Đàn ghi ta của Lor - ca là một trong những bài thơ tiêu biểu cho phong cách sáng tác của tác giả Thanh Thảo. Bài thơ là những suy tư, niềm xót thương của tác giả đối với người nghệ sĩ tài hoa nhưng bạc mệnh Lor - ca. Để tìm hiểu thêm về tác phẩm, mời bạn đọc theo dõi bài viết Phân tích khổ thơ thứ ba trong bài thơ Đàn ghi ta của Lor - ca
Mục lục bài viết
1. Phân tích khổ thơ thứ 3 bài thơ Đàn ghi ta của Lor – ca hay nhất:
Thanh Thảo là nhà thơ trưởng thành trong giai đoạn cuối của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Sau năm 1975, Thanh Thảo là nhà thơ dành nhiều tâm huyết trong việc đổi mới thơ ca Việt Nam. Một mặt, Thanh Thảo không ngừng trăn trở, thử nghiệm để làm mới hình thức biểu đạt thơ. Mặt khác, ông luôn tìm kiếm “chất người” ở những nhân cách thanh cao, bất khuất, những tâm hồn phóng khoáng, yêu tự do, sẵn sàng sống, chiến đấu và hi sinh cho lý tưởng mà mình đã chọn. Bài thơ Đàn ghi ta của Lor – ca đã cho thấy rõ điều đó. Đặc biệt, trong đoạn thơ thứ ba, tác giả đã làm nổi bật vẻ đẹp bi tráng của nhân vật Lor – ca qua tiếng đàn:
Tiếng ghi ta nâu
bầu trời cô gái ấy
tiếng ghi ta lá xanh biết mấy
tiếng ghi ta tròn bọt nước vỡ tan
tiếng ghi ta ròng ròng
máu chảy
Tác giả Thanh Thảo không trực tiếp miêu tả âm thanh tiếng đàn mà tập trung miêu tả một thế giới của tưởng tượng và cảm xúc mà tiếng đàn ấy gợi lên. Dường như trong quan niệm của Thanh Thảo, tiếng đàn là âm thanh tiếng lòng của Lor – ca, phản chiếu cuộc sống và tâm hồn của Lor – ca. Hệ thống hình ảnh mà Thanh Thảo sử dụng để gợi ra tiếng đàn ghi ta của Lor – ca là những hình ảnh có khả năng gợi mở một bức tranh cuộc sống muôn màu muôn vẻ mà cũng có sức ám ảnh lạ lùng. Hình ảnh “tiếng ghi ta nâu/bầu trời cô gái ấy” thì màu “nâu” có thể là màu của vỏ đàn, màu của đất đai quê hương hay màu da cô gái Lor – ca yêu. Song khi gắn với “bầu trời cô gái ấy” thì “tiếng ghi ta nâu” đã mang âm vang và màu sắc của tình yêu. Tiếng ghi ta đã chứa đựng trong nó thế giới của những rung động tình yêu say mê đắm đuối. “Tiếng ghi ta lá xanh biết mấy” là tiếng ghi ta mang màu xanh của sự sống, niềm tha thiết khắc khoải với cuộc đời. Lá xanh là màu của thiên nhiên tươi tắn, là cỏ cây với cuộc sống tự nhiên.
tiếng ghi ta tròn bọt nước vỡ tan
Chữ “tròn” gợi sự hoàn tất, “bọt nước vỡ tan” gợi sự mất mát, kết thúc của sự tồn tại mong manh. Khi âm thanh tiếng ghi ta vang lên những âm thanh cuối cùng của giai điệu cuộc sống cũng là khi sự sống đột ngột chấm dứt.
tiếng ghi ta ròng ròng
chảy máu
Âm thanh của ghi ta là giai điệu, sự sống của tâm hồn. Máu chảy ròng ròng gợi sự hủy diệt tàn bạo và đau đớn. Trong liên tưởng của Thanh Thảo thì bản thân tiếng đàn là một sự sống, một sinh thể cũng bị tổn thương và “chảy máu” như chính con người. Đây cũng là một cách liên tưởng rất tự nhiên và tất yếu từ thực tế cuộc đời Lor – ca (bị bắn chết tàn bạo rồi ném xác xuống giếng). Song quan trọng hơn, cách liên tưởng ấy của Thanh Thảo cho thấy một quan niệm mới của nhà thơ về nghệ thuật: “Nghệ thuật (tiếng đàn của Lor – ca) phản ánh cuộc sống và khi hấp thụ vào mình cái phong phú của cuộc sống thì bản thân nó cũng trở thành một sinh thể có sự sống, linh hồn”.
Tóm lại, trong khổ thơ trên, nhà thơ Thanh Thảo đã sử dụng khá nhiều biên pháp nghệ thuật như nhân hóa, hoán dụ, so sánh, ẩn dụ để thể hiện những xúc cảm của mình đối với Lor – ca. Những biện pháp nghệ thuật này có khi tách biệt, có khi đan xen vào nhau, thẩm thấu lẫn nhau để tái hiện lại giây phút cuối đời của Lor – ca. Điều đó đã cho thấy sự ngưỡng mộ và tình cảm sâu sắc của Thanh Thảo trước nhân cách cao đẹp cùng số phận oan khuất của người nghệ sĩ Tây Ban Nha tài hoa ấy.
3. Phân tích khổ thơ thứ 3 bài thơ Đàn ghi ta của Lor – ca dành cho học sinh giỏi:
Đàn ghi ta của Lor – ca là tiếng lòng đầy ngưỡng mộ cũng như cảm thương của tác giả Thanh Thảo cho số phận bất hạnh của người nghệ sĩ thiên tài Lor – ca. Bên cạnh việc tái hiện thành công hình tượng Lor – ca, Thanh Thảo còn thể hiện xuất sắc hình tượng tiếng đàn – một biểu tượng giàu ý nghĩa và nghệ thuật trong khổ thơ thứ ba của bài thơ:
tiếng ghi ta nâu
bầu trời cô gái ấy
tiếng ghi ta lá xanh biết mấy
tiếng ghi ta tròn bọt nước vỡ tan
tiếng ghi ta ròng ròng
máu chảy
Hình tượng tiếng đàn trong tác phẩm này là một sáng tạo độc đáo, xuất sắc, mang nhiều ý nghĩa biểu tượng của nhà thơ Thanh Thảo. Tiếng đàn vừa là hình ảnh biểu tượng cho Lor – ca, người nghệ sĩ bạc mệnh, vừa là hình ảnh biểu tượng cho nghệ thuật.
Thanh Thảo dường như đã thực sự hóa thân vào nhân vật trữ tình để cảm nhận, thấm thía nỗi đau và thể hiện điều đó bằng ngôn ngữ trái tim, của ngòi bút rớm máu. Lor – ca đã hi sinh bởi thế lực phát xít tàn bạo. Thế nhưng, chúng chỉ có thể hủy diệt thân xác của Lor – ca nhưng không thể hủy diệt được sức sống nghệ thuật mà ông để lại. Điệp khúc tiếng ghi ta một lần nữa được lần lượt xuất hiện. Mỗi âm điệu vang lên lại mang một ý nghĩa khác nhau. “Tiếng ghi ta nâu – bầu trời cô gái ấy” chính là tiếng ghi ta tấu lên khúc tình yêu mà Lor – ca dành cho quê hương, nghệ thuật, lý tưởng và người con gái mà ông yêu quý. Màu nâu ở đây có thể là màu nâu của vỏ đàn, màu đất quê hương, màu da hoặc màu mắt của người con gái mà tác giả thầm thương. “Tiếng ghi ta xanh biết mấy/Tiếng ghi ta tròn bọt nước vỡ tan” thì tiếng ghi ta ở đây tấu lên khúc ca về vẻ đẹp cũng như nỗi đau của Lor – ca. Tiếng ghi ta mang màu xanh của sự sống, niềm tha thiết khắc khoải với cuộc đời. Lá xanh là màu của thiên nhiên tươi tắn, là cỏ cây với cuộc sống tự nhiên.Chữ “tròn” gợi sự hoàn tất, “bọt nước vỡ tan” gợi sự mất mát, kết thúc của sự tồn tại mong manh. Khi âm thanh tiếng ghi ta vang lên những âm thanh cuối cùng của giai điệu cuộc sống cũng là khi sự sống đột ngột chấm dứt. Cuối cùng, tiếng ghi ta được đẩy lên độc cao trào của bi phẫn: “Tiếng ghi ta ròng ròng/ máu chảy”. Tiếng ghi ta đã hòa vào làm một với người nghệ sĩ. Người nghệ sĩ bị bắn được ví như hình ảnh cây đàn chảy máu. Điệp từ “tiếng ghi ta” là điệp khúc, đều đặn vang lên 4 lần trong nhịp thơ dồn dập, gửi gắm những tình cảm, tâm sự, nỗi niềm chất chứa của Lor – ca còn vang vọng mãi với hậu thế, khẳng định sức sống bất diệt của Lor – ca.
Cùng với hình tượng người nghệ sĩ, tiếng đàn trong khổ ba nói riêng cũng như trong toàn bài nói chung đã góp phần tạo nên thành công cho Thanh Thảo. Tiếng đàn cùng hình tượng người nghệ sĩ đan cài, hòa quyện vào nhau. Tiếng đàn chính là đời sống tinh thần của Lor – ca và nghệ thuật đẹp đẽ mà ông đã để lại cho hậu thế.
1. Dàn ý phân tích khổ thơ thứ 3 bài thơ Đàn ghi ta của Lor – ca:
a. Mở bài:
+ Giới thiệu nhà thơ Thanh Thảo.
+ Giới thiệu tác phẩm Đàn ghi ta của Lor -ca.
+ Dẫn dắt vấn đề cần nghị luận: Phân tích khổ thơ thứ 3 bài thơ Đàn ghi ta của Lor – ca:
tiếng ghi ta nâu
bầu trời cô gái ấy
tiếng ghi ta lá xanh biết mấy
tiếng ghi ta tròn bọt nước vỡ tan
tiếng ghi ta ròng ròng
máu chảy
b. Thân bài:
+ Đàn ghi ta là nhạc cụ truyền thống của đất nước Tây Ban Nha hay còn có tên gọi khác là Tây Ban cầm. Như vậy, tiếng đàn là biểu trưng cho đất nước Tây Ban Nha.
+ Khái quát về hình ảnh tiếng ghi ta ở những đoạn thơ 1 và 2.
+ Tiếng đàn là thế giới của những cách tân nghệ thuật mà Lor – ca say mê.
+ “tiếng ghi ta nâu/bầu trời cô gái ấy”: Màu nâu có thể là màu vỏ đàn, của đất đau quê hương, của đôi mắt, màu da, mái tóc cô gái mà Lor – ca yêu. Lor – ca sáng tác vì quê hương, vì tình yêu và vì chính nghệ thuật.
+ “tiếng ghi ta xanh lá”: Nghệ thuật của Lor – ca luôn dồi dào sức sống tuổi trẻ.
+ “tiếng ghi ta tròn bọt nước”: Gợi đến thứ nghệ thuật trong trẻo, hoàn mỹ, tuyệt đích. Nhưng nó lại “vỡ tan” như thứ nghệ thuật mà Lor – ca theo đuổi sẽ mong manh, yếu ớt rồi vụt tắt như bọt nước dưới tay bọn phát xít độc tài.
+ “tiếng ghi ta ròng ròng/máu chảy”: Tiếng ghi ta như hòa vào làm một với người nghệ sĩ, chịu chung nỗi đau, cái chết với người nghệ sĩ. Đó là sự gắn bó giữa người nghệ sĩ với cây đàn. Câu thơ cũng thể hiện sự phẫn uất của tác giả trước sự ra đi của người nghệ sĩ tài hoa mà bạc mệnh Lor – ca,
+ Khái quát tiếng đàn ở khổ sau.
c. Kết bài:
+ Khái quát lại nội dung và giá trị nghệ thuật.
+ Nêu cảm tưởng của bản thân sau khi phân tích khổ 3 của bài thơ. Liên hệ, so sánh với các tác phẩm khác để mở rộng bài văn.
THAM KHẢO THÊM: