Thăm các bà mẹ Việt Nam anh hùng là một trong những hoạt động xã hội đầy tính nhân văn và thể hiện những giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta. Mời các bạn cùng tham khảo một số đoạn văn mẫu trong bài viết kể về hoạt động xã hội: Thăm mẹ Việt Nam anh hùng.
Mục lục bài viết
1. Đoạn văn kể về hoạt động xã hội thăm bà mẹ Việt Nam anh hùng xúc động nhất:
Ở địa phương em có rất nhiều hoạt động xã hội nhân đạo như quyên góp, ủng hộ những người có hoàn cảnh khó khăn, xây nhà tình thương, sửa sang lại nghĩa trang, đài tưởng niệm liệt sĩ,… nhưng em ấn tượng nhất với hoạt động thăm hỏi các bà mẹ Việt Nam anh hùng.
Trong chuyến thăm hỏi của chuỗi sự kiện năm nay, em đã được lắng nghe câu chuyện vô cùng xúc động của cụ Tứ – một bà mẹ Việt Nam anh hùng có chồng và cả năm người con đều tham gia kháng chiến. Cụ kể lại rằng, trong những năm tháng ác liệt của chiến tranh, mưa bom lửa đạn vang vọng khắp đất nước, chồng và các con trai của bà đã xung phong lên đường và tham gia chiến đấu để bảo vệ Tổ Quốc. Tuy chiến tranh đã kết thúc, hòa bình được lập lại nhưng chồng và các con của cụ đã mãi mãi ra đi mà không hẹn ngày trở về. Dù rất yêu thương chồng và các con của mình nhưng cả gia đình bà cũng đều yêu nước vô cùng, họ đã kìm nén nỗi đau và đứng lên bảo vệ quê nhà. Cụ Tứ cố gắng động viên cho những người con và người chồng của mình lên đường đấu tranh chống giặc. Cụ quả thật là một người mẹ Việt Nam vĩ đại, hết mực yêu thương chồng con và có đức hi sinh cao cả.
Không chỉ vậy, cụ còn rất yêu nước thương dân, vì nhân dân, vì quê hương mình mà cụ đã dứt ruột để chồng con mình xông pha vào chiến trường để góp sức vào công cuộc chống giặc của đất nước. Chỉ nghe cụ kể lại thôi mà nước mắt ai cũng rưng rưng, lòng em như nghẹn lại bởi xúc động. Vậy mà người phụ nữ nhỏ bé này mất mát lớn như vậy thì nỗi đau của cụ lớn đến nhường nào. Cùng lúc mất đi người chồng và những người con trai mang nặng đẻ đau, nỗi đau này ai có thể kể xiết. Ngày đất nước hoà bình, ngày mọi người đoàn tụ xum họp để bắt đầu cuộc sống mới thì cụ lại một mình lủi thủi ở tuổi xế chiều và mang trong mình nỗi đau xót vô cùng. Hiện tại cuộc sống của cụ cũng rất khó khăn, thiếu thốn bởi tuổi tác đã cao nên cụ không thể kiếm được nhiều tiền để trang trải cho cuộc sống. Sau buổi thăm hỏi và động viên cụ Tứ, em cảm thấy vô cùng xúc động và tự hào về những người chiến sĩ cách mạng kiên cường, quả cảm và cảm thấy khâm phục, thương cảm trước sự hi sinh lớn lao của những bà mẹ Việt Nam anh hùng như cụ Tứ. Họ là những người đã hi sinh cả người thân, cả tuổi thanh xuân, cả tính mạng và cuộc đời của mình vì công cuộc cách mạng của dân tộc. Họ là những người hùng thầm lặng, không tên không tuổi nhưng công lao của họ thì hàng ngàn chiếc huy chương, hàng ngàn lời cảm ơn cũng không thể đong đếm. Chúng ta được sống trong cuộc sống yên bình, đầy đủ như ngày hôm nay là biết bao xương máu, mồ hôi của những người lính đổ xuống, là những cống hiến hi sinh thầm lặng của những bà mẹ Việt Nam anh hùng – những người phụ nữ giàu lòng nhân hậu, tình yêu thương con và mang trong mình tinh thần nồng nàn yêu nước, tinh thần dân tộc mãnh liệt.
2. Đoạn văn kể về hoạt động xã hội thăm bà mẹ Việt Nam anh hùng hay nhất:
Nhân ngày Phụ nữ Việt Nam 20 tháng 11, trường của em đã tổ một chuyến đi thăm các bà mẹ Việt Nam anh hùng cùng với gặp gỡ những người già neo đơn ở nơi em đang sống. Cuộc gặp gỡ đã để lại cho em nhiều ấn tượng sâu sắc và vô cùng xúc động mà em không thể nào quên được. Chuyến đi được khởi hành vào một buổi sáng chủ nhật đẹp trời. “Ngôi nhà tình thương” của các ông bà nằm ở một làng quê yên bình vùng ngoại ô cách trường của em khoảng hơn 1 giờ di chuyển. Khi đến nơi, em cảm nhận được sự bình yên và ấm áp ở nơi đây. Khi chúng em vừa bước xuống xe, các ông bà ở nhà tình thương đã chào đón chúng em bằng một sự kiện vô cùng ý nghĩa, đó là “Buổi trò chuyện về kháng chiến chống Pháp”. Các ông bà lần lượt chia sẻ về những khó khăn, vất vả mà họ phải trải qua trong thời chiến tranh. Trong đó, em ấn tượng và cảm động nhất với câu chuyện của bà Nga – một bà mẹ Việt Nam anh hùng kiên cường, bất khuất. Trong chiến tranh, bà tham gia nhiều việc khác nhau như làm công tác phụ nữ, giao liên, hoạt động trong lòng địch,… Lúc đó, Ban Thường vụ Huyện ủy đóng quân tại nhà mẹ, ở trong các hầm bí mật. Ban ngày, một tay mẹ lo việc gia đình, làm nông. Đêm về, mẹ lo tiếp tế, nuôi giấu cán bộ cách mạng. Cứ chiều chiều, mẹ lại nấu cơm, khi bộ đội về, cơm canh đã sẵn, mẹ chuyển xuống hầm cho các anh. Nhiều đêm, mẹ thức canh chừng các cuộc họp của cán bộ ngay dưới những căn hầm bí mật tại nhà mình, hễ có địch vây tới là báo hiệu. Trong một lần đang đi liên lạc, bà bị địch bắt và lôi ra tra tấn vô cùng dã man. Nhưng với lòng nồng nàn yêu nước và tinh thần bất khuất, quả cảm, bà nhất quyết không chịu đầu hàng trước đòn roi và sự tra tấn dã mãn của giặc Pháp. Sau đó chúng bắt và đày bà ra nhà tù Côn Đảo. Nỗi đau thể xác đã đủ thấm thía, đau đớn nhưng khi trở về quê hương, bà lại nhận được tin cả chồng và con trai đều đã hi sinh trên chiến trường. Nỗi đau và sự mất mát to lớn đấy không thể diễn tả bằng lời. Khi nghe câu chuyện của bà, cả khoảng sân của nhà tình thương như lắng đọng lại, chỉ còn nghe thấy những tiếng khóc thổn thức của một người vợ mất chồng, của một người mẹ phải rời xa con. Ông bà ở nhà tình thương đều vô cùng đồng cảm với nỗi đau đó, bởi có lẽ ai trong số họ cũng đã trải qua những mất mát, những khắc nghiệt, những sự chia ly trong chiến tranh. Được ngồi và lắng nghe tâm sự của các ông bà nơi đây là một niềm vinh dự và tự hào lớn lao của em. Những câu chuyện về ý chí quật cường của những người lính trong chiến tranh và tình yêu thương, đoàn kết vô bờ của dân tộc ta đã làm dậy lên lòng yêu nước và tinh thần, ý thức bảo vệ tổ quốc trong lòng mỗi học sinh chúng em. Em cảm thấy vô cùng tự hào và biết ơn những người chiến sĩ cách mạng, những bà mẹ Việt Nam anh hùng đã dành cả cuộc đời mình để đóng góp và hi sinh vì độc lập đất nước. Thật xúc động và đáng kính biết bao!
3. Đoạn văn kể về hoạt động xã hội thăm bà mẹ Việt Nam anh hùng chọn lọc:
Trong buổi gặp gỡ và tặng quà các bà mẹ Việt Nam anh hùng, em vô cùng ấn tượng và cảm động trước câu chuyện của bà Sáu. Bà Sáu là Hội trưởng Hội phụ nữ ở xã của em. Bà lúc nào cũng luôn vui vẻ, cười nói và thân thiện với mọi người. Khi gặp mấy đứa học sinh chúng em, bà thường hay cho mỗi đứa cái kẹo, cái bánh làm quà, đối với những người dân trong xã, bà luôn hết mình giúp đỡ mỗi khi họ có khó khăn. Bởi vậy ai cũng yêu thương và rất kính trọng bà. Nhưng phải đến ngày thăm hỏi và trao tặng danh hiệu “Mẹ Việt Nam anh hùng’, em mới biết được bà mạnh mẽ, kiên cường và gặp nhiều khó khăn như vậy trong cuộc đời.
Bà Sáu lấy chồng và có 3 người con trai. Cả chồng và con của bà đều đã hi sinh anh dũng trên chiến trường trong chiến dịch Điện Biên Phủ trên không. Nghe theo tiếng gọi của Tổ quốc, chồng bà cùng các con đã dũng cảm xung phong tham gia cuộc chiến để bảo vệ bầu trời Hà Nội, bảo vệ bình yên của đất nước, bảo vệ độc lập tự do cho dân tộc ta. Dù thương chồng xót con nhưng bà Sáu vẫn nén đau thương và động viên, cổ vũ chồng cùng các con tham gia chiến đấu bảo vệ quê hương. Bà chia sẻ rằng, ngày ra đi họ ôm nhau khóc nức nở, dành cho nhau những lời động viên, những lời chúc tốt đẹp nhất và gia đình hẹn nhau ngày trở về sẽ cùng xây dựng một ngôi nhà hoàn thiện hơn. Nhưng ngày đất nước độc lập, chồng và con của bà đã ngã xuống trên mảnh đất quê hương rồi. Nghe đến đây, ai cũng không cầm được nước mắt. Em không ngờ được rằng bà Sáu luôn vui vẻ, lạc quan và hoà đồng với người dân hằng ngày lại có một câu chuyện cảm động và bi tráng đến vậy. Bà còn tự hào chia sẻ thêm rằng “ Tôi rất tự hào vì sự mất mát, hy sinh của gia đình tôi đã góp phần cho độc lập, tự do của dân tộc hôm nay”. Cầm tấm bằng khen và bó hoa khen thường trên tay, bà Sáu cảm ơn mọi người đã quan tâm và động viên bà, để bà có thể sống vui vẻ và tiếp tục giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn hơn mình. Bà Sáu quả là hình mẫu lý tưởng của một người phụ nữ Việt Nam. Bà vừa là người vợ đảm đang, người mẹ tần tảo, người cán bộ hết mình vì nhân dân và có một tấm lòng vàng, một lòng nồng nàn yêu nước.
THAM KHẢO THÊM: