Tác phẩm Đàn ghi ta của Lor - ca là một tác phẩm nói về sự cảm phục của tác giả Thanh Thảo dành cho Lor - ca. Bài thơ nhanh chóng gây được tiếng vang bởi nội dung nhân văn, hình thức nghệ thuật thơ sáng tạo. Để tìm hiểu thêm về bài thơ, mời bạn đọc theo dõi bài viết: Cảm nhận bài thơ Đàn ghi ta của Lor - ca của Thanh Thảo chọn lọc hay nhất.
Mục lục bài viết
1. Cảm nhận bài thơ Đàn ghi ta của Lor-ca chọn lọc hay nhất:
Thanh Thảo là nhà thơ có tiếng nói riêng, phong cách nghệ thuật riêng thể hiện cái tôi cá nhân ấn tượng trong nền văn học Việt Nam. Những sáng tác của ông đem đến cái nhìn mới mẻ cho thơ ca hiện đại. Bài thơ Đàn ghi ta của Lor – ca trích trong Khối vuông rubic đã để lại sức chứa lớn trong lòng người đọc về hình tượng nhân vật Lorca – người nghệ sĩ vĩ đại của xứ Tây Ban Nha.
Lor – ca là cái tên quen thuộc với đất nước Tây Ban Nha vì ông là biểu tượng của tự do, cho sự đấu tranh đòi cách tân, cải tiến nền nghệ thuật đã già nua, lạc hậu của Tây Ban Nha. Chính sự vổ vũ của ông và những nghệ sĩ khác đã làm cho đời sống tinh thần của Tây Ban Nha và cả một vùng rộng lớn thuộc khu vực Tây Âu trở nên sôi động. Năm 1963, chế độ phản động cực quyền thân phát xít đã bắt giam và bắn chết ông vì đối với chúng ông như một nhóm lửa luôn sẵn sàng châm ngòi cho các phong trào của nhân dân bùng nổ. Chúng coi ông như một mục tiêu nguy hiểm cần phải tiêu diệt càng sớm càng tốt.
Bài thơ được mở đầu với sự cất lên bởi tiếng đàn rộn rã đầy hứng khởi. Nó tượng trưng cho tâm hồn sôi nổi, mạnh mẽ, yêu đời của Lor – ca nói riêng và của dân tộc Tây Ban Nha nói chung. Những nét chấm phá vẽ ra hình tượng Lor – ca là một nghệ sĩ tự do và đơn độc một cách đầy ấn tượng.
những tiếng đàn bọt nước
Tây Ban Nha áo choàng đỏ gắt
li-la li-la li-la
đi lang thang về miền đơn độc
với vầng trăng chếnh choáng
trên yên ngựa mỏi mòn
Những nét đặc trưng của Tây Ban Nha ngay từ đầu đã được khơi gợi một cách khéo léo qua hình ảnh màu áo choàng đỏ. Áo choàng đỏ khiến người ta liên tưởng tới đấu bò – một nét văn hóa ở Tây Ban Nha. Hình ảnh này giúp chúng ta hình dung cụ thể về Lor – ca. Các chàng đấu sĩ nổi bật giữa đấu trường với chiếc áo choàng đỏ thắm trên vai và mảnh vải đỏ trong tay. Những đấu sĩ đó bằng sự sáng suốt, khéo léo và lòng dũng cảm sẽ hạ gục chú bò tót to lớn, hung dữ trong một hiệp đấu ngắn ngủi trước sự chứng kiến của hàng vạn khán giả.
