Không chỉ thành công trong các bài thơ viết về tình cảm gia đình, nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn đặc biệt để lại ấn tượng riêng trong những bài thơ viết về tình yêu đôi lứa, trong đó không thể không nhắc đến bài thơ Hương thầm. Mời bạn đọc theo dõi bài viết Phân tích bài thơ Hương thầm của Phan Thị Thanh Nhàn.
Mục lục bài viết
1. Phân tích bài thơ Hương thầm của Phan Thị Thanh Nhàn hay nhất:
Trước Phan Thị Thanh Nhàn, hoa bưởi đã xuất hiện trong ca dao và nhiều nhất là trong thơ của nhà thơ Nguyễn Bính. Nhiều người vẫn thuộc câu ca “Trèo lên cây bưởi hái hoa” hay những câu thơ tả mùa xuân “Đầy vườn hoa bưởi hoa cam rụng – Ngào ngạt hương bay, bướm vẽ vòng” (Nguyễn Bính). Nhưng phải đến Phan Thị Thanh Nhàn thì hoa bưởi mới trở thành nhân vật chính trong một bài thơ. Bài thơ ấy mang tên Hương thầm được tác giả sáng tác để tặng người em trai ruột trước khi lên đường nhập ngũ.
Hương thầm bắt đầu bằng hình ảnh những khung cửa để ngỏ. Hai người bạn “thanh mai trúc mã” lớn lên bên nhau với cây bưởi làm chứng nhân lặng lẽ:
Cửa sổ hai nhà cuối phố
Không hiểu vì sao không khép bao giờ.
Đôi bạn ngày xưa học cùng một lớp
Cây bưởi sau nhà ngan ngát hương đưa.
Khổ thơ đầu bài thơ mở ra một không gian nghệ thuật rất tình tứ. Tác giả lựa chọn “cửa sổ” để kết nối hai tâm hồn với nhau. Đặc biệt hai khung cửa sổ lại “không khép lại bao giờ” để tạo không gian mở để hai con người trong hai căn nhà có thể gắn kết với nhau qua những ánh nhìn sang phía nhà đối diện. “Cây bưởi sau nhà ngan ngát hương đưa” – một tín hiệu tình yêu hé mở như là biểu tượng cho một tình yêu trong sáng, thuần khiết của mối tình đầu vô cùng đẹp đẽ, đáng nhớ trong cuộc đời của mỗi con người. Tiếp theo, nhà thơ mở ra trước mắt người đọc là hình ảnh người con gái tuổi trăng tròn vô cùng hiền dịu:
Giấu một chùm hoa sau chiếc khăn tay
Cô gái ngập ngừng sang nhà hàng xóm
Bên ấy có người ngày mai ra trận.
Hành động của cô gái vừa chủ động vừa vẫn giữ được nét tế nhị, kín đáo trong cách thể hiện tình cảm với người bạn cùng lớp năm nào. Lí do cô gái sang “nhà hàng xóm” là bởi vì ngày mai chàng trai nhà đối diện đi ra trận. Ngày mai, “đôi bạn cùng học chung một lớp” phải chia xa. Ngày mai, có thể là cuộc gặp gỡ cuối cùng “một đi không trở lại”. Ngày mai, anh lên đường ra trận để chiến đấu vì Tổ quốc còn em ở lại Hà Nội tiếp tục học tập. Cuộc ra đi sinh tử mà có thể cách xa nhau mãi mãi. Cô gái mang tín vật tình yêu giản dị, thân thuộc mà vô cùng ý nghĩa, chùm hao bưởi thơm ngát hương được gói nhẹ nhàng trong chiếc khăn tau để tặng người bạn của mình.
Họ ngồi im chẳng biết nói năng gì
Mắt chợt tìm nhau rồi lại quay đi
Nào ai đã một lần dám nói.
Tình yêu giữa hai người dường như “trong lòng đã tỏ” nhưng họ ngồi cạnh nhau mà “chẳng biết nói năng gì” trong không gian tĩnh lặng nhưng sóng lòng đã trỗi dậy “mắt chợt tìm nhau”. Họ lén nhìn đối phương nhưng không dám nhìn lâu vì đây là lần đầu tiên họ biết yêu, biết nhớ nhung đôi mắt của một người. Những vần thơ với nhịp điệu rất chậm thể hiện tình yêu bẽn lẽn, hồn nhiên, kín đáo.
Hoa bưởi thơm cho lòng bối rối
Anh không dám xin cô chẳng dám trao
…
Họ chia tay vẫn chẳng nói điều gì
Mà hương thầm thơm mãi bước người đi.
Đọc những vần thơ nhẹ nhàng, nồng thắm chúng ta như sống alij tình yêu của một thời khói lửa. Một tình yêu đẹp, thuần khiết và kín đáo. Họ yêu nhau mà chỉ có thể giấu trong lòng mỗi người. Họ gác lại tình yêu đôi lứa để có thể ra trận vì tình yêu đất nước, vì hòa bình, độc lập cho mai sau. Câu thơ cuối được nhà thơ sử dụng rất đắt: “Mà hương thầm thơm mãi bước người đi”. Câu thơ gợi ra bao cảm xúc nơi người đọc về một cuộc chia tay đầy lưu luyến. Một tình yêu thầm kín mà bền chặt, tế nhị mà đậm sâu.
Trải qua hơn 50 năm với bao thăng trầm lịch sử, Hương thầm một thời tới nay vẫn “ngào ngạt” trong lòng bao tâm hồn yêu thơ. Hương thầm như một bức tranh đẹp tái hiện lại tình yêu của một thế hệ thanh niên đã yêu và đã sống hết mình trong thời kỳ lịch sử đầy vất cả, đau thương nhưng vô cùng hào hùng của dân tộc.
2. Phân tích bài thơ Hương thầm của Phan Thị Thanh Nhàn dành cho học sinh giỏi:
Bài thơ Hương thầm là một trong những bài thơ tình nổi tiếng của nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn. Bài thơ viết về tình yêu chớm nở của đôi bạn trẻ trong những năm tháng chiến tranh chống Mỹ vô cùng ác liệt. Với lời ca dạt dào, da diết, ngôn từ mộc mạc, giản dị, tình yêu trong bài thơ vừa nhẹ nhàng vừa có sức gợi thật lớn đối với người đọc.
Theo hồi tưởng của tác giả Phan Thị Thanh Nhàn thì thi phẩm Hương Thầm được bà sáng tác đúng mùa bưởi (tháng 3/1969) nhân ngày em trai Phan Hữu Khải lên đường ra mặt trận. Dạo ấy ở Yên Phụ quê hương bà, vườn sau có một cây bưởi cứ tới mùa hoa lại tỏa hương thơm ngào ngạt, em trai thường xuyên hái đầy hao rồi bỏ hoa vào làn cho chị mang đi làm. Ở lớp có một bạn gái có vẻ rất quan tâm và gắn bó với em trai bà nhưng cậu ta không để ý tới cô gái ấy. Năm 1969 khi em trai lên đường đi nhập ngũ thì bà đã sáng tác bài thơ này.
Bài thơ diễn tả một mối tình thầm lặng của người thiếu nữ với chàng trai ở cạnh nhà cách nhau chỉ có một khung cửa sổ. Tình yêu của đôi bạn trẻ thầm lặng, trong sáng, tinh khiết giống như hương hoa bưởi, lay động lòng người, đến lúc chia xa thì chàng trai không nói được câu gì. Thế nhưng chỉ có hương bưởi thơm ngan ngát lặng lẽ, âm thầm trong bước chân “thơm mãi chẳng rời bước chân người đi”.
Cửa sổ hai nhà cuối phố
Không hiểu vì sao không khép bao giờ.
Đôi bạn ngày xưa học cùng một lớp
Cây bưởi sau nhà ngan ngát hương đưa.
Đôi bạn trẻ học chung một lớp, tình yêu bắt đầu nảy nở từ tình cảm học trò thơ ngây, trong sáng. Tình yêu ấy chẳng nói thành lời nhưng có hương bưởi thơm ngát như là nhân chứng tình yêu của đôi ta.
Giấu một chùm hoa sau chiếc khăn tay
Cô gái ngập ngừng sang nhà hàng xóm
Bên ấy có người ngày mai ra trận.
Ngày mai người lính phải ra trận biết nói gì đây, biết gửi gì đây, cô gái gói ghém hương hoa bưởi đằng sau chiếc khăn tay. Từ láy “ngập ngừng” cho thấy tâm trạng bẽn lẽn, xấu hổ của cô gái khi trao cho người yêu chiếc khăn tay đầy hoa bưởi. Chiếc khăn tay đơn sơ chẳng có gì quý giá. Nếu người ngoài nhìn vào thì chẳng thể hiểu nổi hương hoa bưởi ấy có ý nghĩa gì. Nhưng chắc chắn chàng trai ấy sẽ hiểu bởi hương hoa ấy chính là nhân chứng tình yêu của đôi bạn trẻ. Hương hoa bưởi thơm ngát thể hiện tình yêu trong sáng, ngây thơ nhưng cũng đầy da diết của cô gái gửi đến chàng trai và ngược lại.
Cô gái như chùm hoa lặng lẽ
Nhờ hương thơm nói hộ tình yêu.
(Anh vô tình anh chẳng biết điều
Tôi đã đến với anh rồi đấy…)
Biện pháp so sánh cô gái với chùm hoa lặng lẽ gợi lên vẻ đẹp mộc mạc, e ấp, thuần khiết cũng như sự kín đáo, tế nhị trong cách thể hiện tình yêu của cô gái, khiến câu thơ trở nên sống động, giàu hình ảnh. Cả bài thơ chẳng ai nói câu nào, anh và em đều lặng thinh nhưng tình yêu của anh và em không kém phần nồng nàn, lãng mạn, bền bỉ. Người con gái chủ động bày tỏ tình yêu bằng cách tặng hoa bưởi cho chàng trai trước khi chàng ra trận. Thế nhưng cách thức bày tỏ tình yêu của người con gái vẫn rất tinh tế.
Bài thơ được viết theo thể thơ tự do với giọng thơ nhẹ nhàng, đậm chất lãng mạn. Ngôn từ vừa mộc mạc, tự nhiên, vừa tinh tế giàu sức gợi, có khả năng biểu đạt cảm xúc của nhân vật. Hình ảnh vài thơ đẹp, mang đầy màu sắc thi vị, bay bổng cho bài thơ. Có thể nói Hương thầm là một bài thơ tình đặc sắc, đáng để gối đầu giường cho những đôi bạn trẻ yêu nhau.
3. Dàn ý phân tích bài thơ Hương thầm của Phan Thị Thanh Nhàn:
A. Mở bài:
+ Giới thiệu bài thơ Hương thầm và tác giả Phan Thị Thanh Nhàn.
+ Cảm nhận, phân tích bài thơ: Bài thơ viết về tình yêu với nhưng rung động chân thật, sâu sắc và tinh tế của những người đang yêu.
B. Thân bài:
+ Cảm nhận mối tình trong sáng, đẹp đẽ, chớm nở của cô gái với chàng lính ngay nhà.
+ Đôi bạn trẻ nhìn nhau chẳng nói điều gì nhưng bên trong tình yêu của họ thì có rất nhiều điều muốn nói.
+ Hương bưởi thơm ngát là chứng nhân cho tình yêu chớm nở của đôi trẻ.
+ Hương bưởi cũng là hành trang cho chàng trai khi ra trận. Mỗi bước đường hành quân chàng trai mang theo hoa bưởi để chiến đấu như mang hình bóng em trong tim.
+ Thể thơ tự do với giọng thơ nhẹ nhàng, đậm chất lãng mạn. Ngôn từ vừa mộc mạc, vừa giản dị, tự nhiên, tinh tế giàu sức gợi, có khả năng biểu đạt cảm xúc của nhân vật.
+ Hình ảnh bài thơ đẹp, mang đầy màu sắc thi vị, bay bổng cho bài thơ.
C. Kết bài:
+ Khẳng định tình cảm, cảm xúc sau khi đọc bài thơ.
+ Mở rộng, liên hệ bản thân.
THAM KHẢO THÊM: