Giấy phép xây dựng là loại giấy tờ quan trọng giúp cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền đảm bảo việc xây dựng theo đúng quy hoạch, kế hoạch, giám sát sự hình thành và phát triển của cơ sở hạ tầng. Vậy theo quy định hiện nay thì có bắt buộc phải niêm yết giấy phép xây dựng tại công trình hay không?
Mục lục bài viết
1. Có phải niêm yết giấy phép xây dựng tại công trình không?
Về nguyên tắc, tất cả các công trình xây dựng bắt buộc phải đáp ứng điều kiện khởi công công trình căn cứ theo quy định tại Điều 107 và yêu cầu đối với công trường căn cứ theo quy định tại Điều 109 của Văn bản hợp nhất Luật xây dựng năm 2020, đồng thời tại mỗi công trình đều phải thực hiện thủ tục niêm yết đầy đủ giấy phép xây dựng theo sự chỉ đạo của cơ quan có thẩm quyền đó là Ủy ban nhân dân cấp tỉnh/thành phố.
Có thể tham khảo theo quy định tại Chỉ thị 23-CT/TU năm 2019 quy định về vấn đề tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về xây dựng trên địa bàn thành phố, có ghi nhận: Việc thanh tra, xử lý đối với các hành vi vi phạm trong hoạt động xây dựng trái phép, xây dựng không phép, xây dựng trên đất không được phép xây dựng, là trách nhiệm của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đó là Ủy ban nhân dân các quận, huyện, xã, phường, thị trấn với lực lượng thanh tra, kiểm tra, lực lượng quản lý đô thị đủ mạnh. Thanh tra Sở Xây dựng là chủ thể đảm nhận chức năng thanh tra đối với các công trình xây dựng lớn, công trình đặc thù, có tính chất phức tạp và thanh tra công tác thanh tra tại các quận, huyện.
Đồng thời, Ban thường vụ Thành uỷ có quy định: Ủy ban nhân dân thành phố sẽ là cơ quan phối hợp, chỉ đạo Sở Xây dựng, hướng dẫn thực hiện thủ tục niêm yết đối với giấy phép xây dựng tại tất cả các công trình xây dựng trên địa bàn thành phố phù hợp với quy định của pháp luật để nhân dân, các cơ quan và lực lượng chức năng có thể thanh tra, kiểm tra, dễ dàng giám sát, kịp thời xử lý đối với các hành vi sai phạm. Bắt buộc phải thực hiện bằng được các yêu cầu: Công trình xây dựng không điểm viết giấy phép xây dựng thì sẽ không được xây dựng.
Thực hiện theo Chỉ thị số 23, để tăng cường hiệu lực và hiệu quả công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực xây dựng, tháng 10 năm 2019, Sở Xây dựng thành phố Hồ Chí Minh đã quyết định ra Công văn 12991/SXD-TT 2019, gửi về tất cả các quận/huyện trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh. Theo công văn này, mọi công trình xây dựng trên địa bàn thành phố Bắc bộ phải được niêm yết công khai giấy phép xây dựng để người dân và các lực lượng chức năng có thể dễ dàng giám sát, kịp thời xử lý đối với các hành vi vi phạm, công trình không niêm yết giấy phép xây dựng thì sẽ không được phép thi công. Mọi hành vi sai phạm đều bị xử lý theo điều luật tương ứng.
Ủy ban nhân dân các quận, huyện sẽ có trách nhiệm, nghĩa vụ tuyên truyền, vận động, nhắc nhỏ các chủ đầu tư, đơn vị thi công nghiêm túc thực hiện quy định về niêm yết giấy phép xây dựng tại công trình. Đồng thời, giấy phép xây dựng đối với các công trường đang thi công cũng cần phải được niêm yết công khai tại trụ sở của cơ quan có thẩm quyền đó là Ủy ban nhân dân cấp xã, phường, thị trấn để tiện theo dõi. Ngoài ra, các lực lượng chức năng cần phải tăng cường kiểm tra, giám sát các điều kiện khởi công xây dựng công trình như: yêu cầu đối với công trường xây dựng, mặt bằng để bàn giao toàn bộ hoặc bàn giao từng phần theo tiến độ thi công công trình xây dựng, có bản vẽ thiết kế thi công công trình xây dựng, chỉ dẫn an toàn, biển báo tại công trường, phòng chống cháy nổ và một số biện pháp đảm bảo môi trường trong quá trình thi công.
Như vậy, niêm yết giấy phép xây dựng tại công trình là một trong những hoạt động cần thiết, được thực hiện theo sự chỉ đạo của từng Ủy ban nhân dân thành phố nhất định.
2. Tại sao phải niêm yết giấy phép xây dựng tại công trình?
Có thể kể đến một số lý do cần phải niêm yết công khai giấy phép xây dựng tại công trường như sau:
Thứ nhất, niêm yết giấy phép xây dựng là cơ sở để thanh tra, xử lý các sai phạm. Theo đó, việc thanh tra và xử lý các sai phạm trong hoạt động xây dựng không phép, xây dựng trên đất không được phép xây dựng, xây dựng trái phép là nhiệm vụ và trách nhiệm của các cơ quan có thẩm quyền, trong đó có Ủy ban nhân dân cấp quận, huyện, xã, phường, thị trấn với sự hỗ trợ đắc lực của lực lượng thanh tra, kiểm tra và lực lượng quản lý đô thị có đầy đủ năng lực. Trong đó, Sở Xây dựng là cơ quan nhà nước có thẩm quyền chịu trách nhiệm trực tiếp và chủ yếu trong việc thanh tra, kiểm tra các công trình xây dựng lớn, công trình xây dựng đặc thù, có tính chất phức tạp và thanh tra công tác thanh tra tại các quận, huyện trên địa bàn thuộc phạm vi quản lý của mình.
Thứ hai, việc niêm yết giấy phép xây dựng được xem là một cơ sở, biện pháp quan trọng để tăng cường sự minh bạch, nâng cao trách nhiệm trong công tác quản lý xây dựng của các cơ quan chức năng. Việc niêm yết giấy phép xây dựng giúp cho người dân và lực lượng chức năng có khả năng kiểm tra, giám sát và kịp thời phản ánh trong trường hợp phát hiện ra hành vi vi phạm quy định của pháp luật. Đồng thời, hoạt động này cũng là một biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn xây dựng không phép, trái phép, xây dựng không tuân thủ quy định về trật tự xây dựng.
Thứ ba, đối với chủ đầu tư thì việc niêm yết giấy phép xây dựng tại công trình là một trách nhiệm pháp lý và cũng là cơ sở để thể hiện sự tuân thủ quy định của pháp luật. Đây là một hình thức để xây dựng lòng tin, tạo niềm tin tưởng cho khách hàng và cộng đồng về tính chất pháp lý, chất lượng của công trình xây dựng đó. Qua việc niêm yết giấy phép xây dựng tại công trình, những rủi ro và vấn đề pháp lý liên quan đến công trình xây dựng có thể được phát hiện và giải quyết kịp thời. Người dân và các tổ chức có thể dễ dàng kiểm tra thông tin liên quan đến giấy phép xây dựng của công trình xây dựng, trong đó bao gồm những thông tin cơ bản như: Quyền hạn, quy mô, mục đích, cơ cấu, quá trình, tiến độ thi công công trình xây dựng; từ đó đảm bảo tính minh bạch, công khai, khách quan, vô tư, trung thực trong quá trình xây dựng.
Thứ tư, việc niêm yết giấy phép xây dựng đóng vai trò vô cùng quan trọng trong quá trình tạo dựng một môi trường xây dựng hợp pháp, đảm bảo an toàn cho toàn thể cộng đồng. Bằng việc niêm yết giấy phép xây dựng tại công trình, chính quyền địa phương có thể đưa ra một số phương án và biện pháp kiểm soát chặt chẽ đối với công trình xây dựng. Ngăn chặn tối đa hành vi xâm phạm đến quyền lợi của người dân, đảm bảo an toàn cho tài sản và bảo đảm sự phát triển bền vững của địa phương. Tuy nhiên, để thực hiện hiệu quả việc niêm yết giấy phép xây dựng tại công trình thì cần phải có sự phối hợp, hỗ trợ của các lực lượng chức năng và của chủ đầu tư, mọi người dân cần phải nâng cao ý thức trong quá trình thực hiện quy định của pháp luật. Cơ quan chức năng cần phải đảm bảo rằng thông tin trên giấy phép xây dựng đã được cập nhật chính xác.
Dựa vào một số cơ sở nêu trên, việc niêm yết giấy phép xây dựng tại các công trình xây dựng là một biện pháp cần thiết để tăng cường khả năng quản lý và khả năng giám sát trật tự đô thị của cơ quan có thẩm quyền, đây cũng được xem là giai đoạn quan trọng trong quá trình xây dựng một môi trường minh bạch, công khai, đảm bảo an toàn cho cộng đồng.
3. Có bắt buộc phải công khai giấy phép xây dựng tại địa điểm thi công không?
Căn cứ theo quy định tại Điều 55 của Nghị định 15/2021/NĐ-CP, có quy định về vấn đề công khai giấy phép xây dựng. Theo đó:
-
Cơ quan cấp giấy phép xây dựng cần phải có trách nhiệm và nghĩa vụ công bố công khai nội dung giấy phép xây dựng đã được cấp trên Trang thông tin điện tử của cơ quan có thẩm quyền;
-
Chủ đầu tư có trách nhiệm và nghĩa vụ công khai nội dung giấy phép xây dựng đã được cấp tại địa điểm thi công công trình xây dựng trong suốt quá trình thi công xây dựng để tổ chức, cá nhân theo dõi, giám sát, thanh tra kiểm tra theo quy định của pháp luật có liên quan.
Như vậy, hoạt động công khai giấy phép xây dựng là nội dung bắt buộc của cơ quan cấp giấy phép xây dựng và của chủ đầu tư.
THAM KHẢO THÊM: