Hiện nay các trang mạng xã hội như Zalo, facebook... ngày càng được ưa chuộng. Điều đặc biệt là tồn tại rất nhiều hội nhóm với các chủ đề, tiêu chí khác nhau. Vậy theo quy định của pháp luật hiện nay thì lập nhóm trò chuyện cá độ trên mạng xã hội có làm sao không?
Mục lục bài viết
1. Lập nhóm trò chuyện cá độ trên mạng có làm sao không?
Hành vi lập nhóm, quản lý các nhóm trò chuyện trên mạng xã hội Zalo, Facebook, Telagram, Instagram… với mục đích tổ chức cá độ bóng đá đã và đang thu hút rất nhiều thành viên tham gia cá cược bóng đá, trong nhóm sẽ bố trí ra một người quản lý chịu trách nhiệm giám sát và điều hành các hoạt động, bao gồm việc chia sẻ thông tin liên quan đến việc cá độ bóng đá, quản lý các thành viên trong nhóm và duy trì hoạt động của nhóm sao cho hiệu quả, thông thường các nhóm này đều được hoạt động dưới dạng bí mật, tránh sự kiểm tra và theo dõi của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Hoạt động chủ yếu của các thành viên trong nhóm là trò chuyện, trao đổi thông tin, cung cấp những thông tin liên quan đến cá độ bóng đá cho các thành viên khác.
Mục đích chính của hành vi này thông thường là để thu lợi cá nhân từ việc cung cấp dịch vụ cá độ bóng đá trái phép, có thể dẫn đến nhiều hậu quả nghiêm trọng do vi phạm quy định của pháp luật về đánh bạc, gây tranh cãi, xung đột, bất đồng trong cộng đồng mạng xã hội. Hành vi khuyến khích, mời chào và tham gia vào quá trình trò chuyện, hoạt động cá độ bóng đá trên mạng không chỉ vi phạm quy định của pháp luật mà còn không phù hợp với chuẩn mực đạo đức xã hội, gây ra nhiều hậu quả liên quan đến an ninh mạng hoặc khiến nhiều cá nhân rơi vào vòng lao lý. Vì vậy, người lập nhóm trò chuyện cá độ trên mạng hoàn toàn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội tổ chức đánh bạc hoặc gá bạc theo quy định của pháp luật nếu đáp ứng đầy đủ yếu tố cấu thành tội phạm.
Căn cứ theo quy định tại Điều 322 của Văn bản hợp nhất Bộ luật hình sự năm 2017 có quy định về tội tổ chức đánh bạc hoặc gá bạc. Cụ thể như sau:
Khung 1: Người nào có hành vi tổ chức đánh bạc hoặc gá bạc trái quy định của pháp luật thuộc một trong những trường hợp sau đây thì hoàn toàn có thể bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:
-
Tổ chức với số lượng cho 10 người đánh bạc trở lên trong cùng một lúc, đồng thời có tổng số tiền hoặc hiện vật được sử dụng để đánh bạc có giá trị từ 5.000.000 đồng trở lên hoặc thực hiện hành vi tổ chức 02 chiếu bạc trở lên trong cùng một lúc với tổng số tiền đánh bạc hoặc hiện vật sử dụng để đánh bạc có giá trị từ 5.000.000 đồng trở lên;
-
Sử dụng địa điểm thuộc quyền sở hữu hợp pháp của mình hoặc thuộc quyền quản lý của mình để cho 10 người đánh bạc trở lên trong cùng một lúc với tổng số tiền đánh bạc hoặc hiện vật dùng để đánh bạc có giá trị từ 5.000.000 đồng trở lên, hoặc cho 02 chiếu bạc trở lên trong cùng một lúc với tổng số tiền đánh bạc hoặc hiện vật sử dụng để đánh bạc có giá trị từ 5.000.000 đồng trở lên;
-
Tổng số tiền dùng đánh bạc hoặc hiện vật sử dụng để đánh bạc trong cùng một lần có giá trị từ 20.000.000 đồng trở lên;
-
Có tổ chức nơi cầm cố tài sản cho những cá nhân tham gia vào hoạt động đánh bạc trái phép, có lắp đặt các trang thiết bị phục vụ cho quá trình đánh bạc, phân công người canh gác, giúp đỡ và người phục vụ trong quá trình đánh bạc; sắp đặt lối thoát hiểm khi bị các lực lượng chức năng vây bắt, sử dụng các phương tiện hỗ trợ để trợ giúp cho việc đánh bạc;
-
Đã từng bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi được quy định cụ thể tại Điều 322 hoặc một trong những hành vi được quy định cụ thể tại Điều 321 của Văn bản hợp nhất Bộ luật hình sự năm 2017; hoặc đã từng bị kết án về tội này hoặc bị kết án về tội đánh bạc theo quy định tại Điều 321 của Văn bản hợp nhất Bộ luật hình sự năm 2017 tuy nhiên chưa thực hiện thủ tục xóa án tích mà còn tiếp tục vi phạm.
Khung 2: Người phạm tội tổ chức đánh bạc hoặc gá bạc thuộc một trong những trường hợp sau đây thì có thể bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:
-
Phạm tội có tính chất chuyên nghiệp;
-
Thu lợi bất chính với số tiền từ 50.000.000 đồng trở lên;
-
Sử dụng mạng internet, sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông hoặc các phương tiện điện tử khác để phục vụ cho quá trình phạm tội;
-
Tái phạm nguy hiểm.
Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung đó là bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng hoặc tịch thu một phần/tịch thu toàn bộ tài sản.
Như vậy có thể nói, theo điều luật nêu trên thì cá nhân có hành vi lập các hội nhóm trò chuyện liên quan đến nội dung cá độ bóng đá trên mạng xã hội nhằm mục đích thực hiện các hành vi vi phạm quy định của pháp luật (theo khoản 1 Điều 322 của Văn bản hợp nhất Bộ luật hình sự năm 2017) thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội tổ chức đánh bạc hoặc gá bạc với mức hình phạt từ 05 năm đến 10 năm tù (theo khoản 2 Điều 322 do có tình tiết sử dụng mạng xã hội, mạng internet, mạng máy tính, mạng viễn thông hoặc phương tiện điện tử khác).
Đồng thời, căn cứ theo Công văn 196/TANDTC-PC ngày 03/10/2023 có hướng dẫn chi tiết về tình tiết định khung “Sử dụng mạng internet, mạng máy tính, mạng viễn thông và các phương tiện điện tử khác để phạm tội” đối với tội tổ chức đánh bạc hoặc gá bạc cụ thể như sau: Việc người phạm tội sử dụng mạng internet, sử dụng mạng viễn thông, mạng máy tính và các phương tiện điện tử khác để liên lạc với nhau nhằm mục đích thực hiện hành vi phạm tội (ví dụ như nhắn tin thông qua điện thoại, sử dụng zalo, email… để nhằm mục đích đánh bạc, ghi số đề, lô tô, cá độ đua ngựa…) mà không hình thành nên các trò chơi được thua bằng tiền hoặc hiện vật trực tuyến khác thì sẽ không thuộc trường hợp “sử dụng mạng internet, mạng máy tính, mạng viễn thông hoặc các phương tiện điện tử khác để phạm tội” căn cứ theo quy định cụ thể tại khoản 2 Điều 321 và khoản 2 Điều 322 của Văn bản hợp nhất Bộ luật hình sự năm 2017.
Theo đó thì có thể nói, nếu người phạm tội tổ chức đánh bạc hoặc gá bạc với hành vi lập thành các hội nhóm trò chuyện liên quan đến nội dung cá độ bóng đá trên mạng xã hội, nhằm mục đích phạm tội và kêu gọi người khác cá độ bóng đá trái phép thì sẽ thuộc khung hình phạt từ 05 năm đến 10 năm tù giam (căn cứ theo khoản 2 Điều 322 của Văn bản hợp nhất Bộ luật hình sự năm 2017).
Lưu ý thêm, nếu hành vi lập các hội nhóm trò chuyện liên quan đến nội dung cá độ bóng đá trên các trang mạng xã hội tuy nhiên không hình thành nên các trò chơi được thua bằng tiền hoặc hiện vật trực tuyến khác thì sẽ không thuộc tình tiết định khung “Sử dụng mạng internet, mạng máy tính, mạng viễn thông và các phương tiện điện tử khác để phạm tội”.
2. Nhắn tin trên nhóm nhờ người khác cá độ bóng đá hộ có được xem là đánh bạc qua mạng không?
Căn cứ theo quy định tại Điều 321 của Văn bản hợp nhất Bộ luật hình sự năm 2017 có quy định về tội đánh bạc. Theo đó:
Khung 1: Người nào thực hiện hành vi đánh bạc trái quy định của pháp luật dưới bất kỳ hình thức nào được thua bằng tiền hay hiện vật có giá trị từ 5.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 5.000.000 đồng tuy nhiên đã từng bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi đánh bạc hoặc hành vi được quy định cụ thể tại Điều 322 của Bộ luật hình sự hoặc cá nhân đã từng bị kết án về tội đánh bạc hoặc tội được quy định cụ thể tại Điều 322 của Bộ luật hình sự, tuy nhiên chưa thực hiện thủ tục xóa án tích mà còn tiếp tục vi phạm thì có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
Khung 2: Phạm tội thuộc một trong những trường hợp sau đây thì có thể bị phạt tù từ 05 năm đến 07 năm:
-
Phạm tội có tính chất chuyên nghiệp;
-
Tiền dùng đánh bạc hoặc hiện vật dùng đánh bạc có giá trị từ 50.000.000 đồng trở lên;
-
Sử dụng mạng internet, mạng máy tính hoặc mạng viễn thông, phương tiện điện tử khác để thực hiện hành vi phạm tội;
-
Tái phạm nguy hiểm.
Đồng thời, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.
Như vậy, hành vi nhắn tin trên các trang nhóm mạng xã hội để nhờ người khác ghi cá độ bóng đá hoàn toàn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự với tội danh đánh bạc trái phép căn cứ theo quy định tại Điều 321 Văn bản hợp nhất Bộ luật hình sự năm 2017. Khi đó, người phạm tội có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự với mức phạt tù từ 03 năm đến 07 năm theo khoản 2 Điều 321 với tình tiết định khung tăng nặng “Sử dụng mạng internet, mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử để phạm tội”.
3. Lập nhóm trò chuyện cá độ trên mạng bị phạt bao nhiêu tiền khi chưa tới mức truy cứu trách nhiệm hình sự?
Căn cứ theo quy định tại khoản 4 Điều 28 của Nghị định 144/2021/NĐ-CP, có quy định về việc phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong những đối tượng thực hiện hành vi tổ chức đánh bạc như sau:
-
Có hành vi lôi kéo, tụ tập người khác nhằm mục đích đánh bạc trái phép;
-
Sử dụng nhà, chỗ ở, phương tiện, địa điểm thuộc quyền sở hữu của mình hoặc do mình quản lý để nhầm mục đích chứa chấp hành vi đánh bạc;
-
Đặt máy đánh bạc hoặc trò chơi điện tử trái quy định pháp luật;
-
Tổ chức hoạt động cá cược ăn tiền trái phép cho người khác.
Như vậy, cá nhân có hành vi lập nhóm trò chuyện cá độ bóng đá trên mạng xã hội nhưng chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự (không thỏa mãn cấu thành tội phạm theo quy định tại khoản 1 Điều 322 của Văn bản hợp nhất Bộ luật hình sự năm 2017) thì có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng.
THAM KHẢO THÊM: