Giáo viên là những người có ảnh hưởng đến học sinh và thường được xem là tấm gương về mặt đạo đức và lối sống, do đó, việc xăm hình có thể cần được cân nhắc kỹ lưỡng. Vậy giáo viên mầm non, các cấp có được xăm hình không? Bài viết dưới đây sẽ giải đáp câu trả lời trên cho bạn đọc.
Mục lục bài viết
1. Giáo viên mầm non, các cấp có được xăm hình không?
Hành vi, ứng xử, trang phục của giáo viên mầm non được quy định trong Điều 31 Điều lệ Trường mầm non ban Hành kèm theo Thông tư 52/2020/TT-BGDĐT:
Hành vi, ứng xử, trang phục của giáo viên, nhân viên
1. Hành vi, ứng xử của giáo viên, nhân viên thực hiện theo quy định của ngành giáo dục và của pháp luật. Giáo viên, nhân viên không được làm những điều sau:
a) Xúc phạm danh dự, nhân phẩm, xâm phạm thân thể trẻ em và đồng nghiệp;
b) Đối xử không công bằng đối với trẻ em;
c) Xuyên tạc nội dung giáo dục;
d) Bỏ giờ, bỏ buổi dạy; tuỳ tiện cắt xén chương trình nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ em;
đ) Làm việc riêng khi đang tổ chức các hoạt động nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ em.
e) Hút thuốc, uống rượu, bia và sử dụng các chất kích thích khác khi đang tham gia các hoạt động nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ em.
2. Trang phục của giáo viên, nhân viên phù hợp, đáp ứng yêu cầu nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ em và yêu cầu trang phục công sở.
→ Căn cứ Điều 31 Điều lệ Trường mầm non ban Hành kèm theo Thông tư 52/2020/TT-BGDĐT, không có quy định cấm giáo viên mầm non xăm hình.
Những việc viên chức không được làm được quy định tại Điều 19 Luật Viên chức 2010:
Những việc viên chức không được làm
1. Trốn tránh trách nhiệm, thoái thác công việc hoặc nhiệm vụ được giao; gây bè phái, mất đoàn kết; tự ý bỏ việc; tham gia đình công.
2. Sử dụng tài sản của cơ quan, tổ chức, đơn vị và của nhân dân trái với quy định của pháp luật.
3. Phân biệt đối xử dân tộc, nam nữ, thành phần xã hội, tín ngưỡng, tôn giáo dưới mọi hình thức.
4. Lợi dụng hoạt động nghề nghiệp để tuyên truyền chống lại chủ trương đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước hoặc gây phương hại đối với thuần phong, mỹ tục, đời sống văn hóa, tinh thần của nhân dân và xã hội.
5. Xúc phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác trong khi thực hiện hoạt động nghề nghiệp.
6. Những việc khác viên chức không được làm theo quy định của Luật phòng, chống tham nhũng, Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và các quy định khác của pháp luật có liên quan.
→ Căn cứ Điều 19 Luật Viên chức 2010, xăm hình không thuộc vào nhóm những việc mà viên chức không được làm, thể hiện sự tôn trọng đối với quyền tự do cá nhân và biểu đạt của giáo viên.
Điều 16 Quyết định 16/2008/QĐ-BGDĐT Quy định về đạo đức nhà giáo mới nhất quy định về những việc giáo viên không được làm:
1. Lợi dụng chức vụ, quyền hạn để thực hiện hành vi trái pháp luật, quy chế, quy định; gây khó khăn, phiền hà đối với người học và nhân dân.
2. Gian lận, thiếu trung thực trong học tập, nghiên cứu khoa học và thực hiện nhiệm vụ giảng dạy, giáo dục.
3. Trù dập, chèn ép và có thái độ thiên vị, phân biệt đối xử, thành kiến người học; tiếp tay, bao che cho những hành vi tiêu cực trong giảng dạy, học tập, rèn luyện của người học và đồng nghiệp.
4. Xâm phạm thân thể, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người học, đồng nghiệp, người khác. Làm ảnh hưởng đến công việc, sinh hoạt của đồng nghiệp và người khác.
5. Tổ chức dạy thêm, học thêm trái với quy định.
6. Hút thuốc lá, uống rượu, bia trong công sở, trong trường học và nơi không được phép hoặc khi thi hành nhiệm vụ giảng dạy và tham gia các hoạt động giáo dục của nhà trường.
7. Sử dụng điện thoại di động và làm việc riêng trong các cuộc họp, trong khi lên lớp, học tập, coi thi, chấm thi.
8. Gây bè phái, cục bộ địa phương, làm mất đoàn kết trong tập thể và trong sinh hoạt tại cộng đồng.
9. Sử dụng bục giảng làm nơi tuyên truyền, phổ biến những nội dung trái với quan điểm, chính sách của Đảng và Nhà nước.
10. Trốn tránh trách nhiệm, thoái thác nhiệm vụ, tự ý bỏ việc; không đi muộn về sớm, bỏ giờ, bỏ buổi dạy, cắt xén, dồn ép chương trình, vi phạm quy chế chuyên môn làm ảnh hưởng đến kỷ cương, nề nếp của nhà trường.
11. Tổ chức, tham gia các hoạt động liên quan đến tệ nạn xã hội như: cờ bạc, mại dâm, ma tuý, mê tín, dị đoan; sử dụng, lưu giữ, truyền bá văn hoá phẩm đồi trụy, độc hại.
→ Điều 16 Quyết định 16/2008/QĐ-BGDĐT Quy định về đạo đức nhà giáo mới nhất không có quy định cấm giáo viên xăm hình.
Như vậy, theo các quy định pháp luật hiện hành ở Việt Nam không có điều khoản nào cụ thể cấm giáo viên mầm non hay các cấp khác xăm hình. Tuy nhiên, giáo viên là những người định hình và dạy dỗ học sinh nên việc xăm hình có thể cần được xem xét kỹ lưỡng để đảm bảo rằng nó không ảnh hưởng đến hình ảnh và uy tín của người giáo viên trong mắt học sinh và phụ huynh. Giáo viên cũng cần tuân thủ nội quy, điều lệ, quy tắc ứng xử do nhà trường mình công tác ban hành. Mỗi nhà trường sẽ có văn bản, quy định riêng, không thống nhất.
2. Giáo viên có nên xăm hình hay không?
Môi trường làm việc: Mặc dù pháp luật không cấm nhưng một số trường học, đặc biệt là các trường tư thục hoặc các trường có quy định nội bộ chặt chẽ, có thể có những quy định riêng về ngoại hình của giáo viên, bao gồm cả việc xăm hình.
Quan điểm xã hội: Quan điểm xã hội về hình xăm đang dần thay đổi, nhưng vẫn còn một bộ phận xã hội cho rằng hình xăm không phù hợp với hình ảnh của một giáo viên. Điều này có thể ảnh hưởng đến cách mà phụ huynh và học sinh nhìn nhận về giáo viên.
Ảnh hưởng đến trẻ: Với trẻ mầm non, việc giáo viên có hình xăm có thể gây tò mò hoặc thậm chí là sợ hãi, ảnh hưởng đến tinh thần, tâm lý của các em. Vấn đề này có thể ảnh hưởng đến quá trình tương tác giữa giáo viên và trẻ.
Nếu bạn là giáo viên và đang cân nhắc việc xăm hình, bạn nên tìm hiểu kỹ về quy định của trường nơi bạn đang công tác và tham khảo ý kiến của đồng nghiệp, lãnh đạo nhà trường. Ngoài ra, bạn cũng nên cân nhắc đến vị trí của mình trong trường học và cách mà hình xăm có thể ảnh hưởng đến công việc và mối quan hệ với học sinh, phụ huynh.
3. Những ngành nghề nào không cho phép xăm hình?
Mặc dù xã hội ngày càng cởi mở hơn với việc xăm hình như một hình thức nghệ thuật cá nhân, nhưng trong một số lĩnh vực, hình xăm vẫn được coi là không phù hợp với chuẩn mực chung. Điều này đặt ra những thách thức cho những người có hình xăm khi họ muốn theo đuổi sự nghiệp trong những ngành nghề này. Đồng thời, nó cũng mở ra cuộc tranh luận về việc liệu xã hội có nên thay đổi quan điểm và tiếp nhận hình xăm như một phần của đa dạng cá nhân hay không. Đối với những người yêu thích nghệ thuật xăm hình, họ cần phải cân nhắc kỹ lưỡng trước khi quyết định xăm hình nếu họ có ý định theo đuổi sự nghiệp trong các ngành nghề dưới đây.
3.1. Ngành luật:
Trên thực tế, khi xem xét tiêu chuẩn của người làm luật, chúng ta không tìm thấy những quy định nào về hình xăm. Ngay cả luật sư hay chuyên gia pháp lý, nhà nước cũng không quy định cấm hình xăm thì mới được hành nghề. Tuy nhiên, rất nhiều công ty, doanh nghiệp, văn phòng luật, tòa án vẫn đặt nặng vấn đề nhân viên của mình có hình xăm trên người. Vì vậy, họ ban hành đưa ra quy định cấm các nhân viên xăm hình không được làm việc trong doanh nghiệp hoặc văn phòng luật sư của họ.
Thế nhưng, nhiều nơi làm việc vẫn chấp nhận những ứng viên có hình xăm che giấu được. Bởi đối với họ, không chắc khách hàng nhìn nhận về vấn đề hình xăm như thế nào. Vì vậy, tốt hơn là che kín hình xăm một cách kín đáo và khéo léo.
3.2. Ngành công an:
Xã hội chúng ta luôn mặc định gắn sự nghiêm túc, chính trực và nhân cách tốt đối với những người hành nghề cảnh sát. Họ phải luôn nghiêm trang, chỉn chu trong trang phục. Vì vậy, thật không dễ coi khi cảnh sát, công an có hình xăm trên mình. Thậm chí, nhiều cán bộ, chiến sĩ công an dù họ có làm tốt công việc nhưng nếu có hình xăm thì vẫn phải đối mặt với rất nhiều chỉ trích từ dư luận.
Tuy nhiên, theo quy định của pháp luật, những người tham gia hoạt động công an, cảnh sát, quân đội vẫn có thể xăm hình. Nhưng hình xăm không hề kỳ quặc, xấu xa, phản cảm hay bạo lực. Người lính phải làm tốt công việc của mình trong khi học tập và làm việc.
Với những người phục vụ trong lực lượng vũ trang (Bộ đội, công an) thì không được xăm hình.
Điều 14 Thông tư
Điều 14. Tiêu chuẩn về chính trị, đạo đức
1. Thí sinh tự nguyện đăng ký dự tuyển vào các trường trong Quân đội; khi trúng tuyển vào học phải tuyệt đối chấp hành sự phân công công tác của nhà trường và Bộ Quốc phòng.
2. Chính trị, đạo đức
a) Phẩm chất đạo đức tốt, là đoàn viên Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, lý lịch chính trị gia đình và bản thân phải rõ ràng, đủ Điều kiện để kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam, không vi phạm quy định tại Điều 2 Quy định số 57-QĐ/TW ngày 03 tháng 5 năm 2007 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng quy định một số vấn đề về bảo vệ chính trị nội bộ Đảng;
b) Quân nhân phải được cấp có thẩm quyền đánh giá hoàn thành tốt nhiệm vụ trong thời gian phục vụ tại ngũ;
c) Trên cơ thể không có hình xăm mang tính kinh dị, kỳ quái, kích động, bạo lực gây phản cảm.
3.3. Ngành giáo dục:
Nghề giáo viên cũng như nghề luật, không có một quy định nào bắt buộc giáo viên không được xăm mình. Tuy nhiên, với sự nhìn nhận của xã hội, vai trò của người giáo viên là định hướng, giáo dục, đào tạo học sinh. Do đó, giáo viên nên hạn chế việc xăm hình. Hoặc có thể xăm ở những chỗ kín đáo, không nên để học sinh, phụ huynh nhìn thấy và đánh giá không hay.
Tùy theo môi trường giáo dục, mỗi cơ sở sẽ có quy định riêng về việc giáo viên có được xăm hình hay không. Hiện nay, một số trường, trung tâm đào tạo nghề vẫn cho phép giảng viên xăm hình nhưng vẫn còn hạn chế. Do đó, khi tìm những ngành nghề không được xăm hình, hãy cẩn trọng lựa chọn cho mình công việc phù hợp nhất.
3.4. Ngành y:
Nghề y là một nghề thiêng liêng và cao quý. Điểm đặc biệt của những đối tượng học nghề này là đạo đức, văn hóa, là người có ăn có học. Định kiến về hình xăm ở nước ta vẫn còn nhiều nên bệnh nhân sẽ có cái nhìn không thiện cảm với bác sĩ xăm mình.
3.5. Ngành tài chính – ngân hàng:
Các công việc liên quan đến ngành tài chính – ngân hàng cũng thuộc top những ngành không được xăm hình. Mặc dù không có quy định cụ thể nhưng hầu như các nhà tuyển dụng đều mặc định điều này. Nhân viên được yêu cầu không xăm hình, hình thức gọn gàng, lịch sự để có thể phục vụ khách hàng tốt nhất.
Làm việc trong lĩnh vực ngân hàng rất cần sự tin tưởng, do đó vẻ ngoài của nhân viên là vô cùng quan trọng. Các ngân hàng hạn chế tuyển người xăm hình hay những người có vẻ ngoài gai góc, khó gần. Như vậy, khách hàng khi đến làm việc, giao dịch sẽ an tâm hơn nhiều.
THAM KHẢO THÊM: