Đàn ghi ta của Lor - ca là một biểu tượng đặc trưng cho phong cách thơ tượng trưng của tác giả Thanh Thảo. Qua bài thơ, tác giả thể hiện nỗi đau, sự xúc động trước cái chết bi thảm của người nghệ sĩ Lor - ca. Để tìm hiểu thêm về bài thơ này, mời bạn đọc theo dõi bài viết: Phân tích nhân vật Lor - ca trong bài thơ Đàn ghi ta của Lor - ca.
Mục lục bài viết
1. Phân tích nhân vật Lor – ca trong bài thơ Đàn ghi ta của Lor – ca đặc sắc nhất:
Lor – ca là một người nghệ sĩ thiên tài của đất nước Tây Ban Nha nhưng lại mang số phận bất hạnh. Ông là một con người hết lòng vì đất nước Tây Ban Nha, muốn cách tân cho nền nghệ thuật già nua của đất nước nhưng đã bị bọn phát xít Phrăng cơ bắt giết. Số phận Lor – ca được nhà thơ Thanh Thảo thể hiện qua bài thơ “Đàn ghi ta của Lor – ca”. Âm thanh của tiếng đàn trong bài thơ cũng là số phận của Lor – ca.
Trước hết, Lor – ca hiện lên là một con người tài năng nhưng sống trong một đất nước đang có nhiều biến động về chính trị:
“Những tiếng đàn bọt nước
Tây Ban Nha, áo choàng đỏ gắt”.
Màu đỏ của áo choàng làm ta nhớ tới những trận đấu bò tót đặc trưng cho một nền văn hóa đất nước Tây Ban Nha, cũng làm ta nghĩ tới tình hình chính trị phức tạp của đất nước Tây Ban Nha rối ren, phức tạp. Màu đỏ cũng là màu máu của Lor – ca. Lor – ca đi khắp nơi, đánh những bản nhạc, những tiếng đàn “li la li la li la”. Lor – ca là một nghệ sĩ đánh đàn ghi ta tự do, một người đơn độc với vầng trăng, với yên ngựa. Tuy nhiên, những tư tưởng, ý tưởng cách tân của Lor – ca bị coi là mầm mống phản động nên ông bị bọn thực dân bắt và nhốt:
“Bỗng kinh hoàng
áo choàng bê bết đỏ
Lor – ca bị điệu về bãi bắn
Chàng đi như người mộng du”.
Lor – ca bị bắt, bị xử bắn nhưng Lor – ca không sợ cái chết. Lor – ca không quan tâm đến việc mình phải chết. Dù Lor – ca chết nhưng tiếng đàn tượng trưng tài năng của Lor – ca vẫn còn mãi.
“Tiếng ghi ta nâu
bầu trời cô gái ấy
tiếng ghi ta lá xanh biết mấy
tiếng ghi ta tròn bọt nước vỡ tan
tiếng ghi ta dòng dòng máu chảy”.
Tiếng đàn chính là tài năng của Lor – ca, cũng là thân phận nghệ thuật nói chung trong một thực tại mà cái cũ, cái lạc hậu thống trị nền nghệ thuật. “Tiếng ghi ta nâu” làm ta nhớ tới vỏ cây đàn ghi ta, cây đàn đã theo Lor – ca suốt cả cuộc đời. Cây đàn chính là biểu tượng đất nước Tây Ban Nha. Hình ảnh “lá xanh” chính là màu xanh của hi vọng, làm ta nhớ tới khát vọng cách tân nền nghệ thuật đã già nua của đất nước Tây Ban Nha. Lor – ca muốn thể hiện sau mình sẽ có những cách tân nghệ thuật, làm tiếp những việc mà chính ông chưa làm được. Hình ảnh khác mà Thanh Thảo dùng để khái quát về Lor – ca: “Những tiếng đàn bọt nước”. Hình ảnh bọt nước gợi ra tiếng đàn tròn trịa, trong trẻo, long lanh nhưng đồng thời bọt nước còn gắn với sự mong manh dễ vỡ. Hình ảnh đã góp phần thể hiện cuộc đời ngắn ngủi của Lor – ca. Tác giả chọn hình ảnh tiếng đàn là hình ảnh đầu tiên để gây ấn tượng về Lor – ca bởi nghệ thuật là một phần của Lor – ca, tinh túy và đẹp đẽ nhất của Lor – ca. Bên cạnh đó, Lor – ca còn là người nghệ sĩ tự do, khao khát đi tìm cái mới, sáng tạo để cách tân nền nghệ thuật đã cũ kĩ.
Tiếng đàn, cái đẹp của nghệ thuật vì trong hoàn cảnh đất nước rối ren mà bị vùi lấp, không thể phát triển được. Tiếng đàn như trở thành một sinh thể sống, có máu và nước mắt, làm người đọc, người nghe đồng cảm với thân phận Lor – ca, cũng là thân phận của nghệ thuật nói chung trong một thực tại cái ác cai trị.
“Không ai chôn cất tiếng đàn
tiếng đàn như cỏ mọc hoang
giọt nước mắt vầng trăng
long lanh trong đáy giếng”.
Qua câu thơ làm ta nhớ tới tâm nguyện của Lor – ca khi còn sống “Khi tôi chết, hãy chôn tôi với cây đàn”. Mọi người ngưỡng mộ tài năng của Lor – ca, không ai muốn vượt qua Lor – ca. Tài năng của Lor – ca trở nên bất hủ như cỏ mọc hoang. Cỏ hoang mọc – vừa thể hiện sự dang sở sự nghiệp và những dự định chưa thực hiện được.
Thanh Thảo đã xuất sắc thể hiện được tiếng đàn của Lor – ca. Tiếng đàn ấy không chỉ đơn giản mà ẩn chứa trong đó là tâm hồn, sự sống, sự bất diệt của một con người. Tiếng đàn còn mang theo niềm mong ước của Lor – ca về một cách tân nghệ thuật. Qua bài thơ “Đàn ghi ta của Lor – ca”, từ âm thanh tiếng đàn không những thấy được tiếng đàn là thân phận Lor – ca cũng là thân phận của nghệ thuật nói chung, trong một thực tại mà cái ác cai trị. Tiếng đàn còn là vẻ đẹp tâm hồn, là sức sống và cũng là sự bất diệt của Lor – ca. Từ đó, ta càng thấy tài năng của Thanh Thảo và trách nhiệm của bản thân trong phát huy và giữ gìn các giá trị truyền thống của dân tộc.
2. Phân tích nhân vật Lor – ca trong bài thơ Đàn ghi ta của Lor – ca hay nhất:
Nhà thơ Thanh Thảo sinh ra và lớn lên tại Quảng Ngãi. Ông luôn cố gắng cách tân nền văn học thơ ca nghệ thuật Việt Nam cũng như theo đuổi trường phái nghệ thuật siêu thực như Lor – ca. Bài thơ Đàn ghi ta của Lor – ca là một tác phẩm nổi bật nhất trong sự nghiệp sáng tác của Thanh Thảo. Với lời thơ giàu ý nghĩa biểu trưng, Thanh Thảo đã vô cùng thành công khi tái hiện hình ảnh nghệ sĩ Lor – ca đẹp đẽ, hiên ngang, dũng cảm nhưng bạc mệnh. Hình tượng Lor – ca là hình tượng trung tâm, làm nổi bật tư tưởng, chủ đề tác phẩm.
Trước hết, Lor – ca là người nghệ sĩ, chiến sĩ đơn độc. Hình ảnh đầu tiên Thanh Thảo dùng để khái quát về Lor – ca: “Những tiếng đàn bọt nước”. Hình ảnh bọt nước gợi ra tiếng đàn tròn trịa, trong trẻo, long lanh nhưng đồng thời bọt nước còn gắn với sự mong manh dễ vỡ. Hình ảnh đã góp phần thể hiện cuộc đời ngắn ngủi của Lor – ca. Tác giả chọn hình ảnh tiếng đàn là hình ảnh đầu tiên để gây ấn tượng về Lor – ca bởi nghệ thuật là một phần của Lor – ca, tinh túy và đẹp đẽ nhất của Lor – ca. Bên cạnh đó, Lor – ca còn là người nghệ sĩ tự do, khao khát đi tìm cái mới, sáng tạo để cách tân nền nghệ thuật đã cũ kĩ. Trên con đường sáng tạo nghệ thuật đó, hành trang mà Lor – ca mang theo vô cùng giản dị:
Với vầng trăng chếnh choáng
Trên yên ngựa mỏi mòn
Hành trang của Lor – ca là niềm đam mê, tình yêu nghệ thuật tha thiết, khao khát đi tìm cái mới, cái đẹp, sáng tạo nền nghệ thuật Tây Ban Nha. Dù trên con đường đó có nhiều chông gai, đơn độc những chưa một phút giây người nghệ sĩ ấy nản lòng, từ bỏ. Với sau câu thơ đầu, tác giả đã dựng lên chân dung người nghệ sĩ Lor – ca tài hoa, lãng mạn, tự do, phóng khoáng, dành trọn cuộc đời cho nghệ thuật. Song người nghệ sĩ ấy thật cô đơn trên hành trình sáng tạo nghệ thuật tại quê hương của chính mình.
Tuy nhiên, Lor – ca lại là một người nghệ sĩ có số phận bất hạnh. Cả cuộc đời ông đều mang trong mình những ước nguyện lớn lao là cách tân nền nghệ thuật, đem đến một làn gió mới cho nền thơ ca già cỗi. Sự phóng khoáng, lãng mạn của Lor – ca phải đối mặt cái đẫm máu, độc tài của chế độ phát – xít, tư tưởng cách tân tiến bộ phải đối mặt với nghệ thuật già nua, bảo thủ lúc bấy giờ. Ông và thứ nghệ thuật đẹp đẽ kia vấp phải trở ngại quá lớn, bị các thế lực tàn ác hủy hoại đến tận cùng. Thanh Thảo không đi sâu vào chi tiết sự ra đi của Lor – ca mà chỉ nhấn mạnh, tô đậm vào phút giây bi phẫn, đau đớn nhất cuộc đời Lor – ca, đó là khi Lor – ca bị chủ nghĩa phát xít sát hại. “Bỗng kinh hoàng” là tiếng nói giật mình, thảng thốt, nhấn mạnh sự đột ngột, đau đớn. Hình ảnh thơ đã tô đậm cái chết vô cùng đau đớn của người nghệ sĩ. Những câu thơ cuối bài chính là lời tổng kết của Thanh Thảo về ý nghĩa cái chết, về vẻ đẹp và nhân cách của Lor – ca. Có thể nhận thấy trong bốn câu thơ cuối, tác giả sử dụng cấu trúc câu chủ động: “Chàng ném…” thể hiện sự dứt khoát, biểu trưng cho sự tự tin, bản lĩnh khi tự quyết định số phận mình của Lor – ca, Sự ra đi của Lor – ca như một lời cảnh tỉnh cho người dân Tây Ban Nha lúc bấy giờ về sự cai trị độc tài của chế độ phát xít. Bởi vậy, cái chết của Lor – ca càng trở nên nhân văn, giàu ý nghĩa hơn.
Bằng lối thơ tượng trưng siêu thực giàu ý nghĩa, Thanh Thảo đã tái hiện thành công chân dung người nghệ sĩ tài hoa Lor – ca. Lor – ca đã dùng tài năng của mình để ca ngợi sự tự do, phản đối chế độ phát xít và khao khát đổi mới nền nghệ thuật đã cũ kĩ, lạc hậu của Tây Ban Nha. Thanh Thảo viết bài thơ như một bản nhạc du dương, sâu lắng, tiễn đưa người nghệ sĩ tài năng về cõi vĩnh hằng, thoát khỏi gian khổ và bất công trong xã hội Tây Ban Nha.
3. Những lưu ý khi phân tích nhân vật Lor – ca trong bài thơ Đàn ghi ta của Lor – ca:
- Phân tích đề:
+ Kiểu bài: Dạng phân tích nhân vật trong tác phẩm văn học.
+ Vấn đề nghị luận: Hình tượng nhân vật Lor – ca.
+ Phạm vi dẫn chứng, tư liệu: Các căn cứ, hình ảnh chi tiết, câu thơ,… thuộc phạm vi bài thơ Đàn ghi ta của Lor – ca (Thanh Thảo).
- Xác lập luận điểm, luận cứ:
+ Luận điểm 1: Lor – ca là người nghệ sĩ tự do nhưng cô đơn.
+ Luận điểm 2: Lor – ca và cái chết đầy oan khuất.
+ Luận điểm 3: Lor – ca là người nghệ sĩ bất tử cùng nghệ thuật chân chính.
- Viết bài:
+ Viết đúng trọng tâm vấn đề, tránh lan man, dài dòng, bám sát vào luận điểm và luận cứ.
+ Có thể mở bài/kết bài trực tiếp hoặc gián tiếp.
+ Dành 5 – 10 phút cuối giờ để đọc lại bài và kiểm tra chính tả, ngữ pháp
THAM KHẢO THÊM: