Bài thơ Con cò của Chế Lan Viên mang âm hưởng của lời ru ngọt ngào ngân nga quen thuộc nhưng lại thể hiện rất rõ những suy ngẫm, phát hiện về một đề tài đã gần gũi, quen thuộc. Bài viết dưới đây sẽ phân tích chủ đề và ý nghĩa nhan đề bài thơ Con cò để người đọc hiểu rõ hơn về tác phẩm này. Mời các bạn tham khảo.
Mục lục bài viết
1. Đôi nét về tác giả Chế Lan Viên:
– Chế Lan Viên sinh năm 1920, mất năm 1989.
– Tên khai sinh là Phan Ngọc Hoan.
– Quê hương: huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị nhưng nhà văn lớn lên ở tỉnh Bình Định.
– Trước Cách mạng tháng 8 năm 1945, Chế Lan Viên nổi tiếng trong phong trào Thơ mới qua tập thơ “Điêu tàn”.
– Chế Lan Viên là một trong những tên tuổi hàng đầu của nền văn học Việt Nam ở thế kỉ XX.
– Năm 1966, Chế Lan Viên được trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật.
– Một số tác phẩm tiêu biểu: Điêu tàn, Gửi các anh, Hoa ngày thường – Chim báo bão, Đối thoại mới, Hoa trên đá I, II…
2. Giới thiệu về bài thơ Con cò:
2.1. Hoàn cảnh sáng tác:
Bài thơ Con cò được sáng tác năm 1962.
Tác phẩm in trong tập Hoa ngày thường – Chim báo bão được xuất bản năm 1967.
2.2. Bố cục:
Bài thơ có thể chia thành 3 phần:
Phần 1. Từ đầu đến “Sữa mẹ nhiều, con ngủ chẳng phân vân”: Hình ảnh con cò lớn dần theo lời ru đến với tuổi thơ của con.
Phần 2. Tiếp theo đến “Và trong hơi mát câu văn…”: Hình ảnh con cò trong tiềm thức của con thơ.
Phần 3. Phần còn lại: Hình ảnh thân cò là biểu tượng của tình mẹ.
2.3. Chủ đề bài viết:
Trong văn học và văn hóa dân gian, con cò thường được sử dụng như một biểu tượng cho những đức tính tốt đẹp của người nông dân và phụ nữ. Dù cuộc sống vất vả và nhọc nhằn, họ vẫn giữ được sự giản dị và tinh thần đồng cảm.
Trong một bài thơ, hình ảnh con cò trở thành biểu tượng cho tình mẫu tử. Mẹ luôn lo lắng và chăm sóc con trọn đời, cho dù con đã trưởng thành. Con vẫn luôn là trái tim của mẹ, và mẹ sẽ luôn bên cạnh con, chở che và nuôi dưỡng con. Nếu con đi xa, con cò sẽ trở thành người bạn đồng hành thay thế mẹ, đem lại sự an ủi và sự chăm sóc cho con.
Ý nghĩa nhan đề “con cò”:
Từ hàng ngàn đời nay, văn chương muôn đời đã dành biết bao lời hay ý đẹp để ca ngợi tình mẫu tử thiêng liêng, cao đẹp, nhưng đề tài quen thuộc ấy vẫn là mảnh đất màu mỡ cho các nhà thơ khám phá. Một trong những bài thơ còn vang vọng mãi trong lòng người đọc bao thế hệ về tình cảm ấy là bài thơ “Con cò” của Chế Lan Viên. Vậy hình ảnh con cò trong nhan đề có ý nghĩa gì và tại sao tác giả lại lấy tên nhan đề “Con cò”?
Bài thơ Con cò được viết năm 1962, in trong tập “Hoa ngày thường, chim báo bão” của nhà thơ Chế Lan Viên. Bài thơ mang âm hưởng của lời ru dương ngọt ngào ngân nga quen thuộc nhưng lại thể hiện rất rõ tính triết học giúp người đọc suy ngẫm, phát hiện về một đề tài đã gần gũi, quen thuộc, những dòng tư tưởng ấy được gửi gắm từ nhan đề tác phẩm.
“Con cò” là hình tượng trung tâm xuyên suốt và trải dài trong cả bài thơ. Hình ảnh con cò quen thuộc trong những câu ca dao nhưng lại mang những ý nghĩa biểu tượng, phát triển mới.
Trước hết, con cò là hình ảnh quen thuộc trong những câu ca dao, dân ca của Việt Nam xưa. Ở đoạn một của bài thơ, hình ảnh con cò còn được trích dẫn trực tiếp từ những câu ca dao, ít nhiều thể hiện sự phong phú trong ý nghĩa hình tượng con cò. Đó là “Con cò bay lả bay la/ Bay từ cửa phủ bay ra cánh đồng”
Những câu thơ ấy gợi ra không gian quen thuộc và cuộc sống thong thả, bình yên của thời xưa. Hình ảnh “con cò một mình/ Cò phải kiếm ăn” gợi ta nhớ đến những câu ca dao: “Con cò mà đi ăn đêm/ Đậu phải cành mềm lộn cổ xuống ao”
Có nét gì tương đồng giữa hình ảnh con cò lặn lội kiếm ăn và hình ảnh người mẹ tần tảo, lam lũ, một nắng hai sương, dẫu gặp cảnh ngộ éo le mà vẫn trung thực, ngay thẳng, sáng trong. Rồi ta bỗng nhớ đến những câu: “Con cò lặn lội bờ sông/ Gánh gạo đưa chồng tiếng khóc nỉ non”. Con cò hay chính là biểu tượng của làng quê Việt, thanh bình yên ả và hình ảnh của người mẹ luôn một nắng hai sương, chịu thương chịu khó. Con cò còn đi vào đến trong tâm hồn trẻ thơ một cách vô thức, gắn với con trên mỗi chặng đường đời tuổi thơ đến tận khi trưởng thành. Từ thuở con còn nằm trong nôi, nghe những câu ca ru của mẹ, con chưa hiểu được ý nghĩa của cò: “Con chưa biết con cò, con vạc/ Con chưa biết những cành mềm mẹ hát” rồi cánh cò trở thành bạn đồng hành của con trên nẻo đường đến trường:
“Con ngủ yên thì cò cũng ngủ
Cánh của cò, hai đứa đắp chung đôi
Mai khôn lớn con theo cò đi học
Cánh trắng cò bay theo gót đôi chân…”
Và hình ảnh con cò đã trở thành biểu tượng về người mẹ, là sự dìu dắt, nâng đỡ bền bỉ của mẹ, chở che con trên mỗi chặng đường đời. Quy luật tình cảm ấy có ý nghĩa bền vững, rộng lớn và sâu sắc được nhà thơ chiêm nghiệm qua những câu thơ: “Con dù lớn vẫn là con của mẹ/ Đi hết đời, lòng mẹ vẫn theo con”. Trong cái nhìn và tấm lòng của người mẹ, lúc nào cũng vậy, đứa con dù lớn khôn, trưởng thành đến đâu thì vẫn cần đến tình yêu thương và sự chăm lo của mẹ. Tấm lòng người mẹ bao la, ở đâu cũng mãi dõi theo, che chở và đùm bọc cho con. Điều này cũng đã được Nguyễn Du chiêm nghiệm thấm thía : “Ta đi trọn kiếp con người/ Cũng không đi hết những lời mẹ ru”. Con cò là lời ru của mẹ, là cuộc đời của cha, là cả thiên nhiên đất trời che chở, nuôi dưỡng con lớn khôn. Hình ảnh con cò đã nêu bật lên tư tưởng chủ đề cũng như dòng cảm xúc chủ đạo của tác phẩm là tình yêu thương của mẹ dành cho con, sự thiêng liêng và bất diệt của tình mẫu tử với mỗi con người. Không chỉ thế, hình ảnh con cò cũng làm bật lên triết lí sống, những suy tưởng đã làm nên phong cách thơ Chế Lan Viên. Cách xây dựng hình tượng vừa có ý nghĩa thực, vừa mang ý nghĩa biểu tượng với những lớp nghĩa xa – gần đã đem lại những bài học nhận thức và giáo dục cho người đọc, dạy chúng ta biết sống đẹp và sống có nghĩa trong cuộc sống.
Bài thơ “Con cò” dù chưa phải một trong những thi phẩm xuất sắc nhất của Chế Lan Viên nhưng bài thơ ít nhiều cũng thể hiện phong cách nghệ thuật và của ông. Với ý nghĩa nhan đề này, bài thơ đã góp vào nguồn mạch thi ca dồi dào về mẹ, về tình mẫu tử những tiếng nói mới lạ, một khúc ca thiết tha, sâu lắng.
2.4. Mạch cảm xúc:
Mạch cảm xúc được phát triển theo ý nghĩa biểu tượng của hình ảnh con cò, mở đầu bài thơ là hình ảnh con cò trong ca dao theo lời ru của mẹ đi vào tiềm thức trẻ thơ. Sau đó, hình ảnh con cò mang ý nghĩa biểu tượng cho sự nâng niu chăm chút của mẹ dành cho con suốt cả cuộc đời của con. Và kết thúc là những cảm nhận sâu sắc về tình mẫu tử và ý nghĩa lời ru qua hình ảnh con cò.
2.5. Nghệ thuật:
– Vận dụng sáng tạo những ca dao, những câu thơ được đúc kết được những suy ngẫm sâu sắc.
– Hình ảnh thơ gần gũi, giản dị
– Giọng thơ tha thiết, ngọt ngào, sâu lắng và giàu tính triết lý,…
3. Hướng dẫn phân tích bài thơ Con cò của nhà thơ Chế Lan Viên:
a. Hình ảnh con cò theo lời ru đến với tuổi thơ của con:
– Hình ảnh “con cò”: là hình ảnh ẩn dụ cho người phụ nữ Việt Nam xưa vất vả, nhưng giàu đức hi sinh.
– Hình ảnh con cò được gợi trực tiếp từ những câu ca dao, câu hát quen thuộc được dùng làm lời hát ru con ngủ: “Con cò bay la… Cò sợ xáo măng”
=> Hình ảnh con cò dần đi vào thế giới tâm hồn của đứa con từ thuở ấu thơ.
b. Hình ảnh con cò trong tiềm thức của đứa con thơ:
– Từ rời ru của mẹ, con cò bước vào tiềm thức làm quen với đứa con thơ, rồi cò trở thành người bạn thân thiết theo suốt bước chân con.
– Cò gắn bó với con từ lúc thơ ấu khi ở trong nôi, khi con lớn dần, trường tới lúc trưởng thành
=> Cánh cò không ngừng nghỉ bay qua không gian và thời gian, bay theo từng ước mơ, khao khát theo bước chân con lớn dần.
c. Hình ảnh con cò là biểu tượng của tình mẹ:
– Quy luật về tình mẫu tử thiêng liêng “Dù ở gần con…cò mãi yêu con”: Trong bất cứ hoàn cảnh nào, tình cảm thiêng liêng người mẹ dành cho con là không thay đổi.
– Khẳng định triết lí không thay đổi “Con dù lớn vẫn là con của mẹ/Đi hết đời lòng mẹ vẫn theo con”: Người con dù đã khôn lớn, trưởng thành nhưng đối với mẹ, con vẫn là đứa trẻ bé bỏng ngày nào và mẹ vẫn luôn yêu thương, quan tâm đến con.