Thuyết minh là dạng văn bản phổ biến trong chương trình ngữ văn. “Thuyết minh thuật lại một sự kiện lễ hội mà em tham gia” là đề bài tập làm văn trong chương trình sách giáo khoa lớp 6. Dưới đây, chúng tôi xin hướng dẫn các bạn cách viết bài thuyết minh thuật lại một sự kiện lễ hội mà em tham gia.
Mục lục bài viết
1. Khái quát về sự kiện lễ hội:
Sự kiện lễ hội là hoạt động văn hóa tinh thần phổ biến trong cuộc sống hằng ngày. Một vài lễ hội văn hóa có thể kể đến như: Sự kiện giờ trái đất, Tổng khởi nghĩa tháng Tám năm 1945, lễ hội đền Hùng, sự kiện ngày 20/11, thuyết minh thuật lại một sự kiện ở trường em – hội chợ xuân ở trường, ngày khai trường, Tết Nguyên đán, tết Trung thu,…
2. Cách lập dàn bài khung cho bài viết:
Mở bài:
Giới thiệu sự kiện được thuật lại (sự kiện gì, diễn ra ở đâu, vào thời điểm nào, …)
Thân bài:
Khái quát về không khí và người tham dự lễ hội: Lễ hội được tổ chức nhằm dịp gì? Thành phần tham dự chính là ai?
Khái quát chung về lễ hội:
- Quang cảnh, không khí nơi sự kiện diễn ra như thế nào?
- Những sự việc, hoạt động diễn ra xung quanh lễ hội?
- Nêu những hoạt động đặc sắc, gây ấn tượng của lễ hội
Kết bài:
- Nêu ý nghĩa lễ hội mà bạn đã lựa chọn để phân tích.
- Cảm nhận chung của em về sự kiện (lễ hội).
3. Thuyết minh về sự kiện Lễ khai giảng năm học mới:
Sáng nay, thứ 2 ngày 5/9, hòa chung không khí ngày tựu trường trên cả nước, trường em tưng bừng tổ chức buổi lễ khai giảng đầu năm học mới.
Hôm nay là một ngày nắng ấm, gió nhẹ nhàng vờn trên chiếc lá, bao trùm lên cảnh vật. Theo thông báo của nhà trường, tối hôm qua em đã nô nức chuẩn bị đầy đủ mọi thứ cần thiết với một tâm trạng vui vẻ và xôn xao khó tả. Ngày mai, một khởi đầu mới lại bắt đầu.
Lúc này, trước mắt em lúc này là một khung trời mới: bạn bè, thầy cô, trường lớp… đều mới tinh. Đầu tiên là buổi lễ diễn hành được diễn ra, từng lớp đi qua khán đài được các thầy cô nêu lên những thành tích nổi bật của năm qua, đặc biệt là phần chào đón những học sinh lớp 6. Chúng em mới bước vào năm học đầu tiên ở một môi trường mới. Sau lễ diễu hành, nghi lễ chào cờ diễn ra thật trang nghiêm, một bài Quốc ca vang lên hào hùng. Tiếp theo, cô tổng phụ trách lên tuyên bố lí do, giới thiệu đại biểu và mời cô giáo phó hiệu trưởng nhà trường lên đọc thư của Chủ tịch nước. Những lá thư như vậy em nghe đã nhiều lần trong những lễ khai giảng trước đây nhưng có lẽ hôm nay là lần đầu tiên em cảm thấy xúc động đến vậy. Giây phút xúc động nhất của em là khi nghe cô giáo hiệu trưởng nhà trường đọc diễn văn khai giảng, phát động thi đua chào mừng năm học mới và đánh trống khai trường, một dấu hiệu bắt đầu cho một năm học mới. Chiếc trống được đặt trên sân khấu hôm nay thật đẹp, nó được trang trí hoa văn đẹp mắt với những họa tiết hoa xinh xắn. Dùi trống đã được làm điệu lên bằng chiếc khăn đỏ quấn quanh núm. Tiếng trống vang lên. Hòa cùng tiếng trống là giọng nói trầm ấm của một cô giáo đọc lời bình từ phía trong cánh gà. Những lời lẽ thật hào hùng, đi sâu vào lòng người, nhắc nhở thế hệ trẻ nhớ tới quá khứ vinh quang của dân tộc để phấn đấu cho tương lai. Tiếng trống ấy rồi sẽ theo các em đi suốt cuộc đời.
Phần cuối cùng trong buổi lễ, cũng là phần thu hút được sự quan tâm nhiều nhất: Văn nghệ chào mừng. Chương trình văn nghệ gồm rất nhiều tiết mục với đủ thể loại: Hát, múa, thể dục nhịp điệu vô cùng đặc sắc. Tất cả các tiết mục đã được các lớp chuẩn bị rất kỹ. Em không khỏi trầm trồ thán phục trước tài năng của các bạn. Toàn bộ học sinh và các thầy cô cũng như các vị đại biểu đều không thể rời mắt khỏi sân khấu.
Lễ khai giảng năm nay thật vui vẻ, tưng bừng, cũng để lại trong em nhiều ấn tượng. Tiếng trống trường đâu đó còn vang bên tai. Em đã bước sang một trang mới của cuộc đời, trưởng thành hơn, yêu trường yêu lớp hơn nữa.
4. Thuyết minh về ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11:
Ngày 20/11 hàng năm là ngày truyền thống kỷ niệm ngày Nhà Giáo Việt Nam. Đây là ngày lễ hội của ngành giáo dục và là ngày nhà giáo nhằm mục đích tôn vinh những người thầy, người cô.
Ngày hôm đó, ngôi trường của em dường như khác hẳn so với mọi khi. Sân trường rất sạch sẽ, những hàng ghế được xếp ngay ngắn. Ngay từ rất sớm, sân trường dần đông vui và rộn rã, ai cũng vui cười trong niềm hạnh phúc và đón đợi. Ở phía trên khu vực sân khấu có treo một tấm băng rôn to màu xanh. Kèm dòng chữ màu trắng nằm ở chính giữa vô cùng nổi bật “LỄ KỈ NIỆM NGÀY NHÀ GIÁO VIỆT NAM 20 – 11”. Phía bên dưới là tên trường “THCS….”. Hai bên sân khấu cũng được treo những lá cờ đỏ thắm. Hôm nay, thầy cô thật xinh đẹp và oai nghiêm lạ thường. Các cô mang trên mình những tà áo dài đầy duyên dáng, trang điểm nhẹ nhàng mang nét thanh lịch, cuốn hút. Các thầy mang bộ com-lê lịch sự và đứng đắn. Ai ai cũng nở nụ cười tràn ngập hạnh phúc.
Đến giờ buổi lễ bắt đầu, học sinh tập trung về trước sân trường, chúng em xếp hàng ngày ngắn theo từng lớp. Thầy tổng phụ trách đội tuyên bố lý do buổi lễ, giới thiệu các vị khách mời và quý thầy cô tham dự buổi lễ. Buổi lễ mít tinh được bắt đầu vào đúng bảy giờ ba mươi phút. Một hồi trống giòn giã thay cho lời yêu cầu học sinh ổn định chỗ ngồi.
Sau màn hát Quốc ca, là những tiết mục văn nghệ do các anh chị học sinh trình bày. Những bài hát như “Bụi phận”, “Người thầy”… vang lên gợi niềm xúc động dạt dào.
Tiếp theo đó, thầy hiệu trưởng bước lên khán đài và đã gửi lời tri ân đến tất cả các thầy, cô và phát biểu cảm nghĩ cũng như dành những câu văn dầy ấm áp nói về ngày nhà giáo Việt Nam và sau đó cô tổng phụ trách trong trường lên phát biểu. Chúng em rất thích thú trước cuộc trò chuyện đầy chân tình và hấp dẫn của cô, cô kể về những kỉ niệm với các học trò cũ, về những kí ức dưới mái trường chúng em đang theo học đầy sự thân yêu với nhiều cùng bậc cảm xúc, những câu chuyện ấy giúp chúng em thêm hiểu về trường, về công lao to lớn của quý thầy cô. Cuối cùng, đại diện cho học sinh toàn trường chị Nguyễn Phương Thảo, cũng đã lên phát biểu cảm xúc và gửi lời cảm ơn đến toàn bộ cán bộ, nhân viên và thầy cô giáo trong trường. Sau những lời phát biểu là những tràng pháo tay vang lên giòn giã.
Buổi lễ kết thúc trong niềm hân hoan, phấn khởi của thầy và trò. Em quan sát thấy rất nhiều học sinh cũ về thăm lại thầy cô – những người có công ơn dạy dỗ họ nên người. Tình yêu thương, sự kính trọng và niềm xúc động hiện diện trên khuôn mặt của cả thầy và trò. Bởi lẽ, ngày Nhà giáo Việt Nam cũng là dịp để các bậc phụ huynh gửi lời tri ân đến những người đã dạy dỗ con cái của họ nên người. Sau buổi lễ, chúng em đã đến gặp và gửi tặng thầy cô những bó hoa tươi thắm. Đối với em, ngày 20/11 là một ngày lễ thật ý nghĩa để tôn vinh thầy cô – những người lái đò thầm lặng đã đưa biết bao chuyến đò đến bờ của thành công.
5. Thuyết minh về Ngày lễ hội quê em:
Ninh Bình quê em nổi tiếng là vùng đất có nhiều danh lam thắng cảnh và những lễ hội truyền thống trong cả nước. Lễ hội Hoa Lư là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Là một trong những lễ hội lớn nhất ở Ninh Bình nói riêng và ở Việt Nam nói chung, hiện đang được đề nghị tổ chức theo nghi thức Nhà nước với vai trò là ngày Quốc lễ. Lễ hội được mở vào mùa xuân, có thể vào ngày sinh của Đinh Bộ Lĩnh (15/2 âm lịch), hoặc đầu tháng 3 bắt đầu từ 6/3 đến 10/3 âm lịch.
Đây là dịp để con cháu tưởng niệm đến các vị hoàng đế: Đinh Tiên Hoàng và Lê Đại Hành. Hình thức của lễ hội rất phong phú, bao gồm: Lễ rước nước, Lễ dâng hương, Lễ rước lửa, Tập trận cờ lau, Tế nữ quan, Kéo chữ Thái Bình, múa rồng lân, thổi cơm thi… Em thích nhất tiết mục “Cờ lau tập trận”, bởi đây là tiết mục gắn liền với cuộc đời và tên tuổi Định Bộ Lĩnh. Các bạn học sinh của xã Trường Yên đã biểu diễn rất hay và khí thế, tái hiện được thời thơ ấu của vua Đinh Bộ Lĩnh qua tiết mục này. Ngoài ra, mọi người cũng rất hào hứng khi được xem thi bơi chải và thi đấu vật. Cuộc đấu vật hết sức sôi động, các vận động viên thì thi đấu hết sức, còn khán giả thì cổ vũ hết mình làm cho không khí ngày hội vô cùng sôi động. Những hoạt động này không chỉ mang tính giải trí, rèn luyện sức khỏe mà còn có ý nghĩa nhắc nhở các thế hệ sau ghi nhớ công lao của các vị anh hùng dân tộc thời xưa. Đó chính là những lí do khiến Lễ hội cố đô Hoa Lư là lễ hội được người dân quê em chờ đón nhất trong năm.
Em rất yêu mến và tự hào vẻ mảnh đất quê hương giàu truyền thống văn hóa này. Em rất hi vọng mỗi năm lễ hội đều được tổ chức tưng bừng và ấn tượng. Bởi lẽ, nó chính là nét được sắc trong văn hóa quê hương em.