Lễ Quốc tang (hay còn gọi là Quốc tang) và Lễ tang cấp Nhà nước (hay tang lễ cấp Nhà nước) là hai hình thức tổ chức tang lễ khác nhau và được quy định trong các văn bản pháp luật. Dưới đây, là những quy định để so sánh giữa Quốc tang và Tang lễ cấp Nhà nước nhằm giúp nhận diện và hiểu khái quát hơn về tầm quan trọng của hai nghi lễ này đối với quốc gia và nhân dân
Mục lục bài viết
- 1 1. Khái niệm Lễ Quốc tang và Lễ tang cấp Nhà nước:
- 2 2. Điểm giống nhau giữa Lễ Quốc tang và Lễ tang cấp Nhà nước:
- 3 3. Điểm khác nhau giữa Lễ Quốc tang và Lễ tang cấp Nhà nước:
- 3.1 3.1. Chức danh được tổ chức Lễ Quốc tang và Lễ tang cấp Nhà nước?
- 3.2 3.2. Số lượng thành viên Ban Lễ tang Nhà nước và Ban Tổ chức Lễ tang:
- 3.3 3.3. Số lượng vòng hoa viếng giữa Lễ Quốc tang và Lễ tang cấp Nhà nước:
- 3.4 3.4. Lễ Quốc tang và Lễ tang cấp Nhà nước có tổ chức Lễ viếng ở nước ngoài?
- 3.5 3.5. Lực lượng và phương tiện phục vụ Lễ tang có sự khác biệt giữa Lễ Quốc tang và Lễ tang cấp Nhà nước:
1. Khái niệm Lễ Quốc tang và Lễ tang cấp Nhà nước:
Căn cứ quy định tại Điều 1 và Điều 3 Nghị định 105/2012/NĐ-CP thì hình thức lễ tang dành cho cán bộ, công chức, viên chức đang làm việc hoặc nghỉ hưu khi từ trần bao gồm Lễ Quốc tang; Lễ tang cấp Nhà nước; Lễ tang cấp cao và Lễ tang Cán bộ, công chức, viên chức.
- Lễ Quốc tang là một hình thức lễ tang đặc biệt và trang trọng cao nhất, có thể hiểu là nghi thức cả nước để tang, là dịp để toàn thể dân tộc bày tỏ lòng thành kính, sự tri ân và biết ơn sâu sắc đối với những công lao và cống hiến của những vị lãnh tụ vĩ đại có công xây dựng và bảo vệ đất nước, nhằm tưởng nhớ và tôn vinh một nhân vật quan trong vừa qua đời của một quốc gia.
Nghi lễ được Bộ Chính trị quyết định tổ chức đối với các cán bộ cấp cao khác có quá trình đóng góp và công lao to lớn đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng, Nhà nước và nhân dân, có uy tín rất lớn trong nước và quốc tế.
- Lễ tang cấp Nhà nước là một nghi lễ quan trọng thể hiện sự tiếc thương, kính trọng, biết ơn, của toàn thể nhân dân đối với những đóng góp, cống hiến và thành tích của người từ trần là cán bộ, công chức, viên chức đang làm việc hoặc nghỉ hưu được quy định tại Điều 21 Nghị định 105/2012/NĐ-CP cho sự phát triển chung của đất nước.
Như vậy, có thể thấy Lễ Quốc tang khác với Lễ tang cấp Nhà nước. Lễ Quốc tang là nghi lễ có sự trang trọng và mức độ đặc biệt cao hơn Lễ tang cấp Nhà nước. Đây là Lễ tang dành cho những vị lãnh tụ của đất nước và những nhân vật quan trọng có tầm ảnh hưởng lớn đến một quốc gia.
2. Điểm giống nhau giữa Lễ Quốc tang và Lễ tang cấp Nhà nước:
Từ khái niệm nêu trên, nhận thấy Lễ Quốc tang và Lễ tang cấp Nhà nước đều là lễ tang quan trọng dành cho những nhân vật có tầm ảnh hưởng và có công lao to lớn đối với quốc gia, dân tộc.
Theo đó, cả 02 hình thức đều có các điểm tương đồng cụ thể như sau:
Thứ nhất, Ban Lễ tang Nhà nước và Ban Tổ chức Lễ tang đều do Bộ Chính trị quyết định thành lập. Các văn bản về Lễ Quốc tang và Lễ tang cấp Nhà nước đều được Ban Tổ chức Trung ương chủ trì, phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương, Văn phòng Trung ương Đảng và cơ quan chủ quản của người từ trần soạn thảo theo quy định tại Điều 8 và Điều 24 Nghị định 105/2012/NĐ-CP.
Thứ hai, đây là 02 hình thức lễ tang quan trọng và phải được đất nước và nhân dân hưởng ứng để bày tỏ lòng biết ơn, sự kính trọng và mất mát to lớn đối với người từ trần, do đó, 02 hình thức này quy định về việc đưa tin và đăng tin trên các phương tiện thông tin đại chúng. Theo đó, các phương tiện truyền thông đại chúng chỉ được đưa tin vắn về việc từ trần khi chưa có thông báo chính thức của Ban Tổ chức Lễ tang. Sau khi Ban Tổ chức Lễ tang và việc tổ chức lễ tang được chính thức công bố thì các phương tiện truyền thông đại chúng mới được đưa tin buồn và đăng các bài viết giới thiệu về người từ trần.
Thứ ba, địa điểm tổ chức cả 02 hình thức lễ tang này đều tại Nhà tang lễ Quốc gia số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội (nếu tổ chức ở Hà Nội) và Nhà tang lễ Bệnh viện Quân y 175 hoặc Nhà tang lễ số 25 Lê Quý Đôn, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh (nếu tổ chức ở Thành phố Hồ Chí Minh).
Bên cạnh đó, việc an táng người từ trần sẽ thực hiện tại Nghĩa tang Mai Dịch, Hà Nội; Nghĩa trang thành phố Hồ Chí Minh hoặc thực hiện hỏa táng, điện táng, an táng tại quê hương hay nghĩa trang địa phương khác theo nguyện vọng của gia đình.
3. Điểm khác nhau giữa Lễ Quốc tang và Lễ tang cấp Nhà nước:
3.1. Chức danh được tổ chức Lễ Quốc tang và Lễ tang cấp Nhà nước?
Cán bộ khi từ trần sẽ được tổ chức hình thức lễ tang khác nhau dựa trên chức vụ họ đang giữ hoặc thôi giữ theo quy định tại Điều 5 và Điều 21 Nghị định 105/2012/NĐ-CP, cụ thể như sau:
- Đối với cán bộ đang giữ hoặc thôi giữ một trong các chức vụ sau đây sẽ được tổ chức Lễ Quốc tang khi họ từ trần: Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng; Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; Chủ tịch Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
- Đối với cán bộ đang giữ hoặc thôi giữ một trong các chức vụ sau đây sẽ được tổ chức Lễ tang cấp Nhà nước khi họ từ trần: Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng; Phó Chủ tịch nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam; Phó Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; Phó Chủ tịch Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Chánh án Toà án nhân dân tối cao; Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; Đại tướng lực lượng vũ trang nhân dân; Thượng tướng lực lượng vũ trang nhân dân là cán bộ hoạt động cách mạng trước Tháng 8 năm 1945.
Tuy nhiên, trường hợp người từ trần giữ một trong các chức vụ theo quy định được tổ chức Lễ tang cấp Nhà nước mà bị kỷ luật thì Lễ tang sẽ được tổ chức theo hình thức Lễ tang cán bộ, công chức, viên chức đối với trường hợp bị kỷ luật bằng hình thức cách chức theo quy định tại khoản 2 Điều 21 Nghị định này.
3.2. Số lượng thành viên Ban Lễ tang Nhà nước và Ban Tổ chức Lễ tang:
- Đối với Lễ Quốc tang thì số lượng Ban Lễ tang Nhà nước và Ban Tổ chức Lễ tang được quy định tại Điều 7 Nghị định 105/2012/NĐ-CP, cụ thể:
+ Ban Lễ tang Nhà nước được Bộ Chính trị quyết định thành lập, gồm từ 25 đến 30 thành viên đại diện Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương, Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể Trung ương, cơ quan nơi người từ trần đã hoặc đang công tác, đại diện lãnh đạo tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quê hương hoặc nơi người từ trần được sinh ra.
+ Ban Tổ chức Lễ tang do Bộ Chính trị quyết định thành lập với số lượng gồm từ 15 đến 20 thành viên đại diện cho các Bộ, ban, ngành ở Trung ương, địa phương quê hương hoặc nơi sinh của người từ trần và đại diện gia đình người từ trần.
- Đối với Lễ tang cấp Nhà nước thì số lượng Ban Lễ tang Nhà nước và Ban Tổ chức Lễ tang được quy định tại Điều 23 Nghị định 105/2012/NĐ-CP, cụ thể:
+ Ban Lễ tang Nhà nước sẽ do Ban Bí thư Trung ương Đảng quyết định thành lập, gồm từ 20 đến 25 thành viên đại diện Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương, Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, cơ quan nơi người từ trần đã hoặc đang công tác và địa phương quê hương hoặc nơi sinh của người từ trần.
+ Ban Tổ chức Lễ tang được Ban Bí thư Trung ương Đảng quyết định thành lập, gồm từ 10 đến 15 thành viên đại diện cho các Bộ, Ban, ngành ở Trung ương, địa phương quê hương hoặc nơi sinh của người từ trần và đại diện gia đình.
3.3. Số lượng vòng hoa viếng giữa Lễ Quốc tang và Lễ tang cấp Nhà nước:
Căn cứ quy định tại khoản 2 Điều 13 và khoản 2 Điều 28 Nghị định 105/2012/NĐ-CP, cụ thể như sau:
- Đối với trường hợp tổ chức Lễ Quốc tang thì Ban Tổ chức Lễ tang sẽ chuẩn bị 30 vòng hoa luân chuyển. Trong thông báo tin buồn có ghi: Các đoàn đến viếng không mang vòng hoa, chỉ mang băng vải đen, có kích thước 1,2 m x 0,2 m, ghi dòng chữ trắng “Kính viếng”, dưới có dòng chữ nhỏ ghi tên cơ quan, tổ chức, cá nhân để gắn vào vòng hoa do Ban Tổ chức Lễ tang chuẩn bị.
- Đối với trường hợp tổ chức Lễ tang cấp Nhà nước thì Ban Tổ chức Lễ tang chuẩn bị 25 vòng hoa luân chuyển. Trong thông báo tin buồn có ghi: các đoàn đến viếng không mang vòng hoa, chỉ mang theo băng vải đen, có kích thước 1,2m x 0,2m, ghi dòng chữ trắng “Kính viếng”, dưới có dòng chữ nhỏ ghi tên cơ quan, tổ chức, cá nhân để gắn vào vòng hoa do Ban Tổ chức Lễ tang chuẩn bị.
3.4. Lễ Quốc tang và Lễ tang cấp Nhà nước có tổ chức Lễ viếng ở nước ngoài?
Căn cứ quy định tại Nghị định 105/2012/NĐ-CP thì Lễ Quốc tang sẽ được tổ chức Lễ viếng ở nước ngoài, cụ thể theo quy định tại Điều 15 của Nghị định này thì cùng thời gian diễn ra Lễ Quốc tang ở Việt Nam, Bộ Ngoại giao hướng dẫn các cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài tiếp đón các tổ chức, cá nhân người Việt Nam, người nước ngoài đến viếng và ghi sổ tang tại cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài.
Về trang trí lễ đài khi tổ chức Lễ viếng ở nước ngoài sẽ được trang trí nền đen, Quốc kỳ treo phía trên có dải băng tang, ảnh người từ trần kèm dòng chữ trắng “Vô cùng thương tiếc đồng chí…”. Bên cạnh đó, bàn thờ phải được đặt ở chính giữa phòng, dưới lễ đài có lư hương; hai bên bàn thờ đặt 02 vòng hoa cố định; có bàn ghi sổ tang.
Tuy nhiên, trường hợp đối với hình thức tổ chức Lễ tang cấp Nhà nước thì theo Điều 30 Nghị định 105/2012/NĐ-CP chỉ quy định về việc tổ chức cho các đoàn nước ngoài đến viếng. Theo đó, cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài không tổ chức Lễ viếng, Lễ truy điệu.
3.5. Lực lượng và phương tiện phục vụ Lễ tang có sự khác biệt giữa Lễ Quốc tang và Lễ tang cấp Nhà nước:
Căn cứ vào quy định tại Điều 18 và Điều 32 Nghị định 105/2012/NĐ-CP thì lưc lượng và phương tiện phục vụ Lễ đưa tang của Lễ Quốc tang và Lễ tang cấp Nhà nước sẽ do Bộ Quốc phòng chuẩn bị, cụ thể như sau:
- Lực lượng và phương tiện phục vụ Lễ Quốc tang được quy định như sau:
+ Đối với lực lượng phục vụ Lễ Quốc tang bao gồm: Lực lượng phục vụ Lễ viếng, lực lượng phục vụ Lễ truy điệu, lực lượng phục vụ Lễ đưa tang và lực lượng phục vụ Lễ an tang.
+ Đối với phương tiện phục vụ Lễ Quốc tang sẽ bao gồm: 01 xe chỉ huy; 01 xe chở Quốc kỳ, ảnh, gối Huân chương; 01 xe chở Quân kỳ; 06 xe chở đội hình danh dự; 01 xe hoa; 01 xe kéo xe tang (phía cuối xe tang là khẩu lựu pháo 122 mm); 01 xe dự phòng; 02 xe thông tin, 01 xe cứu thương.
+ Linh cữu được phủ Quốc kỳ đặt trong lồng kính để trên xe tang.
- Lực lượng và phương tiện phục vụ Lễ tang cấp Nhà nước:
+ Lực lượng phục vụ sẽ bao gồm Tổ Quân kỳ, Đội danh dự ba Quân chủng; lực lượng chuyển linh cữu và hoa.
+ Đội xe phục vụ Lễ đưa tang gồm: 01 xe chỉ huy; 01 xe kéo xe tang (phía cuối xe tang có bệ với hàng chữ “Tổ quốc ghi công”); 01 xe chở Quân kỳ, ảnh, gối Huân chương; 03 xe chở đội danh dự ba Quân chủng và 01 xe hoa, 01 xe dự phòng, 02 xe thông tin và 01 xe cứu thương.
+ Linh cữu phủ Quốc kỳ đặt trong lồng kính để trên xe kéo xe tang có hàng chữ “Tổ quốc ghi công”.