Đàn gi ta của Lor - ca đã khắc họa thành công hình tượng Lor - ca - một người nghệ sĩ bạc mệnh có khát vọng cách tân nghệ thuật vừa là một chiến sĩ suốt đời chiến đấu cho tự do, công lý. Để tìm hiểu thêm về tác phẩm này, mời bạn đọc theo dõi bài viết Vài nét về tác giả, tác phẩm bài thơ Đàn ghi ta của Lor - ca.
Mục lục bài viết
1. Vài nét về tác giả bài thơ Đàn ghi ta của Lor – ca:
1.1. Tiểu sử:
+ Tác giả Thanh Thảo sinh năm 1946, tên khai sinh là Hồ Thành Công.
+ Quê quán: Huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi.
+ Tốt nghiệp khoa Ngữ văn, trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Sau đó, Thanh Thảo có thời gian vào công tác trong chiến trường miền Nam. Ông từng là Chủ tịch Hội văn học nghệ thuật Quảng Ngãi, phó chủ tịch Hội đồng thơ Hội nhà văn Việt Nam. Thơ Thanh Thảo “dành mối quan tâm đặc biệt cho những con người sống có nghĩa khí, nhân cách ngời sáng dù cho số phận có thể ngang trái…”
+ Thanh Thảo đã nhận giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam năm 1979, giải thưởng Ban Văn học Quốc phòng An ninh, Hội Nhà văn Việt Nam năm 1995, giải thưởng Nhà nước (đợt 1) về văn học nghệ thuật năm 2001 và giải thưởng Văn học Đông Nam Á năm 2014.
+ Những năm gần đây, Thanh Thảo vẫn tiếp tục làm thơ đồng thời viết báo, tiểu luận phê bình và nhiều thể loại khác nhưng đóng góp quan trọng và đặc sắc nhất của ông vẫn là thơ ca.
1.2. Sự nghiệp sáng tác:
a. Tác phẩm chính:
+ Từ thập niên trước, Thanh Thảo đã được công chúng chú ý qua những tập thơ và trường ca mang diện mạo độc đáo viết về chiến tranh và thời hậu chiến: Những người đi tới biển (1977), Dấu chân qua trảng cỏ (1980), Những ngọn sóng mặt trời (1994), Khối vuông ru – bích (1985), Từ một đến một trăm (1988),… Đặc biệt, bài thơ Đàn ghi ta của Lor – ca trong tập thơ Khối vuông ru – bích (1985) của ông đã để lại nhiều dấu ấn trong lòng bạn đọc.
b. Phong cách sáng tác:
+ Thơ Thanh Thảo là tiếng nói của người tri thức nhiều suy tư, trăn trở về các vấn đề của xã hội và thời đại. Ông luốn muốn cuộc sống được cảm nhận và thể hiện ở bề sâu nên luôn khước từ lối thể hiện nông cạn, dễ dãi. Ông là một trong số những cây bút luôn nỗ lực cách tân thơ Việt với xu hướng đào sâu vào cái tôi nội tâm, tìm kiếm những cách biểu đạt mới qua hình thức câu thơ tự do, xóa bỏ mọi ràng buộc, khuôn sáo bằng nhịp điệu khác thường để mở đường cho cái mới, cách tân nhằm đem đến cho thơ ca với góc nhìn hiện đại với hệ thống thi ảnh và ngôn ngữ mới mẻ.
+ Tư duy thơ Thanh Thảo: Giàu suy tư, mãnh liệt, phóng khoáng trong xúc cảm và nhuốm màu sắc tượng trưng siêu thực.
2. Vài nét về tác phẩm Đàn ghi ta của Lor – ca:
2.1. Hoàn cảnh sáng tác:
+ Trước đó, nhà thơ Thanh Thảo đã có cơ hội được đọc những bài thơ của Lor – ca, thậm chí chép lại những bản dịch đó vào cuốn sổ tay và mang ra chiến trường nhưng chưa hiểu rõ về nhà thơ này.
+ Cho đến năm 1979, sau khi được nghe câu chuyện về cuộc đời và cái chết của nhà cách mạng, người nghệ sĩ chân chính Lor – ca nên vì ngưỡng mộ nhà thơ tài hoa Tây Ban Nha này, Thanh Thảo đã viết bài thơ Đàn ghi ta của Lor – ca. Trong bài viết “Lorca trong tôi”, nhà thơ Thanh Thảo đã trực tiếp bộc lộ niềm ngưỡng mộ, tình yêu của mình với nhà thơ Lor – ca vĩ đại: “Tôi nhớ lần đầu tôi được đọc một số bài thơ của Lor – ca qua bản dịch của Hoàng Hưng, những bản dịch được bạn bè chép tay truyền cho nhau, tôi đã cảm nhận về Lor – ca như vậy và bây giờ sau 30 năm, tôi vẫn cảm nhận như thế. Từ những cảm nhận mơ hồ, bị ngắt quãng nhưng cũng dài lâu ấy, vào năm 1979, tôi đã viết bài thơ “Đàn ghi ta của Lor – ca”. Tác giả khẳng định: “Bài thơ sẽ không khó nếu chúng ta tiếp cận được với thơ Lor – ca, chúng ta yêu thơ Lor – ca, và chúng ta truyền được cho học sinh của mình khát vọng tự do và dân chủ”.
+ Bài thơ Đàn ghi ta của Lor – ca được rút trong tập “Khối vuông ru – bích”, là một trong số sáng tác tiêu biểu cho kiểu tư duy của Thanh Thảo.
+ Nội dung tác phẩm: Đi suốt Đàn ghi ta của Lor – ca (Thanh Thảo – Khối vuông ru – bích), chân thực và ấn tượng bởi hình tượng nhân vật trữ tình. Hình như con người thực của hình tượng này lại có sự đồng điệu, tràn đầy hứng khởi với con người và phong cách của Thanh Thảo – phóng túng và suy tư nhưng cũng rất đỗi chân thành. Cảm xúc và ý tưởng ấy lại hợp hòa với giọng điệu thơ tượng trưng siêu thực – một trường phái thi ca và nghệ thuật ở phương Tây, ở Pháp đầu thế kỷ XX. Có lẽ cũng bởi thế, từ tên bài thơ Đàn ghi ta của Lor – ca cùng lời đề từ của chính nghệ sĩ Tây Ban Nha (Ph.G.Lor-ca), vừa mang tính khách quan của sự phản ánh một con người lại vừa chứa đựng sự kí thác tâm tư của một người nghệ sĩ đa tài xứ sở đất bò tót và những cuộc chiến của những dũng sĩ có từ thời xa xưa…
2.2. Bố cục bài thơ:
- Bài thơ có bố cục gồm 3 phần:
+ Phần 1 (6 dòng thơ đầu): Lor – ca là một nghệ sĩ tự do và cô đơn. Ông là một nghệ sĩ luôn khát khao cách tân nền nghệ thuật lạc hậu, cũ kĩ của Tây Ban Nha.
+ Phần 2 (12 câu thơ tiếp): Một cái chết đầy oan khuất gây ra bởi thế lực phát xít tàn ác và độc tài.
+ Phần 3 (còn lại): Niềm xót thương Lor – ca và những suy tư về cuộc giải thoát, giã từ của Lor – ca.
2.3. Nhan đề và lời đề từ của bài thơ:
- Nhan đề tác phẩm:
+ Đàn ghi ta (còn gọi là Tây Ban cầm) gắn liền với đất nước Tây Ban Nha xinh đẹp, hào phóng, rực lửa và mê đắm với những trận đấu bò tót và vũ điệu Flamenco. Tây Ban Nha cũng nổi tiếng với một hình ảnh người nghệ sĩ nhân dân Lor – ca. Ông đã dùng tiếng ghi ta của mình cất lên lời ca đấu tranh chống lại chủ nghĩa phát xít.
+ Đàn ghi ta của Lor – ca là tiếng nói nghệ thuật của riêng Lor- ca. Nhan đề không chỉ thuần túy chỉ là âm thanh, giai điệu mà còn là toàn bộ con người Lor – ca với tinh thần đấu tranh và khát vọng đổi mới nghệ thuật. Trong trường hợp này, cây đàn ghi ta đã gắn bó và biểu hiện tâm hồn nghệ sĩ của Lor – ca. Người nghệ sĩ có tình yêu cuộc sống và khí phách kiên cường của chiến sĩ yêu tự do, hòa nhập trái tim mình với quần chúng nhân dân.
- Lời đề từ: “Khi tôi chết hãy chôn tôi với cây đàn”:
+ Đây là di chúc của nhà thơ khi dự cảm về cái chết của mình. Câu thơ cho thấy ước nguyện của Lor – ca là được gắn bó với cây đàn mãi mãi. Trong cuộc sống, Lor – ca đã dùng cây đàn của mình cất lên lời ca đấu tranh thì khi đi vào cõi vĩnh hằng, ông muốn mang theo cây đàn để tiếp tục hát lên những bài ca của tình yêu và khát vọng tự do, Tiếng đàn sẽ là sự sống, là niềm tin, là hi vọng, là sức mạnh đấy tranh vượt lên cái chết. Sử dụng câu thơ này làm đề từ, tác giả Thanh Thảo muốn khẳng định rằng: “Lor – ca sẽ bất tử cùng với tiếng đàn, cây đàn sẽ kéo dài sự sống, nối dài khát vọng của Lor – ca”.
+ Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng, lời đề từ trên thể hiện tình yêu Tổ quốc nồng nàn và tình yêu nghệ thuật say đắm bởi cây đàn là biểu trưng cho sự nghiệp của Lor – ca, là khát vọng cả đời mà Lor – ca theo đuổi. Nhưng Lor – ca cũng lo sợ một ngày nào đó thơ ca của mình sẽ là bước cản cho những người đi sau. Vì vậy, ông muốn xóa bỏ sự ảnh hưởng của bản thân để dọn đường cho thế hệ sau vươn tới cái mới, sáng tạo hơn, Điều đó càng thể hiện rõ nhân cách cao đẹp, đáng ngưỡng mộ của Lor – ca.
3. Ý nghĩa nhan đề của tác phẩm Đàn ghi ta của Lor – ca:
Đàn ghi ta gắn liền với cuộc đời và sự nghiệp nghệ thuật của Lor – ca. Vì vậy, hình ảnh đàn ghi ta ở nhan đề tượng trừng cho khát vọng sáng tạo nghệ thuật của Lor – ca. Nhan đề như một lời khẳng định của nhà thơ Thanh Thảo niềm ngưỡng mộ và tấm lòng đồng cảm của tác giả đối với người nghệ sĩ thiên tài nhưng bạc mệnh. Cách đặt nhan đề của tác giả cũng tạo nên sức hấp dẫn và liên tưởng cho người đọc.
THAM KHẢO THÊM: