Nguyễn Thi nổi tiếng với những tác phẩm truyện ngắn đặc sắc, trong đó nổi bật nhất phải kể đến truyện ngắn "Những đứa con trong gia đình". Dưới đây là mẫu các bộ đề đọc hiểu Những đứa con trong gia đình (Có đáp án) chọn lọc, mời các bạn đọc tham khảo.
Mục lục bài viết
1. Tóm tắt “Những đứa con trong gia đình ” :
Câu chuyện kể về gia đình của một người lính giải phóng tên là Việt. Việt sinh ra và lớn lên trong một gia đình có truyền thống cách mạng, bố và mẹ đều bị địch giết hại. Chính lòng căm thù giặc Mỹ, giặc ngụy sâu sắc đã khiến những người con trong gia đình phải chiến đấu để trả thù nhà, đền nợ nước. Trong trận đánh, Việt bị thương và mất đi người bạn đồng hành. Việt ngất đi, tỉnh lại mấy lần. Việt nhớ cảnh hai chị em thi nhau tòng quân. Việt đòi đi nhưng chị Chiến không đồng ý và sau đó phải nhờ chú Năm đứng ra giải quyết. Chú Năm đồng ý cho cả hai đi. Trước khi đi, Chiến làm một số việc nhà: gửi em út cho chú Năm, ruộng trả lại cho xóm, bàn thờ gửi cho chú Năm. Đoạn văn cuối bài kết thúc bằng hình ảnh hai chị em Việt Chiến khiêng bàn thờ mẹ sang gửi nhờ chú Năm.
2. Đề Đọc hiểu Những đứa con trong gia đình
2.1. Phần câu hỏi:
Đọc đoạn văn sau và trả lời câu hỏi
Một loạt đạn súng lớn văng vẳng dội đến ầm ĩ trên ngọn cây. Rồi loạt thứ hai…Việt ngóc dậy. Rõ ràng không phải tiếng pháo lễnh lãng của giặc. Đó là những tiếng nổ quen thuộc, gom vào một chỗ, lớn nhỏ không đều, chen vào đó là những dây súng nổ vô hồi vô tận. Súng lớn và súng nhỏ quyện vào nhau như tiếng mõ và tiếng trống đình đám dậy trời dậy đất hồi Đồng khởi. Đúng súng của ta rồi! Việt muốn reo lên. Anh Tánh chắc ở đó, đơn vị mình ở đó. Chà, nổ dữ, phải chuẩn bị lựu đạn xung phong thôi! Đó, lại tiếng hụp hùm…chắc là một xe bọc thép vừa bị ta bắn cháy. Tiếng súng nghe thân thiết và vui lạ. Những khuôn mặt anh em mình lại hiện ra…Cái cằm nhọn hoắt ra của anh Tánh, nụ cười và cái nheo mắt của anh Công mỗi lần anh động viên Việt tiến lên…Việt vẫn còn đây, nguyên tại vị trí này, đạn đã lên nòng, ngón cái còn lại vẫn sẵn sàng nổ súng. Các anh chờ Việt một chút. Tiếng máy bay vẫn gầm rú hỗn loạn trên cao, nhưng mặc xác chúng. Kèn xung phong của chúng ta đã nổi lên. Lựu đạn ta đang nổ rộ…
(Trích Những đứa con trong gia đình – Nguyễn Thi)
Câu 1. Đoạn văn trên được viết theo phương thức biểu đạt nào?
Câu 2. Nội dung chủ yếu của đoạn văn bản là gì ?
Câu 3. Nêu tác dụng của biện pháp so sánh trong đoạn văn ?
Câu 4. Từ láy văng vẳng có ý nghĩa như thế nào trong việc miêu tả cảnh chiến trường?
Câu 5. Tại sao Tiếng súng nghe thân thiết và vui lạ đối với nhân vật Việt ?
Câu 6. Hãy xác định những câu văn là lời của nhân vật Việt, tìm hiểu tâm trạng của việt bộc lộ trong những câu văn đó
Câu 7. Qua đoạn văn, anh/ chị hiểu gì về nhân vật Việt?
2.2. Phần trả lời:
Câu 1: Gợi ý trả lời:
Đoạn văn trên được tác giả viết theo phương thức tự sự .
Câu 2: Gợi ý trả lời:
Đoạn văn được trích trong bài Những đứa con trong gia đình kể về câu chuyện của một nhân vật có tên là Việt bị thương nặng trên chiến trường. Khi tỉnh lại, Việt nghe thấy tiếng súng của ta, nhớ đến đồng đội và quyết tìm về đơn vị.
Câu 3: Gợi ý trả lời:
– Phép tu từ so sánh được sử dụng trong câu văn: “Súng lớn và súng nhỏ quyện vào nhau như tiếng mõ và tiếng trống đình đám dậy trời dậy đất hồi Đồng khởi”.
Câu văn sử dụng phép so sánh, tạo sự liên kết giữa tiếng súng trên chiến trường với âm thanh của tiếng mõ và tiếng trống, những âm thanh quen thuộc của lễ hội và cuộc sống bình dị nơi làng quê. Hình ảnh này gợi lại trong tâm trí nhân vật Việt những ký ức sâu đậm về quê hương.
Tiếng súng lớn và súng nhỏ, qua sự so sánh với tiếng mõ và tiếng trống, không chỉ thể hiện sự kết hợp nhịp nhàng, đồng điệu của những người chiến sĩ mà còn tái hiện lại khí thế quật khởi của cuộc Đồng khởi miền Nam.
Hiệu quả nghệ thuật của phép so sánh này là làm nổi bật tình yêu quê hương sâu sắc của Việt, đồng thời khắc họa hình ảnh người chiến sĩ với nghị lực phi thường. Qua đó, ta cảm nhận được rằng Việt không chỉ đang chiến đấu vì nhiệm vụ mà còn vì tình yêu đất nước, vì những kỷ niệm và giá trị truyền thống đã thấm sâu vào máu thịt.
Câu 4: Gợi ý trả lời:
Từ láy “văng vẳng “ tác giả đã miêu tả âm thanh tiếng súng từ xa vọng lại, như là dồn dập và liên tiếp. Cảnh chiến trường vô cùng khốc liệt, dữ dội…
Câu 5: Gợi ý trả lời:
Đối với nhân vật Việt mà nói thì tiếng bắn súng nghe có vẻ rất quen thuộc và vui lạ vì đây là âm thanh tiếng súng mà đồng đội bắn. Nó gọi Việt phải bước tiếp để sống để trả thù quân địch. Tiếng súng của đồng đội đã tiếp thêm hi vọng cho Việt.
Câu 6: Gợi ý trả lời:
Lời nói của nhân vật:
– “Rõ ràng đây không phải là tiếng pháo lễnh lãng của giặc.”
– “Đúng súng của quân ta rồi!”
– “Anh Tánh chắc chắn ở đó, đơn vị của mình cũng ở đó.”
– “Chà, nổ dữ, phải chuẩn bị lựu đạn xung phong thôi!”
– “Đó, lại tiếng hụp hùm…chắc là một xe bọc thép vừa bị ta bắn cháy.”
-” Tiếng súng nghe thấy mà thân thiết và vui lạ.”
-” Những khuôn mặt anh em đồng đội mình lại hiện ra…”
– “Cái cằm nhọn hoắt nhìn ra của anh Tánh, nụ cười và cùng với cái nheo mắt của anh Công mỗi lần mà anh động viên Việt tiến lên… -Các anh chờ Việt một chút.”
->>Tâm trạng nhân vật Việt phấp phỏng, hồi hộp cùng với mong chờ và hân hoan khi Việt phát hiện ra âm thanh tiếng súng quen thuộc của những người anh em, đồng đội mình.
Câu 7: Gợi ý trả lời:
Qua đoạn văn trên, ta có thể thấy rằng Việt là một người lính, một người anh hùng trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ. Ở Việt kết hợp tất cả những phẩm chất của một người lính cần có đó là lòng gan dạ, dũng cảm, ngoan cường và không sợ hãi, khuất phục trước nghịch cảnh. Dù bị thương rất nặng nhưng nhân vật Việt vẫn bình tĩnh, lạc quan và luôn trong tư thế chiến đấu với kẻ địch để bảo vệ Tổ quốc mình. Nhân vật Việt tượng trưng cho những người anh hùng kháng chiến luôn bất khuất, kiên trung.
3. Đề viết bài văn “Những đứa con trong gia đình” :
3.1. Đề bài :
Đề số 1: Phân tích nhân vật Chiến “Những đứa con trong gia đình” của Nguyễn Thi.
Đề số 2: Phân tích truyện ngắn “Những đứa con trong gia đình” của Nguyễn Thi.
Đề số 3: Phân tích những điểm giống nhau và khác nhau của hai nhân vật Việt và Chiến trong truyện ngắn “Những đứa con trong gia đình” của Nguyễn Thi
Đề số 4: Phân tích nhân vật Việt trong “Những đứa con trong gia đình” của Nguyễn Thi.
Đề số 5: Có ý kiến cho rằng: “Nguyễn Thi là nhà văn của những người nông dân Nam Bộ” trong thời kì ác liệt của cuộc kháng chiến chống Mĩ. Qua truyện ngắn “Những đứa con trong gia đình”, hãy làm sáng tỏ nhận định trên.
Đề số 6: Màu sắc Nam Bộ trong truyện “Những đứa con trong gia đình” của Nguyễn Thi
Đề số 7: Chủ nghĩa anh hùng qua “Rừng xà nu” và “Những đứa con trong gia đình”
3.2. Hướng dẫn viết bài :
Đề số 1:
Mở bài: Giới thiệu tác phẩm và giới thiệu nhân vật Chiến.
Thân bài:
– Xuất thân của Chiến
– Vẻ đẹp trong tình cảm sâu sắc của Chiến dành cho gia đình
– Vẻ đẹp trong lòng căm thù giặt của nhân vật Chiến và quyết tâm trả nợ nước, thù nhà
– Vẻ đẹp trong cuộc sống đời thường của nhân vật Chiến
Kết bài: Cảm nhận bản thân đối với nhân vật Chiến.
Đề số 2:
Mở bài: Giới thiệu tác giả, tác phẩm và nội dung chính.
Thân bài:
– Luận điểm 1: Vẻ đẹp của dòng sông truyền thống gia đình.
– Luận điểm 2 : Hình ảnh hai chị em Việt khiêng bàn thờ ba má gửi đến nhà chú Năm
Kết bài: khái quát lại giá trị nội dung, nghệ thuật của tác phẩm.
Đề số 3:
Mở bài: Giới thiệu tác giả, tác phẩm và 2 nhân vật Việt và Chiến.
Thân bài:
– Luận điểm 1: Việt và Chiến có nhiều nét giống nhau vì họ đều xuất thân từ gia đình mang truyền thống yêu nước và truyền thống cách mạng.
– Luận điểm 2 : Những nét tính cách khác nhau giữa nhân vật Việt và Chiến.
Kết bài: Cảm nghĩ của bản thân về hai nhân vật Việt và Chiến.
Đề số 4:
Mở bài: Giới thiệu tác giả, tác phẩm và nhân vật Việt.
Thân bài:
– Luận điểm 1: Việt là một cậu bé tính tình ngây thơ, còn hồn nhiên và thú vị.
– Luận điểm 2: Việt mang trong mình tình thương yêu sâu đậm với gia đình.
– Luận điểm 3: Việt là một chiến sĩ rất dũng cảm.
– Luận điểm 4: Nhận xét nghệ thuật xây dựng nhân vật của tác giả Nguyễn Thi.
Kết bài: Cảm nghĩ riêng về nhân vật Việt.
Đề số 5:
Mở bài: Giới thiệu tác giả, tác phẩm và dẫn dắt vào vấn đề cần nghị luận
Thân bài:
– Luận điểm 1: Chất Nam Bộ được thể hiện qua tính cách, phẩm chất các nhân vật
– Luận điểm 2: Chất Nam Bộ thể hiện qua ngôn ngữ của nhân vật
– Luận điểm 3: Chất Nam Bộ thể hiện qua không gian nghệ thuật
Kết bài: Khái quát mở rộng vấn đề.
Đề số 6:
Mở bài: Giới thiệu tác giả, tác phẩm và nét Nam Bộ trong tác phẩm.
Thân bài:
– Luận điểm 1: Giải thích: Chất Nam Bộ là gì
– Luận điểm 2: Khắc họa, xây dựng hình tượng những con người miền Nam trong tác phẩm; mỗi con người ấy có những nét riêng nhưng họ đều là hình tượng đại diện cho những người dân Nam Bộ.
– Luận điểm 3: Đề tài tác phẩm là phản ánh cuộc chiến tranh ở miền Nam
– Luận điểm 4: Khái quát không khí sinh hoạt của người dân Nam Bộ
Kết bài: Cảm nghĩ riêng về chất Nam Bộ trong tác phẩm.
Đề số 7:
Mở bài: Giới thiệu “Rừng xà nu” và “Những đứa con trong gia đình”
Thân bài:
– Luận điểm 1: Giải thích chủ nghĩa anh hùng cách mạng trong văn học là gì ?
– Luận điểm 2: Chủ nghĩa anh hùng cách mạng được thể hiện như thế nào qua hai truyện ngắn?
Kết bài: Cảm nghĩ riêng về hai tác phẩm.