Đồng bằng sông Hồng và đồng bằng sông Cửu Long là hai đồng bằng lớn nhất nước ta. Vậy giữa Đồng bằng sông Hồng và đồng bằng sông Cửu Long có điểm gì giống và khác nhau. Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu qua bài viết dưới đây:
Mục lục bài viết
1. Điểm giống nhau giữa Đồng bằng sông Hồng và Đồng bằng sông Cửu Long:
– Đồng bằng sông Hồng và đồng bằng sông Cửu Long đều là hai đồng bằng châu thổ lớn nhất của nước ta.
– Cả hai đồng bằng này đều được hình thành do phù sa của hai hệ thống sông lớn bồi tụ dần trên vịnh biển nông và thềm lục địa mở rộng. Cụ thể, đồng bằng sông Hồng do phù sa sông Hồng bồi tụ còn đồng bằng sông Cửu Long do phù sa sông Tiền – sông Hậu bồi đắp hàng năm.
– Đều là vùng đồng bằng nên hai đồng bằng này đều có địa hình thấp và tương đối bằng phẳng, thuận lợi cho hoạt động sản xuất, đặc biệt là sản xuất nông nghiệp.
– Vì được hình thành do phù sa bồi đắp nên đất ở hai đồng bằng này đều có đất phù sa màu mỡ, thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp.
2. Khái quát về vùng đồng bằng sông Hồng và đồng bằng sông Cửu Long:
2.1. Khái quát về vùng đồng bằng sông Hồng:
– Diện tích: Đồng bằng sông hồng có diện tích 15.000 km2 .
– Nguồn gốc hình thành: Đồng bằng sông Hồng là đồng bằng Châu thổ Bắc bộ. Do phù sa sông Hồng và sông Thái Bình bồi đắp.
– Vùng Đồng bằng sông Hồng bao gồm 11 tỉnh, thành phố: Hà Nội, Hải Phòng, Hải Dương, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Hưng Yên, Thái Bình, Nam Định, Hà Nam, Ninh Bình và Quảng Ninh.
– Dân số: Đây là vùng có mật độ dân số cao nhất Việt Nam với 1.450 người/km², dân số là 21.848.913 người.
– Địa hình: Có địa hình tương đối bằng phẳng, cao hơn ở phía tây và tây bắc và thấp dần ra biển. Đồng bằng sông Hồng có dạng tam giác châu, đỉnh là Việt Trì, đáy chạy từ Hải Phòng đến Ninh Bình.
– Bề mặt địa hình vùng đồng bằng sông Hồng bị chia cắt thành nhiều ô nên cấu trúc địa hình gồm hai bộ phận:
+ Vùng đất trong đê là các khu ruộng cao bạc màu và các ô trũng ngập nước, không được bồi tụ phù sa hàng năm.
+ Vùng ngoài đê được phù sa bồi đắp hàng năm nhưng diện tích không lớn.
– Thổ nhưỡng: Do là đồng bằng châu thổ, được bồi đắp bởi phù sa của hệ thống sông Hồng và sông Thái Bình cho nên thổ nhưỡng ở đây là đất phù màu mỡ. Ven sông là đất phù sa được bồi đắp thường xuyên. Vùng trung du là đất phù sa cổ bạc màu.
– Ở đây có hệ thống đê điều ngăn lũ vững chắc dài trên 2.7000 km và hiện nay vẫn tiếp tục mở rộng về phía Đông Nam khoảng vài chục đến gần 100 km.
2.2. Khái quát về vùng đồng bằng sông Cửu Long:
– Về diện tích: 40.000 km vuông.
– Nguồn gốc hình thành: Đồng bằng sông Cửu Long do phù sa của hệ thống sông Mê Kông gồm sông Tiền và sông Hậu bồi tụ nên.
– Vùng đồng bằng sông Cửu Long có 1 thành phố trực thuộc Trung ương là TP. Cần Thơ và 12 tỉnh là Long An, Vĩnh Long, Tiền Giang, Bến Tre, Sóc Trăng, Trà Vinh, Hậu Giang, Đồng Tháp, Kiên Giang, An Giang, Bạc Liêu và Cà Mau.
– Dân số: Đồng bằng sông Cửu Long có tổng dân số là 17.300.947 người (tính đến năm 2021).
– Địa hình: Đồng bằng sông Cửu Long có địa hình thấp và bằng phẳng hơn so với đồng bằng sông Hồng, cơn hơn ở phía Tây Bắc và thấp dần xuống Đông Nam ra biển. Phần lớn lãnh thổ có địa hình trũng thấp như Đồng Tháp Mười, Tứ giác Long Xuyên. Đồng bằng sông Cửu Long có hình dạng tứ giác hình thang.
– Cấu trúc địa hình: Địa hình phần lớn nằm trong phạm vi tác động trực tiếp của sông Tiền và sông Hậu.
+ Thượng châu thổ: Có độ cao trung bình 2 – 3m so với mặt nước biển nhưng vẫn bị ngập nước vào mùa mưa.
+ Hạ châu thổ: thấp hơn, thường xuyên chịu tác động của thủy triều và sóng biển.
+ Phần đất nằm ngoài phạm vi tác động của sông Tiền và sông Hậu nhưng vẫn được cấu tạo bởi phù sa sông.
+ Các vùng địa hình trũng thấp như Đồng Tháp Mười, Tự giác Long Xuyên…. là những nơi chưa được bồi lấp xong.
– Về thổ nhưỡng: chủ yếu là đất phù sa màu mỡ nhưng có tính chất phức tạp khi có 3 loại đất chính: đất phù sa ngọt phân bố dọc sông Tiền, sông Hậu chiếm 30% diện tích; đất phèn có diện tích lớn nhất phân bổ tập trung ở Đồng Tháp Mười, Tứ giác Long Xuyên và trung tâm bán đảo Cà Mau; đất mặn phân bố thành vành đai biển đông và vịnh Thái Lan.
– Bề mặt đồng bằng sông Cửu Long không có hệ thống đê nên hằng năm được bồi tụ phù sa lớn.
– Mạng lưới sông ngòi, kênh rạch chằng chịt nhưng vì không có đê nên đến về mùa lũ nước ngập diện rộng, về mùa cạn thì nước triều lấn mạnh vào sâu trong lãnh thổ làm cho 2/3 diện tích đồng bằng là đất phèn, đất mặn.
3. Điểm khác nhau giữa Đồng bằng sông Hồng và Đồng bằng sông Cửu Long:
Đặc điểm | Đồng bằng sông Hồng | Đồng bằng sông Cửu Long |
Diện tích | Khoảng 15.000 km2. | Khoảng 40.000 km2 |
Nguồn gốc phát sinh | Do phù sa của hệ thống sông Hồng và hệ thống sông Thái Bình bồi tụ. | Do phù sa hệ thống sông Cửu Long gồm sông Tiền và sông Hậu bồi tụ. |
Địa hình | – Được con người khai thác từ lâu và làm biến đổi mạnh. – Địa hình cao hơn ở rìa phía tây và tây bắc, thấp dần ra biển. – Bề mặt bị chia cắt thành nhiều ô. – Có hệ thống đê ven sông ngăn lũ. – Có hình dạng hình tam giác. | – Thấp và bằng phẳng hơn. – Không có hệ thống đê ven sông – Có hệ thống sông ngòi, kênh rạch chằng chịt. – Có các vùng trũng lớn chưa được bồi đắp xong: Đồng Tháp Mười, Tứ giác Long Xuyên. – Có hình dạng tứ giác hình thang |
Đất đai | – Vùng trong đê không còn được bồi tụ phù sa nên đất bạc màu hoặc ngập nước. – Vùng ngoài đê được bồi tụ phù sa hàng năm. | – Mùa lũ: nước sông dâng cao, bồi tụ phù sa. – Mùa cạn: nước triều lấn mạnh, gần 2/3 diện tích là đất mặn, đất phèn. |
Khoáng sản | Không phong phú nhưng có giá trị là các mỏ đá (Hải Phòng, Hà Nam, Ninh Bình), sét cao lanh (Hải Dương), than nâu (Hưng Yên), khí tự nhiên (Thái Bình). Thuận lợi phát triển các ngành công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng, khai thác khí tự nhiên. | Chủ yếu là than bùn, vật liệu xây dựng, dầu khí. Tạo điều kiện phát triển ngành công nghiệp khai thác khoáng sản. |
Tài nguyên | – Hạn chế, phần lớn phải nhập khẩu nguyên nhiên liệu từ các vùng khác về. – Tài nguyên biển đang được khai thác hiệu quả nhờ vào phát triển nuôi trồng, đánh bắt thủy sản, du lịch. | – Động vật biển: Có hàng trăm bãi cá với nhiều thủy sản quý hiếm chiếm khoảng 54% trữ lượng cá biển của cả nước thuận lợi cho hoạt động đánh bắt thuỷ sản, phát triển ngư nghiệp. |