Vấn đề phát triển ngành giao thông vận tải, thông tin liên lạc là bài học nằm trong chương trình Địa lý lớp 12. Trong bài học này, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu về vai trò, thực trạng phát triển, cũng như các vấn đề cần giải quyết trong lĩnh vực giao thông vận tải và thông tin liên lạc của Việt Nam, mời các bạn cùng tham khảo bài viết dưới đây.
Mục lục bài viết
1. Vấn đề phát triển ngành giao thông vận tải:
1.1. Đường bộ (đường ô tô):
- Đặc điểm:
+ Mạng lưới đường bộ tại Việt Nam ngày càng được mở rộng và hiện đại hóa;
+ Mạng lưới đường ô tô đã phủ kín các vùng.
- Các tuyến đường chính đó là:
+ Quốc lộ 1A dài 3200 km chạy suốt từ cửa khẩu Hữu Nghị – Lạng Sơn đến Năm Căn – Cà Mau là tuyến đường xương sống của hệ thống giao thông đường bộ nước ta nối các vùng kinh tế của nước ta trừ Tây Nguyên;
+ Tuyến đường Hồ Chí Minh là trục đường bộ xuyên quốc gia thứ 2 có ý nghĩa vô cùng quan trọng, thúc đẩy sự phát triển kinh tế xã hội của dải đất phía Tây đất nước ta. Được khởi công từ năm 2000 và chia thành nhiều giai đoạn khác nhau và thiết có thể tùy thuộc điều kiện địa hình, có thể là 2 làn, 4 làn, thậm chí là 8 làn. Tổng chiều dài của hệ thống đường Hồ Chí Minh là 3183 km;
+ Đường bộ xuyên Á: Các tuyến đường này hiện nay đang ngày càng được xây dựng và phát triển. Điều này góp phần kết nối nền kinh tế của nước ta với các nước trong khu vực như là khu vực Đông Dương, khu vực Đông Nam Á, đặc biệt là khu vực Châu Á.
Trong quá trình hội nhập quốc tế, hệ thống đường bộ Việt Nam cũng đang hội nhập với hệ thống đường bộ trong khu vực. Ngoài ra, còn có các quốc lộ khác là Quốc lộ 14 dài 890 km từ Quảng Trị đến Bình Phước; các Quốc lộ theo hướng Đông – Tây.
1.2. Đường sắt:
Hiện nay, đường sắt của Việt Nam ngày càng được nâng cấp, đóng vai trò rất quan trọng trong hệ thống giao thông vận tải của nước ta. Hệ thống đường sắt rất lớn xuyên suốt dọc từ miền Bắc cho đến miền Nam. Tổng chiều dài đường sắt nước ta là 3143 km.
- Các tuyến đường chính:
+ Đường sắt Thống Nhất dài 1726 km, kết nối 2 trung tâm kinh tế lớn của hai đầu Tổ quốc đó là từ Hà Nội đến Thành phố Hồ Chí Minh;
Ngoài ra, có thể kể tên các tuyến đường sắt như: Hà Nội – Hải Phòng (102 km); Hà Nội – Lào Cai (293 km); Hà Nội – Thái Nguyên (75 km); Hà Nội – Đồng Đăng (162,5 km); Lưu Xá – Kép – Uông Bí – Bãi Cháy (175 km).
Có thể thấy hệ thống đường sắt của nước ta chủ yếu tập trung ở miền Bắc.
+ Các tuyến đường sắt xuyên Á cũng được xây dựng và nâng cấp đồng hành với các tuyến đường bộ xuyên Á góp phần làm nâng cao cũng như kết nối nền kinh tế của nước ta với các nước trong khu vực.
1.3. Đường sông:
Sông ngòi nước ta nhiều nhưng chủ yếu ngắn, dốc, nhỏ, sông lớn rất là ít, cũng như sự phân luồng của khí hậu làm cho chế độ nước sông của nước ta cũng không thuận lợi đặc biết là vào mùa khô. Nên sông ngòi nhiều nhưng mới chỉ sử dụng cho giao thông khoảng 11.000 km.
- Một số hệ thống sông chính:
+ Hệ thống sông Hồng – Thái Bình;
+ Hệ thống sống Mê Kông – Đồng Nai;
+ Một số sông lớn ở miền Trung.
1.4. Đường biển:
- Điều kiện phát triển:
+ Bờ biển dài đến 3260 km, nhiều vũng vịnh, nhiều đảo, quần đảo ven bờ;
+ Đặc biệt nước ta nằm ở vị trí gần ngã tư đường hàng hải quốc tế, góp phần làm thúc đẩy điều kiện phát triển ngành giao thông vận tải.
Ngoài những điều kiện nêu trên, có thể thấy xu thế phát triển của nền kinh tế, nhu cầu vận chuyển hàng hóa rất là lớn và các hệ thống cảng của nước ta ngày càng được nâng cấp, mở rộng, xây dựng góp phần làm cho năng lực bốc dỡ của các cảng ngày càng lớn. Do vậy, có thể khẳng định được rằng ngành giao thông vận tải đường biển là một trong những ngành vận tải có vai trò vô cùng quan trọng và đảm nhận vận chuyển không chỉ hàng hóa trong nước mà còn đóng vai trò rất quan trọng đối với hàng hóa quốc tế.
- Tuyền đường quan trọng của đường biển: Theo hướng Bắc – Nam (Hải Phòng – Thành phố Hồ Chí Minh).
- Cảng biển và cụm cảng quan trọng: Hải Phòng, Cái Lân, Đà Nẵng, dung Quất, Sài Gòn – Vũng Tàu – Thị Vải,…
1.5. Đường hàng không:
Đường hàng không ở Việt Nam là ngành mới, ngành non trẻ nhưng tốc độ phát triển của ngành này rất nhanh, đặc biệt là về cơ sở vật chất được hiện đại hóa rất nhanh, đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc kết nối giữa nội địa và quốc tế.
Hiện nay, Việt Nam có hệ thống sân bay phát triển mạnh mẽ, trong đó bao gồm cả sân bay nội địa và quốc tế. Các tuyến đường bay trong nước tập trung ở ba đầu mối: Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và Đà Nẵng. Các sân bay lớn như sân bay Nội Bài (Hà Nội), Tân Sơn Nhất (TP.HCM), Đà Nẵng, Cam Ranh, Phú Quốc,… không những đáp ứng nhu cầu vận chuyển hành khách mà còn là cửa ngõ quan trọng kết nối Việt Nam với quốc tế. Bên cạnh đó, sân bay Nội Bài và Tân Sơn Nhất còn được đánh giá là một trong những sân bay lớn và sầm uất nhất Đông Nam Á.
Ngành hàng không Việt Nam đang trên đà phát triển tuy nhiên việc nâng cao chất lượng dịch vụ, đảm bảo an toàn và hiệu quả vận hành sẽ là những thách thức tiếp theo mà ngành này cần vượt qua để phát triển bền vững trong tương lai. Bằng việc tận dụng và khai thác tối đa nguồn lực sẵn có, đường hàng không Việt Nam hứa hẹn sẽ góp phần quan trọng vào sự nghiệp hội nhập kinh tế quốc tế và phát triển bền vững của đất nước.
1.6. Đường ống:
Vận tải đường ống là một ngành rất đặc biệt bởi vì ngành vận tải đường ống sẽ phát triển cùng với sự phát triển của ngành công nghiệp dầu khí, ngành công nghiệp dầu khí càng phát triển sẽ góp phần thúc đẩy sự phát triển của ngành vận tải đường ống trong việc cung cấp năng lượng và hỗ trợ cho sự phát triển của đất nước.
- Các tuyến đường chính:
+ Vận chuyển xăng dầu B12 (Từ Bãi Cháy – Hạ Long vào các tỉnh của Đồng bằng sông Hồng);
+ Một số đường ống dẫn khí (từ thềm lục địa của nước ta vào đất liền).
Những tuyến đường ống này không chỉ đảm bảo vận chuyển hiệu quả các loại nhiên liệu mà còn giúp tối ưu hóa chi phí và thời gian vận chuyển. Việc phát triển hệ thống đường ống cũng đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của sản xuất và tiêu dùng trong nước, đồng thời nâng cao khả năng cạnh tranh của Việt Nam trên thị trường quốc tế.
2. Vấn đề phát triển ngành thông tin liên lạc:
2.1. Bưu chính:
- · Đặc điểm: Mạng lưới phục vụ cao, mạng lưới rộng khắp
- Hạn chế:
+ Mạng lưới phân bố chưa hợp lý;
+ Công nghệ nhìn chung còn lạc hậu;
+ Quy trình nghiệp vụ còn thủ công, mất nhiều thời gian;
+ Lao động có trình độ cao chiếm tỷ lệ còn thấp.
Do vậy, từ những đặc điểm và hạn chế lớn của ngành bưu chính, nước ta đã đưa ra những định hướng phát triển ngành này như sau:
+ Cơ giới hóa, tự động hóa, tin học hóa,…;
+ Đẩy mạnh các hoạt động kinh doanh.
Đây là hướng đi quan trọng, để nước ta có thể đạt trình độ cũng như sánh vai được với các nước trong khu vực và trên thế giới, từ đó góp phần tăng năng suất và hiệu quả đặc biệt của ngành bưu chính.
2.2. Viễn thông:
- Đặc điểm: Ngành viễn thông của nước ta có tốc độ phát triển nhanh vượt bậc và đón đầu các thành tựu kĩ thuật hiện đại. Điều này được thể hiện ở việc trước đổi mới, thiết bị viễn thông còn lạc hậu, dịch vụ viễn thông nghèo nàn nhưng hiện nay tốc độ phát triển cao, ứng dựng công nghệ mới hiện đại và mạng lưới đa dạng, thể hiện cụ thể như sau:
+ Mạng điện thoại: Mạng nội hạt và mạng đường dài, mạng cố định và di động;
+ Mạng phi thoại: Mạng Fax, truyền trang báo trên kênh thông tin;
+ Mạng truyền dẫn: Mạng dây trần, mạng truyền dẫn Viba,…;
+ Mạng lưới viễn thông quốc tế ngày càng phát triển và hội nhập thế giới.
3. Những yếu tố để phát triển ngành giao thông vận tải, thông tin liên lạc:
3.1. Hạ tầng kỹ thuật:
- Giao thông vận tải: Nâng cấp và phát triển hệ thống đường bộ, đường sắt, đường thủy và đường hàng không. Điều này bao gồm việc mở rộng các tuyến đường cao tốc, cải tạo cầu cống, cảng biển, và xây dựng các tuyến đường sắt tốc độ cao.
- Thông tin liên lạc: Mở rộng và nâng cấp hạ tầng viễn thông, bao gồm mạng internet, đường truyền dữ liệu và mạng viễn thông không dây (4G, 5G), đảm bảo khả năng truy cập internet cho cả khu vực nông thôn và thành thị.
3.2. Nguồn nhân lực:
- Giao thông vận tải: Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, bao gồm các kỹ sư, kỹ thuật viên và nhân viên điều hành có trình độ để vận hành các hệ thống giao thông hiện đại.
- Thông tin liên lạc: Đào tạo nhân lực chuyên sâu trong các lĩnh vực công nghệ thông tin, viễn thông, và quản trị mạng nhằm phát triển và quản lý các hệ thống thông tin phức tạp.
3.3. Môi trường và phát triển bền vững:
- Giao thông vận tải: Khuyến khích sử dụng các phương tiện giao thông vận tải thân thiện với môi trường như xe điện, phương tiện công cộng xanh.
- Thông tin liên lạc: Thúc đẩy việc sử dụng năng lượng tái tạo trong việc vận hành các trạm phát sóng, hệ thống mạng.
3.4. Hợp tác quốc tế:
- Giao thông vận tải: Hợp tác với các tổ chức quốc tế và quốc gia khác trong việc xây dựng hệ thống giao thông hiện đại, trao đổi công nghệ và kinh nghiệm quản lý hạ tầng.
- Thông tin liên lạc: Hợp tác với các tập đoàn công nghệ lớn toàn cầu để cập nhật các công nghệ tiên tiến nhất.
THAM KHẢO THÊM: