An toàn thực phẩm là một trong những chủ đề nổi bật quan trọng trong cuộc sống hàng ngày. Bài viết dưới đây cung cấp các thông tin về an toàn thực phẩm và bài phát biểu khai mạc lớp tập huấn về an toàn thực phẩm hay nhất!
Mục lục bài viết
1. An toàn thực phẩm là gì?
An toàn thực phẩm là một trạng thái không gây hại cho sức khỏe của con người khi được tiêu thụ. Điều này đảm bảo rằng thực phẩm đã được sản xuất, chế biến, vận chuyển và lưu trữ đúng cách, tuân thủ các quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm và không chứa các chất độc hại hay ô nhiễm. An toàn thực phẩm là mục tiêu quan trọng trong ngành công nghiệp thực phẩm để bảo vệ sức khỏe và tránh các vấn đề liên quan đến thực phẩm như ngộ độc thực phẩm, nhiễm khuẩn và các bệnh truyền nhiễm khác.
Tầm quan trọng của vệ sinh an toàn thực phẩm
– Ngăn ngừa bệnh tật: Thực phẩm bị nhiễm khuẩn, vi khuẩn hoặc virus có thể gây ra các bệnh nhiễm trùng thực phẩm như tiêu chảy, nôn mửa, sốt, bệnh viêm ruột, viêm gan A, E. Bằng cách tuân thủ các quy tắc vệ sinh an toàn thực phẩm, ta có thể giảm nguy cơ bị nhiễm bệnh và bảo vệ sức khỏe của mình.
– Bảo vệ sức khỏe cộng đồng: Nếu thực phẩm không được chế biến hoặc bảo quản đúng cách, nó có thể gây ra các vụ bùng phát dịch bệnh trong cộng đồng. Điều này đặc biệt quan trọng trong các nhóm nhạy cảm như trẻ em, người già và những người có hệ miễn dịch suy yếu.
2. Bài phát biểu khai mạc lớp tập huấn về an toàn thực phẩm:
Kính thưa các quý vị đại biểu!
Kính thưa……..
An toàn thực phẩm (ATTP) có tầm quan trọng đặc biệt vì đó không chỉ là vấn đề ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người mà còn tác động tới sự phát triển kinh tế, văn hóa – xã hội, an ninh chính trị và quan hệ quốc tế.
Ngộ độc thực phẩm và các bệnh dịch do thực phẩm gây ra không chỉ gây ảnh hưởng trực tiếp tới sức khoẻ và cuộc sống của con người, mà còn gây thiệt hại lớn về kinh tế, là gánh nặng lớn cho chi phí chăm sóc sức khoẻ và giảm đáng kể năng suất lao động.
Bảo đảm An toàn vệ sinh thực phẩm sẽ góp phần vào ổn định chính trị, phát triển kinh tế, văn hóa xã hội, an ninh quốc phòng và bảo đảm cho phát triển giống nòi của mỗi Quốc gia, là nền tảng cho xoá đói giảm nghèo.
Xác định được tầm quan trọng của vấn đề ATTP, những năm qua Đảng, Nhà nước, Chính Phủ rất quan tâm đến công tác đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và ban hành nhiều văn bản chỉ đạo về đảm bảo chất lượng VSATTP. Công tác quản lý và hành lang pháp lý về an toàn thực phẩm từng bước được kiện toàn. Năm 2010, Luật An toàn thực phẩm được Quốc Hội nước CHXHCN Việt Nam khoá XII thông qua tại kỳ họp thứ 7 ngày 17/6/2010, có hiệu lực từ 1/7/2011 là bước ngoặt mới trong công tác quản lý an toàn thực phẩm. Cùng với những vấn đề cấp bách đó Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ban hành Chỉ thị số 08-CT/TW ngày 21/10/2011 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với vấn đề an toàn thực phẩm trong tình hình mới.
Có thể nói, trong những năm qua hành lang pháp lí về vệ sinh an toàn thực phẩm đã từng bước được hoàn thiện, đáp ứng về yêu cầu quản lí Nhà nước và hội nhập quốc tế. Hoạt động phối hợp liên ngành trong quản lí nhà nước về vệ sinh an toàn thực phẩm được tăng cường và có hiệu quả cao hơn. Công tác thông tin, giáo dục, tuyên truyền về vệ sinh an toàn thực phẩm được đẩy mạnh, huy động được các ban ngành, các tổ chức chính trị – xã hội và cả cộng đồng tham gia, tạo sự chuyển biến tích cực về nhận thức, nâng cao trách nhiệm của lãnh đạo các cấp, các ngành, các tổ chức xã hội và người tiêu dùng. Công tác kiểm tra, thanh tra, kiểm nghiệm về vệ sinh an toàn thực phẩm cũng đã được chú ý nâng cao năng lực. Nhiều vụ hàng giả, hàng lậu, hàng kém chất lượng đã được các cơ quan chức năng phát hiện ngăn chặn, có những vụ đã được đưa ra xử lý hình sự.
Tất cả những vấn đề trên đã làm giảm dần số vụ ngộ độc thực phẩm. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm vẫn còn nhiều bức xúc: Chưa kiểm soát và ngăn chặn triệt để tình trạng một số nơi rau quả bị ô nhiễm hoá chất độc hại; thịt gia súc, gia cầm, thuỷ sản của một số cơ sở sản xuất còn dư lượng kháng sinh vượt quá mức cho phép; việc sử dụng các hoá chất, phụ gia độc hại trong chế biến, bảo quản thực phẩm còn khá phổ biến; việc kinh doanh thực phẩm và dịch vụ ăn uống tại các chợ, đường phố, khu du lịch, lễ hội, trường học, bệnh viện, các khu công nghiệp chưa được quản lý tốt. Nhận thức và thực hành của người lãnh đạo, quản lý, người sản xuất, kinh doanh và người tiêu dùng thực phẩm, nhất là ở vùng sâu, vùng xa còn hạn chế.
Tuy nhiên không phải chỉ có nước ta mà cả thế giới đang phải đối mặt với các nguy cơ rất phức tạp của vấn đề VSATTP. Theo báo cáo của WHO, hơn 1/3 dân số các nước đang phát triển bị ảnh hưởng bởi các bệnh do thực phẩm gây ra. Ở các nước đang phát triển tình trạng còn trầm trọng hơn nhiều, hàng năm gây tử vong gần 2,2 triệu người. Dịch Cúm A(H5N1) đã xuất hiện ở hầu hết các nước Châu Âu, Châu Á, Châu Phi và Trung đông gây thiệt hại nghiêm trọng về mặt kinh tế. Những năm gần đây Việt Nam là một trong nhiều nước bị nhiễm virus cúm A/H5N1; H1N1, theo báo cáo của Bộ Y tế Việt Nam là nước có số ca mắc và tử vong do cúm A/H5N1; H1N1 cao so với Thế giới. Tổ chức Y tế Thế giới cảnh báo trong thời gian tới có thể virus cúm gia cầm biến chủng thành chủng mới có động lực cao, lây truyền từ người sang người, ước tính có khoảng từ 1- 40 triệu người sẽ tử vong. Bệnh cúm A/H7N9 đang lây lan nhanh ở Trung Quốc là vấn đề đáng lo ngại với một nước láng giềng như Việt Nam. Trong khi các bệnh dich này chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và vac xin dự phòng thì một trong những biện pháp hữu hiệu nhất để bảo vệ sức khỏe cho nhân dân là đẩy mạnh công tác tuyên truyền phòng chống dịch, tăng cường giám sát, xử lý triệt ổ dịch.
Ở nước ta, việc sản xuất và kinh doanh thực phẩm chủ yếu vẫn là nhỏ lẻ, phân tán. Nhận thức về VSATTP của người sản xuất, người tiêu dùng nhất là người dân còn rất hạn chế. Công tác đảm bảo VSATTP ở nhiều địa phương chưa được quan tâm đúng mức. Ô nhiễm thực phẩm vẫn tồn tại ở tất cả các khâu nuôi trồng, chế biến, bảo quản thực phẩm. Hiện nay, các vấn đề bức xúc nhất đã và đang làm cho cả xã hội nhức nhối đó là:
1. Ngộ độc thực phẩm ở các bếp ăn tập thể, bữa ăn công nghiệp.
2. Tình trạng tồn dư lượng hoá chất bảo vệ thực vật trong rau quả, dư lượng kim loại nặng, hoóc môn, kháng sinh trong sản phẩm động vật.
3. Vấn đề VSATTP trong giết mổ gia súc gia cầm.
4. Tình trạng thực phẩm nhập lậu qua biên giới.
5. Việc buôn bán thực phẩm, phụ gia thực phẩm trên thị trường.
Nguyên nhân của tình trạng trên là do nhận thức và ý thức trách nhiệm của các cơ quan, chính quyền, người sản xuất kinh doanh, người tiêu dùng chưa cao, các cơ sở trồng trọt, chăn nuôi và chế biến thực phẩm chủ yếu vẫn ở trình độ thấp, hệ thống quản lý VSATTP ở các cấp còn chưa hoàn chỉnh, năng lực quản lý còn hạn chế, đặc biệt là chính quyền các cấp chưa quan tâm đúng mức đến việc chỉ đạo thực hiện công tác quản lý VSATTP.
Để đảm bảo chất lượng VSATTP, cần tiến hành đồng bộ các giải pháp, trong cộng đồng trách nhiệm giữa các cấp các ngành và của toàn xã hội trong công tác quản lí về ATVSTP nhằm đảm bảo sức khoẻ cho con nguời và xã hội; có sự phối hợp đồng bộ giữa các ngành chức năng; tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục hơn nữa đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm và người tiêu dùng nhằm nâng cao ý thức chấp hành các quy định về ATVSTP và ý thức trong việc lựa chọn thức phẩm an toàn là giải pháp đặc biệt quan trọng. Do đó, tại hội nghị này, trong điều kiện thời gian có hạn, tôi đề nghị các đồng chí đại biểu dự tập huấn chấp hành tốt nội quy, thời gian và chương trình do Ban Tổ chức hội nghị đề ra, tập trung trí tuệ, nghiên cứu, lĩnh hội các nội dung cơ bản về VSATTP được các đồng chí báo cáo phóng viên truyền đạt tại hội nghị, vận dụng hiệu quả vào tực tiễn công tác, hoạt động sản xuất kinh doanh. Tôi đề nghị các đồng chí báo cáo viến của Trung tâm y tế nghiên cứu, truyền đạt các nội dung ngắn gọn, dễ hiểu, xúc tích và giải đáp kịp thời các vướng mắc của đại biểu dự hội nghị.
Với tầm quan trọng đó, tôi tuyên bố khai mạc hội nghị tập huấn công tác VSATTP năm… Kính chúc các quý vị đại biểu và toàn thê các đồng chí sức khoẻ, hạnh phúc và thành công.
Xin trân trọng cảm ơn!