Theo Điều 269 Luật Thương mại năm 2005, Cho thuê hàng hóa là hoạt động thương mại, theo đó một bên chuyển quyền chiếm hữu và sử dụng hàng hóa cho bên khác trong một thời hạn nhất định.
Theo Điều 269 Luật Thương mại năm 2005, định nghĩa: “Cho thuê hàng hóa là hoạt động thương mại, theo đó một bên chuyển quyền chiếm hữu và sử dụng hàng hóa (gọi là bên cho thuê) cho bên khác (gọi là bên thuê) trong một thời hạn nhất định để nhận tiền cho thuê”.
1. Chủ thể của hợp đồng thuê
Đối với hợp đồng thương mại, vì mục đích là kinh doanh thu lợi nhuận, nên để đảm bảo về mặt quản lý Nhà nước cũng như trách nhiệm thương mại, chủ thể phải là cá nhân, tổ chức có đăng ký kinh doanh (thương nhân). Một số giao dịch thương mại đòi hỏi chủ thể giao kết hợp đồng phải là pháp nhân.
Đối với bên cho thuê thì bắt buộc chủ thể phải là thương nhân với hợp đồng thuê trong luật Thương mại. Theo khoản 1, Điều 6 Luật Thương mại năm 2005: “Thương nhân bao gồm tổ chức kinh tế được thành lập hợp pháp, cá nhân hoạt động thương mại một cách độc lập, thường xuyên và có hoạt động kinh doanh”.
Còn đối với bên thuê thì không nhất thiết phải bắt buộc là thương nhân, tức là có thể là thương nhân hoặc không phải.Thương nhân bao gồm thương nhân thể nhân và thương nhân pháp nhân.
Như vậy, cần lưu ý về tư cách chủ thể khi thiết lập các giao dịch thương mại (tư cách thương nhân, tư cách pháp nhân, người đại diện hợp pháp…) nhằm tránh trường hợp hợp đồng thương mại vô hiệu do không hợp pháp về chủ thể.
So sánh với hợp đồng thuê tài sản trong luật dân sự, chủ thể là các cá nhân, tổ chức (có thể có hoặc không có tư cách pháp nhân). Không cần bắt buộc phải là pháp nhân, có sự mở rộng hơn rất nhiều so với hợp đồng thuê trong luật thương mại.
2. Hình thức của hợp đồng thuê
Một số hợp đồng dân sự và hợp đồng thương mại có thể giao kết bằng miệng (thực hiện chủ yếu qua sự tín nhiệm, giao dịch được thực hiện ngay hoặc những giao dịch đơn giản, có tính phổ thông, đối tượng giao dịch có giá trị thấp); Hoặc bằng văn bản (được thực hiện chủ yếu ở những giao dịch phức tạp, đối tượng của hợp đồng có giá trị lớn hoặc do pháp luật quy định).
Hiện nay, pháp luật Việt Nam trong lĩnh vực thương mại có quy định về các loại hợp đồng mà hình thức bắt buộc bằng văn bản, có công chứng, chứng thực, đăng ký hoặc xin phép mới có giá trị pháp lý.
Tức là, đối với hình thức hợp đồng này tùy từng hợp đồng cụ thể pháp luật quy định bắt buộc phải công chứng hoặc thị thực mới hợp lệ. Ví dụ như “hợp đồng thuê nhà ở với thời hạn thuê từ sáu tháng trở nên”(Điều 492 Bộ luật dân sự 2015, Quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài).
Tuy nhiên nếu các bên không công chứng hoặc chứng thực thì hợp đồng vẫn có giá trị pháp lý và không bị coi là vô hiệu trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
Ngoài ra những trường hợp pháp luật không quy định bắt buộc phải công chứng thì các bên vẫn có thể thỏa thuận công chứng hoặc có sự chứng kiến của người làm chứng nhằm làm cho hợp đồng có giá trị pháp lý cao. Các loại văn bản cũng được coi là hợp đồng nếu hai bên giao kết gián tiếp bằng các tài liệu giao dịch như: Công văn, điện báo, đơn chào hàng, đơn đặt hàng và được sự đồng ý của bên kia với nội dung phản ánh đầy đủ các nội dung chủ yếu cần có và không trái pháp luật thì được coi là hợp lệ. Hợp đồng cũng có thể được giao kết bằng hành vi cụ thể: Thông thường đây là một dạng quy ước đã hình thành trên cơ sở thông lệ mà các bên đã mặc nhiên chấp nhận.
Mặt khác, trong Bộ luật dân sự năm 2015 cũng quy định hình thức của giao dịch dân sự nói chung tại Điều 124:
“1. Giao dịch dân sự được thể hiện bằng lời nói, bằng văn bản hoặc bằng hành vi cụ thể.
Giao dịch dân sự thông qua phương tiện điện tử dưới hình thức thông điệp dữ liệu được coi là giao dịch bằng văn bản.
2. Trong trường hợp pháp luật quy định giao dịch dân sự phải được thể hiện bằng văn bản, phải có công chứng hoặc chứng thực, phải đăng ký hoặc xin phép thì phải tuân theo các quy định đó.”
Có thể nói pháp luật Việt Nam kết hợp khá hài hòa về mối quan hệ giữa hình thức và hiệu lực của hợp đồng, thừa nhận nguyên tắc tự do lựa chọn hình thức hợp đồng nhưng quy định hình thức hợp đồng sẽ là điều kiện có hiệu lực của hợp đồng nếu pháp luật có quy định.
Tuy nhiên, pháp luật cũng dự liệu một trường hợp khác, đó là giao kết hợp đồng dân sự vắng mặt. Theo Khoản 6 Điều 3
Theo
Luật Thương mại năm 2005 cũng xác nhận nguyên tắc thừa nhận giá trị pháp lý của thông điệp dữ liệu trong hoạt động thương mại: “Trong hoạt động thương mại, các thông điệp dữ liệu đáp ứng các điều kiện, tiêu chuẩn kỹ thuật theo quy định của pháp luật thì được thừa nhận có giá trị pháp lý tương đương văn bản”. Điều này cũng được quy định với hợp đồng thuê.
Theo quy định của Luật Giao dịch điện tử năm 2005, thông điệp dữ liệu “là thông tin được tạo ra, được gửi đi, được nhận và được lưu trữ bằng phương tiện điện tử”. Hình thức của thông điệp dữ liệu có thể “được thể hiện dưới hình thức trao đổi dữ liệu điện tử, chứng từ điện tử, thư điện tử, điện tín, điện báo, fax, và các hình thức tương tự khác”. Giá trị pháp lý của thông điệp dữ liệu không bị phủ nhận chỉ vì thông tin đó được thể hiện dưới dạng thông điệp dữ liệu, và có “giá trị như văn bản” nếu “thông tin chứa trong thông điệp dữ liệu đó có thể truy cập và sử dụng được để tham chiếu khi cần thiết”. Hơn nữa, thông điệp dữ liệu còn “có giá trị như bản gốc” nếu đáp ứng được các điều kiện luật định và có “giá trị chứng cứ”.
Có thể nói, với sự phát triển vượt bậc của khoa học kỹ thuật cùng với sự phát triển sôi động của các giao dịch thương mại, ví dụ như hợp đồng thuê, việc sử dụng hình thức văn bản dưới dạng thông điệp dữ liệu với nhiều ưu điểm như nhanh, gọn nhẹ, dễ lưu trữ, tiết kiệm thời gian, chi phí trong việc thiết lập và giao kết. Điều này sẽ tại điều kiện thuận lợi cho các bên khi xây dựng các thỏa thuận để đảm bảo các lợi ích của mình.
3. Đối tượng của hợp đồng thuê tài sản
Đối tượng là đặc điểm đặc biệt quan trọng của hợp đồng thuê trong thương mại so với các loại hợp đồng khác. Đối tượng của hợp đồng thuê thứ nhất là tài sản trong đó bao gồm tài sản thông thường, sản nghiệp thương mại hoặc một phần tài sản. Loại đối tượng thứ hai của hợp đồng thuê là làm hoặc không làm một công việc.
3.1. Đối tượng thuê là tài sản
3.1.1. Đối tượng thuê là tài sản thông thường
Tài sản thông thường – đối tượng của hợp đồng thuê chủ yếu là tài sản có giá trị lớn. Đối tượng của hợp đồng thuê thường rất đa dạng bao gồm: Máy móc thiết bị phụ tùng công nghiệp; thiết bị Nông nghiệp; thiết bị bảo vệ môi sinh; thiết bị xây dựng; thiết bị y khoa; thiết bị xây dựng thương mại và văn phòng; thiết bị điện viễn thông; thiết bị giao thông vận tải; thiết bị khoa học kỹ thuật chính xác; nhà ở và công trình xây dựng… Có thể phân chia tài sản hữu hình- đối tượng của hợp đồng Thuê thành hai loại chính, đó là:
Một là, bất động sản: Nhà cửa, văn phòng làm việc, cửa hàng kinh doanh, nhà máy, phân xưởng sản xuất, hầm mỏ,…
Hai là, động sản: Trang thiết bị văn phòng, trang thiết bị nhà xưởng… có thời gian hữu ích trên một năm hoặc là máy bay, tàu biển lớn, vệ tinh…
Tài sản được giao kết trong hợp đồng thuê mua chủ yếu là tài sản có giá trị lớn, đặc biệt lớn. Nếu tài sản không có giá trị lớn thì các doanh nghiệp, cá nhân, tổ chức có thể có đủ tiền để mua luôn tài sản đó và họ trở thành chủ sở hữu mà không phải đi tìm kiếm nguồn tài trợ khác. Trong thực tế, cũng có khi doanh nghiệp có đủ tiền nhưng họ vẫn có thể áp dụng hình thức thuê mua này vì họ muốn dùng tiền để đầu tư cho mục đích khác mà lợi nhuận đem lại có thể sẽ lớn hơn nhiều so với số tiền họ phải trả cho tài sản đi thuê trong hợp đồng thuê mua.
Trong hợp đồng thuê thương mại ngoài đối tượng là tài sản hữu hình còn có cả tài sản vô hình. Đó là tên thương hiệu, hệ thống khách hàng, nhãn hiệu hàng hóa và các vấn đề liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ…
3.1.2 Đối tượng thuê là sản nghiệp
Trước đây trong Luật thương mại Việt Nam 1997 đã đưa ra định nghĩa về sản nghiệp thương mại như sau “Sản nghiệp thương mại là toàn bộ tài sản thuộc quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng hợp pháp của thương nhân, phục vụ cho hoạt động thương mại như trụ sở, cửa hàng, kho tàng, trang thiết bị, hàng hóa, tên thương mại, biển hiệu, nhãn hiệu hàng hóa, mạng lưới tiêu thụ hàng hóa và cung ứng dịch vụ” (Điều 5, khoản 7) và đồng thời quy định “Thương nhân được thuê, cho thuê, chuyển nhượng sản nghiệp thương mại theo quy định của pháp luật” (Điều 32 – Luật thương mại Việt Nam 1997)
Sản nghiệp được hiểu là mối quan hệ tài sản thuộc một người nào đó, bao gồm tài sản có (tích sản) và tài sản nợ (tiêu sản) còn sản nghiệp thương mại là một tập hợp tài sản bao gồm cả tài sản hữu hình và tài sản vô hình dùng để khai thác một doanh thương.Yếu tố khách hàng hay hệ thống cung cấp hàng hóa, dịch vụ là không thể thiếu trong sản nghiệp thương mại. Như vậy sản nghiệp thương mại là tài sản có (tích sản) thuộc sản nghiệp của thương nhân.
Một ví dụ điển hình về hợp đồng thuê thương mại sản nghiệp đó là thuê doanh nghiệp tư nhân. Theo khoản 1 Điều 141 Luật Doanh nghiệp 2005 thì “Doanh nghiệp tư nhân là doanh nghiệp do một cá nhân làm chủ và tự chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình về mọi hoạt động của doanh nghiệp”, doanh nghiệp tư nhân làm một tổ hợp tài sản, vốn đầu tư ban đầu tạo lập nên một tổ hợp tài sản không tách bạch hoàn toàn với tài sản của chủ doanh nghiệp tư nhân. Theo Phạm Duy Nghĩa, Giáo trình Luật kinh tế – Tập 1: Luật doanh nghiệp, Tình huống-Phân tích-Bình luận, NXB Đại học Quốc gia Hà Nội, Hà Nội, 2006 thì tổ hợp tài sản này được xem là sản nghiệp thương mại.
Vấn đề thuê doanh nghiệp tư nhân được pháp luật Việt Nam quy định trong Luật doanh nghiệp 2005 tại Điều 144 về Cho thuê doanh nghiệp tư nhân, theo đó “Chủ doanh nghiệp tư nhân có quyền cho thuê loan bộ doanh nghiệp của mình” và “trong thời hạn cho thuê, chủ doanh nghiệp tư nhân vẫn phải chịu trách nhiệm trước pháp luật với tư cách là chủ sở hữu doanh nghiệp”
Theo PGS.TS Ngô Huy Cương thì cho thuê doanh nghiệp tư nhân là cho thuê sản nghiệp. Đối tượng sản nghiệp trong hợp đồng thuê thương mại là đối tượng tương đối đặc biệt mà các hợp đồng thuê tài sản thông thường, bởi những đặc thù của sản nghiệp đã nêu ở trên.
3.1.3 Thuê một phần tài sản hoặc sản nghiệp
Bên cạnh việc thuê toàn bộ tài sản hoặc sản nghiệp thì đối tượng của hợp đồng thuê thương mại còn là một phần của tài sản hoặc sản nghiệp.
3.2. Đối tượng thuê là thực hiện hoặc không thực hiện một công việc
Một trong những đối tượng của nghĩa vụ dân sự là thực hiện hoặc không thực hiện một công việc. Vậy thì tương tự trong hợp đồng thuê đối tượng của loại hợp đồng này đó là thực hiện một công việc hoặc không thực hiện một công việc. Những đối tượng là công việc mà hợp đồng thuê thương mại hướng tới đó là những công việc thuộc dịch vụ logistic như thuê vận chuyển, thuê nhận hàng, thuê lưu kho, lưu bãi, thuê là thủ tục hải quan, làm thủ tục các giấy tờ khác, tư vấn khách hàng, thuê đóng gói bao bì, giao hàng hoặc các dịch vụ khác có liên quan đến hàng hóa theo thỏa thuận với khách hàng để hưởng thù lao.
Ví dụ: Hợp đồng thuê vận chuyển hàng hóa là sự thỏa thuận giữa các bên, trong đó một bên (bên vận chuyển) có nghĩa vụ vận chuyển hàng hóa tới địa điểm đã định theo thỏa thuận và giao hàng hóa đó cho người có quyền nhận ; còn bên kia (bên thuê vận chuyển) có nghĩa vụ trả cước phí vận chuyển và các khoản phụ phí khác cho bên vận chuyển. Trong loại hợp đồng thuê vận chuyển hàng hóa có những đặc điểm riêng đặc trưng khác hẳn so với hợp đồng vận chuyển tài sản về đối tượng như: Đối tượng của hợp đồng thuê vận chuyển hàng hóa là việc vận chuyển hàng hóa từ địa điểm này đến địa điểm khác theo thỏa thuận của các bên, tức là việc dịch chuyển vị trí địa lý của hàng hóa theo thỏa thuận của các bên với tính chất là một loại dịch vụ.
4. Quyền sở hữu tài sản thuộc về bên cho thuê
Quyền sở hữu tài sản thuộc về bên cho thuê trong suốt thời gian cho thuê tài sản, quyền chiếm hữu và quyền sử dụng trong suốt thời gian thuê thuộc bên thuê. Đây là đặc điểm cơ bản quan trọng nhất của hợp đồng thuê trong thương mại, giúp phân biệt nó với các loại hợp đồng khác đặc biệt là
Bên cho thuê là chủ sở hữu của tài sản cho thuê trong suốt thời gian thực hiện hợp đồng. Điều này có nghĩa là khi bên thuê chưa trả hết tiền thuê tài sản hay bên cho thuê chưa thực hiện việc chuyển giao quyền sở hữu tài sản cho bên thuê trong hợp đồng thuê mua thì bên thuê chỉ được quyền sử dụng tài sản mà không có bốn quyền sau đây:
– Bán, chuyển giao, thế chấp tài sản thuê hay dùng thiết bị làm vật thế nợ;
– Thay đổi hình dáng tài sản hoặc chuyển thiết bị thuê khỏi nơi mà thiết bị đã được lắp đặt đúng địa điểm đã nêu trong hợp đồng đã ký kết mà không có thông báo bằng văn bản cho bên cho thuê;
– Thay đổi hoặc huỷ bỏ xác nhận nguồn gốc của tài sản, thiết bị cho thuê;
– Sử dụng thiết bị cho thuê với những mục đích không được thoả thuận.
Nếu Bên thuê tài sản vi phạm các quy định trên thì Bên cho thuê có quyền lấy lại tài sản với tư cách là chủ sở hữu về mặt pháp lý đối với tài sản cho thuê.