Luyện tập xây dựng kết bài trong bài văn miêu tả cây cối giúp các em học sinh lớp 4 nhanh chóng trả lời các câu hỏi trong SGK Tiếng Việt 4. Qua đó, giúp các em viết đoạn kết bài cho bài văn tả cây cối thật hay. Đồng thời, cũng giúp thầy cô nhanh chóng hoàn thiện giáo án. Mời các bạn tham khảo trong bài viết dưới đây.
Mục lục bài viết
1. Luyện tập xây dựng kết bài trong bài văn miêu tả cây cối:
Câu 1: Có thể dùng các câu sau để kết bài không? Vì sao?
a. Rồi đây, đến ngày xa mái trường thân yêu, em sẽ mang theo nhiều kỉ niệm của thời thơ ấu bên gốc bàng thân thuộc của em (Đề bài: Tả cây bàng ở sân trường em)
b. Em rất thích cây phượng, vì phượng chẳng những cho chúng em bóng mát để vui chơi mà còn làm tăng thêm vẻ đẹp của trường em. (Đề bài: Tả cây phượng ở sân trường em)
Phương pháp giải:
Con đọc kĩ từng câu xem có thể kết bài bằng cách nào.
Lời giải chi tiết:
Có thể dùng các câu a và b để kết bài vì đây là hai đoạn văn thể hiện cảm nghĩ của người khi viết về cây, rất thích hợp với phần kết của một bài văn miêu tả cây cối.
Câu 2: Quan sát một cây mà em yêu thích và cho biết:
a. Cây đó là cây gì?
b. Cây đó có ích lợi gì?
c. Em yêu thích, gắn bó với cây như thế nào? Em có cảm nghĩ gì về cây?
Phương pháp giải:
Con đọc kĩ và làm theo yêu cầu của từng câu.
Lời giải chi tiết:
a) Cây đó là cây gì?
– Đó là cây vú sữa trước cửa nhà em.
b) Cây đó có ích lợi gì?
– Cây vú sữa, vừa cho bóng mát vừa cho quả ngon.
c) Em yêu thích, gắn bó với cây như thế nào? Em có cảm nghĩ gì về cây?
Trưa nắng, em thường đem một chiếc võng ra nằm dưới bóng cây vú sữa để đọc sách hoặc nghỉ trưa nên em vô cùng yêu mến cây vú sữa này. Khi ăn những quả vú sữa chín thơm ngon, em luôn nhớ ơn ông nội em là người đã trồng cây này từ khi em còn chưa ra đời.
Câu 3: Dựa vào các câu trả lời trên, hãy viết một kết bài mở rộng cho bài văn.
Phương pháp giải:
Sau khi kết thúc việc miêu tả, con có thể bình luận thêm về lợi ích của cây, tình cảm hoặc ấn tượng đặc biệt của người viết đối với cây (kết bài mở rộng).
Lời giải chi tiết:
Đoạn văn tham khảo:
Cây vú sữa trước cửa nhà em vừa cho bóng mát vừa cho nhiều quả ngon. Các buổi trưa nắng, em thường treo võng dưới bóng cây để nằm đọc sách hoặc nghỉ ngơi. Khi ăn những trái vú sữa ngon ngọt, em thường nghĩ tới công ơn của ông nội em – người đã trồng cây này từ khi em còn chưa cất tiếng khóc chào đời. Em sẽ chăm sóc cây vú sữa để nó mãi mãi gắn bó với em, đem đến cho em những hương vị ngọt ngào.
Câu 4: Viết kết bài mở rộng cho một trong các đề tài dưới đây:
a. Cây tre ở làng quê
b. Cây tràm ở quê em
c. Cây đa cổ thụ ở đầu làng
Phương pháp giải:
Trong phần kết bài mở rộng, ngoài việc bày tỏ cảm nghĩ với cây, con có thể nêu lợi ích của cây hoặc mở rộng bình luận về cây, đó là kết bài mở rộng.
