Những nguyên nhân nào dẫn đến phong trào cách mạng ở Việt Nam năm 1930-1931? Diễn biến và Ý nghĩa lịch sử và bài học kinh nghiệm của phong trào cách mạng 1930-1931 để lại là gì? Cùng bài viết dưới đây tìm hiểu cụ thể về phong trào cách mạng 1930-1931 nhé!
Mục lục bài viết
1. Nguyên nhân dẫn đến phong trào cách mạng 1930 – 1931:
– Thứ nhất, phong trào cách mạng 1930 – 1931 diễn ra do tác động của khủng hoảng kinh tế thế giới (1929-1933) đã tác động mạnh mẽ đến nền kinh tế Việt Nam trở nên tiêu điều, sơ xác. Thêm vào đó là chính sách cướp bóc, bóc lột tàn bạo của thực dân Pháp đã khiến đời sống của nhân dân lao động hết sức khốn khó, cơ cực, đẩy dân tộc Việt Nam vào con đường cùng cực.
– Thứ hai, sau khi cuộc khởi nghĩa Yên Bái của nhân dân ta kết thúc, thực dân Pháp tiến hành chính sách “khủng bố trắng” và dã man đối với những người dân yêu nước hòng dập tắt phong trào cách mạng.
Tác động của cuộc khủng hoảng kinh tế khốn khó cùng với chính sách khủng bố trắng dã man của thực dân Pháp làm càng nung nấu lòng căm thù giặc, nâng cao tinh thần cách mạng của nhân dân ta. Hai nguyên nhân này đã đẩy mâu thuẫn xã hội giữa nhân dân ta với bọn đế quốc phong kiến ngày càng gay gắt. Đây là nguyên nhân sâu sa và trực tiếp đưa đến cao trào cách mạng năm 1930 – 1931.
– Thứ ba, ảnh hưởng của phong trào Cách mạng Quốc tế đối với Việt Nam như một nguồn động lực.
– Thứ tư, Đảng Cộng sản Việt Nam mới ra đời (đầu năm 1930) đã nhanh chóng nhận thức và nắm bắt tình hình, kịp thời lãnh đạo giai cấp công – nông cùng các tầng lớp lao động đứng lên đấu tranh chống đế quốc và chế độ phong kiến tay sai đang hoành hành, giành độc lập tự do.
Trong các nguyên nhân trên, đây là nguyên nhân chủ yếu, cơ bản nhất, quyết định làn sóng cách mạng 1930 – 1931. Bởi vì, nếu không có sự lãnh đạo của một tổ chức như Đảng thì mâu thuẫn lúc bấy giờ dù vô cùng gay gắt, căng thẳng cũng chỉ dẫn đến những cuộc đấu tranh nhỏ, lẻ tẻ tự phát và không thể trở thành một cao trào tự giác.
2. Diễn biến của phong trào cách mạng 1930 – 1931:
Kỳ đầu tiên: tháng 2 năm 1903
– Trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế – xã hội cùng với sự đàn áp đẫm máu khởi nghĩa Yên Bái của thực dân Pháp, mâu thuẫn dân tộc gay gắt, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời kịp thời lãnh đạo phong trào đấu tranh của các tầng lớp lao động trong cả nước.
– Tháng 2/1930, cuộc bãi công của 3000 công nhân đồn điền cao su Phú Riềng (Nam Bộ) đòi tăng lương, giảm giờ làm được nhiều người chú ý. Ở Hà Nội, ngày 22/02 có treo cờ đỏ, búa liềm.
– Tháng 3 và 4/1930, cuộc đấu tranh của 4000 công nhân nhà máy sợi Nam Định bãi công. Tiếp đó là 400 công nhân diêm và nhà máy cưa Bến Thủy bãi công và cùng với đó là cuộc bãi công của công nhân nhà máy xi măng Hải Phòng vào tháng 4.
– Sau đó, trong nửa đầu năm 1930, các phong trào nông dân cũng bắt đầu diễn ra mạnh mẽ cùng với phong trào công nhân ở nhiều địa phương các tỉnh như Thái Bình, Hà Nam, Nghệ An hay Hà Tĩnh. Các phong trào này có nhiều nét mới như truyền đơn, cờ đỏ búa liềm của Đảng xuất hiện ở nhiều địa phương.
– 1/5/1930: Lần đầu tiên công nhân Việt Nam từ Bắc chí Nam biểu tình kỉ niệm ngày Quốc tế lao động, đấu tranh đòi quyền lợi cho người lao động trong nước và thể hiện tình đoàn kết cách mạng với nhân dân lao động thế giới.
Thời kỳ thứ hai: Từ tháng 5 đến tháng 10 năm 1930
– Sau ngày Quốc tế lao động, tháng 6, 7, 8: nổ ra các cuộc đấu tranh sôi nổi của công nhân, nông dân và các tầng lớp nhân dân lao động khác trên phạm vi cả nước, cả nước có đến 121 cuộc đấu tranh.
– Ngày 1/8/1930 (ngày quốc tế kháng chiến), công nhân khu công nghiệp Vinh – Bến Thủy tổng bãi công, và kéo đến huyện lạ, hàng vạn nông dân vùng ven thị xã Vinh đã đứng lên biểu tình đòi giảm sau thuế, yêu cầu thay đổi chính sách lao động, tăng lương và giảm giờ làm cho công nhân.. Phong trào cách mạng 1930 – 1931 có bước phát triển mới, báo hiệu trận quyết chiến đang đến gần.
– Sang tháng 9, phong trào cách mạng 1930 – 1931 tiếp tục phát triển dâng cao và rộng khắp cả nước mà đỉnh cao là hai tỉnh Nghệ An – Hà Tĩnh.
– Tiêu biểu là cuộc biểu tình của 8000 nông dân Hưng Nguyên (Nghệ An) ngày 12/09/1930 với khẩu hiệu: “Đả đảo chủ nghĩa đế quốc !” kéo đến huyện lị phá nhà lao, đốt huyện đường, vậy lính khố xanh…. Đến gần Vinh, số người tham gia biểu tình lên tới 3 vạn người, xếp hàng dài 4 km. Pháp đàn áp dã man, cho máy bay ném bom làm chết 217 người, bị thương 126 người. Những con số này đã khiến cho sự tức giận của nhân dân ta ngày càng cao. Chính quyền thực dân, phong kiến bị tê liệt, tan rã ở nhiều huyện, xã .
– Bên cạnh đó, trong hai tháng 9 và 10, nông dân ở các huyện Thanh Chương, Diễn Châu, Nam Đàn, Anh Sơn (Nghệ An) cùng với huyện Hương Sơn, Kỳ Anh (Hà Tĩnh) đã đồng loạt tiến hành các cuộc nổi dậy, đấu tranh vũ trang tự vệ với hàng nghìn người kéo đến huyện lị, tỉnh lị đòi giảm thuế . Đồng thời, công nhân khu công nghiệp Vinh – Bến Thủy hưởng ứng cũng tiếp tục bãi công lần thứ hai và làm cho phong trào cách mạng 1930 – 1931 lúc này trở nên hết sức quyết liệt.
Kết quả:
– Hệ thống chính quyền thực dân và phong kiến tay sai bị tê liệt, tan rã ở nhiều huyện, xã.
– Nhiều cấp uỷ, Đảng ở địa phương đã lãnh đạo quần chúng tự làm chủ vận mệnh, đứng ra quản lý đời sống chính trị, kinh tế, văn hoá xã hội ở địa phương, hoạt động theo kiểu các tổ chức Xô Viết.
3. Ý nghĩa lịch sử của phong trào cách mạng 1930-1931:
– Phong trào cách mạng 1930-1931 mà đỉnh cao là Xô Viết Nghệ Tĩnh đã kế thừa truyền thống anh hùng, bất khuất của dân tộc ta. Dù chỉ diễn ra trong một thời gian ngắn nhưng là sự kiện có ý nghĩa lịch sử to lớn trong quá trình đấu tranh cách mạng của nhân dân Việt Nam.
– Phong trào cách mạng 1930 – 1931 được đánh giá cao trong phong trào cộng sản và công nhân quốc tế. Thể hiện sự lãnh đạo tài tình của Đảng đã giúp giai cấp công nhân và nông dân đoàn kết với nhau, khẳng định đường lối đúng đắn của Đảng, sự lãnh đạo của giai cấp công nhân đối với cách mạng Đông Dương. Quốc tế Cộng sản đã công nhận Đảng Cộng sản Đông Dương là bộ phận độc lập, trực thuộc Quốc tế Cộng sản.
– Từ phong trào, khối liên minh công nông được hình thành, công nhân và nông dân đã đoàn kết trong đấu tranh cách mạng.
– Sự nổi dậy của phong trào đã giáng thẳng một đòn quyết định vào bè lũ đế quốc và phong kiến tay sai áp bức, bóc lột nhân dân lúc này.
– Đặc biệt, Phong trào cách mạng 1930 – 1931 để lại cho Đảng ta nhiều bài học quý báu về công tác tư tưởng, về xây dựng khối liên minh công nồng và mặt trận dân tộc thống nhất, về tổ chức, lãnh đạo quần chúng đấu tranh. Phong trào còn có ý nghĩa như cuộc tổng diễn tập đầu tiên của toàn Đảng và quần chúng chuẩn bị cho thắng lợi vang dội của cách mạng tháng Tám sau này.
– Phong trào cách mạng 1930-1931 cũng đem lại nhiều thay đổi thiết thực và cơ bản về các mặt của đời sống cho nhân dân:
+ Về kinh tế: Bỏ địa tô chính, giảm tô phụ cũng như các thứ thuế của phong kiến và thực dân.
+ Về chính trị: Nhân dân có quyền thực dân tự do dân chủ, hình thành các tổ chức quần chúng, đội tự vệ đỏ hay toà án nhân dân cũng được thành lập => Từ đó góp phần tuyên truyền giáo dục ý thức chính trị cho công dân.
+ Về quân sự: Cung cấp cho mỗi làng một đội tự vệ vũ trang mà trước đây không có được.
+ Về văn hoá – xã hội: Góp phần phát động phong trào sinh hoạt mới, mở lớp dạy chữ Quốc ngữ, trật tự xã hội cũng được đảm bảo, hạn chế được trộm cướp.
4. Những hạn chế của phong trào cách mạng 1930-1931 là gì?
Sau những thành công của Phong trào cách mạng 1930-1931 và nhiều ý nghĩa lịch sử to lớn để lại, song vẫn không thể tránh khỏi những hạn chế nhất định sau:
– Thứ nhất, Phong trào đã có một tổ chức Đảng lãnh đạo những vẫn chưa có một chính phủ hoàn chỉnh được thành lập.
– Thứ hai, vấn đề đất đai, chia ruộng đất của người dân vẫn chưa được giải quyết dứt điểm.
5. Bài học kinh nghiệm của phong trào cách mạng 1930-1931:
– Cao trào Cách mạng 1930-1931 đã chỉ ra những bài học kinh nghiệm về vai trò lãnh đạo của Đảng. Kết quả thực tế đã chứng minh rõ ràng đường lối chiến lược mà Đảng đề ra là hoàn toàn đúng đắn. Khẳng định năng lực và vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Đông Dương (đại diện cho giai cấp vô sản Việt Nam).
– Phong trào cách mạng 1930-1931 đã khẳng định vai trò, ý nghĩa to lớn của việc xây dựng khối liên minh công nhân – nông dân. Khối liên minh công – nông có khả năng lật đổ ách thống trị của thực dân phong kiến.
– Việc sử dụng bạo lực cách mạng là một bài học để giành chính quyền, thể hiện lòng căm thù giặc của nhân dân ta đối với chủ nghĩa đế quốc, nó có sức mạnh to lớn giúp giành lại chính quyền từ tay kẻ thù.
– Bài học về xây dựng chính quyền nhân dân: Qua phòng trào cách mạng 1930-1931 đã cho ra bài học về xây dựng chính quyền nhân dân, một hình thức chính qyền mới được xây dựng kiểu Xô Viết ở Nga đã được hiện thực hóa qua các phong trào đấu tranh giành thắng lợi ở Nghệ An, Hà Tĩnh.
– Việc phong trào Cách mạng 1930-1931 chưa xây dựng được mặt trận dân tộc thống nhất là một bài học để Đảng ta đến giai đoạn cách mạng 1936-1939 mới thành lập được sự thống nhất của nhân dân.
Trên đây là bài viết của Luật Dương Gia về Diễn biến, ý nghĩa cao trào cách mạng ở Việt Nam 1930-1931 thuộc chủ đề Kháng chiến chống Pháp, thư mục Lịch sử. Mọi thắc mắc pháp lý, vui lòng liên hệ Tổng đài Luật sư 1900.6568 hoặc Hotline dịch vụ 037.6999996 để được tư vấn và hỗ trợ.