Mục lục bài viết
1. Các hành vi nghiêm cấm thực hiện với người khuyết tật:
Người khuyết tật mang trong mình những khiếm khuyết nên cộng đồng cần quan tâm, chăm sóc và tôn trọng họ nhiều hơn, đặc biệt gần gũi nhất là gia đình, người thân của họ. Gia đình của người khuyết tật cần có trách nhiệm giáo dục, tạo điều kiện để thành viên gia đình nâng cao nhận thức về vấn đề khuyết tật; Thực hiện các biện pháp phòng ngừa, giảm thiểu khuyết tật bẩm sinh, khuyết tật do tai nạn thương tích, bệnh tật và nguy cơ khác dẫn đến khuyết tật; Bảo vệ, nuôi dưỡng, chăm sóc người khuyết tật; Tạo điều kiện để người khuyết tật được chăm sóc sức khỏe và thực hiện quyền, nghĩa vụ của mình; Tôn trọng ý kiến của người khuyết tật trong việc quyết định những vấn đề liên quan đến cuộc sống của bản thân người khuyết tật và gia đình.
Ngoài gia đình, cơ quan, tổ chức trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình cần có trách nhiệm chăm sóc, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người khuyết tật, vận động xã hội trợ giúp người khuyết tật tiếp cận dịch vụ xã hội, sống hòa nhập cộng đồng; tham gia xây dựng, giám sát thực hiện chính sách, pháp luật và chương trình, đề án trợ giúp người khuyết tật. Mọi cá nhân có trách nhiệm tôn trọng, trợ giúp và giúp đỡ người khuyết tật.
Pháp luật Việt Nam đã quy định các hành vi nghiêm cấm thực hiện với người khuyết tật. Theo đó, căn cứ quy định tại Điều 14 Luật người khuyết tật năm 2010 quy định các hành vi bị nghiêm cấm đối với người khuyết tật, cụ thể là các hành vi sau đây:
- Hành vi kỳ thị, phân biệt đối xử người khuyết tật.
Kỳ thị người khuyết tật được hiểu là thái độ khinh thường, thiếu tôn trọng người khuyết tật vì lý do khuyết tật của người đó. Còn phân biệt đối xử người khuyết tật là hành vi xa lánh, từ chối, ngược đãi, phỉ báng, có thành kiến hoặc hạn chế quyền của người khuyết tật vì lý do khuyết tật của người đó.
- Hành vi xâm phạm thân thể, nhân phẩm, danh dự, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp của người khuyết tật.
- Hành vi lôi kéo, dụ dỗ hoặc ép buộc người khuyết tật thực hiện hành vi vi phạm pháp luật, đạo đức xã hội.
- Hành vi lợi dụng người khuyết tật, tổ chức của người khuyết tật, tổ chức vì người khuyết tật, hình ảnh, thông tin cá nhân, tình trạng của người khuyết tật để trục lợi hoặc thực hiện hành vi vi phạm pháp luật.
- Người có trách nhiệm nuôi dưỡng, chăm sóc người khuyết tật tuy nhiên lại không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ trách nhiệm nuôi dưỡng, chăm sóc theo quy định của pháp luật.
- Hành vi cản trở quyền kết hôn, quyền nuôi con của người khuyết tật.
- Hành vi gian dối trong việc xác định mức độ khuyết tật, cấp giấy xác nhận khuyết tật.
- Hành vi cản trở người khuyết tật sống độc lập, hòa nhập cộng đồng.
- Hành vi cản trở người khuyết tật tham gia bình đẳng vào các hoạt động xã hội.
- Hành vi cản trở người khuyết tật thực hiện quyền tiếp cận công nghệ thông tin.
2. Mức xử phạt vi phạm hành chính khi vi phạm các hành vi cấm đối với người khuyết tật.
Trường hợp cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm các hành vi bị cấm đối với người khuyết tật thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm có thể phải chịu một trong các hình thức xử phạt chính là phạt tiền và các biện pháp khắc phục hậu quả. Cụ thể tại Điều 11 Nghị định 130/2021/NĐ-CP quy định:
- Cá nhân, tổ chức có thể bị phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong các hành vi bị nghiêm cấm như sau:
+ Hành vi kỳ thị, phân biệt đối xử người khuyết tật;
+ Hành vi cản trở quyền kết hôn, quyền nuôi con hợp pháp của người khuyết tật;
+ Hành vi cản trở người khuyết tật sống độc lập, hòa nhập cộng đồng;
+ Hành vi cản trở người khuyết tật tham gia bình đẳng vào các hoạt động xã hội;
+ Hành vi cản trở người khuyết tật thực hiện quyền tiếp cận công nghệ thông tin.
- Cá nhân, tổ chức có hành vi như không thực hiện trách nhiệm nuôi dưỡng, chăm sóc người khuyết tật theo quy định của pháp luật sẽ bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng.
- Cá nhân, tổ chức sẽ bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi lợi dụng hình ảnh, thông tin cá nhân, tình trạng của người khuyết tật, tổ chức của người khuyết tật, tổ chức vì người khuyết tật để trục lợi hoặc thực hiện hành vi vi phạm pháp luật.
- Đối với hành vi lôi kéo, dụ dỗ hoặc ép buộc người khuyết tật thực hiện hành vi vi phạm pháp luật mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự thì nếu cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm như trên sẽ bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng.
Ngoài ra, cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm còn bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả như buộc nộp lại số thu lợi bất hợp pháp có được do thực hiện các hành vi như không thực hiện trách nhiệm nuôi dưỡng, chăm sóc người khuyết tật theo quy định của pháp luật và hành vi lợi dụng hình ảnh, thông tin cá nhân, tình trạng của người khuyết tật, tổ chức của người khuyết tật, tổ chức vì người khuyết tật để trục lợi hoặc thực hiện hành vi vi phạm pháp luật khác.
3. Khái niệm người khuyết tật, dạng khuyết tật và các loại mức độ khuyết tật:
3.1. Khái niệm:
Một người được coi là khuyết tật khi thuộc một trong các trường hợp sau:
- Người bị khiếm khuyết một bộ phận cơ thể.
- Người bị khiếm khuyết nhiều bộ phận cơ thể.
- Người bị suy giảm chức năng được biểu hiện dưới dạng tật khiến cho việc lao động, sinh hoạt, học tập gặp khó khăn.
3.2. Dạng khuyết tật:
Khuyết tật được chia thành các dạng sau:
- Khuyết tật vận động: Là tình trạng giảm hoặc mất chức năng cử động đầu, cổ, chân, tay, thân mình dẫn đến hạn chế trong vận động, di chuyển.
- Khuyết tật nghe, nói: Là tình trạng giảm hoặc mất chức năng nghe, nói hoặc cả nghe và nói, phát âm thành tiếng và câu rõ ràng dẫn đến hạn chế trong giao tiếp, trao đổi thông tin bằng lời nói.
- Khuyết tật nhìn: Là tình trạng giảm hoặc mất khả năng nhìn và cảm nhận ánh sáng, màu sắc, hình ảnh, sự vật trong điều kiện ánh sáng và môi trường bình thường.
- Khuyết tật thần kinh, tâm thần: Là tình trạng rối loạn tri giác, trí nhớ, cảm xúc, kiểm soát hành vi, suy nghĩ và có biểu hiện với những lời nói, hành động bất thường.
- Khuyết tật trí tuệ: Là tình trạng giảm hoặc mất khả năng nhận thức, tư duy biểu hiện bằng việc chậm hoặc không thể suy nghĩ, phân tích về sự vật, hiện tượng, giải quyết sự việc.
- Khuyết tật khác: Là tình trạng giảm hoặc mất những chức năng cơ thể khiến cho hoạt động lao động, sinh hoạt, học tập gặp khó khăn mà không thuộc các trường hợp trên.
3.3. Mức độ khuyết tật:
Theo quy định tại Điều 4
- Người khuyết tật đặc biệt nặng: Là những người do khuyết tật dẫn đến mất hoàn toàn chức năng, không tự kiểm soát hoặc không tự thực hiện được các hoạt động đi lại, mặc quần áo, vệ sinh cá nhân và những việc khác phục vụ nhu cầu sinh hoạt cá nhân hàng ngày mà cần có người theo dõi, trợ giúp, chăm sóc hoàn toàn.
- Người khuyết tật nặng: Là những người do khuyết tật dẫn đến mất một phần hoặc suy giảm chức năng, không tự kiểm soát hoặc không tự thực hiện được một số hoạt động đi lại, mặc quần áo, vệ sinh cá nhân và những việc khác phục vụ nhu cầu sinh hoạt cá nhân hàng ngày mà cần có người theo dõi, trợ giúp, chăm sóc.
- Người khuyết tật nhẹ: Là người khuyết tật không thuộc hai trường hợp nêu trên.
THAM KHẢO THÊM: