằng của tỉnh Thừa Thiên Huế, nằm trên trục quốc lộ 1A, là cửa ngõ phía Bắc của thành phố Huế, cùng với thị xã Hương Thủy, Phú Vang tạo thành ba cực của tam giác vệ tinh quan trọng của tỉnh.
Vị trí địa lý:
Thị xã Hương Trà có địa giới hành chính như sau:
-
Phía Đông thị xã Hương Trà giáp với thành phố Huế
-
Phía Tây thị xã Hương Trà giáp huyện Phong Điền với ranh giới là sông Bồ
-
Phía Nam thị xã Hương Trà giáp thị xã Hương Thủy và huyện A Lưới
-
Phía Bắc thị xã Hương Trà giáp huyện Quảng Điền với ranh giới là sông Bồ
Địa bàn thị xã có bờ biển dài 7km, có quốc lộ 1A chạy ngang, dài 12km song song với tuyến đường sắt Bắc – Nam, có các tuyến Quốc lộ 49A dài 25km nối thành phố Huế với huyện miền núi A Lưới. Quốc lộ 49B nối các xã vùng biển, các tuyến đường tỉnh lộ 8A, 8B, tỉnh lộ 4, đường kinh tế quốc phòng. Thị xã cũng có 2 sông lớn chảy qua là sông Bồ và sông Hương. Đây cũng là huyện có địa danh phá Tam Giang nổi tiếng được truyền tụng trong dân gian và ca dao.
Diện tích và dân số:
Thị xã Hương Trà có tổng diện tích đất tự nhiên 392,32 km, dân số năm 2020 là 72.677 người. Mật độ dân số đạt 185 người/km².
Hệ thống giao thông:
Thị xã Hương Trà ở vị trí giữa trung độ của tỉnh Thừa Thiên Huế, nằm trong tuyến hành lang kinh tế Đông – Tây, có tuyến quốc lộ 1A và tuyến đường sắt Bắc – Nam đi qua với chiều dài 12km, tuyến đường phía Tây thành phố Huế dài 19 km, có Quốc lộ 49A dài 6 km.
Trung tâm hành chính – kinh tế văn hóa của thị xã là phường Tứ Hạ, cách thành phố Huế 15 km về phía Bắc.
Văn hóa:
Vùng đất này đã có nhiều dấu ấn của một đô thị như thương cảng Thanh Hà, phố cổ Bao Vinh, các di tích lịch sử – văn hóa, đền đài,… kết nối với di sản Cố đô Huế và đặc biệt là sự đa dạng về địa hình, cảnh quan thiên nhiên phong phú.
4. Lịch sử hình thành thị xã Hương Trà (Thừa Thiên Huế):
Hương Trà là vùng đất có lịch sử lâu đời. Những phát hiện khảo cổ học gần đây cho thấy rõ dấu vết của người xưa trên mảnh đất này. Những di vật như rìu đá, đồ gốm được tìm thấy ở Phụ Ổ, Bàu Đưng (Hương Chữ) cho phép khẳng định đây là các di tích có niên đại cách đây trên dưới 4.000 năm. Di tích khảo cổ quan trọng gắn liền với nền văn hóa Sa Huỳnh được tìm thấy lần đầu tiên tại Thừa Thiên Huế năm 1987 là di tích Cồn Ràng (Phụ Ổ, Hương Chữ) nói lên rằng chủ nhân của nền văn hóa này đã đạt đến trình độ cao trong đời sống vật chất lẫn tinh thần cách đây trên dưới 2.500 năm. Dấu ấn này còn được tìm thấy ở Cửa Thiềng năm 1988 (Phú Ốc, Tứ Hạ). Cùng với văn hóa Sa Huỳnh, tại Thừa Thiên Huế còn có sự hiện diện của văn hóa Đông Sơn.
Đô thành Phú Xuân dưới thời Nguyễn Phúc Khoát đã được Lê Quý Đôn mô tả trong “Phủ biên tạp lục” năm 1776 và trong Đại Nam nhất thống chí, với tư cách là một đô thị phát triển thịnh vượng trải dài hai bờ châu thổ Sông Hương, từ Kim Long – Dương Xuân đến Bao Vinh – Thanh Hà.
Hương Trà trước có tên là Kim Trà. Năm 1446, thời vua Lê Thánh Tông và Nguyễn Hoàng, huyện Kim Trà thuộc phủ Triệu Phong, gồm 9 tổng:
An Ninh, gồm 6 làng: An Ninh Thượng, An Ninh Hạ, La Chử, Long Hồ, Trúc Lâm, Phúc Long
Phú Xuân, gồm 4 làng: Phú Xuân, Thế Lại Thượng, Thế Lại Hạ, Vạn Xuân
Vĩnh Xương, gồm 10 làng: Vĩnh Xương, Hương Chiền, Vân Lô, Siêu Loại, Kế Môn, Trung Toàn, Đại Lộc, Chính Lộc, Đường Long, Hòa Viện
Phù Trạch, gồm 12 làng: Phù Trạch, An Nông, Vĩnh An, Trạch Phố, Phúc Giang, Lương Mai, Ưu Điềm, Đạm Xuyên, Từ Chính, An Thị, Khách Hộ, Phú Xuân
An Hòa, gồm 11 làng: An Hòa, An Khang, Diễn Phái, Xuân Dương, An Mỹ, An Quán, Quy Tôn, Thuận Hòa, Hải Trình, Phúc Trường, An Hoa Hạ
Vỹ Dạ (hay Vĩ Dã), gồm 10 làng: Vỹ Dạ Thượng, Vỹ Dạ Hạ, An Cựu, Dương Xuân, An Truyền, Trào Thủy, Mai Xuân, Thiên Lộc, Thạch Lại, Vân Quật (tức Vân Khốt)
Kim Long, gồm 27 làng: Kim Long, Doanh Phố, Dương Phẩm, Xuân Ổ, Huy Du, Xuân Hòa, Trung Lãng, Bồn Chử, Hải Cát, Kim Ngọc, Định Môn, Cứ Hóa, Dương Lăng, Trung Xá, Thọ Khang, La Chử, Vĩ Dã Thượng, An Ninh, Thạch Hãn, Kim Long, Nam Phố, La Khê, An Bằng, Dương Phẩm, Tứ Chính, Tửu Phường, Nham Biều
An Vân, gồm 9 làng: An Vân, Đốc Sơ, Thủy Tú, Khuê Chử, Liễu Cốc Thượng, Liễu Cốc Hạ, An Đô, Doanh Đàm, Phụ Ổ
Kế Thực (hay Kế Mỹ), gồm 22 làng: Kế Thực, Bình Trị, Thái Dương Thượng, Thái Dương Hạ, Hòa Duân, Quảng Xuyên, Lương Viện, An Dương, Kế Đăng, Cự Lại, Ba Lăng, Viên Trình, Hoa Lộc, Hà Thanh, Mai Lộc, Đường Dã, Tân Xa, Hoa Dương, Hà Hồng, Hoa Diên, Khánh Mỹ, Diêm Tụ.
Phủ Chúa Nguyễn, thời Nguyễn Phúc Lan được dời từ Ái Tử về xã Kim Long, tổng Kim Long, huyện Hương Trà. Đến Chúa Nguyễn Phúc Thái lại dời đến xã Phú Xuân, tổng Phú Xuân, huyện Hương Trà.
Sau năm 1975, huyện Hương Trà thuộc tỉnh Bình Trị Thiên, có 13 xã: Hương Bằng, Hương Chữ, Hương Hải, Hương Hồ, Hương Long, Hương Phong, Hương Phú, Hương Sơ, Hương Thọ, Hương Toàn, Hương Văn, Hương Vinh và Hương Xuân.
Ngày 11 tháng 3 năm 1977, huyện Hương Trà hợp nhất với 2 huyện Phong Điền và Quảng Điền thành huyện Hương Điền.
Ngày 13 tháng 3 năm 1979, thành lập ở vùng kinh tế mới Bình Điền, Khe Điêng một xã mới lấy tên là xã Hương Bình.
Ngày 18 tháng 5 năm 1981, chuyển xã Hồng Tiến thuộc huyện A Lưới về huyện Hương Điền quản lý.
Ngày 11 tháng 9 năm 1981, các xã Hương Hải, Hương Phong, Hương Vinh, Hương Sơ (nay là 2 phường An Hòa và Hương Sơ), Hương Long, Hương Hồ, Hương Bình, Hương Thọ (trừ thôn Dương Hòa sáp nhập về huyện Hương Phú) và một phần xã Hương Chữ (các thôn Thanh Chữ, Cổ Bưu, Bổn Trì, Bổn Phổ, An Lưu) được sáp nhập vào thành phố Huế.
Ngày 12 tháng 1 năm 1984:
Tách thôn Tân Lập và thôn Phú Ốc của xã Hương Phú để thành lập thị trấn Tứ Hạ.
Tách thôn Lại Thành của xã Hương Phú để nhập vào xã Hương Bằng thành một xã lấy tên là xã Hương Vân.
Ngày 30 tháng 6 năm 1989, huyện Hương Điền thuộc tỉnh Thừa Thiên Huế vừa được tái lập.
Tháng 9 năm 1990, Hội đồng Bộ trưởng quyết định chia lại huyện Hương Điền thành ba huyện Phong Điền, Quảng Điền và Hương Trà; đồng thời chuyển 7 xã: Hải Dương, Hương Phong, Hương Vinh, Hương An, Hương Hồ, Hương Bình và Hương Thọ thuộc thành phố Huế về huyện Hương Trà quản lý.
Ngày 22 tháng 11 năm 1995, sáp nhập xã Hương Phú vào thị trấn Tứ Hạ.
Cuối năm 2010, huyện Hương Trà gồm thị trấn Tứ Hạ và 15 xã: Hương Bình, Hương Thọ, Hương Hồ, Hương Vân, Hương Văn, Hương Xuân, Hương Toàn, Hương Phong, Hương Vinh, Hương Chữ, Hương An, Bình Thành, Bình Điền, Hồng Tiến, Hải Dương.
Ngày 11 tháng 8 năm 2010, Bộ Xây dựng ban hành Quyết định 775/QĐ-BXD về việc công nhận thị trấn Tứ Hạ mở rộng là đô thị loại IV.
Ngày 15 tháng 11 năm 2011, Chính phủ ban hành Nghị quyết 99/NQ-CP chuyển huyện Hương Trà thành thị xã Hương Trà. Đồng thời, chuyển thị trấn Tứ Hạ và 6 xã: Hương An, Hương Chữ, Hương Hồ, Hương Văn, Hương Vân, Hương Xuân thành 7 phường có tên tương ứng.
Ngày 1 tháng 1 năm 2020, sáp nhập 2 xã Bình Điền và Hồng Tiến thành xã Bình Tiến.
Ngày 27 tháng 4 năm 2021, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết số 1264/NQ-UBTVQH14 (nghị quyết có hiệu lực từ ngày 1 tháng 7 năm 2021). Theo đó, chuyển 2 phường: Hương An, Hương Hồ và 4 xã: Hải Dương, Hương Phong, Hương Thọ, Hương Vinh về thành phố Huế quản lý.
Ngày 30 tháng 11 năm 2024, Quốc hội ban hành Nghị quyết số 175/2024/QH15 về việc thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương. Thị xã Hương Trà thuộc thành phố Huế.
Thị xã Hương Trà có 5 phường và 4 xã như hiện nay.
5. Tiềm năng phát triển của thị xã Hương Trà (Thừa Thiên Huế):
Thị xã Hương Trà có vị trí khá thuận lợi trong giao lưu văn hoá và phát triển kinh tế – xã hội, đồng thời, có vị trí quan trọng trong chiến lược an ninh – quốc phòng của khu vực. Tài nguyên thiên nhiên tương đối phong phú. Thời tiết, khí hậu thuận lợi cho phát triển nông – lâm nghiệp nhiệt đới, có hiệu quả, đặc biệt, là cây ăn quả và cây công nghiệp.
Đất đai, thổ nhưỡng của huyện rất đa dạng, phát triển các loại cây như cây công nghiệp dài ngày, cây công nghiệp ngắn ngày, cây ăn quả và cây lương thực và phát triển chăn nuôi, mang lại hiệu quả kinh tế, góp phần quan trọng vào việc phát triển kinh tế của vùng.
Ngoài ra, Hương Trà còn có tiềm năng phát triển nuôi trồng thuỷ sản và phát triển du lịch. Thảm thực vật có rừng phong phú, đa dạng, có nhiều loại gỗ quý hiếm và nhiều loài động vật hoang dã. Bên cạnh đó, Hương Trà có tài nguyên khoáng sản vô cùng phong phú: mỏ đá vôi Văn Xá sản xuất được xi măng mác cao, mỏ đá granit đen xám ở vùng núi Hương
Thọ, Bình Thành, Hương Vân, mỏ cao lanh Văn Xá, mỏ khoáng Titan, cát, sỏi,…có trữ lượng lớn, chất lượng tốt. Đây là cơ sở để Hương Trà phát triển ngành công nghiệp vật liệu xây dựng.
Đến Hương Trà, du khách còn có thể tham quan bờ biển sạch đẹp, nhiều hồ, khe, suối, nhiều di tích như: Lăng Gia Long, Minh Mạng, điện Hòn Chén, khu di tích địa đạo Khe Trái (Hương Vân), nhiều lễ hội dân gian truyền thống, có khả năng tạo ra cơ sở cho phát triển du lịch dịch vụ.
Tóm lại, nhờ những tiềm năng và điều kiện tự nhiên như trên đã giúp cho Hương Trà có lợi thế phát triển công nghiệp vật liệu xây dựng, sản xuất điện năng, chế biến nông lâm thuỷ sản, cùng với các loại hình dịch vụ như thương mại, dịch vụ, vận tải – kho bãi, xây dựng, xuất khẩu lao động, bưu chính viễn thông,…
THAM KHẢO THÊM: