Với đường bờ biển 3.260km trải dài từ Bắc xuống Nam, Việt Nam là khu vực được mẹ thiên nhiên ưu đãi cho nguồn thuỷ sản phong phú. Đồng thời nhờ vào lợi thế vùng đặc quyền kinh tế biển vô cùng rộng lớn, không thể không nói rằng Việt Nam nước ta có điều kiện cực kỳ thuận lợi để phát triển ngành nuôi thuỷ sản.
Mục lục bài viết
1. Nước ta có các điều kiện nào để phát triển ngành thủy sản?
– Nước ta có vùng biển vô cùng rộng, ấm, kín, nhiều vũng vịnh, đầm phá, cửa sông ra biển và vùng nước lợ. Nước ta có nhiều ngư trường lớn (4 ngư trường trọng điểm bao gồm: Cà Mau – Kiên Giang, Ninh Thuận – Bình Thuận – Bà Rịa – Vũng Tàu, Hải Phòng – Quảng Ninh, quần đảo Hoàng Sa – Trường Sa) tạo điều kiện cho hàng ngàn cư dân sinh sống bằng nghề bám biển.
– Có nhiều sông ngòi, kênh rạch, diện tích mặt nước lớn, Việt Nam có cả 3 môi trường nước với mặt nước rộng lớn: nước ngọt, nước mặn, nước lợ. Thuận tiện cho việc nuôi trồng và phát triển thuỷ sản.
– Sinh vật biển đa dạng từ tôm, cua, cá,… thuận lợi cho việc khai thác và tiêu thụ.
– Ngư dân Việt Nam có nhiều kinh nghiệm trong nuôi trồng và đánh bắt thủy hải sản.
– Thị trường tiêu thụ thuỷ sản thế giới ngày càng phát triển, nhu cầu thuỷ sản ngày càng tăng cao. Thị trường ngày càng mở rộng, ngành thuỷ sản Việt Nam càng trở nên sôi động. Gần nửa số tỉnh nước ta giáp biển nên hoạt động khai thác và nuôi trồng ngày được tăng cường, đặc biệt là ở các vùng Duyên hải Nam Trung Bộ và Nam Bộ.
– Nhà nước có nhiều chính sách hỗ trợ như cung cấp tàu thuyền, hỗ trợ vốn, hỗ trợ nơi làm ăn,… cho ngư dân an cư lạc nghiệp. Hiện nay, các tỉnh dẫn đầu về sản lượng khai thác thuỷ sản tại Việt Nam là Kiên Giang, Cà Mau, Bà Rịa – Vũng Tàu và Bình Thuận. Bên cạnh đó ngành nuôi trồng thuỷ sản nước lợ cũng được đẩy mạnh tại các tỉnh Cà Mau, An Giang và Bến Tre.
2. Tiềm năng sản phẩm thuỷ sản Việt Nam đối với thị trường thế giới:
Ngoài yếu tố tự nhiên của Việt Nam, Chính phủ Việt Nam cũng không ngừng đẩy mạnh và nâng cao năng lực xuất khẩu thuỷ sản của đất nước, đặc biệt là xuất khẩu sang các nước phát triển trên thế giới. Trong 3 tháng gần đây năm 2023, sản lượng tôm xuất khẩu có doanh số cao hơn hẳn so với những tháng đầu năm. Đặc biệt tại Hoa Kỳ, xuất khẩu tôm sang Hoa Kỳ trong tháng 7 đã ghi nhận mốc tăng trưởng 14%. Bên cạnh đó, mặt hàng cá ngừ xuất khẩu sang Hàn Quốc có đà tăng ấn tượng với sản lượng xuất khẩu tăng gấp 2,5 lần cùng kỳ năm 2022, đem về doanh thu hơn 7 triệu USD.
Hoa Kỳ với vị thế là một cường quốc kinh tế lớn và có dân số đứng thứ ba trên thế giới, đã và luôn là đối tác chiến lược hàng đầu của ngành thuỷ sản Việt Nam. Hoa Kỳ có tỷ lệ dân số đô thị ngày càng gia tăng, số lượng cư dân sinh sống tại thành thị ngày càng cao mang đến cơ hội lớn cho thuỷ sản Việt Nam để mở rộng thị phần. Bao gồm cả xuất khẩu sản phẩm truyền thống, sản phẩm chế biến sẵn phù hợp cho gia đình đô thị, tầng lớp thu nhập trung bình hoặc tầng lớp di dân.
Đặc biệt, sau chuyến thăm cấp Nhà nước của Tổng thống Joe Biden và Đoàn đại biểu cấp cao Hoa Kỳ, cùng với Tuyên bố chung về việc nâng tầm quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ lên Đối tác Chiến lược Toàn diện vì Hòa bình, Hợp tác và Phát triển bền vững, chúng ta kỳ vọng vào sự đẩy mạnh đáng kể và bền vững trong hợp tác kinh tế thương mại giữa Việt Nam và Hoa Kỳ, đặc biệt là trong lĩnh vực thuỷ sản.
3. Cơ hội và thách thức của thuỷ sản Việt Nam:
3.1. Cơ hội:
– Việt Nam có nhiều yếu tố được thiên nhiên ban tặng như đường bờ biển dài, hệ thống sông, hồ đa dạng, thuận lợi cho việc nuôi trồng các loại thủy sản. Hơn nữa, biển của Việt Nam có nhiều dòng hải lưu nóng, lạnh khác nhau nên nguồn cá, hải sản khá phong phú. Ngư dân Việt Nam lại có truyền thống đi biển khai thác hải sản lâu đời, hình thành các làng nghề đánh cá xa bờ. Do đó, Việt Nam có thể cung cấp khối lượng lớn thủy sản an toàn, chất lượng ổn định nhờ nguồn cung dồi dào và từ tiềm năng của 28 tỉnh ven biển, có nguồn đất, nguồn nước nuôi trồng thuỷ sản và ngành chế biến phát triển với hơn 600 doanh nghiệp xuất khẩu.
– Chính phủ Việt Nam ngày càng quan tâm phát triển ngành Thuỷ sản với mục tiêu và kế hoạch phát triển lớn, tạo lập hệ thống sản xuất – kinh doanh có chiến lược, bài bản. Hơn nữa, ngành Thuỷ sản và các doanh nghiệp thuỷ sản ngày càng quan tâm đến vệ sinh An toàn thực phẩm, trách nhiệm môi trường – xã hội, các nhà máy chế biến đều áp dụng HACCP, ngày càng nhiều vùng nuôi, nhà máy chế biến đạt các chứng nhận bền vững như ASC, GLOBAL GAP, MSC,VietGAP,… Nhờ đó, thuỷ sản Việt Nam đã xây dựng được thương hiệu uy tín, được người tiêu dùng trong khu vực và thế giới ưa chuộng.
– Công nghệ chế biến phát triển có thể tạo ra nhiều sản phẩm đa dạng, có giá trị gia tăng cao. Nguồn lao động có tay nghề cao, nguồn cung hàng khá ổn định và có sự áp dụng các mô hình khép kín, liên kết chuỗi tốt trong các ngành hàng nên có thể đáp ứng nhu cầu của khách hàng các nước.
– Có nhiều hiệp định FTA với các nước và vùng lãnh thổ mang lại lợi thế về thuế xuất nhập khẩu và cơ hội để nâng cao chất lượng sản phẩm. Đến nay, Việt Nam đã tham gia 16 FTA với các nước tham gia, chiếm 73% giá trị xuất khẩu thủy sản Việt Nam, trong đó có 13 FTA đã ký và chiếm 71% giá trị xuất khẩu thuỷ sản. Ngoài ra, Hiệp định EVFTA có hiệu lực từ tháng 8 năm 2020 và hiệp định UKVFTA sẽ thúc đẩy xuất khẩu sang EU và Anh, tạo nhiều điều kiện hơn cho các doanh nghiệp xuất khẩu.
– Đặc biệt, trong giai đoạn hiện nay, một cuộc khủng hoảng lương thực đang âm thầm diễn ra và cũng hết sức gay gắt. Các số liệu từ Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hiệp quốc (FAO) cho thấy, giá lương thực đã tăng 30% trong vòng một năm qua do dịch bệnh Covid-19 và cuộc xung đột tại Ukraine khiến chuỗi cung ứng toàn cầu bị thắt chặt. Để ứng phó trước tình trạng này, có ngày càng nhiều quốc gia lựa chọn cắt giảm xuất khẩu và tăng cường tích trữ lương thực, thực phẩm cho nước mình. Những động thái này được đánh giá là có thể khiến cho tình hình khan hiếm lương thực càng trở nên tồi tệ hơn, khiến giá cả tiếp tục leo thang. Tuy nhiên, đây là cơ hội để các doanh nghiệp Việt Nam tăng cường xuất khẩu, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách hàng khắp nơi trên thế giới.
Là một quốc gia có nhiều thế mạnh về nông nghiệp, Việt Nam được tin tưởng sẽ là nguồn cung cấp lương thực quan trọng, góp phần giải quyết cuộc khủng hoảng lương thực ở châu Phi. Đây được coi như là một cơ hội mang tính chiến lược cho Việt Nam. Khi đã có nguồn hàng hóa dồi dào, ổn định và chất lượng thì nước ta có thể dễ dàng thỏa thuận hợp tác cung cấp dài hạn sản phẩm cho nhiều nước khác. Khi đó, Chính phủ có thể ký các hợp đồng khung với các nước, vừa thể hiện vai trò quan trọng của Việt Nam, vừa tạo ra được một “quyền lực mềm” để tái đầu tư cho sản xuất trong nước.
3.2. Thách thức:
– Ngành Thủy sản nước ta hiện nay đang phải đối mặt với yếu tố thời tiết, biến đổi khí hậu. Điều này tác động nghiêm trọng tới việc quy hoạch, cơ cấu sản xuất và tập quán nuôi trồng thủy sản của người dân. Đặc biệt, tình trạng ô nhiễm môi trường ở sông, hồ, một số vùng biển khiến thủy sản chết hàng loạt, ảnh hưởng lớn đến sản lượng và chất lượng thuỷ sản xuất khẩu.
– Tình trạng tăng trưởng “nóng” của một số thị trường thủy sản cũng để lại nhiều hệ lụy, nhất là tình trạng được mùa nhưng lại mất giá. Ngoài ra, sự thay đổi về tỷ giá, biến động thị trường cũng tác động mạnh đến doanh nghiệp và toàn ngành Thủy sản.
– Rõ ràng, các thị trường chắc chắn rất chú trọng kiểm soát các yếu tố an toàn thực phẩm, truy suất nguồn gốc như “thẻ vàng IUU” mà châu Âu đang gắn cho sản phẩm thủy sản từ Việt Nam Các tiêu chuẩn kiểm soát chất lượng, kiểm nghiệm kiểm dịch, vệ sinh an toàn thực phẩm của các nước ngày càng khắt khe. Hiện nay, thị trường tiềm năng lớn là Trung Quốc vẫn đang tăng cường kiểm soát đối với hàng thực phẩm đông lạnh nhập khẩu nên các doanh nghiệp thủy sản nước ta cần phải không ngừng nâng cao chất lượng và thực hiện đầy đủ quy định, hướng dẫn phòng chống dịch Covid-19 để đáp ứng được các yêu cầu của nước nhập khẩu.
Riêng đối với những thị trường khó tính như Mỹ, châu Âu, Nhật Bản, rất dễ có nguy cơ lượng hàng thủy sản bị trả về, gây thiệt hại cho các doanh nghiệp và uy tín của ngành Thủy sản Việt Nam.
– Sự căng thẳng giữa Nga và Ukraina, cuộc khủng hoảng năng lượng hiện nay đã gây ra những khó khăn lớn cho các doanh nghiệp. Giá dầu tăng và liên tục tạo đỉnh mới đã khiến giá cước vận tải tăng và khiến các chi phí đầu vào tăng theo.
Xuất khẩu thủy sản phải đối mặt với các thách thức lớn trong thời gian tới do sự khan hiếm nguồn nguyên liệu đảm bảo cho sản xuất xuất khẩu, như việc tăng giá cước tàu cùng với các chi phí đầu vào tăng. Các đơn hàng xuất khẩu thời điểm này là đơn hàng đã ký trước và trong giai đoạn dịch Covid-19.
Do vậy, giá xuất chưa bù đắp được sự tăng lên về chi phí sản xuất giai đoạn này. Đây là gánh nặng cho các doanh nghiệp xuất khẩu, làm giảm bớt lợi nhuận của họ.
– Việc TP. HCM thu phí sử dụng hạ tầng khu vực cửa khẩu cảng biển đối với hàng hóa vận tải bằng đường thủy nội địa, ra các quy định kiểm dịch hàng thủy sản đông lạnh đối với những nguyên liệu nhập khẩu dùng làm thực phẩm chế biến xuất khẩu cũng là những vấn đề khó khăn với các doanh nghiệp thủy sản.
THAM KHẢO THÊM: