Hy Lạp cổ đại đã đạt được những thành tựu nổi bật về chính trị, văn học, kiến trúc và tư tưởng triết học, đồng thời được mệnh danh là “cái nôi của nền văn minh phương Tây”. Bài viết dưới đây sẽ hướng dẫn: Khái niệm nhà nước Hy Lạp cổ đại? Các thời kỳ lớn của lịch sử Hi Lạp cổ đại? Nhà nước Hy Lạp cổ đại được tổ chức theo hình thức nào? Ưu điểm của tổ chức nhà nước thành bang?
Mục lục bài viết
- 1 1. Khái niệm nhà nước Hy Lạp cổ đại:
- 2 2. Nhà nước Hy Lạp cổ đại được tổ chức theo hình thức nào?
- 3 3. Các thời kỳ lớn của lịch sử Hi Lạp cổ đại:
- 3.1 3.1. Văn minh Cret – Myxen (Thiên niên kỷ III – thiên niên kỷ II TCN):
- 3.2 3.2. Thời đại Hôme (Homère) trong lịch sử Hi Lạp (thế kỷ XI – IX TCN):
- 3.3 3.3. Thời kỳ xuất hiện và phát triển lên đến đỉnh cao của xã hội có giai cấp, nhà nước trong lịch sử Hi Lạp (thế kỷ VIII – V TCN):
- 3.4 3.4. Hi Lạp trong thời kỳ thống trị của Makêđônia – Thời kỳ “Hi Lạp hóa” (từ năm 334 đến năm 30 TCN):
- 4 4. Ưu điểm của tổ chức nhà nước thành bang:
1. Khái niệm nhà nước Hy Lạp cổ đại:
Hy Lạp cổ đại là một nền văn minh thuộc về một thời kỳ lịch sử của Hy Lạp khởi đầu từ thời kỳ tăm tối vào khoảng từ thế kỷ XII cho tới thế kỷ thứ IX TCN và kéo dài đến cuối thời kỳ cổ đại (khoảng năm 600 Công Nguyên). Tiếp nối giai đoạn này là sự khởi đầu giai đoạn đầu thời kỳ trung cổ và kỷ nguyên Byzantine. Khoảng 3 thế kỷ sau giai đoạn sụp đổ cuối thời kỳ Đồ đồng của nền văn minh Mycenaean, các thành bang Hy Lạp đã bắt đầu hình thành vào thế kỷ VIII trước Công nguyên, mở ra thời kì Hy Lạp cổ xưa và quá trình thuộc địa hóa khu vực Địa Trung Hải. Tiếp đó là thời kỳ Hy Lạp cổ điển, kỷ nguyên này được bắt đầu bằng các cuộc Chiến tranh Hy Lạp-Ba Tư, kéo dài từ TK V – IV TCN. Nhờ vào các cuộc chinh phạt Alexandros Đại Đế của Macedonia thực hiện, nền văn minh Hy Lạp hóa đã phát triển rực rỡ trải dài từ khu vực Trung Á cho đến tận cùng phía tây của khu vực biển Địa Trung Hải. Thời kỳ Hy Lạp hóa đi đến hồi kết khi Cộng hòa La Mã tiến hành chinh phạt và sáp nhập các vùng đất phía đông khu vực biển Địa Trung Hải và sau này là tỉnh Achaea của Đế quốc La Mã.
2. Nhà nước Hy Lạp cổ đại được tổ chức theo hình thức nào?
Từ thế kỷ VIII – thế kỷ IV TCN, nhà nước Hy Lạp đã hình thành hàng trăm nhà nước nhỏ được gọi là nhà nước thành bang (hay còn gọi là thị quốc).
Mỗi thành bang đều lấy một thành thị làm trung tâm, bao quanh là vùng đất trồng trọt. Thành thị có phố xá, lâu đài, đền thờ, sân vận động, nhà hát; quan trọng hơn cả là bến cảng nơi giao thương buôn bán.
A-ten là thành bang quan trọng nhất và tiêu biểu cho chế độ dân chủ ở Hy Lạp cổ đại. Để thực hiện nền dân chủ và ngăn chặn những âm mưu đảo chính, “chế độ bỏ phiếu bằng vỏ sò” đã được được áp dụng. Tuy nhiên, đến thế kỷ I trước Công nguyên, Hy Lạp bị đế quốc La Mã thôn tính.
Nhà nước Aten là chính thể cộng hòa dân chủ chủ nô có bộ máy nhà nước được coi là hoàn thiện nhất vào thời Periclet, trong đó, cơ quan quyền lực tối cao của nhà nước là hội nghị công dân.
Sơ đồ tổ chức Nhà nước thành bang A-ten bao gồm: Đại hội nhân dân gồm toàn bộ công dân nam từ 18 tuổi trở lên, có quyền thảo luận và biểu quyết tất cả những vấn đề hệ trọng của đất nước. Các cơ quan: đại hội nhân dân sẽ bầu ra hội đồng 500 người, tòa án 6000 thẩm phán và hội đồng 10 tư lệnh.
Hội đồng được thành lập bởi Hội nghị công dân thông qua hình thức bỏ phiếu. Cơ quan này giữ chức năng hành chính, tư vấn. Sau cuộc cải cách Clixten, đây còn là cơ quan đại diện cho nhà nước về đối ngoại, có quyền quản lý về hành chính.
Hội đồng 10 tướng lĩnh: Cơ quan này cũng được bầu trong hội nghị công dân có chức năng là cơ quan lãnh đạo quân đội, thực hiện chính sách đối ngoại nhưng chịu sự kiểm soát của Hội nghị công dân, nhưng không được hưởng lương.
Tòa bồi thẩm: Là cơ quan xét xử và giám sát tư pháp cao nhất của nhà nước, thành phần tham dự tòa bồi thẩm rất đông. Dưới thời Pê Ri Clet, có tới 6000 thẩm phán, được bầu lại hàng năm ở Hội nghị công dân bằng hình thức bỏ phiếu. Nhà nước Aten không có Viện công tố, mọi người dân có thể phát đơn kiện, tức là tự khởi tố hoặc là tự bào chữa cho chính mình. Trong phiên tòa sau khi đã nghe hai bên đối chất, tòa án họp kín để quyết định bản án.
Quân đội và cảnh sát là bộ phận quan trọng, được trang bị rất tốt.
Đối với nhà nước đế chế La Mã cổ đại, từ một thành bang nhỏ bé ở miền Trung bán đảo Italia, nhà nước La Mã đã dần mở rộng lãnh thổ, trở thành đế chế rộng lớn vào thế kỷ I trước Công Nguyên. Năm 27 TCN, Ốc-ta-vi-út được tôn lên thành Đấng tối cao, có quyền lực như hoàng đế, mở đầu thời kỳ đế chế.
3. Các thời kỳ lớn của lịch sử Hi Lạp cổ đại:
3.1. Văn minh Cret – Myxen (Thiên niên kỷ III – thiên niên kỷ II TCN):
Cret là tên hòn đảo phía Nam biển Ê-giê, từng tồn tại một nền văn minh cổ xưa, từ khoảng thiên niên kỷ III – cuối thiên niên kỷ II TCN. Myxen là tên một vùng đất trên bán đảo Pelopones, Nam Hi Lạp, nền văn minh tồn tại từ khoảng cuối thiên niên kỷ III – cuối thiên niên kỷ II TCN. Người ta gọi chung là văn minh Cret – Myxen, bởi giữa chúng có những điểm tương đồng cơ bản, là nền văn minh mở đầu trong lịch sử Hi Lạp.
Cư dân của văn minh Cret – Myxen làm nông nghiệp là chủ yếu, đồng thời cũng phát triển thủ công nghiệp và một vài hoạt động buôn bán nhỏ.
Cret – Myxen là một nền văn minh có giai cấp và nhà nước, cũng giống như văn minh phương Đông cổ đại, bị tàn tạ vào thiên niên kỷ II TCN, cùng với những cuộc di cư của các tộc ngời Hi Lạp từ phía Bắc tràn xuống, chinh phục và định cư. Đây được coi là nền văn minh mở đầu của lịch sử Hi Lạp.
3.2. Thời đại Hôme (Homère) trong lịch sử Hi Lạp (thế kỷ XI – IX TCN):
Thời đại Hôme (vì giai đoan lịch sử này được phản ánh chủ yếu trong hai sử thi – anh hùng ca Iliát và Ô-đi-xê tương truyền do Hôme sáng tác) là thời kỳ tan rã của xã hội thị tộc bộ lạc trong cộng đồng những tộc người Hi Lạp (Đôrien và Iônien) di cư từ phía Bắc xuống.
Cư dân thời đại Hôme sống định cư trên các vùng của lục địa Hi Lạp và các hòn đảo xung quanh, chủ yếu làm nông nghiệp và chăn nuôi, thêm nữa là hoạt động thủ công nghiệp.
Chế nộ nô lệ sơ khai đã ra đời song mang nặng tính chất gia trưởng, mang nhiều nét giống với xã hội cổ đại phương Đông.
3.3. Thời kỳ xuất hiện và phát triển lên đến đỉnh cao của xã hội có giai cấp, nhà nước trong lịch sử Hi Lạp (thế kỷ VIII – V TCN):
Sau thời đại Hôme, Hi Lạp bước vào giai đoạn hình thành và phát triển xã hội có giai cấp và nhà nước. Từ thế kỷ VIII – thế kỷ VI TCN, các thành bang Hi Lạp dần dần hình thành và phát triển, nổi bật là Xpác (Sparte) và Aten (Athen). Sau chiến tranh với đế quốc Ba Tư (thế kỷ V TCN), các thành bang Hi Lạp lúc bấy giờ đã đạt tới sự phát triển đỉnh cao, trong đó Aten trở thành trung tâm của nền văn minh Hi Lạp, thể hiện đầy đủ những đặc trưng và đỉnh cao của xã hội Hi Lạp thời cổ đại.
Chế độ chiếm hữu nô lệ hình thành và phát triển, nền kinh tế Hi Lạp cổ đại chủ yếu là thủ công nghiệp và mậu dịch hàng hải. Trong khi đó, các thành bang Hi Lạp trở thành trung tâm văn minh thời cổ đại với những thành tựu rực rỡ chưa từng có trước đó.
Vào cuối thế kỷ V TCN, những cuộc chiến tranh nội bộ các thành bang Hi Lạp đã dẫn tới sự suy thoái và sau đó là sự thống trị của đế quốc Makêđônia (Macédonia) từ cuối thế kỷ IV TCN.
3.4. Hi Lạp trong thời kỳ thống trị của Makêđônia – Thời kỳ “Hi Lạp hóa” (từ năm 334 đến năm 30 TCN):
Cuối thế kỷ IV, quốc gia Makêđônia ở miền Bắc Hi Lạp trở nên cường thịnh sau khi tiếp thu văn hóa Hi Lạp, chinh phục hầu hết các thành bang Hi Lạp, cho đến thời Alếchxanđrơ (Alexandre), nó trở thành một đế quốc lớn, thống trị nhiều vùng đất ở Đông Nam Âu, Tây Á và Bắc Phi. Nhưng sau đó, đế quốc này nhanh chóng tan rã (năm 323 TCN)
Thời kỳ này, các thành bang Hi Lạp suy thoái, nhưng văn hóa Hi Lạp được truyền bá rộng rãi trong lãnh thổ của đế quốc Makêđônia, đây được gọi là thời kỳ “Hi Lạp hóa”.
Trong khi đó, nhà nước Roma không ngừng phát triển và đã chinh phục hầu hết lãnh thổ của Hi Lạp.
4. Ưu điểm của tổ chức nhà nước thành bang:
Khác với các nhà nước ở phương Đông, theo chế độ quân chủ chuyên chế, và quyền lực tối cao sẽ tập trung vào tay của hoàng đế (vua) thì ở Aten (Hy Lạp) thì quyền lực cao nhất thuộc về Đại hội nhân dân là cơ quan duy nhất trong bộ máy nhà nước bầu ra thành phần tham gia trong các cơ quan hội đồng gồm 500 người, tòa án tối cao,… và cứ 10 ngày lại họp một lần kể cả trong trường hợp chiến tranh ít nhất một năm được triệu tập 10 lần. Điều đó càng cho thấy rằng quyền hạn được quyết định thuộc về hội nghị. Tính dân chủ được thể hiện ở nhà nước Aten rất là cao cụ thể là tất cả các công dân 18 tuổi trở lên (nam giới) đều được tham gia. Mọi công dân được pháp luật cho phép trực tiếp thảo luận những vấn đề liên quan, được thực hiện chủ yếu thông qua hoạt động bỏ phiếu kín thể hiện quyền lực là thực chất. Công dân còn được quyền giám sát hoạt động của các cơ quan do nó bầu ra, quyền lực chính trị của công dân cũng rất lớn. Cơ quan này có chức năng thảo luận những vấn đề quan trọng nhất của quốc gia như hòa giải hay tuyên chiến, đề ra các dự thảo luật, hay bầu cử các viên chức nhà nước như chấp chính quan hay những bộ phận trong quân đội. Như vậy, ở nhà nước Aten quyền lực nhà nước thuộc về mọi công dân khi được tham gia trong hội nghị công dân theo quy định của pháp luật, nền dân chủ ấy là nền dân chủ trực tiếp.