Một bài thơ có thể không chỉ có yếu tố tự sự mà còn chứa đựng yếu tố miêu tả. Bài viết dưới đây là một số đoạn ghi lại những đoạn thơ chưa đựng hai yếu tố này. Mời bạn đọc cùng tham khảo.
Mục lục bài viết
- 1 1. Yêu cầu chung đối với đoạn văn ghi lại cảm xúc về một bài thơ có yếu tố tự sự và miêu tả:
- 2 2. Đoạn văn ghi lại cảm xúc về một bài thơ có tự sự và miêu tả hay nhất:
- 3 3. Viết đoạn văn ghi lại cảm xúc về một bài thơ có tự sự và miêu tả ấn tượng:
- 4 4. Viết đoạn văn ghi lại cảm xúc về một bài thơ có tự sự và miêu tả nâng cao:
- 5 5. Viết đoạn văn ghi lại cảm xúc về một bài thơ có tự sự và miêu tả cho học sinh giỏi:
1. Yêu cầu chung đối với đoạn văn ghi lại cảm xúc về một bài thơ có yếu tố tự sự và miêu tả:
– Giới thiệu tên bài thơ, tên tác giả.
– Phát biểu cảm nghĩ chung về một bài thơ.
– Hãy phát biểu những chi tiết tự sự và miêu tả trong bài thơ, đánh giá tầm quan trọng của chúng đối với việc bộc lộ tình cảm, cảm xúc của nhà thơ.
– Nêu nét độc đáo trong cách kể và tả của nhà thơ.
2. Đoạn văn ghi lại cảm xúc về một bài thơ có tự sự và miêu tả hay nhất:
Đoạn văn mẫu số 1:
“Mây và Sóng” là một trong những tác phẩm tiêu biểu của nhà thơ Tago. Đoạn thơ đã đánh thức những cảm xúc sâu thẳm trong lòng người đọc về tình mẹ thiêng liêng. Em bé trong bài thơ được mời đến một thế giới kì diệu của “mây” và “sóng”. Vì sự tò mò của mình, em bé hỏi: “Nhưng tôi làm sao mà lên được với các người?”. Nhưng khi đứa bé nhớ ra mẹ luôn đợi mình ở nhà, em bé đã ngay lập tức từ chối: “Mẹ tôi đang đợi ở nhà, Làm sao tôi có thể bỏ mẹ tôi mà đi được?”. Không có niềm hạnh phúc nào lớn hơn khi được ở bên mẹ, dù thế giới ngoài kia thật mới mẻ và thú vị. Các khổ thơ giàu chất tự sự và miêu tả có tác dụng giúp bộc lộ cảm xúc của nhân vật trong bài thơ. Trong các bài thơ của mình, Ta-go đã sử dụng liên tiếp các câu thoại, các chi tiết lặp lại, kết hợp với các hình ảnh tượng trưng. Bài thơ mang đến cho người đọc một câu chuyện cảm động về tình mẫu tử thiêng liêng.
Đoạn văn mẫu số 2:
Bài thơ “Mây và Sóng” của Ta-go mang đến cho người đọc nhiều cảm nhận sâu sắc về tình mẫu tử thiêng liêng. Câu chuyện được trình bày dưới hình thức một bài thơ. Những từ ngữ giàu chất thơ đã khiến cho câu chuyện trở nên hấp dẫn, thú vị và thu hút người đọc hơn. Em bé trong bài thơ được mời đến một thế giới kì diệu của “mây” và “sóng”. Với bản tính tò mò của đứa trẻ, nó hỏi: “Nhưng tôi làm sao mà lên được với các người?”, “Nhưng tôi làm sao gặp được các người?”. Tuy những lời mời gọi từ mây và sóng rất hấp dẫn nhưng khi đứa bé nhớ ra có mẹ đợi mình ở nhà, đứa bé đã không do dự mà từ chối: “Mẹ tôi đang đợi ở nhà, Làm sao tôi có thể bỏ mẹ tôi mà đi được?”, “Buổi chiều, mẹ tôi luôn luôn muốn tôi ở nhà với mẹ – Làm sao tôi có thể bỏ mẹ tôi mà đi được?”. Sau khi từ chối mây và sóng, em bé thậm chí còn tạo ra những trò chơi thú vị hơn để chơi cùng với mẹ của mình. Trong trò chơi ấy, em bé là mây, là sóng; còn mẹ là vầng trăng, là bến bờ hiền bao dung, che chở cho bé. Những khổ thơ miêu tả hình ảnh sóng và mây rất đặc sắc làm cho bài thơ thêm sinh động. Quả thật là không có niềm hạnh phúc nào lớn hơn khi được ở bên mẹ, dù thế giới ngoài kia có kỳ thú đến nhường nào.
3. Viết đoạn văn ghi lại cảm xúc về một bài thơ có tự sự và miêu tả ấn tượng:
Đoạn văn mẫu số 1:
Nhan đề “Chuyện cổ tích về loài người” của Xuân Quỳnh khiến người đọc nhớ lại những câu chuyện bà thường kể từ một thời đã qua. Đọc tác phẩm, người đọc sẽ cảm thấy hứng thú với cách lý giải của tác giả về nguồn gốc loài người. Câu chuyện được trình bày dưới hình thức một bài thơ, nhưng những câu thơ lại giàu tính tự sự, như một câu chuyện được kể theo trình tự thời gian. Đầu tiên, tác giả cho rằng trời sinh ra đầu tiên là một đứa trẻ. Sau đó, để những đứa trẻ có một môi trường sống tốt, những thứ khác đã được sinh ra trên trái đất. Ở đây, nhà thơ đã sử dụng những hình ảnh gợi tả sinh động giúp người đọc hiểu rõ hơn về quá trình môi trường thiên nhiên xung quanh đứa trẻ được tạo ra như thế nào. Sau đó, người mẹ được sinh ra, là người giúp đỡ những đứa trẻ cho chúng tình yêu thương và sự chăm sóc. Người cha sinh ra để dạy cho trẻ những giá trị truyền thống. Cuối cùng, trường học là nơi trẻ em đến để học và chơi. Bài thơ là sự thể hiện tình cảm sâu sắc của tác giả đối với trẻ thơ.
Đoạn văn mẫu số 3:
Trong những tác phẩm thơ ca kết hợp yếu tố tự sự và miêu tả, bài thơ “Chuyện cổ tích về loài người” của nhà thơ Xuân Quỳnh luôn để lại ấn tượng sâu sắc nhất trong em. Với một góc nhìn mới mẻ và sáng tạo, nhà thơ đã mang đến cho chúng ta một câu chuyện về nguồn gốc loài người. Xuân Quỳnh bắt đầu bằng việc miêu tả trái đất thời kỳ đầu, khi mọi thứ còn chìm trong bóng tối, toàn bộ thế giới chỉ là một màu đen bao phủ. Nhưng rồi, khi trẻ em xuất hiện, mặt trời bắt đầu chiếu sáng, mang lại ánh sáng và sự sống cho trái đất. Theo dòng thời gian, cây cối, hoa cỏ cũng dần xuất hiện, tô điểm cho trái đất bằng những màu sắc rực rỡ. Tiếp theo, biển, sông hồ, mây trời, muông thú lần lượt hiện hữu, làm cho thế giới trở nên phong phú và sống động hơn. Không chỉ dừng lại ở thiên nhiên, bài thơ còn đi sâu vào tình cảm và mối quan hệ con người. Có mẹ để yêu thương, chăm sóc và che chở cho trẻ. Có bà để kể cho trẻ nghe những câu chuyện nhân văn và bổ ích, những bài học quý giá. Có bố để dạy bảo, hướng dẫn trẻ những điều hay lẽ phải trong cuộc sống. Và có cả trường lớp, thầy cô để dìu dắt trẻ từng bước tiến vào tương lai. Những hình ảnh này không chỉ được miêu tả một cách sinh động mà còn chứa đựng tình yêu thương sâu sắc của nhà thơ dành cho trẻ em. Qua từng câu từ, Xuân Quỳnh đã khéo léo lồng ghép những thông điệp về tình yêu, sự quan tâm và trách nhiệm của người lớn đối với thế hệ trẻ. Bài thơ như một lời nhắc nhở rằng trẻ em chính là mầm non tương lai, là những tia hy vọng, và cần được nuôi dưỡng, bảo vệ và yêu thương. “Chuyện cổ tích về loài người” không chỉ là một tác phẩm nghệ thuật mà còn là một bài học quý giá về tình người và tình yêu trẻ em. Tác phẩm đã giúp chúng ta cảm nhận được sự ấm áp, chân thành trong tình yêu thương mà Xuân Quỳnh dành cho trẻ nhỏ. Bằng những hình ảnh đẹp đẽ và lời thơ tinh tế, nhà thơ đã mang đến cho người đọc một cảm giác bình yên và hy vọng vào một tương lai tươi sáng.
4. Viết đoạn văn ghi lại cảm xúc về một bài thơ có tự sự và miêu tả nâng cao:
Bài thơ “Những cánh buồm” của tác giả Hoàng Trung Thông đã để lại trong em vô vàn cảm xúc. Đầu tiên, hình ảnh người cha “dắt con đi” được lặp lại nhiều lần không chỉ đơn thuần thể hiện hành động dắt tay mà còn tượng trưng cho tình yêu thương, sự che chở của người cha trong hành trình hướng tới tương lai của con. Qua từng câu thơ, chúng ta có thể cảm nhận được sự gắn bó sâu sắc giữa cha và con. Hình ảnh đứa con trong bài thơ không chỉ biểu hiện sự tin tưởng mà còn là tình yêu thương vô bờ bến dành cho cha. Khi người con đề nghị, “Cha mượn cho con buồm trắng nhé/Để con đi”, đó không chỉ là mong muốn khám phá thế giới rộng lớn ngoài kia mà còn là niềm tin tưởng tuyệt đối vào cha, rằng cha sẽ giúp biến ước mơ của mình thành hiện thực. Những cánh buồm trắng tượng trưng cho những ước mơ bay cao, bay xa của đứa trẻ, là biểu tượng của sự tự do và khát khao khám phá. Cánh buồm kiêu hãnh giữa biển khơi là hình ảnh sống động, thể hiện khát vọng được đi xa, được khám phá những điều mới mẻ. Đồng thời, hình ảnh này cũng chất chứa hình bóng của người cha, người đã từng ấp ủ những ước mơ, lý tưởng cao đẹp của con. Bằng giọng thơ chân thành, giản dị, Hoàng Trung Thông đã ca ngợi những ước mơ của trẻ thơ, khơi gợi lên trong lòng người đọc niềm tin vào một tương lai tươi sáng. Những ước mơ đó không chỉ làm cho cuộc sống trở nên đẹp đẽ hơn mà còn là động lực để mỗi người không ngừng nỗ lực, vươn lên. “Những cánh buồm” là một bài thơ giản dị nhưng sâu sắc, lưu lại dấu ấn mạnh mẽ trong lòng em, khiến em không ngừng suy nghĩ về tình cha con, về những ước mơ và khát vọng của cuộc sống. Hoàng Trung Thông đã thành công trong việc truyền tải một thông điệp đầy nhân văn qua những vần thơ nhẹ nhàng mà sâu lắng. Bài thơ không chỉ là một tác phẩm nghệ thuật mà còn là lời nhắc nhở về giá trị của tình yêu thương và niềm tin vào những ước mơ của thế hệ trẻ. “Những cánh buồm” đã khơi dậy trong em niềm cảm hứng, khát khao khám phá và tin tưởng vào tương lai, nơi những ước mơ sẽ trở thành hiện thực.
5. Viết đoạn văn ghi lại cảm xúc về một bài thơ có tự sự và miêu tả cho học sinh giỏi:
Bài thơ “Đêm nay Bác không ngủ” của nhà thơ Minh Huệ là một tác phẩm nổi tiếng, được sáng tác vào thời kỳ chống Pháp năm 1951, và đã để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng nhân dân Việt Nam. Hình ảnh Bác Hồ thức trắng suốt đêm, không ngủ vì lo lắng cho dân công hiện lên sống động và chạm đến trái tim của biết bao người, trong đó có em. Hình ảnh Bác không ngủ không chỉ thể hiện lòng yêu thương tác giả đối với Bác mà còn khắc họa rõ nét sự ân cần và tận tụy của Người. Trong đêm khuya, khi anh đội viên nằng nặc yêu cầu Bác nghỉ ngơi, Bác lại từ chối và thay vào đó động viên anh ngủ để mai còn sức đánh giặc. Qua những lời động viên giản dị nhưng đầy tình cảm ấy, em cảm nhận được tình yêu nước thương dân, sự hy sinh cao cả của Bác cho dân tộc Việt Nam. Bác Hồ, trong mắt của mỗi người dân Việt Nam, không chỉ là vị lãnh tụ vĩ đại mà còn là một người cha kính yêu. Bài thơ đã thể hiện hết sức chân thực hình ảnh Bác như một người cha hiền từ, ân cần chăm sóc và lo lắng cho con dân của mình. “Đêm nay Bác không ngủ” không chỉ là một bài thơ mà còn là một bản nhạc trữ tình, một khúc ca về lòng yêu nước, về sự hy sinh và tinh thần cách mạng của Bác Hồ. Tác phẩm đã mang lại cho em những cảm xúc sâu lắng, những bài học quý giá về tình yêu quê hương, đất nước và lòng kính trọng đối với Bác. Qua đó, em càng thấm thía hơn giá trị to lớn của sự tự do, hòa bình mà Bác và các thế hệ cha anh đã dày công đấu tranh, giành lấy cho dân tộc. Bài thơ sẽ mãi là nguồn cảm hứng, là ngọn lửa sưởi ấm trái tim em, nhắc nhở em luôn phấn đấu, rèn luyện để xứng đáng với những hy sinh cao cả của Bác Hồ và các thế hệ đi trước.
THAM KHẢO THÊM: