Kiểu dáng công nghiệp theo quy định tại Điều 4 Luật Sở hữu trí tuệ (được sửa đổi, bổ sung năm 2009), định nghĩa thì Kiểu dáng công nghiệp là hình dáng bên ngoài của sản phẩm được thể hiện bằng hình khối, đường nét, màu sắc hoặc sự kết hợp các yếu tố này. Để nắm hiểu rõ hơn, mời các bạn tham khảo bài viết Bài tập tình huống về Kiểu dáng công nghiệp có đáp án dưới đây.
Mục lục bài viết
1. Bài tập tình huống về Kiểu dáng công nghiệp có đáp án:
Bài 1: Ông Nguyễn Xuân Minh đã sáng tạo ra một dạng hình dưa hấu hình hồ lô độc đáo bằng cách sử dụng khuôn ép, và sản phẩm này có khả năng sản xuất hàng loạt. Sau khi trưng bày sản phẩm tại triển lãm nông sản địa phương, ông Minh đã bán được số lượng lớn sản phẩm. Đánh giá về tiềm năng thương mại cao của sản phẩm, ông Minh đã quyết định xem xét việc đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ.
1. Liệu hình dáng đặc biệt của dưa hấu hình hồ lô có thể được bảo hộ dưới dạng tác phẩm mỹ thuật ứng dụng không? Tại sao?
2. Hình dáng đặc biệt của dưa hấu hình hồ lô có đáp ứng các điều kiện bảo hộ kiểu dáng công nghiệp không?
3. Ý kiến tư vấn trong trường hợp ông Minh muốn đăng ký khuôn ép để tạo ra dưa hấu có hình hồ lô là kiểu dáng công nghiệp.
Đáp án:
1. Liệu hình dáng đặc biệt của dưa hấu hình hồ lô có thể được bảo hộ dưới dạng tác phẩm mỹ thuật ứng dụng không? Tại sao?
Dựa theo quy định tại khoản 2 Điều 13 của Nghị định 22/2018/NĐ-CP hướng dẫn Luật Sở hữu Trí tuệ năm 2005 và Luật Sở hữu Trí tuệ sửa đổi năm 2009 liên quan đến quyền tác giả, tác phẩm mỹ thuật ứng dụng được định nghĩa theo điểm g khoản 1 Điều 14 của Luật Sở hữu Trí tuệ là tác phẩm thể hiện bằng đường nét, màu sắc, hình khối, bố cục có tính hữu ích và có thể kết hợp với đồ vật hữu ích. Đây bao gồm các loại như thiết kế đồ họa, thiết kế thời trang, tạo dáng sản phẩm, thiết kế nội thất, và trang trí.
Theo Điều 6 của Luật Sở hữu Trí tuệ năm 2005, quyền tác giả đối với tác phẩm mỹ thuật ứng dụng phát sinh từ thời điểm sáng tạo và thể hiện dưới hình thức vật chất, không phụ thuộc vào nội dung, chất lượng, hình thức, phương tiện, ngôn ngữ, và có hay chưa công bố, đã đăng kí hay chưa đăng kí.
Dựa vào thông tin cung cấp, tác phẩm mỹ thuật ứng dụng được xem xét là hình dáng dưa hấu hồ lô do ông Minh sáng tạo. Tuy nhiên, hình dáng này không đáp ứng điều kiện về tính mới và tính hữu ích. Hình dáng dưa hấu hồ lô thể hiện bằng đường nét, hình khối không mang tính mới vì giống với hình dáng của bình hồ lô đã có trước đó (như bầu hồ lô). Đồng thời, xét về tính hữu ích, tác phẩm này chỉ đáp ứng nhu cầu thẩm mỹ mà không thay đổi chất lượng của quả dưa.
Do đó, dựa trên các điều kiện về tính mới và tính hữu ích, hình dáng dưa hấu hồ lô của ông Minh không đáp ứng được đủ yêu cầu để được bảo hộ là tác phẩm mỹ thuật ứng dụng theo quy định của Luật Sở hữu Trí tuệ.
2. Hình dáng đặc biệt của dưa hấu hình hồ lô có đáp ứng các điều kiện bảo hộ kiểu dáng công nghiệp không?
Theo quy định tại Điều 4 Luật Sở hữu Trí tuệ SĐBS năm 2009, kiểu dáng công nghiệp được định nghĩa là hình dáng bên ngoài của sản phẩm, thể hiện qua hình khối, đường nét, màu sắc hoặc sự kết hợp của chúng. Kiểu dáng công nghiệp, khi có chức năng thẩm mỹ, hấp dẫn thị hiếu người tiêu dùng bằng sự độc đáo, vẻ đẹp, và sự bắt mắt. Sản phẩm, trong trường hợp này là quả dưa hấu hình hồ lô của ông Minh, được hiểu là đồ vật, dụng cụ, hoặc phương tiện sản xuất bằng phương pháp công nghiệp hoặc thủ công nghiệp, có kết cấu chức năng rõ ràng, và có thể lưu thông độc lập.
Ông Minh muốn đăng ký sở hữu trí tuệ về kiểu dáng công nghiệp của quả dưa hấu hình hồ lô với niềm tin rằng sản phẩm này có khả năng khai thác thương mại cao. Tuy nhiên, theo Điều 63 của Luật Sở hữu Trí tuệ năm 2009, để kiểu dáng công nghiệp được bảo hộ, nó phải đáp ứng ba tiêu chí chính: có tính mới, có tính sáng tạo, và có khả năng áp dụng công nghiệp.
Đối với tiêu chí “Tính mới,” để đánh giá tính mới của kiểu dáng công nghiệp, cần so sánh tập hợp các đặc điểm tạo dáng cơ bản với tập hợp các đặc điểm tạo dáng của kiểu dáng công nghiệp trùng lặp/tương tự gần nhất. Điều này đòi hỏi kiểm tra xem hình dáng quả dưa hấu hình hồ lô đã từng được công bố trên thế giới hay không. Nếu đã tồn tại tương tự trước đó, kiểu dáng công nghiệp mất tính mới.
Đối với tiêu chí “Tính sáng tạo,” kiểu dáng quả dưa hấu hình hồ lô của ông Minh được coi là sáng tạo vì nó đưa ra một bước tiến rõ rệt về mặt kỹ thuật so với các sản phẩm cùng loại trước đó. Tuy nhiên, cần xem xét khả năng tạo hình này có dễ dàng đối với người có trình độ trung bình trong lĩnh vực tương ứng hay không, vì nếu quá dễ dàng, kiểu dáng mất đi tính sáng tạo.
Đối với tiêu chí “Khả năng áp dụng công nghiệp,” sản phẩm của ông Minh có thể sản xuất với số lượng lớn bằng phương pháp thủ công nghiệp, cho nên nó đáp ứng yêu cầu này. Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng việc tạo hình dáng lạ cho nông sản không thể sản xuất hàng loạt.
Ngoài ra, nếu đăng ký kiểu dáng công nghiệp cho hình dáng hồ lô nói trên, mọi hành vi làm ra kiểu dáng đó trên mọi vật, mọi loại quả đều có thể bị vi phạm. Đồng thời, nếu trong tự nhiên có quả dưa hấu hình hồ lô mà không phải do tác động, thì hình dáng đó cũng có thể bị vi phạm.
Dựa vào các phân tích trên, hình dáng quả dưa hấu hình hồ lô không đáp ứng đủ các điều kiện để được bảo hộ là kiểu dáng công nghiệp theo quy định của Luật Sở hữu Trí tuệ.
3. Ý kiến tư vấn trong trường hợp ông Minh muốn đăng ký khuôn ép để tạo ra dưa hấu có hình hồ lô là kiểu dáng công nghiệp.
Do không thể đăng ký kiểu dáng cho quả dưa hấu hình hồ lô, người nắm giữ kiểu dáng trái cây độc đáo có thể tìm đến việc đăng ký bảo hộ cho khuôn ép, điều này sẽ được coi là một kiểu dáng công nghiệp. Bằng cách này, người sở hữu quyền độc quyền đối với khuôn ép, có nghĩa là người khác không được phép sản xuất, mua bán, hoặc sử dụng khuôn tương tự.
Tuy nhiên, trong trường hợp này, người khác vẫn có thể tạo ra quả dưa hấu hình hồ lô bằng cách sử dụng các phương tiện khác, hoặc kỹ thuật khác để ép quả, bưởi thành hình hồ lô. Họ cũng có quyền sản xuất khuôn ép mới có phần rỗng bên trong, nhưng bên ngoài được trang trí thêm để tạo sự khác biệt so với khuôn đã được đăng ký. Điều quan trọng là quyền bảo hộ kiểu dáng công nghiệp chỉ áp dụng cho bề ngoài, không bảo vệ các chi tiết hay cấu trúc bên trong.
Trong trường hợp của ông Minh, để đăng ký khuôn ép để tạo ra quả dưa hấu hình hồ lô làm kiểu dáng công nghiệp có thể được bảo hộ, ông cần kiểm tra xem đã có ai đăng ký khuôn ép tương tự chưa. Nếu chưa có đăng ký, ông có thể đăng ký quyền sở hữu trí tuệ cho khuôn ép của mình. Ngược lại, nếu đã có người đăng ký, ông Minh có thể tìm cách làm cho khuôn ép của mình khác biệt bằng cách thêm vào một số chi tiết trang trí để không vi phạm quyền đã được đăng ký.
Bài 2: Doanh nghiệp MN đặt câu hỏi: Trong tình huống mà trước ngày nộp đơn đăng ký sáng chế, kiểu dáng công nghiệp tương đồng với sáng chế, kiểu dáng công nghiệp đã được người khác sử dụng, nhưng sau đó doanh nghiệp MN tạo ra một sáng chế, kiểu dáng công nghiệp đồng nhất với sáng chế, kiểu dáng công nghiệp trong đơn đăng ký của mình một cách độc lập. Liệu sau khi văn bằng bảo hộ được cấp, doanh nghiệp MN có quyền tiếp tục sử dụng sáng chế, kiểu dáng công nghiệp đó không?
Đáp án:
Theo điều 16 của Điều 1 trong Luật Sửa đổi, Bổ sung Một số Điều của Luật Sở hữu Trí tuệ (năm 2009), quy định về quyền sử dụng trước đối với sáng chế và kiểu dáng công nghiệp như sau:
– Trong trường hợp trước ngày nộp đơn hoặc ngày ưu tiên (nếu có) của đơn đăng ký sáng chế hoặc kiểu dáng công nghiệp, người nào đã sử dụng hoặc đang chuẩn bị điều kiện cần thiết để sử dụng sáng chế hoặc kiểu dáng công nghiệp đồng nhất với sáng chế, kiểu dáng công nghiệp trong đơn đăng ký của mình, nhưng được tạo ra một cách độc lập (được gọi là người có quyền sử dụng trước), sau khi văn bằng bảo hộ được cấp, người đó được quyền tiếp tục sử dụng sáng chế hoặc kiểu dáng công nghiệp trong phạm vi và khối lượng đã sử dụng hoặc đã chuẩn bị để sử dụng mà không phải xin phép hoặc trả tiền đền bù cho chủ sở hữu sáng chế hoặc kiểu dáng công nghiệp được bảo hộ. Việc thực hiện quyền này không bị coi là xâm phạm quyền của chủ sở hữu sáng chế hoặc kiểu dáng công nghiệp.
– Người có quyền sử dụng trước sáng chế hoặc kiểu dáng công nghiệp không được phép chuyển giao quyền này cho người khác, trừ trường hợp chuyển giao quyền đồng thời với việc chuyển giao cơ sở sản xuất, kinh doanh tại địa điểm sử dụng hoặc chuẩn bị sử dụng sáng chế hoặc kiểu dáng công nghiệp. Người có quyền sử dụng trước không được mở rộng phạm vi, khối lượng sử dụng nếu không được sự đồng ý của chủ sở hữu sáng chế hoặc kiểu dáng công nghiệp.
Do đó, theo quy định của pháp luật như trên, trong tình huống trước ngày nộp đơn đăng ký sáng chế hoặc kiểu dáng công nghiệp, nếu có người đã sử dụng sáng chế hoặc kiểu dáng công nghiệp đồng nhất với sáng chế, kiểu dáng công nghiệp trong đơn đăng ký của mình mà lại tạo ra một cách độc lập, sau khi được cấp văn bằng bảo hộ, người đó được quyền tiếp tục sử dụng sáng chế hoặc kiểu dáng công nghiệp đó.
2. Kiểu dáng công nghiệp là gì?
Kiểu dáng công nghiệp theo quy định tại Điều 4 Luật Sở hữu trí tuệ (được sửa đổi, bổ sung năm 2009), khoản 13 về giải thích từ ngữ:
“Kiểu dáng công nghiệp là hình dáng bên ngoài của sản phẩm được thể hiện bằng hình khối, đường nét, màu sắc hoặc sự kết hợp các yếu tố này”.
Về kiểu dáng công nghiệp, Luật mẫu của Tổ chức sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO – WIPO là một trong 16 cơ quan của Liên hợp quốc, có trụ sở tại Geneve, Thụy Sỹ, được thành lập năm 1967 và có trách nhiệm thúc đẩy việc bảo hộ sở hữu trí tuệ trên toàn thể giới thông qua việc thúc đầy hợp tác giữa các quốc gia trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ, quản lý nhiều “liên hiệp” và các tổ chức hiệp định khác được thành lập trên cơ sở các hiệp định đa phương và tạo ra các luật mẫu để các nước đang phát triển thông qua) quy định về kiểu dáng công nghiệp dùng cho các nước đang phát triển như:
“Kiểu dáng công nghiệp là bất kỳ kiểu dáng đường nét hoặc màu sắc của khối ba chiều tạo ra vẻ bề ngoài của sản phẩm công nghiệp hoặc thủ công nghiệp có thể dùng làm mẫu để sản xuất sản phẩm công nghiệp hoặc thủ công nghiệp”.
3. Điều kiện bảo hộ kiểu dáng công nghiệp:
Theo quy định tại Điều 63 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 (Luật sở hữu trí tuệ sửa đổi, bổ sung năm 2009 và Văn bản hợp nhất luật sở hữu trí tuệ số 07/VBHN-VPQH năm 2019) về điều kiện chung đối với kiểu dáng công ngiệp, một kiểu dáng được bảo hộ là kiểu dáng công nghiệp phải đáp ứng các điều kiện:
a) Kiểu dáng phải có tính mới;
b) Có tính sáng tạo;
c) Có khả năng áp dụng công nghiệp.
Tất cả các nước đều có quy định chung. Kiểu dáng công nghiệp được bảo hộ qua đăng ký. Cũng tương tự như sáng chế, nhiều nước đòi hỏi kiểu dáng công nghiệp phải có tính mới và phạm vi mà tính mới bị ảnh hưởng (quốc gia hay quốc tế). Tuy nhiên, tiêu chuẩn của tính mới cũng thay đổi hoặc theo tính mới trong nước hoặc theo tính mới thế giới.
Theo Hiệp định Hague về đăng ký quốc tế kiểu dáng công nghiệp năm 1925 do WIPO quản lý, thực hiện thì việc đăng ký quốc tế kiểu dáng công nghiệp có thể được thực hiện ở Văn phòng Quốc tế của WIPO hoặc trực tiếp hoặc thông qua trung gian là Văn phòng sở hữu công nghiệp quốc gia của nước thành viên là xuất xứ nếu pháp luật của nước đó quy định.
Một đặc điểm then chốt của khả năng áp dụng kiểu dáng công nghiệp vào sản xuất là nó có thể lặp lại với quy mô thương mại trong một quốc gia và nhiều quốc gia. Một số nước coi sản phẩm thủ công – mỹ nghệ không thuộc phạm vi được bảo hộ là kiểu dáng công nghiệp và quy định các sản phẩm thủ công – mỹ nghệ được bảo hộ theo luật quyền tác giả. Nhưng cũng thuộc lĩnh vực trên, ở một số nước pháp luật lại quy định một sản phẩm có thể được bảo hộ theo cả quyền tác giả và kiểu dáng công nghiệp. Kiểu dáng được bảo hộ là kiểu dáng công nghiệp nếu nó được thể hiện theo hình dáng riêng của một sản phẩm mà hình dáng của nó là mới hoặc nguyên gốc.
Kiểu dáng công nghiệp được các nước trên thế giới bảo hộ đều có chung một yêu cầu và xem như một nguyên tắc là: Kiểu dáng phải được thể hiện ra bên ngoài dưới hình thức khách quan. Kiểu dáng phải được “đánh giá bằng mắt”, do vậy các chức năng của một vật không được bảo hộ đồng thời với phương pháp làm ra vật đó. Quy định trên đã loại trừ các đặc điểm về hình dáng bên ngoài mà không thể nhận biết được quá trình sử dụng thông thường của sản phẩm;
– Kiểu dáng đó phải có một sự khác biệt đáng kể giữa kiểu dáng của một người có đơn xin bảo hộ và các kiểu dáng đã được sử dụng hay công bố trước đó về tính mới và tính độc đáo;
– Không có việc đăng ký hay sử dụng trước đó;
– Kiểu dáng phải có khả năng áp dụng vào sản xuất công nghiệp.
Những kiểu dáng “nhái lại một cách gian dối hay rõ ràng” kiểu dáng đã đăng ký thì đều bị coi là vi phạm. Hành vi bắt chước một cách rõ ràng được hiểu là việc bắt chước một kiểu dáng về những chi tiết không giống tuyệt đối nhưng là một bản sao lại rõ ràng kiểu dáng của người khác đã được pháp luật bảo hộ mà một người bình thường cũng có thể nhận biết được bằng mắt thường. Hành vi bắt chước một cách gian dối được hiểu là sự bắt chước được thực hiện trên cơ sở có sự tính toán, có chủ định của người bắt chước kiểu dáng công nghiệp của người khác đã được đăng ký và kiểu dáng được tạo thành do bắt chước mà có được cũng dễ dàng nhận ra bằng mắt thường.
Theo quy định của Hiệp định song phương về lĩnh vực thương mại Việt Nam – Hoa Kỳ, tại Điều 10 về kiểu dáng công ghiệp thì việc bảo hộ kiểu dáng công nghiệp được tạo ra một cách độc lập, có tính mới nguyên gốc. Một bên Việt Nam hoặc Hoa Kỳ có thể có quy định về kiểu dáng có tính mới hoặc tính nguyên gốc nếu không khác biệt đáng kể so với các kiểu dáng đã biết hoặc sự kết hợp các đặc điểm của các kiểu dáng đã biết. Nhưng việc bảo hộ này không áp dụng đối với những kiểu dáng được xác định chủ yếu bởi các đặc điểm kỹ thuật hoặc chức năng. Theo quy định tại Điều 10 Hiệp định thương mại Việt Nam – Hoa Kỳ, thì mỗi bên dành cho chủ sở hữu kiểu dáng công ghiệp đang được bảo hộ quyền ngăn cấm những người không có sự đồng ý của chủ sở hữu được chế tạo, bán, nhập khẩu hoặc phân phối dưới hình thức khác các sản phẩm mang hoặc thể hiện một kiểu dáng là bản sao hoặc cơ bản là bản sao của kiểu dáng đang được bảo hộ, nếu các hành vi đó được thực hiện nhằm mục đích thương mại. Một bên có thể quy định một số ngoại lệ đối với việc bảo hộ kiểu dáng công nghiệp, với điều kiện là các ngoại lệ đó không mầu thuẫn với việc khai thác bình thường kiểu dáng công nghiệp đang được bảo hộ và không gây phương hại một cách bất hợp lý đến các lợi ích hợp pháp của chủ sở hữu kiểu dáng công nghiệp được bảo hộ. Thời hạn bảo hộ kiểu dáng công nghiệp theo Hiệp định thương mại Việt Nam – Hoa Kỳ tối thiểu là 10 năm – Điều 10 Hiệp định thương mại song phương Việt Nam – Hoa Kỳ.
THAM KHẢO THÊM: