Chắc hẳn mỗi chúng ta khi còn đi học đều nghe thấy thầy cô nhắc đến cụm từ "tổ chuyên môn", đi họp tổ chuyên môn, đi sinh hoạt tổ chuyên môn. Vậy tổ chuyên môn là gì? Cùng bài viết này tìm hiểu nhé:
Mục lục bài viết
1. Tổ chuyên môn là gì?
Tổ chuyên môn là một bộ phận cấu thành trong trong bộ máy tổ chức, quản lý của nhà trường. Trong trường, các tổ, nhóm chuyên môn có mối quan hệ hợp tác với nhau, phối hợp các các bộ phận nghiệp vụ khác và các tổ chức Đảng, đoàn thể trong nhà trường nhằm thực hiện chiến lược phát triển của nhà trường, chương trình giáo dục và các hoạt động giáo dục và các hoạt động khác hướng tới mục tiêu giáo dục, đưa nhà trường đạt được các mục tiêu đã đề ra.
1.1. Tổ chuyên môn trường Tiểu học:
Tổ chuyên môn trường Tiểu học được quy định rõ tại Điều 14 Thông tư 28/2020/TT-BGDĐT về Điều lệ trường Tiểu học, như sau:
– Tổ chuyên môn bao gồm giáo viên theo khối lớp hoặc môn học, nhân viên làm công tác thư viện, thiết bị giáo dục, công nghệ thông tin, hỗ trợ giáo dục người khuyết tật, tham vấn học đường. Mỗi tổ có ít nhất 3 thành viên; tổ chuyên môn có tổ trưởng, nếu có từ 7 thành viên trở lên thì có tổ phó.
– Tổ chuyên môn sinh hoạt ít nhất hai tuần một lần để thực hiện các nhiệm vụ của tổ chuyên môn trên tinh thần xây dựng môi trường thân thiện, tích cực, tự học để nâng cao trình độ và phát triển năng lực chuyên môn.
1.2. Tổ chuyên môn trường trung học cơ sở, trung học phổ thông và trường phổ thông có nhiều cấp học:
Tổ chuyên môn trường trung học cơ sở, trường trung học phổ thông và trường phổ thông có nhiều cấp học được quy định rõ tại Điều 14 Thông tư 32/2020/TT-BGDĐT về Điều lệ trường trung học cơ sở, trường trung học phổ thông và trường phổ thông có nhiều cấp học, như sau:
– Cán bộ quản lý, giáo viên, viên chức làm công tác thư viện, thiết bị giáo dục, cán bộ làm công tác tư vấn cho học sinh của nhà trường được tổ chức thành các tổ chuyên môn. Tổ chuyên môn có tổ trưởng, nếu có từ 07 thành viên trở lên thì có tổ phó. Tổ trưởng, tổ phó tổ chuyên môn do hiệu trưởng bổ nhiệm, chịu sự quản lý, chỉ đạo của hiệu trưởng.
– Tổ chuyên môn tổ chức sinh hoạt chuyên môn ít nhất 01 lần trong 02 tuần và có thể họp đột xuất theo yêu cầu công việc hoặc khi hiệu trưởng yêu cầu. Tổ chuyên môn hoạt động theo nguyên tắc dân chủ, tôn trọng, chia sẻ, học tập, giúp đỡ lẫn nhau giữa các thành viên để phát triển năng lực chuyên môn.
2. Vai trò của tổ chuyên môn:
Tổ chuyên môn trong trường học có vai trò như một bộ phận cấu thành nên hệ thống tổ chức của Nhà trường. Các tổ, nhóm chuyên môn có mối quan hệ hợp tác và phối hợp các bộ phận nghiệp vụ, các tổ chức đoàn thể khác trong thực hiện các nhiệm vụ của tổ và các nhiệm vụ khác, giúp đỡ Hiệu trưởng điều hành các hoạt động nghiệp vụ và chuyên môn của chiến lược phát triển nhà trường, đưa tổ và nhà trường đạt được các mục tiêu đề ra. Tổ công tác là nơi trực tiếp triển khai mặt hoạt động của nhà trường, trong đó trọng tâm là hoạt động quản lý và giảng dạy. Trong tổ chuyên môn còn là nơi tập hợp, đoàn kết các giáo viên trong cùng một tổ với nhau, cùng nhau tìm hiểu nắm vững tâm tư, tình cảm và những khó khăn trong đời sống của họ để kịp thời động viên, giúp đỡ họ, giúp họ hoàn thành tốt nhiệm vụ của người giáo viên.
Chính vì vai trò như vậy, nên người được bầu làm tổ trưởng tổ chuyên môn phải là người được sự tín nhiệm thật sự của mọi người, có khả năng điều hành tốt và đảm bảo các tiêu chuẩn về văn hóa, trình độ, hiểu biết, đương nhiêu là đảm bảo cả về độ tuổi và quá trình công tác.
Vai trò của tổ chuyên môn trong việc giảng dạy, quản lý cụ thể như sau:
Quản lý giảng dạy của giáo viên:
– Xây dựng kế hoạch hoạt động chung của tổ theo tuần tháng, học kì và cả năm học nhằm thực hiện chương trình, kế hoạch dạy học và các hoạt động khác theo kế hoạch giáo dục, phân phối chương trình môn học của Bộ Giáo dục và Đào tạo và kế hoạch năm học của nhà trường;
– Xây dựng kế hoạch cụ thể dạy chuyên đề, tự chọn, ôn thi tốt nghiệp, dạy bồi dưỡng học sinh giỏi, phụ đạo học sinh yếu kém;
– Xây dựng kế hoạch cụ thể về sử dụng đồ dùng dạy học, thiết bị dạy học đúng, đủ theo các tiết trong phân phối chương trình;
– Hướng dẫn xây dựng và quản lý việc thực hiện kế hoạch cá nhân, soạn giảng của tổ viên (kế hoạch cá nhân dạy chuyên đề, tự chọn, ôn thi tốt nghiệp, dạy bồi dưỡng học sinh giỏi, phụ đạo học sinh yếu kém; sử dụng đồ dùng dạy học, thiết bị dạy học đúng, đủ theo các tiết trong phân phối chương trình; soạn giáo án theo phân phối chương trình, chuẩn kiến thức, kĩ năng và sách giáo khoa, thảo luận các bài soạn khó; viết sáng kiến kinh nghiệm về nâng cao chất lượng dạy học, đổi mới phương pháp dạy học, đổi mới kiểm tra đánh giá, phát hiện và bồi dưỡng học sinh giỏi, phụ đạo học sinh yếu kém…);
– Tổ chức bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho giáo viên trong tổ, giáo viên mới tuyển dụng (đổi mới phương pháp dạy học; đổi mới kiểm tra, đánh giá; dạy học theo chuẩn kiến thức kĩ năng; sử dụng đồ dùng dạy học, thiết bị dạy học, ứng dụng CNTT trong dạy học góp phần đổi mới phương pháp dạy học, phương pháp kiểm tra, đánh giá…).
– Quản lý, kiểm tra việc thực hiện quy chế chuyên môn của giáo viên (thực hiện hồ sơ chuyên môn; soạn giảng theo kế hoạch dạy học và phân phối chương trình, chuẩn kiến thức kĩ năng; ra đề kiểm tra, thực hiện việc cho điểm theo quy định; kế hoạch dự giờ của các thành viên trong tổ…);
– Dự giờ giáo viên trong tổ theo quy định (4 tiết/giáo viên/năm học);
– Các hoạt động khác (đánh giá, xếp loại giáo viên; đề xuất khen thưởng, kỉ luật giáo viên… Việc này đỏi hỏi tổ trưởng chuyên môn phải nắm thật rõ về tổ viên của mình về ưu điểm hạn chế trong việc thực hiện nhiệm vụ giảng dạy được phân công).
Quản lý học tập của học sinh:
– Nắm được kết quả học tập của học sinh thuộc bộ môn quản lý để có biện pháp nâng cao chất lượng giáo dục;
– Đề xuất, xây dựng kế hoạch, tổ chức các hoạt động nội, ngoại khóa để thực hiện mục tiêu giáo dục.
– Các hoạt động khác (theo sự phân công của Hiệu trưởng).
3. Nhiệm vụ của tổ chuyên môn:
3.1. Nhiệm vụ của tổ chuyên môn tiểu học:
Theo khoản 2 Điều 14 của Thông tư 28/2020/TT-BGDĐT về Điều lệ trường Tiểu học, tổ chuyên môn có nhiệm vụ sau:
“2. Tổ chuyên môn có nhiệm sau:
a) Tham gia xây dựng kế hoạch giáo dục của nhà trường.
b) Căn cứ vào kế hoạch giáo dục của nhà trường, xây dựng và giải trình kế hoạch dạy học các môn học theo yêu cầu của chương trình giáo dục phổ thông cấp tiểu học của tổ theo tuần, tháng, học kỳ và năm học.
c) Thực hiện kế hoạch hoạt động chuyên môn của trường, của tổ chủ động và linh hoạt.
d) Đề xuất hiệu trưởng phân công giáo viên dạy và giáo viên chủ nhiệm lớp theo năm học.
đ) Tổ chức cho giáo viên thực hiện lựa chọn sách giáo khoa theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh. Đề xuất các xuất bản phẩm tham khảo để lựa chọn sử dụng trong nhà trường theo quy định.
e) Tham gia đánh giá, xếp loại giáo viên theo quy định Chuẩn nghề nghiệp giáo viên phổ thông; tham gia đánh giá hiệu trưởng, phó hiệu trưởng theo Chuẩn hiệu trưởng.”
3.2. Nhiệm vụ của tổ chuyên môn trung học cơ sở, trung học phổ thông và trường phổ thông có nhiều cấp học:
Theo khoản 2, Điều 14 của Thông tư 32/2020/TT-BGDĐT về Điều lệ trường trung học cơ sở, trường trung học phổ thông và trường phổ thông có nhiều cấp học, tổ chuyên môn có nhiệm vụ sau:
“2. Tổ chuyên môn có những nhiệm vụ sau:
a) Chủ động xây dựng kế hoạch dạy học và giáo dục theo chương trình môn học, hoạt động giáo dục thuộc chuyên môn phụ trách theo tuần, tháng, học kỳ, năm học; phối hợp với các tổ chuyên môn khác xây dựng kế hoạch giáo dục của nhà trường.
b) Đề xuất lựa chọn sách giáo khoa, xuất bản phẩm tham khảo để sử dụng trong nhà trường theo quy định của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.
c) Thực hiện kế hoạch giáo dục của tổ chuyên môn theo kế hoạch giáo dục của nhà trường đã được hội đồng trường phê duyệt.
d) Tham gia đánh giá, xếp loại giáo viên theo chuẩn nghề nghiệp giáo viên cơ sở giáo dục phổ thông theo quy định của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.
đ) Tham gia bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ theo kế hoạch của tổ chuyên môn và của nhà trường.”
e) Thực hiện các nhiệm vụ khác do hiệu trưởng phân công.”