Lời giải chi tiết:
a) Cây tre ở làng quê
“Mai sau
Mai sau
Mai sau
Đất xanh tre mãi xanh màu tre xanh”
Cây tre vốn là biểu tượng của làng quê Việt Nam, chỉ cần trở lại làng quê, nhìn thấy bóng tre xanh mát bên đường là cảm giác bình yên lại tràn về. Mai sau dù có đi đâu xa chăng nữa, em vẫn sẽ luôn nhớ về quê hương, về những lũy tre bao trùm xóm làng, ôm ấp tuổi thơ, nâng cánh ước mơ cho em
b) Cây tràm ở quê em
Em thích cây tràm lắm! Tràm cho chúng em bóng mát để vui chơi trong những giờ giải lao. Tràm tô điểm cho ngôi trường thêm duyên dáng. Tràm cung cấp thứ gỗ quý cho mọi người. Và sau nữa, giữa trưa hè êm ả nằm dưới gốc tràm mà ngắm hoa rơi thì thật là tuyệt.
c) Cây đa cổ thụ ở đầu làng.
Cây đa cổ thụ đã trở thành một hình ảnh thân quen gắn bó với làng em. Sau này, khi phải đi xa để học tập hay làm việc, chắc chắn mỗi khi nhớ về làng quê, em không thể quên hình ảnh của cây đa cao lớn, xum xuê, quanh năm xanh tốt, nó đang đứng ở đầu làng như chờ đợi những người của làng quê trở về.
2. Luyện tập xây dựng kết bài trong bài văn miêu tả cây cối ngắn gọn:
Câu 1: Có thể dùng các câu sau để kết bài không? Vì sao?
a) Rồi đây đến ngày xa mái trường thân yêu, em sẽ mang theo nhiều kỉ niệm của thời thơ ấu bên gốc bàng thân thuộc của em. (Đề bài: Tả cây bàng ở sân trường em.)
……….., vì……..
b) Em rất thích cây phượng, vì phượng chẳng những cho chúng em bóng mát để vui chơi mà còn làm tăng thêm vẻ đẹp của trường em. (Đề bài : Tả cây phượng ở sân trường em.)
……., vì……..
Phương pháp giải:
Kết bài trong bài văn tả cây cối có thể nêu tình cảm, lợi ích của cây hoặc sự gắn bó của cây đối với con người.
Lời giải chi tiết:
a) Rồi đây đến ngày xa mái trường thân yêu, em sẽ mang theo nhiều kỉ niệm của thời thơ ấu bên gốc bàng thân thuộc của em. (Đề bài : Tả cây bàng ở sân trường em.)
Có thể dùng, vì trong đoạn kết này, người viết đã nói lên được tình cảm của mình đối với cây.
b) Em rất thích cây phượng, vì phượng chẳng những cho chúng em bóng mát để vui chơi mà còn làm tăng thêm vẻ đẹp của trường em. (Đề bài : Tả cây phượng ở sân trường em.)
Có thể dùng, vì kết bài đã nói lên được lợi ích của cây và tình cảm của người tả đối với cây.
Câu 2: Quan sát một cây mà em yêu thích, trả lời các câu hỏi sau:
a) Cây đó là cây gì ?
b) Cây đó có ích lợi gì ?
c) Em yêu thích, gắn bó với cây như thế nào? Em có cảm nghĩ gì về cây?
Phương pháp giải:
Em làm theo yêu cầu của bài tập.
Lời giải chi tiết:
a) Cây đó là cây gì ?
Cây bàng.
b) Cây đó có ích lợi gì ?
Tỏa bóng mát rượi.
c) Em yêu thích, gắn bó với cây như thế nào ? Em có cảm nghĩ gì về cây ?
Em rất thích cây bàng, ngày nào em cũng cùng với bạn mình ngồi được dưới tán bàng bóng mát, ôn bài. Em nghĩ rằng có lẽ mãi cho đến sau này, khi đã lớn khôn em cũng không thể quên được nó.
Câu 3: Dựa vào các câu trả lời trên, hãy viết một kết bài mở rộng cho bài văn:
Phương pháp giải:
Sau khi kết thúc việc miêu tả, con có thể bình luận thêm về lợi ích của cây, tình cảm hoặc ấn tượng đặc biệt của người viết đối với cây (kết bài mở rộng).
Lời giải chi tiết:
Rồi một ngày kia, em sẽ lớn lên và rời xa mái trường tiểu học thân yêu. Lúc đó, nhất định em không thể nào quên được cây bàng già nua này. Bởi nó như một người bạn thân thiết cho em bóng mát, cho em những sắc lá đỏ rực vào ngày đông, xanh non vào đầu xuân. Những sắc lá ấy như một chiếc đồng hồ đong đếm nhịp thời gian. Và cả những trái bàng nho nhỏ xinh xinh kia nữa. Có lẽ, mãi mãi em không thể nào quên được.
Câu 4: Em hãy viết kết bài mở rộng cho một trong các đề bài dưới đây:
a) Cây tre ở làng quê.
b) Cây tràm ở quê em.
c) Cây đa cổ thụ ở đầu làng.
Phương pháp giải:
Trong phần kết bài mở rộng, ngoài việc bày tỏ cảm nghĩ với cây, em có thể nêu lợi ích của cây hoặc mở rộng bình luận về cây, đó là kết bài mở rộng.
Lời giải chi tiết:
Ba tôi vẫn bảo rằng dù đã xa làng quê, xa lũy tre làng nhưng hình ảnh lũy tre cao vút xanh tươi và nhất là những tiếng gió thổi vi vút qua rặng tre mãi không phai nhòa trong tâm tưởng người. Đó phải chăng là một hình ảnh không gì có thể thay thế trong kí ức về quê mẹ thân yêu!
3. Viết kết bài cho bài văn Tả cây cối:
Kết bài Tả cây bàng
Một năm bốn mùa, cây bàng bốn lần thay áo mới. Cũng như chúng em, cây bàng thích mặc áo mới, thích được xúng xính cùng bạn bè. Suốt những năm qua, cây bàng cùng chúng em học tập và rèn luyện chăm chỉ mỗi ngày. Cây đã chứng kiến những kỉ niệm đẹp và đáng nhớ của em và bè bạn. Em mong rằng, dù chúng em đã tốt nghiệp và đến những chân trời mới thì cây bàng vẫn sẽ đứng đó, tươi tốt và hiền hòa đón chúng em trở về thăm trường.
Kết bài Tả cây phượng
Cây phượng vĩ là “nữ hoàng” của mùa hạ. Nhờ phượng réo rắt tỏa sắc đỏ tươi rạng ngời mà chúng em biết mùa thi đã về, thêm cặm cụi học tập, ôn luyện. Dưới tán lá phượng xanh rì, em và các bạn vừa học, vừa chơi, vừa hoạt động tập thể. Cây như một người bạn hiền lành luôn ở bên chúng em mọi lúc vui buồn. Em mong cây sẽ mãi luôn như thế, cao lớn, vững chãi và xanh tươi. Dù bao mùa mưa nắng trôi qua, cây vẫn luôn là cái ô xanh khổng lồ trong lòng chúng em.
Kết bài Tả cây cam
Cây cam không chỉ cho bóng mát mà còn cho trái ngọt. Chiều chiều, sau khi đi học về em sẽ ra vườn tưới nước cho cây. Mỗi cuối tuần thì bố sẽ tỉa cành, nhổ cỏ dưới gốc cây, nhờ vậy mà cây lớn lên khỏe mạnh, tươi tốt. Ngắm tán lá xanh rì rào trong gió, em cảm thấy như đó là tiếng cảm ơn của cây cam dành cho gia đình em vì đã chăm sóc cây mỗi ngày.
THAM KHẢO THÊM: