Số phận người phụ nữ luôn là đề tài được nhiều tác giả quan tâm, đặc biệt là số phận người phụ nữ trong xã hội xưa. Tác phẩm "Vợ Nhặt" và "Vợ chồng A Phủ" là một trong những tác phẩm tiêu biểu về đề tài này. Bài viết dưới đây sẽ hướng dẫn phân tích số phận phụ nữ xưa và nay qua Vợ nhặt và Vợ chồng A Phủ. Mời các bạn cùng tham khảo.
Mục lục bài viết
1. Dàn bài phân tích chi tiết số phận phụ nữ xưa và nay qua Vợ nhặt và Vợ chồng A Phủ:
1.1. Mở bài:
– Giới thiệu tác giả Tô Hoài và Kim Lân cùng hai truyện ngắn Vợ nhặt và Vợ chồng A Phủ.
– Giới thiệu nhân vật Mị và nhân vật cô vợ Nhặt
1.2. Thân bài:
a. Nhân vật Mị
– Mị trước khi về làm dâu nhà thống lí Pá Tra:
+ Cô gái xinh đẹp và tài hoa, có tài thổi sáo và có bao chàng trai phải si mê ngày đêm đã thổi sáo đi theo Mị.
+ Mị là cô gái chăm chỉ, cần cù, hiếu hạnh, khát khao được sống tự do, không tham cuộc sống sang giàu, rất ý thức về nhân cách của mình.
– Khi Mị về làm dâu gạt nợ nhà thống lí:
+ Mị lâm vào một tình cảnh éo le, bất hạnh, bị bắt làm “con dâu gạt nợ” nhà thống lí.
+ Tâm trạng Mị trong những ngày đầu làm dâu: Buồn tủi, đau khổ, rất đơn độc và thấm thía nỗi đau của một người con gái bị cướp đoạt; định tìm cái chết để tự giải thoát cho chính mình.
+ Ở lâu trong cái khổ, Mị quen khổ rồi, cô sống lầm lũi, âm thầm, trở thành người nô lệ cam chịu, nhẫn nhục đến mức tê liệt cả ý thức, buông xuôi, phó mặc cho hoàn cảnh.
+ tuy nhiên, tiếng sao trong đêm tình mùa xuân đã thức tỉnh tâm hồn, khơi dậy khao khát muốn đi chơi của cô. Tuy nhiên, Mị lại bị chồng trói vào cột nhà không cho đi.
– Tâm trạng của Mị khi vùng lên đấu tranh cho số phận: Nhìn những giọt nước mắt của A Phủ, Mị xúc động thấy thương cho A Phủ và cùng thương cho chính mình. Nó giúp Mị vượt qua mọi sợ hãi và quyết định cởi dây trói cho A Phủ và tự giải thoát mình.
→ Sức sống luôn tiềm tàng trong tâm hồn Mị dẫn đến sức phản kháng mãnh liệt, táo bạo của cô.
b. Nhân vật cô thị
– Hoàn cảnh, ngoại hình:
+ Một người đàn bà không tên, không tuổi, không quê quán, gốc gác, không gia đình, không có một nhan sắc xinh đẹp, và cái đói khổ nó lại càng làm cho cái nhan sắc xấu xí ấy thêm phần thảm hại.
– Tính cách thị khi mới gặp Tràng:
+ Cong cớn, sưng sỉa, chỏng lỏn vì miếng ăn.
+ Hành động vô duyên, táo bạo và bất chấp vì miếng ăn.
→ Mọi hành động và tính cách của Thị đều chỉ vì ham muốn được sống, khao khát được hạnh phúc, được có một mái ấm, một tấm chồng để nương tựa những lúc khó khăn.
→ Một hiện thực đau xót của xã hội lúc bấy giờ: giá trị con người dường như đã xuống đến mức thị phải vứt bỏ lòng tự trọng để theo Tràng về.
– Trên đường trở về nhà với Tràng:
+ Thị “e thẹn, rón rén”, đầu cúi xuống, cái nón tà nghiêng nghiêng che nửa đi khuôn mặt đang ngại ngùng, dáng vẻ của cô dâu khi mới về nhà chồng.
+ Gặp phải cảnh trêu chọc của lũ con và ánh nhìn ái ngại của những người làng, thị thấy khó chịu, tủi cho phận mình.
– Khi đến nhà:
+ Khi ra mắt mẹ chồng, thị đã lột xác trở thành một nàng dâu hiền lành, e ấp, khác hẳn với dáng bộ của người đàn bà đanh đá, chua ngoa khi Tràng gặp ở Tỉnh.
+ Sau đêm tân hôn, thị trở thành một người phụ nữ của gia đình, thị đảm đang tháo vát, gánh lấy cái trách nhiệm và cùng cụ Tứ thu gọn nhà cửa.
+ Khi đối diện với nồi cháo cám “đôi mắt thị tối lại” nhưng vẫn “điềm nhiên và vào miệng” thể hiện cách cư xử tinh tế, bộc lộ sự thấu hiểu và cảm thông.
+ Câu chuyện về những người phá kho thóc ở Thái Nguyên, Bắc Giang bộc lộ những suy nghĩ và hướng nhìn mới của thị, người đàn bà này không cam chịu cuộc đời đói kém và tìm kiếm một tương lai tươi sáng hơn.
1.3. Kết bài:
– Khái quát lại giá trị nội dung và nghệ thuật cùng ý nghĩa của hai truyện ngắn.
– Khái quát lại số phận và giá trị của người phụ nữ trong xã hội xưa.
2. Bài văn phân tích số phận phụ nữ xưa và nay qua Vợ nhặt và Vợ chồng A Phủ hay nhất:
Trong lịch sử văn học, số phận của người phụ nữ luôn là một chủ đề gây nhiều suy tư và cảm động cho những nhà văn. Những tác phẩm về họ thường để lại trong người đọc sự ám ảnh và nhiều suy ngẫm. Dù đã qua rất nhiều thời đại, từ thời của những cô Mị trong “Vợ chồng A Phủ” của Tô Hoài, những người vợ nhặt của Kim Lân, nhưng câu chuyện về số phận người phụ nữ vẫn luôn khiến ta không ngừng suy nghĩ về những mối bận tâm của họ trong quá khứ và hiện tại.
Trong văn học, chúng ta đã được chứng kiến những câu chuyện ám ảnh về nỗi cơ khổ, nhọc nhằn của người phụ nữ, từ chị Dậu trong “Tắt đèn” của Ngô Tất Tố, đến Thị Nở trong “Chí Phèo” của Nam Cao, và cả Mị, người “vợ nhặt” và bà cụ Tứ. Những nỗi đau này có thể do áp bức và thống trị của chế độ, hoặc thậm chí là sự tàn bạo của người chồng. Tuy nhiên, những người phụ nữ này không bao giờ trở nên yếu đuối hoặc chịu đựng mãi mãi. Cuộc đời đầy thăng trầm đã giúp họ trưởng thành và cứng cáp hơn. Trong nước mắt, tủi hờn, họ vẫn kiên cường và không ngừng khát khao cho một tương lai sáng lạn. Họ đại diện cho một tinh thần vượt lên trên mọi khó khăn, một tinh thần vượt qua sự đàn áp để sống và phát triển.
Là cô gái lao động miền núi, ở Mị hội tụ tất cả những nét đẹp của một thiếu nữ, xinh đẹp, giỏi giang, đảm đang, hiếu thảo. Tuy nhiên, Mị sinh ra trong một gia đình nghèo và cô phải chịu cay đắng vô cùng khi sớm phải chịu cảnh làm dâu gạt nợ nhà thống lí Pá Tra. Món nợ truyền kiếp từ đời cha mẹ nay cô gái phải gánh trả bằng cả hạnh phúc tuổi trẻ của mình. Mị bị bắt về làm con dâu gạt nợ nhà Thống lí.
Mị về làm dâu nhưng thực chất là làm người ở trả nợ cho nhà thống lí. Về làm dâu nhà Pá Tra, Mị đã biết: “đàn hà con gái nhà này thì vùi vào làm việc cả đêm cả ngày”, cuộc đời của Mị suốt ngày quẩn quanh trong công việc lặp đi lặp lại, vất vả, buồn tẻ: “Tết xong thì lên núi hái thuốc phiện, giữa năm thì giặt đay, xe đay, đến mùa thì đi nương bẻ bắp, và dù lúc đi hái củi, lúc bung ngô, lúc nào cũng gài một bó đay trong cánh tay để tước thành sợi, Lúc nào cũng vậy, dù quay sợi, thái cỏ ngựa, dệt vải chẻ củi hay đi cõng nước dưới khe suối lên, cô ấy cũng cúi mặt, mặt buồn rười rượi”. Công việc nhọc nhằn đày ải thân xác và những sự tủi hờn, khốn khổ trong sâu thẳm tâm hồn lúc nào cũng phảng phất trên nét mặt cô gái, bởi Mị cay đắng nhận ra cuộc sống của mình không bằng con trâu, con ngựa.
Càng sống trong nhà giàu, tâm hồn Mị càng héo hon, tàn lụi, sự đè nén của chế độ phong kiến và thần quyền miền núi đã làm Mị mất dần sức phản kháng, gần như tê liệt hoàn toàn. “Mỗi ngày Mị càng không nói, lùi lũi như con rùa nuôi trong xó cửa” và “mình cứ chỉ ngồi mãi trong cái lỗ vuông ấy mà trông ra, đến bao giờ chết thì thôi”. Ở đây, ta thấy có sự thay đổi lớn trong suy nghĩ của một cô gái trẻ, từ một người vốn trẻ trung, yêu đời, khát khao được yêu, khát khao cuộc sống tự do lại phải sống trong cảnh giam hãm, tù túng tất nhiên không thể trông đợi tương lai tươi sáng được.
Nhưng im lặng không có nghĩa là thỏa hiệp, cam chịu chấp nhận hoàn toàn. Tiếng sáo gọi bạn tình và men rượu ngày xuân đã thức dậy nơi Mị niềm khát khao sống đã bị vùi dập bất lâu. Và hành động cởi trói cho A Phủ mặc dù tự phát nhưng là đỉnh điểm của sự bộc phát một sức sống tiềm tàng mãnh liệt, nó giúp Mị giải thoát cho A Phủ cũng chính là giải thoát cho chính mình. Từ đây, số phận của Mị dù thế nào đi chăng nữa cũng đã rẽ một bước ngoặt và chắc chắn cuộc sống mới sẽ không u ám như cuộc sống trước đây.
Nếu như trong câu chuyện về cô gái lao động người Mèo của Tô Hoài, thế lực áp bức và giam hãm bà là các thế lực địa phương, còn cô gái không tên trong truyện Vợ Nhặt của Kim Lân bị chế độ thực dân, phát xít đàn áp. Những thế lực này có đẳng cấp cao hơn, tinh vi hơn và xảo quyệt hơn rất nhiều. Trong truyện của Kim Lân, không có sự xuất hiện của các tên đế quốc đó, nhưng nạn đói đó đánh dấu sự hoành hành của chúng, làm cho con người chết như ngả rạ và sống xanh xám như những bóng ma. Đó là bằng chứng tố cáo đanh thép nhất về tội ác của chúng.
Trong truyện ngắn Vợ Nhặt của Kim Lân, nhân vật thị được miêu tả với thân hình gầy đét, đôi mắt trũng hoáy trên khuôn mặt lưỡi cày xám xịt. Cuộc sống đầy nghèo khó của cô đã khiến cho những phẩm chất đáng quý của một người phụ nữ bị phai mòn: thị phải sống trong tình trạng phụ thuộc, chờ đợi những chút đồ ăn được nhặt được, hay đợi ai đó có công việc cho mình làm. Cơn đói làm thị tối mắt trước miếng ăn, không ngại ngần, thị đã dễ dàng chấp nhận lời mời xã giao của anh cu Tràng, và chỉ vì thế mà cô đã cắm đầu ăn một chặp bốn bát bánh đúc mà không chuyện trò gì. Chi tiết nhỏ ấy đã đặt nền móng cho việc khắc họa sâu sắc tình cảm của nhân vật thị, đồng thời tố cáo thế lực áp bức, cướp đoạt của chế độ thực dân phát xít, làm cho con người mất đi những giá trị văn hóa, phẩm chất đáng quý.
Thị trở thành một trong những con người nghèo đói và tội nghiệp nhất trong đám người đói khổ. Trên khuôn mặt lấm lem bụi, nét đau khổ tràn đầy, cô nhìn chằm chằm vào miếng bánh đúc nóng hổi trong tay và cố gắng nuốt xuống để chấm dứt cơn đói. Điều đáng sợ hơn cả, Thị đã phải chấp nhận theo anh Tràng mà không biết anh ta là ai và có thể làm gì với mình. Trước đó, các cô gái khác trên con phố cũng cùng Thị chờ đợi miếng ăn từ lòng tốt của người khác, nhưng có lẽ họ đã được may mắn hơn Thị khi cuộc sống không đẩy họ vào hoàn cảnh thê thảm như vậy.
So với Đào trong Mùa Lạc của Nguyễn Khải, dù cô không có nhan sắc và đã trải qua nhiều khó khăn, nhưng cô luôn giữ vững phẩm chất của một người phụ nữ tự lập và không bao giờ tự hạ thấp bản thân. Thị, trong khi đó, trở thành biểu tượng cho nạn nhân của chế độ thực dân, phát xít, một người phụ nữ bị bó buộc bởi hoàn cảnh đói khát, bất lực và không có sự lựa chọn. Từ “vợ nhặt” đến bà cụ Tứ, họ đều là nạn nhân bi kịch của thời đại đó. Mặc dù mỗi người mang trong mình ước mơ tương lai tươi sáng và nỗ lực vun đắp cho gia đình bé nhỏ mới gây dựng, nhưng họ không thể quên đi những đau đớn của quá khứ. Tuyệt vọng và sự khó khăn trong cuộc sống đã ăn sâu vào tâm hồn họ, gây ra những hậu quả vô hình đối với chúng ta. Những câu chuyện đau lòng này gợi nhớ lại những thời kỳ đen tối trong lịch sử và nhắc nhở chúng ta về sự quý giá của những gì chúng ta có được ngày nay.
Trong những tác phẩm Vợ chồng A Phủ và Vợ nhặt, chúng ta được chứng kiến cuộc đời đầy bi kịch của người phụ nữ Việt Nam trong một thời kỳ lịch sử khó khăn. Nhìn chung, số phận của họ được miêu tả là quá bị động, phụ thuộc và đáng thương. Dù họ không phải là những người yếu đuối, tuy nhiên, sức phản kháng của họ không đủ để chống lại các thế lực thống trị đang thống trị đất nước.
Ngoài ra, tinh thần đấu tranh của họ chưa được vũ trang bởi sức mạnh tập thể, vì vậy không có tính chất tự giác, không đủ mạnh để thay đổi tình hình của xã hội. Những người phụ nữ này phải đối mặt với nghèo đói, bất công và áp bức của xã hội, và đôi khi phải chịu đựng những điều tồi tệ nhất mà con người có thể trải qua. Tuy nhiên, một điều đáng kinh ngạc là họ vẫn có động lực và hy vọng cho một tương lai tươi sáng, và luôn nỗ lực vun đắp cho gia đình bé nhỏ của mình.
Tóm lại, cuộc sống của người phụ nữ Việt Nam trong quá khứ là một cuộc đấu tranh đầy cam go, khi họ phải chịu đựng những bất công và khó khăn đáng thương. Mặc dù không đủ mạnh để đấu tranh với các thế lực thống trị, nhưng họ vẫn giữ được sức mạnh để vươn lên và vun đắp cho tương lai của gia đình.
Phụ nữ thời nay đã có được nhiều quyền lợi và tự do mà phụ nữ thời xưa không có. Họ được đào tạo và phát triển bản thân, không chỉ để trở thành những người phụ nữ vợ và mẹ tốt, mà còn để đóng góp vào xã hội. Họ có thể theo đuổi bất kỳ sự nghiệp nào mà họ muốn, không bị giới hạn bởi quy định xã hội hay phong tục truyền thống. Họ được tôn trọng và đánh giá cao những thành tựu và đóng góp của mình, không chỉ trong gia đình mà còn trong cộng đồng.
Phụ nữ ngày nay còn may mắn hơn khi sống trong xã hội văn minh, bình ổn hơn, không phải chịu đựng sự áp bức và bạo lực như phụ nữ trong quá khứ. Cuộc sống của họ đầy màu sắc và khác biệt hơn so với những người phụ nữ trước đây. Họ có cơ hội phát triển và thể hiện bản thân một cách toàn diện, không bị giới hạn bởi bất kỳ giới hạn nào. Với tình yêu và sự quan tâm của gia đình, phụ nữ thời nay có thể đạt được bất cứ điều gì mà họ muốn và trở thành những người phụ nữ thành công và đáng tự hào.
3. Số phận người phụ nữ trong tảc phẩm “Vợ nhặt” và “vợ chồng A Phủ”:
Hai tác phẩm, Vợ chồng A Phủ và Vợ nhặt, dù được viết bởi hai tác giả khác nhau, đều chứa đựng những thông điệp sâu sắc về số phận của người phụ nữ trong xã hội cũ. Những câu chuyện này tố cáo và lên án sự bạo lực, áp bức của các thế lực thống trị đã khiến người nông dân phải chịu đựng những bi kịch khủng khiếp. Tuy nhiên, điểm đáng quý trong các nhân vật là sức sống và sức phản kháng mãnh liệt tiềm ẩn trong họ.
Không giống như hình ảnh truyền thống về người phụ nữ yếu đuối, nhút nhát, người phụ nữ trong những tác phẩm này được tạo hình với vẻ bên ngoài mạnh mẽ, dũng cảm. Chính những phẩm chất đó đã giúp họ vượt qua những khó khăn, sống sót và thậm chí chiến thắng những thế lực độc ác. Điều này cho thấy rằng hình ảnh của người phụ nữ đã thay đổi, không còn bị giới hạn bởi những khái niệm truyền thống về vị trí và vai trò của họ trong xã hội. Các nhân vật nữ trong các tác phẩm này đã trở thành biểu tượng cho sự đấu tranh của người phụ nữ để có được tư do và bình đẳng trong xã hội.