Bài thơ thể hiện cảm xúc trước một cuộc hội ngộ rồi chia li trong niềm tin gặp lại. Người bộc lộ cảm xúc là tác giả và đó là cuộc gặp gỡ giữa tác giả với nhân vật em gái tiền phương. Bài viết dưới đây cung cấp cho độc giả bài soạn tác phẩm Lá đỏ.
Mục lục bài viết
1. Trước khi đọc:
Câu 1 (trang 40, SGK Ngữ văn 8, tập 2)
Hãy tái hiện (kể, vẽ…) một hình ảnh để lại cho em ấn tượng sâu sắc về chiến trường Trường Sơn trong những năm chiến tranh mà em đã được biết qua phim ảnh, sách báo hoặc qua những bài học lịch sử.
Phương pháp giải:
Tìm hiểu về chiến trường Trường Sơn trên phim ảnh, sách báo và các bài học lịch sử để trả lời.
Lời giải chi tiết:
Chuyến xe định mệnh thắp lửa tình yêu
Quán nước trước cửa nhà bà Bùi Thị Vân (Định Công, Hoàng Mai, Hà Nội) trở thành nơi “hội tụ” của một số chị em từng là nữ chiến sỹ lái xe Trường Sơn một thuở. Những nữ chiến sĩ lái xe Trường Sơn ngày nào giờ đã tuổi gần đất xa trời nhưng thi thoảng lại gặp nhau cùng ôn lại ký ức về những năm tháng gian khó.
Bà Vân quê Nam Định, năm 17 tuổi, bà đăng ký TNXP rồi chuyển sang quân đội học lái xe. Bà Vân nhớ lại, vì thấp nhất nên khi bước vào buồng lái, chân bà không với tới vô lăng. Bà phải trải tấm chăn lên ghế ngồi và cầm can xăng 20 lít đặt ở phía sau lưng rồi tựa vào vai. Khó khăn thế nhưng chiếc xe mà bà điều khiển lúc bấy giờ đã vượt qua biết bao nhiêu cung đường hiểm trở, khó khăn. Những tuyến đường khốc liệt như Cổng Trời, Khe Tang, Ngã ba Đồng Lộc… đều ghi dấu chân bà cùng những đồng đội.
“Bom Mỹ thả phá trước thì chúng tôi tìm đường trước để tránh, còn sau lưng chúng tôi cho xe chạy rất nhanh. Nhiều hôm đường 15 bị tắc nghẽn, chúng tôi đành chạy xe băng qua đường 21 (Quốc lộ 3) rồi vòng ra Quốc lộ 1 đi tiếp “- bà Vân kể.
Bà Vân gặp ông Nguyễn Trần Đừng (quê Thanh Trì, Hà Nội) – chồng bà Vân – trong đoàn xe đưa thương binh đến các khu điều dưỡng ở Thường Tín. Ông Đừng nhập ngũ khi đang là sinh viên đại học Ngoại ngữ, là lái xe thuộc Binh trạm 32, Đoàn 559, bị thương nặng ở chân do một trận càn của địch hồi năm 1970. Không ngần ngại, cô gái người nhỏ bé đã cõng anh thương binh trên lưng từ sân ga vào trại tập trung.
Dù ngất xỉu do mất máu nhưng chàng thương binh cũng không quên hỏi địa chỉ cùng tên của cô gái lái xe để liên hệ. “Trên chuyến xe định mệnh ấy, thi thoảng tôi vẫn nhận được vài bức thư tình. Chữ viết trong thư nắn nót từng chữ, lời lẽ thiết tha, nói rằng “chỉ một lần gặp mặt đã nhớ nhớ, thương thương…” hay “đối mặt với chiến tranh bom đạn không bao giờ quên mà đối mặt với người thương sao không nói những lời tưởng như giản đơn…”.
Những lá thư ấy không ghi rõ người gửi khiến tôi không nhớ là ai, điều kỳ lạ là lần tôi đưa thương binh về quê, anh Đừng cũng tìm đến hỏi thăm tôi có nhận được bức thư nào không? Có lần, tôi nói: “Nhờ anh nói giùm người viết thư vì tôi sắp cưới chồng rồi”. Lúc ấy, anh Đừng mới bẽn lẽn thú nhận mình là người đưa thư “- bà Vân nhớ lại.
Từ dạo ấy, tình cảm của cô nữ lái xe và chàng thương binh Đừng ngày càng nhân lên. Nhưng chiến tranh loạn lạc không biết ngày mai ra sao nên hai người không dám hứa điều gì. Không ngần ngại, ông Đừng thường xuyên động viên, khích lệ bà có niềm tin vào ngày sum họp. Khi chân đã có thể đi được, ông Đừng vượt hơn chục km về thăm người yêu – lúc ấy đơn vị bà đang đóng ở Thường Tín.
Đến năm 1974, chúng tôi tổ chức hôn lễ sau khi Trung đội nữ lái xe hoàn thành sứ mệnh lịch sử của đơn vị. Kết quả của đám cưới hạnh phúc ấy là 5 người con trai đã khôn lớn, nghề nghiệp vững vàng. Với tôi, những năm tháng lái xe Trường Sơn không chỉ phục vụ tiền tuyến mà còn có cả một mái ấm hạnh phúc “- bà Vân chia sẻ.
Câu 2 (trang 40, SGK Ngữ văn 8, tập 2)
Bài thơ Lá đỏ của nhà thơ Nguyễn Đình Thi đã được nhạc sĩ Hoàng Hiệp phổ nhạc thành ca khúc cùng tên. Nghe bài hát đó và nêu ấn tượng của em.
Phương pháp giải:
Tìm nghe bài hát và nêu ấn tượng của em.
Lời giải chi tiết:
Khi nghe câu hát ngay ở đoạn đầu bài “Lá đỏ”, tác giả Nguyễn Đình Thi và Hoàng Hiệp đã tạo cho em sự bất ngờ bởi đã khéo léo tạo nên một không gian cao rộng, hùng vĩ của rừng núi trong cả Thơ và Nhạc, khiến người nghe bất ngờ, sửng sốt, choáng ngợp. Nó đã toát lên vè khoẻ khoắn, vẻ đẹp hừng hực khí thế như bước hành quân đầy dũng mãnh, hiên ngang, lại yêu đời tha thiết của các chàng trai tràn đầy sức sống của tình người và yêu đời.
2. Sau khi đọc:
Câu 1 (trang 42, SGK Ngữ văn 8, tập 2)
Xác định những đặc điểm của thể thơ tự do được thể hiện trong bài thơ Lá đỏ.
Phương pháp giải:
Đọc bài thơ và xác định các đặc điểm của thể thơ tự do.
Lời giải chi tiết:
Đặc điểm của thể thơ tự do thể hiện trong bài Lá đỏ:
– Số chữ trong mỗi câu không hạn định
– Số câu không hạn định, cũng không chia ra thành khổ 4 câu như cũ
– Không có luật lệ cố định nào về niêm, luật, đối, vần.
Câu 2 (trang 42, SGK Ngữ văn 8, tập 2)
Bài thơ thể hiện cảm xúc trước một cuộc hội ngộ rồi chia li trong niềm tin gặp lại. Cho biết ai là người bộc lộ cảm xúc và đó là cuộc gặp giữa ai với ai.
Phương pháp giải:
Đọc kỹ văn bản để trả lời.
Lời giải chi tiết:
Cuộc gặp mặt trên đường Trường Sơn: Em đứng bên đường như quê hương– Vai áo bạc quàng súng “là một hình ảnh đẹp và ấm áp. Giữa con đường hành quân gian nan, hình ảnh cô gái thanh niên xung phong đứng bên đường với hình ảnh bình dị, vai áo quàng khăn đã xoá tan mọi khó khăn gian khổ phải vượt lên, đem tới cảm giác thân thuộc, gần gũi tựa quê hương.
Câu 3 (trang 42, SGK Ngữ văn 8, tập 2)
Cuộc gặp gỡ diễn ra trong không gian như thế nào? Không gian đó giúp em hiểu thêm gì về bối cảnh lịch sử, về những con đường hành quân ra trận những năm chiến tranh?
Phương pháp giải:
Đọc kỹ văn bản để xác định bối cảnh gặp gỡ.
Lời giải chi tiết:
Cuộc gặp giữa không gian người chiến sĩ hành quân và cô gái ở con đường của rừng lá đỏ
Không gian giúp em hiểu hơn về con đường hành quân đánh giặc đầy nguy hiểm và gian nan.
Những con đường hành quân ra tiền tuyến trong những năm kháng chiến đầy gian nan và nguy hiểm, đặc biệt, màu lá đỏ gợi nhớ về nỗi đau và máu của những chiến sĩ áo đỏ nơi tiền tuyến.
Câu 4 (trang 42, SGK Ngữ văn 8, tập 2)
Nêu cảm nhận của em về hình ảnh đoàn quân trên đường ra tiền tuyến trong bài thơ. Em từng đọc những câu thơ nào khác cũng miêu tả hình ảnh đoàn quân ra trận?
Phương pháp giải:
Đọc kỹ bài thơ và nêu cảm nhận của em về hình ảnh đoàn quân trên đường ra tiền tuyến
Lời giải chi tiết:
– Trong bài thơ, đoàn quân trên đường ra tiền tuyến phải đối mặt với nhiều hiểm nguy gian khổ nhưng đôi chân của họ vẫn vững bước về phía trước đầy hiên ngang. Mặc dù không biết rõ sống chết nhưng ai ai cũng lạc quan yêu đời, không chút buồn lo sợ hãi trước thực tại.
– Những câu thơ khác miêu tả hình ảnh đoàn quân ra trận:
Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc
Quân xanh màu lá dữ oai hùm.
Câu 5 (trang 42, SGK Ngữ văn 8, tập 2)
Nhận xét các chi tiết miêu tả hình ảnh “em gái tiền phương” trong bài thơ.
Phương pháp giải:
Đọc kỹ đoạn miêu tả “em gái tiền phương” và nêu nhận xét của em
Lời giải chi tiết:
Các chi tiết mô tả hình ảnh “em gái tiền phương” trong bài thơ hiện lên mềm mại và trong sáng, có chứa đựng những đường nét bình dị, tự nhiên. Những chi tiết ấy hoà hợp với trời đất nhưng lại tương phản với cánh rừng lá đỏ được nói đến.
Câu 6 (trang 42, SGK Ngữ văn 8, tập 2)
Xác định mạch cảm xúc của bài thơ. Mạch cảm xúc đó có liên quan như thế nào đến hình ảnh lá đỏ và rừng lá đỏ trong bài thơ?
Phương pháp giải:
Đọc kỹ bài thơ để xác định mạch cảm xúc.
Lời giải chi tiết:
Mạch xúc cảm trong đoạn thơ có liên quan mật thiết tới lá đỏ cũng như nỗi mất mát hy sinh đau thương của người chiến sĩ đã cho Tổ Quốc ở mãi nơi biên cương và một niềm tin chiến thắng.
Câu 7 (trang 42, SGK Ngữ văn 8, tập 2)
Cảm hứng chủ đạo trong bài thơ Lá đỏ là gì?
Phương pháp giải:
Đọc kỹ bài thơ để xác định cảm hứng chủ đạo.
Lời giải chi tiết:
Thơ Nguyễn Đình Thi mang cảm hứng về đất nước, nhân dân. Ông viết về đất nước gian khổ đau thương quật khởi và ngời sáng với chiều sâu lịch sử và mang tính khái quát bởi tầm cao thời đại.
Câu 8 (trang 42, SGK Ngữ văn 8, tập 2)
Có ý kiến cho rằng bài thơ thể hiện niềm tin và hi vọng về thắng lợi tất yếu của cuộc kháng chiến. Em có tán thành với ý kiến đó không? Vì sao?
Phương pháp giải:
Nêu quan điểm của em.
Lời giải chi tiết:
Em tán thành với quan điểm nói rằng bài thơ gửi gắm niềm tin và hy vọng về thắng lợi cuối cùng của cuộc kháng chiến. Vì bài thơ đã làm nổi bật lên hình tượng những con người anh dũng kiên trung, sống yêu đời luôn dành trọn vẹn niềm tin ở tương lai tốt đẹp
3. Sau khi đọc viết:
(trang 42, SGK Ngữ văn 8, tập 2)
Viết đoạn văn (khoảng 7 – 9 câu) trình bày suy nghĩ của em về hình ảnh “em gái tiền phương” trong bài thơ.
Phương pháp giải:
Trình bày suy nghĩ của em về hình ảnh “em gái tiền phương” trong bài thơ.
Lời giải chi tiết:
Kháng chiến chống Mỹ diễn ra khốc liệt, không biết bao con người đã ngã xuống. Hình ảnh “em gái tiền phương” tuy nhỏ bé giữa rừng Trường Sơn bạt ngàn, bát ngát. Nhưng nó vẫn mang đến sự thân thuộc, gần gũi với vai áo bạc, quàng súng trường – như quê hương; với dáng đứng vững vàng bên đường khi thực hiện nhiệm vụ. Hình ảnh ấy là một biểu tượng cho cuộc chiến tranh nhân dân. Hình ảnh “em gái tiền phương” là các nữ chiến sỹ giao liên hay cô nàng thanh niên xung phong. Họ không tiếc tuổi xuân, không ngại hiểm nguy nên đã xông pha chiến trường. Họ ra chiến trường với tinh thần “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước/Mà lòng phơi phới dậy tương lai”. Sự xuất hiện của cô gái trên đỉnh Trường Sơn nơi tuyến đầu Tổ quốc đã nhắc với mai sau rằng cuộc kháng chiến toàn dân tham dự, trong đó có phần đóng góp của người con gái trẻ đẹp mảnh mai nhưng rất anh dũng, ngoan cường. Trong điều kiện gian khổ, ác liệt như vậy nhưng các cô gái ấy luôn hiên ngang không sợ chi cả, đến lúc nghỉ họ lại không ngớt tràng cười sảng khoái.
4. Phần tham khảo mở rộng bài Lá đỏ:
4.1. Tìm hiểu chung:
– Thể loại: Thơ tự do
– Hoàn cảnh xuất xứ: Bài thơ Lá đỏ được sáng tác tháng 12 năm 1974 – thời điểm cuộc kháng chiến thống nhất đất nước bước vào giai đoạn cuối, toàn quân và dân ta đang dồn sức cho tiền tuyến
– Nội dung chính: Khung cảnh cuộc hành quân hào hùng, thần tốc, vẻ đẹp của thiên nhiên rừng Trường Sơn; vẻ đẹp của người con gái trẻ trung, tươi tắn; niềm tin tất thắng vào cuộc kháng chiến.
– Tóm tắt tác phẩm: Bài thơ Lá đỏ là một bức tranh đẹp, là một bản nhạc trầm hùng trong tâm hồn người lính trận. Nội dung bài thơ nói đến cảnh cuộc hành quân gian khổ, thần tốc, cảnh hùng vĩ của thiên nhiên rừng Trường Sơn; vẻ đẹp của người con gái trẻ trung, yêu đời và niềm tin tưởng sắt đá vào cuộc kháng chiến. Trong khổ thơ có ba hình ảnh chủ đạo đó là: hình ảnh lá đỏ, em gái tiền phương và đoàn quân. Đây cũng là những hình ảnh có sự so sánh, có tính dự báo cao đối với cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của quân và dân ta. Đặc biệt, hình ảnh màu đỏ đã tạo ấn tượng mạnh, có tính biểu tượng về những dự cảm, kỳ vọng trước chiến thắng tất yếu của đất nước.
4.2. Giá trị nội dung và giá trị nghệ thuật:
– Giá trị nội dung: bài thơ đã khắc họa hình ảnh sống động: lá đỏ, cô em gái tiền phương, đoàn quân – có sức gợi tả, khái quát cao cho vẻ đẹp của đất nước, con người Việt Nam.
– Giá trị nghệ thuật:
+ Bài thơ viết theo thể tự do. Trong 8 câu thơ có 7 câu là thể lục ngôn.
+ Nhịp điệu thơ mang tính chất dồn dập, bền vững, chắc khoẻ.
+ Yếu tố nghệ thuật chính làm nên thành công của “Lá đỏ” là hình ảnh, nhịp điệu và ngôn ngữ thơ.
+ Bài thơ nêu ba hình ảnh: lá đỏ, nữ dân công cùng đoàn quân – những trung tâm điểm và đặc tả, có sức khái quát cao đối với vẻ đẹp của đất nước con người Việt Nam.
+ Ngôn ngữ thơ rất giản dị. Cuộc sống chiến tranh sôi nổi, khốc liệt nhưng cũng rất đỗi trữ tình hiện lên một cách chân thực không một chút bóng bẩy, màu mè.