Tác giả nhanh chóng chuyển mạch cảm xúc từ sự sống bừng bừng đột ngột chuyển sang cái chết bi thảm trong khoảnh khắc, một khoảnh khắc nghiệt ngã, kinh hoàng. Sự ra đi đột ngột của Lor – ca khiến nhiều người không khỏi kinh ngạc và ám ảnh:
Tây Ban Nha hát nghêu ngao
bỗng kinh hoàng áo choàng bê bết đỏ
Lor – ca bị điệu về bãi bắn
chàng đi như người mộng du
tiếng ghi ta nâu
bầu trời cô gái ấy
tiếng ghi ta lá xanh biết mấy
tiếng ghi ta tròn bọt nước vỡ tan
tiếng ghi ta ròng ròng máu chảy
Thanh Thảo dường như đã thực sự hóa thân vào nhân vật trữ tình để cảm nhận thấm thía nỗi đau đớn và thể hiện điều đó bằng ngôn ngữ của trái tim, của ngòi bút như rướm máu. Bằng cách sử dụng các điệp từ, điệp ngữ, nhân hóa, ẩn dụ, tượng trưng đa nghĩa và đối lập được tác giả khai thác triệt để nhằm thể hiện bi kịch Lor – ca. Từ đó, đoạn thơ đã làm nổi bật sự đối lập giữa khát vọng tự do của người nghệ sĩ với bạo lực tàn ác của bọn phát xít, giữa niềm lạc quan yêu đời với hiện thực đẫm máu. Tiếng hát tượng trưng trong đoạn thơ “hát nghêu ngao” bỗng dưng tắt lịm. Lor – ca đã bị bắn máu chảy thành dòng, rướm cả vào áo choàng và cây đàn ghi ta. Tiếng ghi ta, dòng máu chảy không đươn thuần chỉ là nghệ thuật nhân hóa mà còn là linh hồn Lor – ca. Những hình ảnh đó để lại ấn tượng sâu sắc và day dứt khôn nguôi.
Sự bất tử của tiếng đàn ghi ta của Lor – ca còn biểu hiện tập trung ở những khổ thơ cuối. Câu thơ như tiếng khóc nấc có âm điệu ngắt quãng đầy nghẹn ngào, thổn thức:
không ai chôn cất tiếng đàn
tiếng đàn như cỏ mọc hoang
giọt nước mắt vầng trăng
long lanh trong đáy giếng
đường chỉ tay đã đứt
dòng sông rộng vô cùng
Lor – ca bơi sang ngang
trên chiếc ghi ta màu bạc
chàng ném lá bùa cô gái Di – gan
vào xoáy nước
chàng ném trái tim mình vào lặng yên bất chợt
li-la li-la li-la…
Thanh Thảo tiếp tục sử dụng các biện pháp so sánh, ẩn dụ để nói về cái chết của Lor – ca. Các hình ảnh tượng trưng như giọt nước mắt, vầng trăng long lanh trong đáy giếng, dòng sông, lá bùa,… đều được tác giả sử dụng để ám chỉ cõi chết, nơi siêu thoát. Và hành động ném la bùa, ném trái tim mình của Lor – ca có ý nghĩa tượng trưng cho sự giã từ vĩnh viễn, dứt khoát vứt bỏ những vướng bận trần gian. Cây đàn ghi ta quen thuộc gắn bó với Lor – ca như hình với bóng thì giờ đã trở thành con thuyền đưa linh hồn ông sang thế giới bên kia. Cuộc đời, số phận của Lor – ca đã kết thúc nhưng tiếng đàn và sự ảnh hưởng của ông vẫn ngân vang, vang vọng mãi: Li-la li-la li-la…
Bài thơ Đàn ghi ta của Lor – ca là bài thơ giàu tính nhạc, được sáng tạo với chủ ý lấy Lor – ca làm nhân vật trung tâm, tô đậm chất nghệ sĩ của Lor – ca. Bên cạnh đó, tác phẩm thực sự là một thi phẩm khi đã tái hiện cuộc đời đầy bi kịch của nghệ sĩ Tây Ban Nha vì nghệ thuật, vì cuộc sống và vì cải tiến nền nghệ thuật của Tây Ban Nha.
3. Cảm nhận bài thơ Đàn ghi ta của Lor-ca dành cho học sinh giỏi:
Bài thơ “Đàn ghi ta của Lor – ca ” như một bức tâm thư của tác giả Thanh Thảo gửi tới độc giả về sự đồng cảm của ông với Lorca – một trong những tài năng sáng chói của nền nghệ thuật Tây Ban Nha. Họ đã vượt qua không gian xa xôi, sự cách trở về địa lý để hòa vào nhau, hòa vào thế giới của những người nghệ sĩ chân chính, luôn sẵn sàng hi sinh vì nghệ thuật.
Tác giả Thanh Thảo đã khéo léo lồng ghép đưa câu chuyện cuộc đời Lor – ca xen lẫn với tiếng đàn ghi ta “li-la li-la li-la” làm cho người đọc bị cuốn hút và muốn cháy cùng bản hòa tấu của chính ông. Tiếng đàn như một người dẫn chuyện được người đọc đến với đất nước Tây Ban Nha xa xôi. Tiếng đàn cũng đã dưa chúng ta đến gặp người người nghệ sĩ “Tây Ban Nha áo choàng đỏ gắt”. Màu áo choàng đỏ chỉ có trên đấu trường bò tót sôi động tại Tây Ban Nha. Khuất lấp bên trong cái đấu trường đó là đấu trường của người nghệ sĩ Lor – ca. Lor – ca đã tự nguyện khoác lấy tấm áo choàng đỏ gắt, cất lên những khúc ca đấu tranh đòi cách tân nền nghệ thuật Tây Ban Nha đã cũ kĩ, lạc hậu.
Tiếng đàn ghi ta đưa người đọc đến với chân dung người nghệ sĩ “lang thang” và “đơn độc”. Song hành cùng người nghệ sĩ ấy là “vầng trăng chếnh choáng” cùng với chiếc “yên ngựa mỏi mòn”. Một cuộc hành trình “đơn độc”, xa xôi, không biết đích đến. Một cuộc hành trình từ muôn đời nay luôn cô độc, khó khăn, chông gai bởi đó là con đường đi tìm chân lý và cái đẹp. Mà chân lý và cái đẹp thì luôn vô hình, đâu có thể cầm, nắm và rõ ràng. Chân lý và cái đẹp chỉ có thể cảm nhận được khi tình yêu với cái đẹp trong ta đủ lớn đến độ “chín muồi”.
Tuy nhiên, Lor – ca lại là một người nghệ sĩ có số phận bất hạnh. Cả cuộc đời ông đều mang trong mình những ước nguyện lớn lao là cách tân nền nghệ thuật, đem đến một làn gió mới cho nền thơ ca già cỗi. Sự phóng khoáng, lãng mạn của Lor – ca phải đối mặt cái đẫm máu, độc tài của chế độ phát – xít, tư tưởng cách tân tiến bộ phải đối mặt với nghệ thuật già nua, bảo thủ lúc bấy giờ. Ông và thứ nghệ thuật đẹp đẽ kia vấp phải trở ngại quá lớn, bị các thế lực tàn ác hủy hoại đến tận cùng. Thanh Thảo không đi sâu vào chi tiết sự ra đi của Lor – ca mà chỉ nhấn mạnh, tô đậm vào phút giây bi phẫn, đau đớn nhất cuộc đời Lor – ca, đó là khi Lor – ca bị chủ nghĩa phát xít sát hại. “Bỗng kinh hoàng” là tiếng nói giật mình, thảng thốt, nhấn mạnh sự đột ngột, đau đớn. Hình ảnh thơ đã tô đậm cái chết vô cùng đau đớn của người nghệ sĩ. Những câu thơ cuối bài chính là lời tổng kết của Thanh Thảo về ý nghĩa cái chết, về vẻ đẹp và nhân cách của Lor – ca. Có thể nhận thấy trong bốn câu thơ cuối, tác giả sử dụng cấu trúc câu chủ động: “Chàng ném…” thể hiện sự dứt khoát, biểu trưng cho sự tự tin, bản lĩnh khi tự quyết định số phận mình của Lor – ca, Sự ra đi của Lor – ca như một lời cảnh tỉnh cho người dân Tây Ban Nha lúc bấy giờ về sự cai trị độc tài của chế độ phát xít. Bởi vậy, cái chết của Lor – ca càng trở nên nhân văn, giàu ý nghĩa hơn.
Bằng lối thơ tượng trưng siêu thực giàu ý nghĩa, Thanh Thảo đã tái hiện thành công chân dung người nghệ sĩ tài hoa Lor – ca. Lor – ca đã dùng tài năng của mình để ca ngợi sự tự do, phản đối chế độ phát xít và khao khát đổi mới nền nghệ thuật đã cũ kĩ, lạc hậu của Tây Ban Nha. Thanh Thảo viết bài thơ như một bản nhạc du dương, sâu lắng, tiễn đưa người nghệ sĩ tài năng về cõi vĩnh hằng, thoát khỏi gian khổ và bất công trong xã hội Tây Ban Nha.
3. Dàn ý cảm nhận bài thơ Đàn ghi ta của Lor-ca chọn lọc hay nhất:
a. Mở bài:
- Đôi nét về tác giả:
Thanh Thảo là một nhà thơ luôn có nhiều suy tư, trăn trở về các vấn đề xã hội. Ông là một trong những nhà thơ luôn cố gắng đổi mới thơ ca Việt Nam bằng cách cải tiến, cách tân, hiện đại hóa hình thức biểu đạt thơ.
- Tác phẩm:
Là bài thơ tiêu biểu cho phong cách thơ Thanh Thảo nhuốm màu trung tính, siêu thực. Bài thơ là hình ảnh người nghệ sĩ tự do, đơn độc với niềm khao khát tự do và khát khao đổi mới nền nghệ thuật cũ kĩ của Tây Ban Nha.
b. Thân bài:
Lor – ca là một người nghệ sĩ – chiến sĩ dành cả cuộc đời mình cho sự nghiệp đấu tranh để mở đường cho sự cách tân nghệ thuật trên nền nghệ thuật già nua Tây Ban Nha, đấu tranh với phát xít độc tài.
- Lor – ca là người nghệ sĩ tự do nhưng đơn độc:
+ “Những tiếng đàn bọt nước”: Gợi liên tưởng đến nghệ thuật mà Lor – ca tạo ra tuy đẹp nhưng nó mong manh như số phận của người nghệ sĩ bạc mệnh. Câu thơ cũng như là lời dự cảm về số phận ngắn ngủi của Lor – ca.
+ “Tây Ban Nha áo choàng đỏ gắt”: Gợi lên cuộc đấu tranh giữa một bên là dân chủ tự do với một bên là phát xít độc tài.
=> Ở thời điểm đó, Lor – ca hiện lên như một người hùng tư do, cô đơn trên con đường đấu tranh cho sự cách tân nghệ thuật, cho nền dân chủ của Tây Ban Nha.
- Lor – ca cái chết đầy oan khuất:
+ Lor – ca đầy khí phách, yêu đời, “nghêu ngao” những lời ca ngợi tự do trên quê hương Tây Ban Nha của mình.
+ Cái chết oan khuất, bi thảm bỗng ập đến với người nghệ sĩ. Cả đất nước Tây Ban Nha kinh hoàng, nuối tiếc trước sự ra đi của người nghệ sĩ chân chính đó.
+ Dù đối diện với cái chết, Lor – ca vẫn hiên ngang, say sưa trong miền cách tân nghệ thuật “chàng trai đi như người mộng du”.
- Lor – ca người nghệ sĩ bất tử cùng nghệ thuật chân chính:
+ “Tiếng ghi ta nâu/bầu trời cô gái ấy”: Màu nâu gợi đến màu của vỏ đàn, của đất mẹ, màu đôi mắt, màu tóc và làn da của người thương. Đó là những cảm hứng trong nghệ thuật của Lor – ca (vì quê hương, vì tình yêu và vì chính nghệ thuật).
+ “Tiếng ghi ta lá xanh”: Nghệ thuật của Lor – ca gắn liền với tuổi trẻ.
+ Không ai chôn…mọc hoang”: Hành trinh cách tân nghệ thuật của Lor – ca không còn ai bước tiếp, bởi vậy nghệ thuật như bị bỏ hoang. Mặt khác, có thể hiểu dù Lor – ca đã mất nhưng nghệ thuật vẫn bất diệt, tồn tại với thời gian mãnh liệt như cỏ hoang.
+ “li la li la”: Tiếng ghi ta bất tử dù người nghệ sĩ đã mất.
c. Kết bài:
+ Phát biểu cảm nhận về bài thơ: Đây là bài thơ giàu chất suy tưởng, mãnh liệt, tự do trong cảm xúc, thể hiện niềm tiếc thương trước cái chết bi thảm của Lor – ca. Đồng thời, bài thơ thể hiện sự trân trọng, xót thương của tác giả với Lor – ca, thể hiện khao khát cách tân nghệ thuật của mình.
+ Nghệ thuật: thể thơ tự do, mới lạ, đậm tính siêu thực, kết hợp nhuần nhuyễn chất thơ với nhạc, kết hợp ngôn từ, hình ảnh độc đáo.
THAM KHẢO THÊM: