Thánh Tâm Chúa Giêsu, biểu tượng tình yêu thiêng liêng của Chúa Giêsu dành cho nhân loại. Dưới đây là bài viết về Ý nghĩa và lịch sử của đại lễ Kính Thánh Tâm Chúa Giêsu
Mục lục bài viết
1. Đại lễ Kính Thánh Tâm Chúa Giêsu là gì?
Đại lễ Kính Thánh Tâm Chúa Giêsu là một trong những ngày lễ quan trọng trong lịch Phụng vụ Công giáo, được cử hành để tôn vinh Trái Tim Chúa Giêsu, biểu tượng của tình yêu thương vô bờ bến của Ngài đối với nhân loại. Lễ này thường được tổ chức vào Thứ Sáu sau Lễ Mình và Máu Thánh Chúa Kitô (Lễ Mình Thánh Chúa), tức là vào khoảng ba tuần sau Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống.
2. Lịch sử của đại lễ Kính Thánh Tâm Chúa Giêsu:
Giáo Hội đã chính thức tôn kính Thánh Tâm Chúa Giêsu như biểu tượng của tình yêu vô biên. Mặc dù lòng sùng kính này đã có từ thời Trung Cổ như một thực hành đạo đức cá nhân, và thánh Gioan Euđê đã cổ vũ mạnh mẽ từ thế kỷ XVII, nhưng phải đến khi thánh nữ Margarita Maria Alacoque nhận được các thị kiến từ Chúa Giêsu tại tu viện Thăm Viếng ở Paray-le-Monial, việc tôn sùng này mới lan rộng khắp Giáo Hội. Năm 1687, Chúa Giêsu hiện ra với thánh nữ, mở Trái Tim Người và nói: “Hãy nhìn xem Trái Tim này, Trái Tim yêu thương con người qúa sức đến không tiếc sự gì cho đến tiêu hao kiệt quệ. Phải đền tạ Trái Tim Thánh vì những xúc phạm của loài người. Cha hứa với con rằng Trái Tim sẽ rộng mở để tràn đổ muôn vàn ơn phúc trên những kẻ tôn kính Trái Tim Cha”.
Phải đến ngày 25.1.1765, Thánh Bộ Lễ Nghi mới chấp nhận lời khẩn nguyện của các tín hữu và công bố Sắc Lệnh “Lễ Thánh Tâm.” Sau đó, ngày 6.2.1765, Đức Clêmentê XIII cho phép các Giám mục Ba Lan và Liên Tu Hội Rôma dòng Thánh Tâm mừng lễ kính Thánh Tâm Chúa Giêsu.
Qua các lần hiện ra với thánh nữ Margarita Maria Alacoque, Chúa Giêsu đã tỏ cho thánh nữ thấy Trái Tim Người, một trái tim đã yêu thương con người đến thế, nhưng chỉ nhận lại sự vô ơn. Thánh nữ được Chúa Giêsu ủy thác việc xin Giáo Hội thiết lập một ngày lễ kính Thánh Tâm. Tuy nhiên, phải đợi đến gần hai thế kỷ sau ngày thánh nữ qua đời, vào ngày 23.8.1856, Đức Piô IX mới chính thức chấp thuận và lập lễ kính Thánh Tâm Chúa Giêsu trên toàn Giáo Hội, lễ này được đưa vào lịch Phụng vụ và cử hành long trọng.
Ngày 25.5.1899, Đức Leô XIII với Thông điệp “Annum Sacrum,” đã xác định việc cử hành long trọng và công khai lễ nghi dâng nhân loại cho Trái Tim cực thánh Chúa Giêsu trên toàn thế giới.
Ngày 8.5.1928, Đức Piô XI công bố Thông điệp “Miserentissimus Redemptor” về việc tôn sùng Thánh Tâm Chúa Giêsu với tinh thần đền tạ. Ngài nhấn mạnh rằng, việc đền tạ Thánh Tâm là bổn phận thiết yếu đối với mọi Kitô hữu và cần thiết để đền bù những xúc phạm của nhân loại, đồng thời khẩn cầu lòng thương xót và ơn tha thứ của Chúa.
Để kỷ niệm 100 năm ngày Đức Piô IX ban lệnh mừng kính Lễ Thánh Tâm Chúa Giêsu, ngày 15.5.1956, Đức Piô XII đã ban hành Thông điệp “Haurietis Aquas In Gaudio” với nội dung gồm 119 điều, trong đó khẳng định rằng Trái Tim Chúa Giêsu là biểu tượng của tình yêu hoàn hảo.
3. Trái tim trong tôn giáo Kitô giáo:
Trong Tin Mừng theo thánh Gioan, có đoạn ghi lại hình ảnh lưỡi đòng xuyên qua Trái Tim Chúa Giêsu: “Một tên lính lấy ngọn giáo đâm thủng cạnh sườn Người, và lập tức máu cùng nước chảy ra.” (Ga 19,34)
Thiên Chúa có một Trái Tim. Trái Tim của Ngài, thể hiện qua Trái Tim Rất Thánh của Chúa Giêsu, đã rung động, bị tổn thương và chịu đựng những nỗi đau sâu sắc do tội lỗi của thế gian. Trái Tim thể lý của Chúa Giêsu, một trái tim bằng thịt và máu đã bộc lộ tình yêu và sự hy sinh tột đỉnh của Thiên Chúa dành cho toàn thể nhân loại cũng như cho từng con người trong đó.
Thiên Chúa đã cho Con của Ngài chịu chết để loài người được sống. Ngài đã tự nguyện hiến dâng chính mình qua nỗi đau đớn chịu đựng trong Trái Tim đầy thương tích của Chúa Giêsu.
4. Ý nghĩa của đại lễ Kính Thánh Tâm Chúa Giêsu:
Giáo Hội xác định rằng việc tôn thờ Thánh Tâm Chúa Giêsu là một trong những điều nòng cốt của đức tin Kitô giáo. Việc sùng kính Thánh Tâm dẫn đưa con người đến sự kết hợp với Trái Tim của Chúa Kitô, hướng tới một Tình Yêu cao cả – Tình Yêu chịu đóng đinh và chết cho nhân loại. Ngoài ra, việc tôn thờ này kêu gọi chúng ta bắt chước Chúa Giêsu trong sự tín thác hoàn toàn nơi Thiên Chúa và trao ban tình thương cho mọi người.
Trong Thông điệp “Haurietis Aquas In Gaudio”, Đức Piô XII khẳng định rằng lòng sùng kính Thánh Tâm Chúa Giêsu là sự tuyên xưng đức tin Kitô giáo một cách hoàn hảo và không phải là một hình thức đạo đức bình thường mà ai nấy tùy ý thực hiện hay bỏ qua. Ý nghĩa thâm sâu của việc tôn sùng Thánh Tâm là lấy tình yêu đáp trả tình yêu.
Chúa Giêsu đã hiện ra với thánh nữ Maria Alacoque và mạc khải cho thánh nữ về nhu cầu phải đền tạ vì các tội lỗi riêng cũng như tội lỗi toàn thế giới đã xúc phạm đến Thánh Tâm Người. Chúa yêu cầu thánh nữ cổ động việc thường xuyên rước lễ, nhất là vào các ngày thứ Sáu đầu tháng..
Trong Thông điệp “Annum Sacrum,” Đức Lêô XIII gọi việc dâng nhân loại cho Trái Tim cực thánh Chúa Giêsu là hình thức cao nhất của việc tôn sùng Trái Tim Chúa. Đức Piô X minh định rằng việc tôn thờ Trái Tim cực thánh Chúa Giêsu là trường học hữu hiệu nhất về Tình Yêu Thiên Chúa, và Đức Piô XI trong Thông điệp “Miserentissimus Redemptor” khẳng định lòng sùng kính Thánh Tâm là sự tổng hợp của toàn bộ tôn giáo chúng ta.
