Vợ chồng A Phủ nhà văn viết về cuộc đời đau khổ, tủi cực, nhục nhã của người dân nghèo ở miền núi Tây Bắc. Bài Phân tích nhân vật A Phủ trong Vợ chồng A Phủ hay chọn lọc sẽ giúp chúng ta tìm hiểu kĩ hơn về con người nơi đây, chúng ta cùng tìm hiểu nhé!
Mục lục bài viết
1. Giới thiệu về tác phẩm Vợ chồng A Phủ và nhân vật A Phủ:
Cùng với Nam Cao, Kim Lân, Nguyễn Công Hoan, Ngô Tất Tố,… Tô Hoài cũng là một trong những nhà văn tiêu biểu, xuất sắc khi viết về đời sống của nhân dân Việt Nam những năm trước và sau Cách mạng Tháng tám thành công. Trong đó, nổi bật nhất trong sự nghiệp sáng tác của Tô Hoài ở mảng văn học hiện thực là tác phẩm Vợ chồng A Phủ.
“Vợ chồng A Phủ” là kết quả của chuyến đi thực tế Tây Bắc của Tô Hoài. Đây là tác phẩm phản ánh chân thực nhất cuộc đời và những số phận bất hạnh của những người nông dân nghèo dưới ách áp bức, bóc lột của bọn địa chủ phong kiến. Nhưng nổi bật hơn cả là khát vọng và ý chí sống mãnh liệt.
A Phủ là nhân vật để lại cho người đọc nhiều cảm xúc về sự vượt lên chính mình. Tô Hoài đã rất thành công khi khắc họa nhân vật này. A Phủ không phải là nhân vật xuất hiện ở đầu truyện mà dường như ám ảnh người đọc mãi không thôi. A Phủ với những tính cách, phẩm chất vừa khiến người thương, vừa khiến người khâm phục.
2. Phân tích nhân vật A Phủ trong Vợ chồng A Phủ hay chọn lọc:
Tô Hoài như một cuốn từ điển sống, một cuốn sách sống. Ông có vốn hiểu biết sâu rộng, phong phú về phong tục tập quán của nhiều vùng miền khác nhau, lối kể hóm hỉnh, vốn từ phong phú, sáng tạo, miêu tả đậm nét những hình ảnh chuyển động. Ông đã viết thành công truyện Truyện Tây Bắc, trong đó có truyện Vợ chồng A Phủ. Qua truyện ngắn này, Tô Hoài đã phản ánh nỗi khắc khoải, vươn lên của người Mèo vùng Tây Bắc, một lòng quyết tâm đi theo kháng chiến để giành lấy tình yêu và hạnh phúc. Tiêu biểu cho những con người đó là A Phủ, một trong những nhân vật thành công nhất của Tô Hoài trong tác phẩm này
Năm 1952, Tô Hoài cùng đoàn quân tiến vào giải phóng Tây Bắc. Chuyến đi thực tế này đã đem lại cho người viết cái nhìn sâu sắc và tình cảm đối với con người và cảnh vật vùng Tây Bắc. “Vợ chồng A Phủ” in trong tập “Truyện Tây Bắc”
Tác giả để A Phủ bất ngờ xuất hiện trong cuộc chiến đấu với A Sử – con trai nhà thống lí, để rồi A Phủ bị bắt, bị đánh đập, bị nộp phạt và nợ nần. Rồi kể lai lịch của A Phủ. Cách giới thiệu này vừa thu hút sự chú ý của người đọc, vừa nhấn mạnh tính cách mạnh mẽ của A Phủ.
Từ nhỏ, A Phủ đã mồ côi cha mẹ, không người thân thích trên đời, bị dân làng bắt bán cho người Thái ở miền xuôi. Mười tuổi, A Phủ bướng bỉnh, không thích sống ở miền xuôi, trốn lên núi, lưu lạc đến Hồng Ngải. Lớn lên ở miền sơn cước, A Phủ là một chàng trai cường tráng, “chạy nhanh như ngựa”, “biết đúc lưỡi cày, biết đúc cuốc, cày giỏi, săn bò tót dũng cảm”. Nhiều cô gái trong làng mê mẩn, bảo nhau “Ai lấy được A Phủ thì bằng con trâu tốt trong nhà, chẳng mấy chốc sẽ giàu to”. Người ta đùa thế thôi chứ A Phủ nghèo lắm. Không cha mẹ, không ruộng vườn, không tiền bạc, suốt đời làm thuê, làm sao A Phủ lấy được vợ? Nếu ở một xã hội khác, A Phủ xứng đáng được hưởng hạnh phúc. Tuy nhiên, A Phủ bị chà đạp, đối xử bất công. Nếu không nhờ Mị giải thoát thì A Phủ đã chết dưới tay thống lí Pá Tra.
Tính cách gan góc của A Phủ bộc lộ từ năm lên 10. Được hun đúc bởi cuộc sống hoang dã của núi rừng và hoàn cảnh sống của người lao động khổ sai đã tạo nên một A Phủ có cá tính mạnh mẽ và liều lĩnh. Ngay khi xuất hiện, A Phủ đã lôi cuốn người đọc bằng những hành động mạnh mẽ, dễ đoán: “bỏ chạy”, “vung tay”, “lao tới vồ lấy” “kéo đầu, xé, đánh…”. A Phủ là người bộc trực, nóng nảy, thật thà. A Phủ đánh A Sử để trừng phạt sự ích kỷ của hắn nhưng do là người yếu thế trong xã hội phong kiến A Phủ bị nhà thống lí bắt, bị đánh đập suốt đêm cho đến khi “mặt A Phủ sưng vù, môi và mắt chảy máu”, “đầu gối sưng vù như rắn hổ mang” . Tuy nhiên, A Phủ lại “lặng như tượng đá” thể hiện sự dũng cảm, dám làm dám chịu của mình và kể từ đấy A Phủ trở thành người hầy kẻ hạ cho nhà Thống lí.
Vì bận bẫy nhím, để hổ bắt bò, A Phủ trở về bị Thống lí trói đứng và đánh một cách dã man, chịu cái đói trong cái lạnh cắt da cắt thịt, A Phủ không chịu, đành cắn đứt hai vòng dây mà không thoát ra được. A Phủ đã khóc trong tuyệt vọng. Những giọt nước mắt của một chàng trai mạnh mẽ, yêu tự do phải cay đắng buông tay trước số phận nghiệt ngã đã làm xúc động trái tim người đọc. Ta thấy rõ hơn bộ mặt tàn bạo của chế độ phong kiến, chúa đất ở miền sơn cước xưa.
Nhân vật A Phủ được khắc họa thành công, óc quan sát nhạy bén và khả năng nắm bắt tính cách con người thiên bẩm là hai yếu tố giúp nhà văn tạo nên một hình tượng độc đáo chỉ bằng vài nét vẽ đơn giản. Thông qua nhân vật A Phủ, giá trị hiện thực và nhân đạo của tác phẩm càng nổi bật.
3. Phân tích nhân vật A Phủ trong Vợ chồng A Phủ ý nghĩa nhất:
“Vợ chồng A Phủ” được sáng tác vào năm 1952 và là một trong những tác phẩm ấn tượng của nhà văn Tô Hoài. Qua tác phẩm, tác giả muốn làm tái hiện lại cuộc sống của những con người dân tộc trung thực, luôn quý trọng tình cảm cho dù cuộc sống có gian nan đến đâu cũng luôn hi vọng ngày mai tươi sáng, tiêu biểu trong đó là nhân vật A Phủ.
A Phủ có số phận đặc biệt vì từ khi sinh ra A Phủ đã mồ côi cả cha lẫn mẹ, không còn người thân thích, cả làng không mấy ai vượt qua được dịch bệnh đậu mùa: anh em, bố mẹ của A Phủ đều chết. Chỉ còn minh A Phủ đã vượt qua được số phận khắc nghiệt, sống sót và trở thành chàng trai khỏe mạnh. Có người dân làng vì quá đói bụng nên đem bắt A Phủ đổi lấy thức ăn của người Thái dưới cánh đồng. Tuy nhiên, với bản tính ngang bướng, dù mới mười tuổi nhưng A Phủ không chịu ở dưới cánh đồng thấp, anh đã trốn lên núi cao và lưu lạc đến Hồng Ngài sau đó làm thuê cho nhà này đến nhà khác, vượt qua mọi khó khăn, thử thách.
Khi đã trưởng thành, A Phủ trở thành một chàng trai khỏe mạnh, tháo vát và rất thông minh: “Biết đúc lưỡi cày, đục cuốc lại cày giỏi và đi săn bò rất bạo. A Phủ khỏe, chạy nhanh như ngựa”. Những cô con gái trong làng nhiều người mê mẩn anh. Tuy vậy A Phủ cũng biết người ta cũng chỉ ao ước thế thôi vì anh mồ côi, lại rất nghèo, không có ruộng vườn, không có bạc, cũng không có nổi căn nhà, sẽ không thể lấy nổi vợ.
Một lần nọ trong lúc A Phủ cùng với trai làng đi chơi Tết, xảy ra mâu thuẫn A Phủ đã đánh A Sử bị thương. Anh bị bọn người của nhà thống lí Pá Tra bắt lại. Tuy nhiên A Phủ gan dạ không sợ, A Phủ cho rằng anh đánh A Sử là đánh kẻ phá đám, đánh kẻ gây sự, đó là hành động của người dũng cảm thể hiện sự gan dạ.
Cũng chính vì hành động đó, A Phủ đã phải trả giá, trở thành thân phận kẻ ở trừ nợ vô cùng cực khổ. A Phủ làm việc quần quật quanh năm suốt tháng một thân một mình đủ mọi việc lớn nhỏ, nào là phá nương, cuốc rừng, săn bò tót, bắt bò, bẫy hổ, chăn bò, chăn ngựa, rong ruổi ngoài gò, ngoài rừng cả ngày; trong một lần do mải mê bẫy nhím, anh để hổ ăn mất bò, anh không lo sợ mà thản nhiên vác nửa con bò bị hổ ăn thịt dở về nói với thống lí: “Tôi về lấy súng đi bắt con hổ”. Tính cách của A Phủ gan dạ, lì lợm: A Phủ không sợ cái uy của kẻ ác, sẵn sang cãi lí điềm nhiên với thống lí, anh cho rằng con hổ hay thống lí thì cũng thế thôi.
Đặc biệt, ngay cả việc A Phủ tự lấy cọc và lấy dây mây, anh tự mình đóng cọc để người nhà thống lí trói mình lại hanh hạ đến chết để thay thế cho con vật vừa bị mất thì A Phủ cũng làm rất bình tĩnh, thản nhiên, không lo lắng. Đó chính là sự thể hiện tính cách của một người mạnh mẽ, gan góc, dù đứng trước cái chết cũng không hề lo sợ. Đứng giữa ranh giới sống chết, A Phủ tủi nhục trước số phận mà rơi những giọt nước mắt. Mị thương cảm cởi trói, cho A Phủ, cho thấy một khát vọng được sống, được tự do đã thôi thúc A Phủ vùng lên chạy thoát khỏi nhà thống lí Pá Tra. A Phủ dẫn theo Mị cùng chạy trốn đến Phiềng Sa và tham gia cách mạng.
Nhân vật A Phủ đại diện cho những con người bị áp bức nhưng không chấp nhận sự áp bức, bóc lột đó mà đã mạnh mẽ vùng dậy phản kháng quyết liệt giành lại tự do, giành lại quyền được sống.