Cơ thể bốc mùi hôi không phải là bệnh lý nguy hiểm nhưng nó khiến cho nhiều người cảm thấy tự ti, ngại tiếp xúc nơi đông người. Việc tìm hiểu nguyên nhân gây ra mùi hôi cơ thể và khắc phục sẽ giúp bạn trở nên tự tin hơn.
Mục lục bài viết
1. Tại sao cơ thể có mùi hôi?
Cơ thể có mùi hôi có thể do một số nguyên nhân sau: Tuyến mồ hôi bình thường trên cơ thể; Mùi mồ hôi cơ thể; Mùi từ mái tóc; Thức ăn gây ra mùi cơ thể; Thói quen sử dụng xà phòng duyệt khuẩn không đúng cách; Căng thẳng, lo lắng quá độ … Các nguyên nhân này được trình bày cụ thể dưới đây:
1.1. Tuyến mồ hôi bình thường trên cơ thể:
Mỗi cơ thể của con người bình thường vốn đều có đến 2 đến 5 triệu tuyến mồ hôi, chúng được chia thành hai loại chính là tuyến ngoại tiết (eccrine glands) và tuyến đầu tiết (apocrine glands). Trong đó, các tuyến đầu tiết là những tuyến tiết ra loại mồ hôi có mùi và phân bố nhiều nơi trên khắp cơ thể, đặc biệt là ở những nơi tập trung nang lông như chân tóc, vùng nách và vùng sinh dục. Mồ hôi được tiết ra từ các tuyến này có mùi nên tuyến đầu tiết chịu trách nhiệm sản sinh ra mùi đặc trưng tự nhiên của từng cơ thể, chức năng này của các tuyến đầu tiết được điều hòa bởi các tiến trình nội tiết và điều này có thể di truyền từ bố mẹ. Tuy nhiên, đôi khi mùi tự nhiên này này trở nên quá nặng, gây ra mùi mồ hôi cơ thể lại là điều gây phiền toái cho nhiều người, đặc biệt trường hợp trẻ có mùi hôi cơ thể thường do yếu tố này gây ra.
1.2. Mùi mồ hôi cơ thể:
Khi ở trong môi trường quá nóng hoặc vừa trải qua qúa trình vận động, cơ thể của mỗi chúng ta sẽ tăng việc tiết mồ hôi để điều hòa nhiệt độ cơ thể, giảm nhiệt độ cơ thể xuống. Mồ hôi sau khi được tiết ra ngoài cơ thể có thể không có mùi hôi, nhưng sau một thời gian mồ hôi ở trên bề mặt da, mồ hôi sẽ bị những vi sinh vật như vi khuẩn, nấm đang tồn tại sẵn có trên da làm cho bị lên men, từ đó mới gây mùi mồ hôi cho cơ thể. Đặc biệt ở các vùng có nhiều lông như nách, bẹn vừa có nhiều mồ hôi, vừa có nhiều vi khuẩn nên mùi hôi càng rõ rệt và nặng hơn.
Ngoài ra, trên cơ thể tự nhiên của mỗi người khác nhau cũng có một số loại vi khuẩn tương đối khác nhau với số lượng khác nhau sống ký sinh. Mỗi một loại các vi khuẩn khác nhau trên da sẽ tạo ra một mùi đặc trưng khác nhau ở mỗi người nên mùi mồ hôi khi bị vi khuẩn lên men cũng khác nhau. Sau khi mồ hôi tiết ra ngoài cơ thể và thấm vào quần áo, chúng lên men cả ở trên quần áo và kết hợp thêm với vi khuẩn ở môi trường, không khí gây mùi hôi ở trên quần áo. Nếu càng nhiều mô hôi dính lên quần áo và mặc quần áo bị dính nhiều mồ hôi càng lâu thì càng có nguy cơ mùi hôi trên cơ thể từ quần áo.
1.3. Mùi từ mái tóc:
Thực tế một số do cơ địa mắc một hội chứng có tên là “tóc có mùi”. Triệu chứng này có đặc điểm nổi bật là trên da đầu và tóc vốn có mùi hôi rất khó chịu. Người ta đã xác định được nguyên nhân chính gây hội chứng này là do các tác nhân vi khuẩn hoặc nấm. Chúng khiến mồ hôi ở trên đầu tăng lên, các chất béo trong tuyến đầu tiết bị phá vỡ khiến cho chúng bám dính vào da đầu từ đó gây mùi hôi trên cơ thể.
1.4. Thức ăn có thể gây ra mùi cơ thể:
Một số loại thực phẩm như tỏi, hành lá và hành tây là những gia vị quen thuộc trong các món ăn giúp các món ăn trở nên hấp dẫn hơn bởi mùi thơm đặc trưng của chúng. Tuy nhiên, chúng có mùi hương rất mạnh, khi tiêu hóa ở dạ dày sẽ tạo ra khí lưu huỳnh, khí lưu huỳnh sau khi tới ruột già sẽ được cơ thể hấp thụ vào máu và từ đó gây ra mùi hôi thông qua các lỗ chân lông. Do đó, nếu như bạn cảm thấy cơ thể của mình thường xuyên có mùi khiến bạn mất tự nhiên mặc dù đã luôn vệ sinh cơ thể sạch sẽ thì nên hạn chế sử dụng những gia vị có thể gia tăng mùi mồ hôi trên cơ thể.
1.5. Thói quen sử dụng xà phòng diệt khuẩn không đúng cách:
Từ trước đến nay, nhiều người vẫn có quan điểm xà phòng diệt khuẩn có thể diệt sạch vi khuẩn, giữ cơ thể luôn sạch sẽ nên có thói quen sử dụng các loại xà phòng diệt khuẩn khi tắm để loại bỏ mùi cơ thể, đặc biệt là ở những vùng như nách, vùng kín… Nhưng thực tế chứng minh rằng dùng xà phòng diệt khuẩn nếu không đúng cách tậm chí sẽ làm gia tăng mùi cơ thể của bạn. Bởi khi bạn dùng xà phòng diệt khuẩn dễ làm cho da bị khô, khi đó cơ thể sẽ sản xuất ra nhiều mồ hôi hơn để làm ẩm lại bề mặt da và từ đó tình trạng tiết nhiều mồ hôi còn mạnh hơn, làm cho mùi cơ thể càng tăng lên và không thấy dấu hiệu giảm bớt.
1.6. Căng thẳng, lo lắng quá độ:
Khi bản thân bị lo lắng, căng thẳng quá độ thì cơ thể sẽ tự nhiên sản sinh ra cortisol, đây là một loại hormone có liên quan trực tiếp đến tuyến mồ hôi, có khả năng kích thích sự hoạt động của các tuyến mồ hôi trên toàn cơ thể, đồng thời hệ miễn dịch kém đi và từ đó làm tăng cường các vi khuẩn sống ký sinh trên da. Đó là lý do vì sao khi một người luôn phải đối mặt với nhiều áp lực, căng thẳng, họ thường tiết ra mồ hôi nhiều và cơ thể bốc mùi hôi hơn.
2. Cách làm giảm tình trạng cơ thể bốc mùi hôi:
Việc cơ thể có mùi hôi dù không gây những ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe của bạn nhưng nó khiến cho chúng ta cảm thấy tự ti về bản thân và ảnh hưởng tới chất lượng cuộc sống khi gặp phải vấn đề này. Một số biện pháp có thể sử dụng giúp hạn chế tình trạng mùi cơ thể bao gồm:
2.1. Sử dụng các biện pháp làm giảm việc tiết mồ hôi:
Nguyên nhân chính của việc cơ thể bạn có mùi hôi là do cơ thể tiết ra nhiều mồ hôi, tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển và gây mùi. Vì vậy, hạn chế ra mồ hôi là cách hàng đầu để giảm tình trạng cơ thể bốc mùi hôi. Bạn có thể hạn chế cơ thể ra mồ hôi bằng cách sử dụng quạt, máy điều hòa nhiệt độ, mở rộng cửa sổ, tăng độ thông gió để hạ thấp nhiệt độ môi trường xung quanh và không để nhiệt độ cơ thể tăng cao. Ngoài ra, nếu tình trạng tiết mồ hôi quá nhiều bạn có thể sử dụng một số thuốc có tác dụng chống ra mồ hôi dưới sự tư vấn của bác sĩ.
2.2. Khử mùi hôi cơ thể bằng cách làm sạch vi khuẩn trên cơ thể:
Vi khuẩn trên cơ thể chính là tác nhân gây ra mùi hôi khi kết hợp với mồ hôi. Vì vậy, bạn nên khử mùi hôi trên cơ thể bằng cách làm sạch vi khuẩn trên cơ thể, nên tắm rửa thường xuyên và rửa những vùng kín bằng nước sạch, xà bông. Đặc biệt là mùa hè trời nóng khiến cơ thể tiết ra nhiều mồ hôi nên cần tắm thường xuyên và thay quần áo dính mồ hôi để hạn chế mùi. Ngoài ra, những bệnh ngoài da như mụn nhọt, lở ngứa, vết thương cũng là những “ổ chứa vi khuẩn” nên chúng cần được điều trị triệt để.
2.3. Chọn đồ dùng và vệ sinh đồ dùng đúng cách:
Mồ hôi tiết ra trên cơ thể sẽ thấm trực tiếp vào quần áo nên khi mặc quần áo bằng vải bằng cotton có khả năng thấm mồ hôi tốt và cần phải thay quần áo thường xuyên để tránh mùi hôi từ quần áo. Nếu quần áo đã bị thấm mồ hôi thì cần thay ngay khi về nhà và nên được ngâm với xà phòng hoặc giặt luôn để không tạo cơ hội cho vi khuẩn phát triển gây mùi hôi. Ngoài quần áo, bạn cũng nên chọn những loại tất có khả năng thấm hút mồ hôi tốt và cũng cần thường xuyên thay tất, giặt giày nếu bạn bị hôi chân.
2.4. Sử dụng các loại lăn khử mùi:
Nách là vị trí chứa nhiều tuyến mồ hôi nên tiết ra mồ hôi nhiều và cũng là môi trường thuận lợi để vi khuẩn phát triển gây mùi cho cơ thể. Trong thành phần của lăn khử mùi thường có chất diệt vi khuẩn, chất làm giảm tiết mồ hôi nách, chất bắt giúp giữ mùi hôi và một số mùi hương mà nhà sản xuất đưa vào. Vì vậy, sử dụng các loại lăn khử mùi có thể có tác dụng chống mồ hôi, chống mùi hôi. Cần sử dụng lăn khử mùi đúng cách theo hướng dẫn được ghi trên bao bì, lưu ý với những người có làn da nhạy cảm thì cần sử dụng có sự theo dõi xem da có bị dị ứng hay không. Nếu có xuất hiện các dấu hiệu của bị dị ứng như ngứa, nổi mụn thì cần phải ngừng sử dụng ngay và đợi khi khỏi hẳn, rồi có thể dùng loại khác không gây dị ứng với da hoặc không dùng nữa.
2.5. Có thể sử dụng các biện pháp từ thiên nhiên:
Trong thiên nhiên có một số loại thực phẩm được coi là thảo dược như chanh, gừng có thể giúp giảm mùi mồ hôi cơ thể.
Bằng cách sử dụng chanh, sau khi tắm rửa thật sạch sẽ, bạn cắt đôi một quả chanh tươi và xoa xát bề mặt cua nửa quả chanh vào hai bên vùng da ở nách, đợi khoảng 5 đến 10 phút thì rửa sạch. Trong trường hợp cơ thể bạn có mùi hôi nhiều thì nên thực hiện một lần/ngày, sau khi hết mùi hôi thì có thể thực hiện 2 lần/tuần.
Bằng cách sử dụng gừng tươi, bạn giã nát gừng để lấy nước, rồi lấy nước bôi gừng vào nách, thực hiện 1 lần/ngày.
Ngoài ra, phèn chua cũng là một vị thuốc đông y được sử dụng rất hiệu quả trong việc điều trị hôi nách. Bạn có thể tán phèn chua thành bột mịn, xát vào nách, mỗi ngày 1 lần, thực hiện sau vài ngày sẽ hết mùi hôi trên cơ thể, sau đó bạn có thể duy trì bằng cách xát tuần 2 lần.
Ngoài ra, những người có cơ địa dễ có mùi trên cơ thể nên hạn chế sử dụng những loại thức ăn có thể mang lại mùi trên cơ thể như tỏi, hành, hành tây, các gia vị nặng mùi, thức uống như cà phê, rượu cũng gây mùi.
3. Mùi hôi cơ thể xuất hiện như thế nào?
Vốn dĩ cơ thể có mùi hôi vì cơ thể con người có thể tạo ra một số chất có mùi, nhiều loại trong số những chất này có vai trò quan trọng đối với một số chức năng của cơ thể nhưng chúng được tạo với số lượng nhỏ và không dẫn đến mùi khó chịu.
Từ trước đến nay mọi người thường nghĩ mùi hôi cơ thể là do mồ hôi tiết ra gây nên. Những người mắc chứng tiết mồ hôi nhiều thường hay bị tình trạng mùi cơ thể hơn. Trên thực tế, mồ hôi hầu như không có mùi. Mà nguyên nhân tạo nên mùi hôi cơ thể là do những vi khuẩn sống trên bề mặt da ở các bộ phận tiết ra mồ hôi của cơ thể. Đặc biệt vi khuẩn sẽ phát triển mạnh trong môi trường ẩm ướt, chúng phân hủy protein )chất béo) có trong mồ hôi thành các sản phẩm có mùi hôi.
Mồ hôi trên cơ thể người do hai tuyến mồ hôi chính tiết ra là tuyến eccrine (có hầu hết dưới da, nàm ở lớp hạ bì) và tuyến apocrine (có ở những nơi cơ thể có lông như nách, bẹn). Trong đó, mồ hôi do tuyến eccrine tiết ra giúp làm mát da, điều hòa nhiệt độ cơ thể, thành phần của chúng chủ yếu là muối và các chất điện giải khác, không chưa chất béo nên khi bị vi khuẩn phân hủy ít có khả năng tạo ra mùi. Tỏng khi mồ hôi do tuyến apocrine tiết ra khi nhiệt độ cơ thể tăng và khi bạn căng thẳng có thành phần chứa nhiều chất béo và các hợp chất khác, khi bị vi khuẩn phân hủy sẽ tạo ra mùi. Vì vậy đây là nguyên nhân gây ra hầu hết các trường hợp có mùi cơ thể mà chủ yếu hay gặp ở nách và bẹn.