Thánh Gioan XXIII trong “Nhật ký tâm hồn” khẳng định rằng chính Trái Tim Chúa Giêsu là nơi mà ngài tìm ra giải đáp cho mọi vấn nạn và lòng sùng kính Thánh Tâm là thước đo cho sự tiến bộ tâm linh của ngài. Đức Phaolô VI, trong Huấn dụ “Tôn Sùng Thánh Tâm Chúa Giêsu” năm 1965, nhấn mạnh sự cần thiết của việc này cho thời đại ngày nay, mong rằng việc tôn sùng Thánh Tâm được tổ chức trong Nghi thức Phụng vụ để phát triển rộng rãi, giúp mọi Kitô hữu được đổi mới.
Ngày nay, việc tôn sùng Thánh Tâm Chúa Giêsu là trọng tâm của Phụng vụ trong Giáo Hội và là giải pháp hữu hiệu cho các vấn nạn thời đại. Lòng tôn sùng Thánh Tâm mang lại ánh sáng đức tin cho mọi Kitô hữu và là nền tảng vững chắc cho đời sống luân lý trong thời đại thực dụng và chủ trương tương đối hóa các giá trị và chân lý. Việc tôn sùng Thánh Tâm khuyến khích mỗi Kitô hữu sống tình yêu Thiên Chúa và yêu thương mọi người.
5. Cầu nguyện cho Thánh Tâm Chúa Giêsu:
Lạy Chúa Giêsu, trái tim yêu thương của Chúa đã khơi nguồn các Bí tích, nhất lá Bí tích Thánh Thể.
Con mong có thể dâng lên Chúa vinh dự và vinh quang sao cho bằng Chúa dâng lên Chúa Cha trong mầu nhiệm thánh thiêng này.
Con biết bây giờ Chúa vẫn yêu con cùng một mức độ yêu thương đã thôi thúc Chúa chết trên thập giá vì con.
Lạy Thánh Tâm Chúa Giêsu! Xin hãy làm cho những ai chưa tin được nhận biết Chúa. Nhờ công nghiệp của Chúa, xin giải thoát các linh hồn nơi luyện ngục. Hay ít là làm cho họ bớt đau khổ, vì Chúa đang chuẩn bị cho họ trở thành người yêu muôn đời của Chúa.
Con thờ lạy Chúa, con tạ ơn Chúa, on yêu mến Chúa hiệp cùng mỗi linh hồn đang yêu Chúa vào lúc này. Xin hãy tháo gỡ khỏi linh hồn con mọi quyến luyến trần gian và lấp đầy linh hồn con bằng tình yêu Chúa. Xin hãy làm chủ linh hồn con hoàn toàn đến nổi con có thể nói ngay từ bây giờ rằng: “Ai có thể tách tôi ra khỏi Tình Yêu Chúa?”
Lạy Thánh Tâm Chúa Giêsu, xin hãy ghi khắc vào tim con những nỗi khốn cực Chúa chịu vì con, để khi con nhìn ngắm chúng, con sẽ chấp nhận hoặc ước mong đau khổ vì yêu mến Chúa.
Lạy Thánh Tâm khiêm hạ vô cùng, xin hãy thông chi sự khiêm hạ của Chúa cho con. Ôi trái tim rất mực hiền từ, xin khiến lòng con hiền lành như Chúa. Xin hãy gạt bỏ khỏi lòng con những gì Chúa không thích. Xin hãy hướng lòng con tới Chúa để nó chỉ khát khao một mình Chúa mà thôi. Xin hãy cho con chỉ sống vâng phục Chúa thôi, chỉ yêu thương Chúa thôi và chỉ làm đẹp lòng Chúa thôi. Con biết con có món nợ lớn lao phải trả. Cho dù chính con thề hứa phụng sự Chúa, con cũng khó lòng đền trả được.
Ôi Thánh Tâm Chúa Giêsu! Chúa là của lòng con. Amnen!