Phép chuẩn và phép giao là hai phép quan trọng đối với những tín hữu Công giáo. Vậy phép chuẩn là gì? Phép giao là gì? Và sự khác biệt giữa phép chuẩn và phép giao như thế nào?
Mục lục bài viết
1. Phép chuẩn là gì?
Theo điều 85 Giáo luật Công giáo thì phép chuẩn hay miễn chuẩn là sự nới lỏng một luật thuần túy Giáo Hội trong một trường hợp đặc biệt, có thể được ban do những người có quyền hành pháp, trong giới hạn thẩm quyền của mình, cũng như do những người minh nhiên hay mặc nhiên có quyền miễn chuẩn, hoặc do chính luật, hoặc do một sự ủy quyền hợp pháp.
2. Phép giao là gì?
Nghi thức cử hành hôn lễ ngoài Thánh lễ được gọi là phép giao. Phép giao là một thuật ngữ dùng để phân biệt với những lễ cưới được cử hành trong thánh lễ – phép cưới. Ngoài ra đây còn được hiểu là nghi thức cử hành hôn lễ giữa hai người mà trong đó một người chưa thực hiện nghi lễ rửa tội.
3. Sự khác biệt giữa phép chuẩn và phép giao:
Như đã được đề cập ở trên, có thể thấy sự khác biệt cơ bản giữa phép chuẩn và phép giao như sau:
– Nghi thức thực hiện: phép chuẩn và phép giao có nghi thức thực hiện khác nhau.
– Đối tượng được thực hiện:
+ Đối tượng được phép chuẩn là những trường hợp đặc biệt có thể được xem xét miễn những điều luật bắt buộc của giáo hội.
+ Đối tượng được thực hiện phép giao là những đối tượng cử hành hôn sự ngoài thánh lễ.
– Mục đích:
+ Phép chuẩn nhằm mục đích nới lỏng những quy định giáo lý đối với một số tín hữu.
+ Phép giao thừa nhận những hôn sự không đủ điều kiện thành hôn trong thánh lễ.
– Điều kiện được thực hiện phép giữa phép chuẩn và phép giao cũng có sự khác biệt.
4. Nghi thức kết hôn trong thánh lễ:
4.1. Lời nguyện nhập lễ:
Lạy Chúa, Chúa dùng bí tích cao trọng thánh hóa tình nghĩa vợ chồng, để hôn nhân tượng trưng cho sự kết hợp nhiệm mầu giữa Ðức Kitô và Hội Thánh.
Xin cho các tín hữu Chúa đây là anh (ông) T. và chị (bà) T., biết thực hiện trong cả đời sống ý nghĩa sâu xa của bí tích hôn nhân họ sắp cử hành.
Chúng con cầu xin vì Ðức Giêsu Kitô, Con Chúa, là Thiên Chúa và là Chúa chúng con Người hằng sống và hiển trị cùng Chúa hiệp nhất với Chúa Thánh Thần đến muôn thuở muôn đời.
Amen.
4.2. Nghi thức hôn phối:
Trong thánh lễ, sau Phúc Âm và bài giảng, chủ tế đứng trước mặt đôi tân hôn để cử hành nghi thức hôn phối:
Các con (anh chị) thân mến, các con (anh chị) đến nhà thờ để tình yêu các con (anh chị) được Thiên Chúa đóng ấn trước mặt đại diện Hội Thánh và cộng đồng dân Chúa. Thức vậy, Chúa Kitô rộng rãi chúc phúc tình yêu này, và Chúa dùng bí tích đặc biệt làm cho các con (anh chị) luôn luôn trung tín với nhau, và đảm nhận những trách nhiệm của hôn nhân, cũng như chính Người đã dùng phép Thánh Tẩy để thánh hiến các con (anh chị). Bởi đó, trước mặt Hội Thánh, cha hỏi ý kiến các con (anh chị):
T… và T… các con (anh chị) có tự do và thực lòng đến đây, chứ không bị ép buộc, để kết hôn với nhau không?
Ðôi Tân Hôn đáp:
– Thưa có!
Chủ tế hỏi:
Khi chọn đời sống hôn nhân, các con (anh chị) có sẵn sàng yêu thương và tôn trọng nhau suốt đời không?
Ðôi Tân Hôn đáp:
– Thưa có!
Chủ tế hỏi:
Các con (anh chị) có sẵn sàng yêu thương đón nhận con cái mà Chúa sẽ ban, và giáo dục chúng theo luật Chúa Kitô và Hội Thánh không?
Ðôi Tân Hôn đáp:
– Thưa có!
Chủ tế đọc:
Vậy bởi vì các con (anh chị) đã quyết định kết hôn với nhau, các con (anh chị) hãy cầm tay nhau và nói lên sự ưng thuận của các con (anh chị) trước mặt Thiên Chúa và Hội Thánh Người.
Ðôi tân hôn bắt tay nhau hoặc cầm tay nhau, rồi bên nam nói:
Tôi T… nhận em T… làm vợ, và hứa sẽ giữ lòng chung thủy với em, khi thịnh vượng cũng như lúc gian nan, khi bệnh hoạn cũng như lúc mạnh khỏe, để yêu thương và tôn trọng em mọi ngày suốt đời tôi.
Bên nữ đáp lại:
Tôi T… nhận em T… làm chồng, và hứa sẽ giữ lòng chung thủy với anh, khi thịnh vượng cũng như lúc gian nan, khi bệnh hoạn cũng như lúc mạnh khỏe, để yêu thương và tôn trọng anh mọi ngày suốt đời tôi.
Nhưng vì một lý do gì, chủ tế có thể hỏi đôi tân hôn theo cách dưới đây:
Chủ tế hỏi bên nam:
T… nhận em T… làm vợ, và hứa sẽ giữ lòng chung thủy với vợ, khi thịnh vượng cũng như lúc gian nan, khi bệnh hoạn cũng như lúc mạnh khỏe, để yêu thương và tôn trọng vợ mọi ngày suốt đời không?
Bên nam trả lời:
Thưa con nhận.
Chủ tế hỏi bên nữ:
T… nhận em T… làm chồng, và hứa sẽ giữ lòng chung thủy với chồng, khi thịnh vượng cũng như lúc gian nan, khi bệnh hoạn cũng như lúc mạnh khỏe, để yêu thương và tôn trọng chồng mọi ngày suốt đời không?
Bên nữ trả lời:
Thưa con nhận.
Chủ tế đọc:
Xin Thiên Chúa đoái thương xác nhận sự ưng thuận mà chúng con (anh chị) đã tỏ bày trước Hội Thánh, và xin Người đổ tràn đầy ơn phúc cho chúng con (anh chị).
Sự gì Thiên Chúa liên kết, loài người không được phân ly.
Amen.
4.3. Làm phép và trao nhẫn
Chủ tế đọc:
Xin Thiên Chúa chúc phúc cho những chiếc nhẫn này, mà hai người trao cho nhau, để làm bằng chứng tình yêu và trung thành.
Người chồng xỏ nhẫn vào ngón tay người vợ và tùy nghi nói:
T… em hãy nhận chiếc nhẫn này để làm bằng chứng tình yêu và lòng trung thành của anh. Nhân danh Cha và Con và Thánh Thần.
Người vợ cũng xỏ nhẫn vào ngón tay người chồng và nói:
T… anh hãy nhận chiếc nhẫn này để làm bằng chứng tình yêu và lòng trung thành của em. Nhân danh Cha và Con và Thánh Thần.
Thánh Lễ tiếp diễn như thường.
4.4. Lời nguyện tiến lễ:
Lạy Chúa, xin chấp nhận của lễ chúng con dâng để cầu cho anh (ông) T. và chị (bà) T. vừa thành hôn theo luật Hội Thánh.
Mối duyên này Chúa đã định, xin cũng an bài cho họ được trăm năm hạnh phúc. Chúng con cầu xin nhờ Ðức Kitô Chúa chúng con.
Amen.
4.5. Lời tiền tụng:
Lạy Cha chí thánh là Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, chúng con tạ ơn Cha mọi nơi mọi lúc, thật là chính đáng, phải đạo và sinh ơn cứu độ cho chúng con.
Cha đã muốn kết hợp hai người nam nữ bằng hôn ước để họ suốt đời gắn bó yêu thương và sống hòa thuận trong tình nghĩa vợ chồng, để nhờ cuộc hôn nhân thánh thiện
con cái Cha ngày thêm đông đảo.
Thật vậy, nhờ Cha dự liệu và ban ơn, Cha làm nên hai điều kỳ diệu: là cho đôi bạn sinh con cái để trần gian được tăng vẻ huy hoàng và cho con cái họ được tái sinh để Giáo Hội càng ngày thêm phát triển, nhờ Ðức Kitô, Chúa chúng con.
Nhờ Người, hiệp với toàn thể thiên thần và các thánh, chúng con không ngừng hát bài ca chúc tụng Cha và tung hô rằng:
Thánh! Thánh! Chí Thánh!…
4.6. Cầu nguyện cho đôi tân hôn:
Sau kinh Lạy Cha, chủ tế bỏ kinh “Lạy Cha, xin cứu chúng con…”, đứng quay mặt về phía đôi tân hôn và đọc lời cầu nguyện cho họ:
Anh chị em thân mến, chúng ta hãy dâng lên Cha trên trời lời cầu khẩn thiết tha, xin Người tuôn đổ muôn phúc lành cho anh chị (ông bà) T. và T. vừa thành hôn với nhau theo nghi thức Kitô giáo.
Người đã liên kết họ bằng giao ước thánh (và bằng bí tích Mình và Máu Ðức Kitô), xin Người cũng cho họ biết trọn đời yêu thương nhau.
Mọi người thinh lặng cầu nguyện trong giây lát, rồi chủ tế dang tay đọc tiếp:
Lạy Cha là Thiên Chúa toàn năng, Cha đã tạo dựng muôn loài từ hư vô, và an bài mọi sự trong trời đất ngay từ thuở ban đầu.
Khi dựng nên con người giống hình ảnh Cha, Cha đã đặt người nữ làm trợ tá bất khả phân ly của người nam, vì vậy, họ không còn là hai, nhưng chỉ là một xương thịt.
Như thế, Cha dạy chúng con rằng: sự gì Cha đã phối hợp nên một, loài người không bao giờ được phép phân ly.
Lạy Cha, Cha dùng bí tích cao trọng thánh hóa tình nghĩa vợ chồng, để hôn nhân tượng trưng cho sự kết hợp nhiệm mầu giữa Ðức Kitô và Hội Thánh.
Lạy Cha, Cha đã phối hợp người nữ với người nam và từ nguyên thuỷ đã chúc phúc cho xã hội họ gầy dựng nên được sinh sôi nảy nở.
Lời chúc phúc này, dù nguyên tội hay đại hồng thuỷ cũng không xóa bỏ được.
Xin ghé mắt nhân từ nhìn đến chị (bà) T. vừa thành hôn với anh (ông) T., và đang cầu mong được Cha ban ơn phúc.
Xin cho chị (bà) được đầy lòng yêu thương, biết ăn ở thuận hòa, luôn noi gương các thánh nữ đã được tán dương trong Sách Thánh.
Xin cho anh (ông) T. biết trọn niềm tin tưởng ở chị (bà) T., nhìn nhận chị (bà) là người bạn bình đẳng, và cũng được thừa hưởng sự sống là hồng ân Chúa ban.
Xin cho anh (ông) biết luôn luôn kính trọng và yêu thương chị (bà) như Ðức Kitô yêu thương Hội Thánh.
Vậy giờ đây, lạy Cha, xin cho đôi tân hôn này được kiên trì giữ vững đức tin, và thiết tha yêu mến luật Cha; được trọn tình chung thuỷ với nhau để nêu gương một đời sống thánh thiện.
Xin ban cho họ được sức mạnh của Tin Mừng, để họ trở nên những nhân chứng đích thực của Chúa Kitô trước mặt mọi người.
(Xin cho họ đông con nhiều cháu, được trở nê cha mẹ mẫu mực khôn ngoan) và khi đã trải qua tuổi thọ an nhàn, họ được về thiên quốc, cùng các thánh hưởng phúc trường sinh.
Chúng con cầu xin nhờ Ðức Kitô, Chúa chúng con.
Amen.
Sau đó tiếp tục thánh lễ như thường.
4.7. Lời nguyện hiệp lễ:
Lạy Chúa, Chúa đã an bài cho hai anh chị (ông bà) T. và T. kết duyên với nhau và đã dùng bí tích hôn nhân mà thánh hóa mối tình của họ.
(Chúa lại còn cho họ đồng bàn cùng ăn một bánh, uống chung một chén.)
Giờ đây, vì lễ tế này, xin Chúa ban dồi dào ân sủng, để họ sống hòa thuận trong cùng một tình bác ái. Chúng con cầu xin nhờ Ðức Kitô, Chúa chúng con.
Amen.
4.8. Lời chúc lành cuối lễ:
Xin Thiên Chúa là Cha hằng hữu gìn giữ anh chị (ông bà) luôn hòa thuận yêu thương nhau.
Xin Ðức Kitô ban cho anh chị (ông bà) được bình an và cho gia đình hằng yên vui đầm ấm.
Amen.
Chúc anh chị (ông bà) (được hồng phúc có con nối dõi tông đường), được bạn hữu mến thương giúp đỡ, và sống hòa hợp với mọi người.
Amen.
Chúc anh chị (ông bà) trở thành nhân chứng tình yêu của Thiên Chúa giữa thế gian:
luôn rộng lòng đón tiếp người khổ đau nghèo đói, để ngày sau chính họ sẽ đền ơn và mời đón anh chị (ông bà) vào nhà Cha trên trời.
Amen.
Và xin Thiên Chúa toàn năng là Chúa Cha, và Chúa Con X và Chúa Thánh Thần ban phúc lành cho anh chị em.
Amen.
THAM KHẢO THÊM: