Vừa qua, mưa lớn và gió giật mạnh do cơn bão số 03 Yagi gây ra khiến cho hàng loạt cây xanh bị đổ, nhiều ô tô đã bị cây xanh đè lên khiến cho nhiều chủ phương tiện lo ngại với thiệt hại tài sản của bản thân. Vậy theo quy định của pháp luật hiện nay thì ô tô bị cây xanh đè do bão được bồi thường như thế nào?
Mục lục bài viết
1. Ô tô bị cây xanh đè do bão được bồi thường như thế nào?
Trước hết, việc xe ô tô bị hư hỏng do mưa bão gây ra không thuộc trường hợp do lỗi của con người, vì vậy cho nên không thể xem xét trách nhiệm bồi thường thiệt hại đối với cá nhân cụ thể. Việc chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại và xác định mức giá trị bồi thường thiệt hại cho chủ phương tiện xe ô tô sẽ được thực hiện theo quy định trong hợp đồng bảo hiểm được ký kết giữa chủ phương tiện xe ô tô với công ty bảo hiểm. Căn cứ theo quy định tại khoản 2 Điều 20 của Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2022 có quy định về quyền và nghĩa vụ của các doanh nghiệp, công ty bảo hiểm và chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài. Theo đó, doanh nghiệp bảo hiểm và các chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài có một số nghĩa vụ cơ bản như sau:
-
Cung cấp cho bên mua bảo hiểm văn bản yêu cầu bảo hiểm, bảng câu hỏi có liên quan trực tiếp đến rủi ro được bảo hiểm, đối tượng bảo hiểm, quy tắc thực hiện nghĩa vụ chi trả bảo hiểm, điều kiện và điều khoản bảo hiểm;
-
Giải thích rõ ràng, đầy đủ cho bên mua bảo hiểm về quyền lợi bảo hiểm của các bên, điều khoản loại trừ trách nhiệm bảo hiểm, quyền và nghĩa vụ của bên mua bảo hiểm trong quá trình giao kết hợp đồng bảo hiểm trên thực tế;
-
Cung cấp cho bên mua bảo hiểm bằng chứng giao kết hợp đồng bảo hiểm căn cứ theo quy định tại Điều 18 của Luật kinh doanh bảo hiểm năm 2022;
-
Cung cấp đầy đủ hóa đơn, chứng từ thu phí bảo hiểm cho bên mua bảo hiểm theo sự thỏa thuận của các bên trong hợp đồng bảo hiểm và theo quy định của các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan;
-
Bồi thường, chi trả tiền bảo hiểm khi xảy ra sự kiện bảo hiểm;
-
Giải thích bằng văn bản lý do từ chối bồi thường bảo hiểm, từ chối chi trả khoản tiền bảo hiểm;
-
Phối hợp với bên mua bảo hiểm trong quá trình giải quyết yêu cầu của bên thứ ba đòi bồi thường về những thiệt hại thuộc phạm vi trách nhiệm bảo hiểm sau khi xảy ra sự kiện bảo hiểm trên thực tế;
-
Lưu giữ hồ sơ hợp đồng bảo hiểm phù hợp với quy định của pháp luật;
-
Bảo mật thông tin do bên mua bảo hiểm, thông tin do người được bảo hiểm cung cấp, ngoại trừ trường hợp theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc được sự đồng ý của bên mua bảo hiểm hoặc của người được bảo hiểm;
-
Một số nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật.
Như vậy, theo điều luật nêu trên thì bên mua bảo hiểm sẽ có quyền yêu cầu doanh nghiệp bảo hiểm chi trả, cung cấp khoản tiền bảo hiểm cho người thụ hưởng hoặc bồi thường cho người được bảo hiểm theo sự thỏa thuận của các bên ghi nhận trong hợp đồng bảo hiểm khi xảy ra sự kiện bảo hiểm. Đồng thời, sự kiện bảo hiểm có thể được hiểu là sự kiện theo sự thỏa thuận trong hợp đồng bảo hiểm căn cứ theo quy định tại khoản 27 Điều 4 của Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2022.
Và trong hợp đồng bảo hiểm được ký kết giữa hai bên có thỏa thuận sự kiện “xe ô tô bị hư hại do thiên tai, bão lũ là cơ sở được bồi thường bảo hiểm” thì khách hàng sẽ có quyền yêu cầu doanh nghiệp bảo hiểm chịu trách nhiệm bồi thường khi sự kiện đó xảy ra. Khách hàng khi có xe ô tô bị cây xanh đè do bão có thể chủ động liên hệ với doanh nghiệp bảo hiểm để có thể trao đổi rõ hơn về điều kiện bồi thường hư hỏng, thiệt hại (vì đây được xác định là tai họa bất khả kháng do thiên nhiên gây ra, chủ phương tiện có thể sẽ được bồi thường đúng với số tiền mà chủ xe chi trả để sửa chữa, khắc phục hậu quả).
2. Thời hạn bồi thường đối với xe ô tô bị thiệt hại do bão gây ra là bao lâu?
Vừa qua, vào 7/9/2024, cơn bão số 3 với tên gọi quốc tế là Yagi đã đổ bộ trực tiếp vào đất liền của Việt Nam, gây ảnh hưởng lớn đến khu vực đồng bằng sông Hồng và đông bắc bộ với sức gió rất mạnh, xảy ra nhiều hiện tượng thời tiết cực đoan như gió giật mạnh và mưa to. Tại Hà Nội và tại một số tỉnh thành phố lân cận, sức ảnh hưởng của cơn bão đã làm cho nhiều cây xanh bị bật gốc, tổn hại lớn về người và tài sản, hàng loạt xe ô tô bị cây xanh đè khiến cho nhiều người lo lắng và xót xa. Căn cứ theo quy định tại Điều 31 của Luật kinh doanh bảo hiểm năm 2022 có quy định về thời hạn bồi thường và trả tiền bảo hiểm. Theo đó:
-
Khi xảy ra sự kiện bảo hiểm, các doanh nghiệp bảo hiểm và chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài cần phải có nghĩa vụ bồi thường phải chi trả khoản tiền bảo hiểm theo thời hạn đã thỏa thuận với các bên trong hợp đồng bảo hiểm. Trong trường hợp không có thỏa thuận về thời hạn chi trả khoản tiền bảo hiểm thì doanh nghiệp bảo hiểm và chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài bắt buộc phải bồi thường, trả tiền bảo hiểm trong khoảng thời gian 15 ngày được tính bắt đầu kể từ ngày nhận đầy đủ hồ sơ hợp lệ và yêu cầu bồi thường, trả tiền bảo hiểm;
-
Trong trường hợp các doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài chậm thực hiện nghĩa vụ bồi thường, trả tiền bảo hiểm thì sẽ phải trả lãi đối với số tiền chậm trả tương ứng với thời gian chậm trả trên thực tế. Lãi suất đối với số tiền chậm trả sẽ được xác định theo sự thỏa thuận của các bên, phù hợp với quy định của pháp luật dân sự.
Như vậy, khi xảy ra các sự kiện bảo hiểm thì doanh nghiệp bảo hiểm cần phải có nghĩa vụ bồi thường phải chi trả khoản tiền bảo hiểm theo đúng thời hạn đã thỏa thuận giữa các bên trong hợp đồng bảo hiểm. Trong trường hợp các bên không có thoả thuận về thời hạn chi trả bồi thường thì doanh nghiệp bảo hiểm phải bồi thường, trả tiền bảo hiểm trong khoảng thời gian 15 ngày được tính bắt đầu kể từ ngày nhận đầy đủ hồ sơ hợp lệ và yêu cầu bồi thường và trả tiền bảo hiểm. Nếu các doanh nghiệp bảo hiểm chậm thực hiện nghĩa vụ bồi thường, trả tiền bảo hiểm thì sẽ phải trả lãi đối với số tiền chậm trả tương ứng với thời gian chậm trả. Lãi suất sẽ được xác định theo quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015 (Điều 468).
3. Ô tô bị cây xanh đè do bão cần chuẩn bị hồ sơ bồi thường như thế nào?
Căn cứ theo quy định tại Điều 47 của Nghị định 67/2023/NĐ-CP, có quy định về thành phần hồ sơ bồi thường bảo hiểm. Theo đó, chủ phương tiện cần phải chuẩn bị các loại giấy tờ và tài liệu như sau:
-
Văn bản yêu cầu bồi thường của bên bị thiệt hại;
-
Tài liệu liên quan đến đối tượng bảo hiểm như hợp đồng bảo hiểm hoặc giấy chứng nhận bảo hiểm;
-
Văn bản yêu cầu bồi thường của bên thứ ba đối với người được bảo hiểm;
-
Các loại giấy tờ tài liệu chứng minh thiệt hại về tài sản như: Hóa đơn, chứng từ hợp lệ, bằng chứng chứng minh việc sửa chữa, thay mới tài sản bị thiệt hại; các loại giấy tờ, hóa đơn chứng từ liên quan đến chi phí phát sinh mà bên mua bảo hiểm đã bỏ ra để hạn chế tối đa tổn thất ở mức độ thấp nhất hoặc để thực hiện theo sự chỉ dẫn của các doanh nghiệp bảo hiểm;
-
Biên bản giám định nguyên nhân gây ra thiệt hại, giám định mức độ thiệt hại do doanh nghiệp bảo hiểm hoặc người được doanh nghiệp bảo hiểm ủy quyền cung cấp;
-
Các loại giấy tờ, tài liệu khác có liên quan (nếu có).
THAM KHẢO THÊM: