Khi đăng ký bản quyền tác giả, tác giả đăng ký phải cam đoan đó là tác phẩm nghệ thuật do mình tạo nên và tác phẩm đó là của riêng mình. Để việc cam đoan được minh bạch, rõ ràng, tác giả của tác phẩm phải làm Giấy cam đoan bản quyền tác giả. Vậy Giấy cam đoan của tác giả là gì? Được trình bày như thế nào?
Mục lục bài viết
1. Mẫu giấy cam đoan của tác giả khi đăng ký bản quyền tác giả:
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
*********
GIẤY CAM ĐOAN
Tôi tên là : ………
Sinh ngày : ……/……/……
Số căn cước công dân/ chứng minh thư nhân dân:……cấp ngày…………tại……………
Địa chỉ liên hệ:……………
Quốc tịch :………….
Nghề nghiệp : ……………
Tôi cam đoan bản thân tôi là tác giả của tác phẩm:………….và không sao chép của bất kỳ cá nhân hay tổ chức nào.
Tôi đã sáng tạo ra tác phẩm (theo nhiệm vụ, công việc được giao/ tự sáng tạo ra)…………..
Việc sáng tác ra tác phẩm nêu trên được tôi hoàn thành vào ngày …….. tháng …… năm ………
Tác phẩm này được công bố lần đầu tại Việt Nam vào ngày ……. tháng ….. năm……………
Ngày…….tháng …… năm …
Tác giả
(ký tên và ghi rõ họ tên)
Xác nhận của Công ty giao công việc/ nhiệm vụ cho tác giả (nếu có)
CÔNG TY …………
Xác nhận: Ông/Bà …….là tác giả của sản phẩm trên theo thỏa thuận giao việc của công ty.
Giám đốc
(ký tên và ghi rõ họ tên)
2. Tại sao tác giả phải viết Giấy cam đoan khi đăng ký bản quyền tác giả?
Căn cứ theo quy định tại khoản 2 Điều 1 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005, được sửa đổi, bổ sung năm 2009 thì quyền tác giả là quyền của tổ chức, cá nhân đối với tác phẩm do mình sáng tạo ra hoặc do mình sở hữu. Quyền tác giả bao gồm quyền nhân thân và quyền tài sản. Do đó, tác giả khi sáng tạo ra một tác phẩm bất kỳ phải làm Giấy cam đoan để khẳng định tác phẩm đó là do mình tạo ra, không sao chép của bất kỳ cá nhân hay tổ chức nào và là khẳng định trách nhiệm của tác giả cam đoan trước pháp luật. Giấy cam đoan là một trong số các giấy tờ, tài liệu cần phải có khi tác giả làm hồ sơ đăng ký bản quyền đối với tác phẩm mình sáng tạo nên.
Trong trường hợp tác phẩm được tạo nên do thực hiện nhiệm vụ, công việc được Công ty giao phó thì tác giả cũng phải thực hiện cam kết về chủ sở hữu quyền tác giả đối với công ty giao nhiệm vụ cho mình.
3. Điều kiện được đăng ký bảo hộ quyền tác giả:
3.1. Những tác phẩm được đăng ký bảo hộ quyền tác giả:
Tác giả có quyền đăng ký bảo hộ quyền tác giả khi tác phẩm được đăng ký là đối tượng thuộc các loại hình quy định tại Điều 14 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005, Luật sở hữu trí tuệ sửa đổi năm 2019, bao gồm:
– Bài giảng, bài phát biểu hoặc bài nói khác;
– Tác phẩm báo chí, âm nhạc, điện ảnh, sân khấu;
– Tác phẩm nhiếp ảnh, kỹ thuật kiến trúc;
– Tác phẩm tạo hình và ứng dụng mỹ thuật;
– Bản họa đồ, bản đồ, sơ đồ, bản vẽ có liên quan đến địa hình, công trình khoa học;
– Tác phẩm văn học, khoa học, giáo trình, sách giáo khoa và tác phẩm khác được thể hiện dưới dạng chữ viết hoặc các ký tự khác;
– Nghệ thuật dân gian và tác phẩm văn học;
– Chương trình máy tính và bộ sưu tập dữ liệu;
– Tác phẩm phái sinh.
3.2. Điều kiện về tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả:
Căn cứ theo quy định tại Điều 13 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005, Luật sở hữu trí tuệ sửa đổi năm 2019 thì chủ sở hữu, tác giả có đầy đủ điều kiện bảo hộ quyền tác giả gồm:
– Là người trực tiếp sáng tạo ra tác phẩm và cũng là chủ sở hữu
– Là cá nhân, tổ chức Việt Nam và nước ngoài có tác phẩm được công bố lần đầu tiên tại Việt Nam mà chưa công bố ở bất kỳ nước nào mới có đủ điều kiện đăng ký quyền tác giả.
– Là cá nhân và tổ chức Việt Nam, nước ngoài có tác phẩm được công bố đồng thời tại Việt Nam trong thời gian 30 ngày kể từ ngày tác phẩm đó được công bố lần đầu ở nước khác.
– Là cá nhân và tổ chức nước ngoài có tác phẩm được bảo hộ tại Việt Nam theo quy định của điều ước quốc tế về quyền tác giả mà Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.
* Những đối tượng không đủ điều kiện để được bảo hộ quyền tác giả.
Ngoài ra tác phẩm không thuộc những đối tượng không được đăng ký bảo hộ quyền tác giả quy định tại Điều 15 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005, Luật sở hữu trí tuệ sửa đổi bổ sung năm 2019 gồm có:
– Tin tức thời sự đưa tin thuần túy.
– Văn bản quy phạm pháp luật, văn bản khác thuộc lĩnh vực tư pháp, văn bản hành chính và bản dịch chính thức của văn bản đó.
– Quá trình, hệ thống, phương pháp hoạt động, nguyên lý, khái niệm, số liệu.
4. Trình tự, thủ tục đăng ký bản quyền tác giả:
Để thực hiện việc đăng ký bản quyền tác giả, tác giả hoặc chủ sở hữu của tác phẩm được đăng ký bản quyền phải thực hiện theo trình tự, thủ tục sau:
4.1. Chuẩn bị hồ sơ đăng ký bản quyền tác giả:
– Đơn đăng ký bản quyền tác giả theo mẫu của Cục bản quyền tác giả ban hành. Theo đó, trong đơn đăng ký bản quyền phải đảm bảo thể hiện đầy đủ các thông tin sau:
+ Thông tin của tác giả;
+ Thông tin của chủ sở hữu tác phẩm;
+ Thông tin về tác phẩm được đăng ký bản quyền;
+ Trình bày tóm tắt về tác phẩm được đăng ký bản quyền;
+ Thông tin về thời gian hoàn thành tác phẩm về thời gian công bố…
– Giấy cam đoan của tác giả về tác phẩm được tạo ra là của tác giả;
– 02 bản tác phẩm đăng ký bản quyền. Việc yêu cầu có 02 bản tác phẩm như vậy là để 01 bản được lưu tại Cục Bản quyền tác giả và 01 bản được đóng dấu ghi số Giấy chứng nhận đăng ký để gửi trả lại cho cá nhân, tổ chức được cấp Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả.Cụ thể về các bản tác phẩm như sau:
+ Đối với tác phẩm viết: 02 quyển trên giấy A4 có đánh số trang và chữ ký của tác giả vào từng trang hoặc dấu giáp lai của công ty sở hữu;
+ Đối với tác phẩm là chương trình máy tính: 02 bản in mã nguồn, giao diện phần mềm trên giấy A4 và 02 đĩa CD có nội dung mã nguồn và giao diện trên đó;
+ Đối với tác phẩm mỹ thuật ứng dụng: 02 bản in trên giấy A4 tác phẩm có chữ ký hoặc dấu của tác giả, chủ sở hữu tác phẩm;
+ Đối với tác phẩm âm nhạc: 02 bản in phần nhạc có đính kèm lời hoặc bản ghi âm (thu âm) trong trường hợp đã ghi âm;
+ Đối với tác phẩm kiến trúc: 02 bản vẽ trên giấy A3.
– Giấy uỷ quyền trong trường hợp tác giả/ chủ sở hữu của tác phẩm đăng ký bản quyền có uỷ quyền cho người đi nộp hồ sơ;
– Văn bản đồng ý của các đồng tác giả nếu tác phẩm đăng ký bản quyền có nhiều tác giả;
– Văn bản đồng ý của các đồng sở hữu nếu tác phẩm đăng ký bản quyền thuộc sở hữu của nhiều người;
– Nếu chủ sở hữu là doanh nghiệp thì cần phải có Bản sao công chứng Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp;
– Căn cước công dân của tác giả/ chủ sở hữu hoặc của người được uỷ quyền đi nộp hồ sơ.
4.2. Nộp hồ sơ đăng ký bản quyền tác giả đến cơ quan có thẩm quyền xét duyệt:
Sau khi chuẩn bị đầy đủ các tài liệu trong hồ sơ được nêu tại Bước 1 thì người nộp hồ sơ đăng ký bản quyền tác giả có thể nộp hồ sơ trực tiếp hoặc nộp hồ sơ thông qua đường bưu điện đến Cục Bản quyền tác giả tại một trong các địa chỉ sau:
– Tại Thành phố Hà Nội: Cục Bản quyền tác giả tại số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, quận Ba Đình, Thành phố Hà Nội;
– Văn phòng đại diện tại Thành phố Hồ Chí Minh tại số 170 Nguyễn Đình Chiểu, phường 6, quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh;
– Văn phòng đại diện tại Thành phố Đà Nẵng tại số 58 Phan Chu Trinh, quận Hải Châu, Thành phố Đà Nẵng.
4.3. Cục Bản quyền tác giả tiếp nhận hồ sơ và làm việc cấp Giấy chứng nhận bản quyền tác giả cho tác giả/ chủ sở hữu đăng ký:
Cục Bản quyền hoặc các văn phòng đại diện tiếp nhận hồ sơ đăng ký quyền tác giả và có trách nhiệm kiểm tra, xem xét tính hợp lệ của hồ sơ. Nếu hồ sơ hợp lệ thì trong thời hạn 15 ngày làm việc kể từ ngày Cục Bản quyền nhận được hồ sơ thì Cục Bản quyền tác giả có trách nhiệm cấp Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả cho tác giả, chủ sở hữu tác phẩm. Trong trường hợp Cục Bản quyền tác giả không cấp Giấy chứng nhận thì phải có trả lời bằng văn bản gửi đến cá nhân, tổ chức nộp hồ sơ đăng ký.