Bắc thuộc chỉ thời kỳ Việt Nam bị đặt dưới quyền cai trị của các triều đại Trung Quốc, nghĩa là thuộc địa của Trung Quốc. Mời bạn đọc cùng tham khảo bài viết Bắc thuộc là gì? 1000 năm Bắc thuộc bắt đầu từ năm nào?
Mục lục bài viết
1. Bắc thuộc là gì?
Bắc thuộc là thời kỳ Việt Nam bị đặt dưới sự cai trị của các triều đình Trung Quốc, tức là thuộc địa của Trung Quốc:
Các sử gia của Việt Nam hay chính thức sử dụng từ “Bắc thuộc” nhằm ám chỉ về thời kỳ sau khi nhà Hán thôn tính nước Nam Việt của nhà Triệu năm 111 TCN đến khi hình thành nhà Ngô với việc Ngô Quyền lên ngôi năm 939.
2. Bắc thuộc lần thứ nhất:
Năm 179 TCN, thành Cổ Loa thất thủ dưới cuộc tấn công thần tốc của Triệu Đà, Âu Lạc rơi vào thời kỳ Bắc thuộc dài hơn 1000 năm. Triệu Đà chia Âu Lạc ra thành hai quận Giao Chỉ, Cửu Chân và sáp nhập vào nước Nam Việt. Quận Giao Chỉ tương đương với khu vực Bắc Bộ và quận Cửu Chân tương đương với các tỉnh Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh. Tại đây, chính quyền Nam Việt cắt đặt 2 viên sứ thần coi giữ và trong thực tế mới chỉ cai trị rất lỏng lẻo qua hình thức thu nộp cống vật.
Năm 111 TCN, Nam Việt bị Tây Hán xâm chiếm. Trên lãnh thổ Nam Việt cũ, Tây Hán chia nước thành 9 quận là Đam Nhĩ, Châu Nhai (tức đảo Hải Nam), Nam Hải, Hợp Phố, Uất Lâm, Thương Ngô (nay thuộc các tỉnh Quảng Đông, Quảng Tây, Trung Quốc), Giao Chỉ, Cửu Chân và Nhật Nam (tương đương với vùng đất từ Quảng Bình đến Quảng Nam). Đến năm 106 TCN, nhà Tây Hán đặt châu Giao Chỉ cai quản 7 quận lục địa (ngoại trừ Châu Nhai và Đam Nhĩ) và đặt Châu trị tại quận Giao Chỉ. Bộ máy cai trị của nhà Tây Hán tại Giao Chỉ được tổ chức nghiêm ngặt hơn so với nhà Triệu. Thứ sử đứng đầu quận và đặt đại bản doanh tại Mê Linh (Hạ Lôi, Mê Linh, Hà Nội), dưới mỗi quận có Thái thú coi cai quản việc dân sự và Đô uý coi việc quân sự. Bên dưới cấp quận, Tây Hán cũng tiếp tục cho phép Lạc tướng được cai trị người dân theo hình thức cha truyền con nối.
Từ thế kỷ II TCN cho đến đầu Công nguyên, dưới sự cai trị trực tiếp của nhà Triệu và nhà Hán, cơ cấu tổ chức xã hội của Âu Lạc tuy chịu sự khống chế, quản lý của chính quyền đô hộ, nhưng về cơ bản không bị thay đổi nhiều. Nền văn minh Việt cổ dựa trên nền kinh tế văn hoá nông nghiệp lúa nước vẫn tiếp tục được bảo tồn, phát huy. Đây là tiền đề cơ bản, là sức mạnh nội sinh giúp người Việt vượt lên những thách thức của các chính sách đô hộ và đồng hoá ngày càng có quy mô, hệ thống của các chính quyền thực dân trong những giai đoạn sau này.
3. Bắc thuộc lần thứ hai:
Năm 43, sau khi đánh dẹp cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng, nhà Đông Hán đã thắt chặt chính sách cai trị tại Giao Chỉ. Về tổ chức bộ máy đô hộ, nhà Đông Hán tiếp tục đặt chức Quan đứng đầu châu Giao Chỉ (sau đổi thành Giao Châu). Dưới cấp quận, viên quan đứng đầu vẫn là Thái thú. Tuy nhiên, lúc này Thái thú kiêm trông coi luôn việc dân sự và việc quân sự của một quận. Chức Đô uý phụ trách việc quân sự trước đây không còn nữa. Ngoài ra, để hỗ trợ cho Thái thú, chức quan phụ trách những phần việc khác cũng được đặt thêm. Đặc biệt, chính quyền Đông Hán là chính quyền đô hộ đầu tiên đã cố sức vươn xuống cai trị cấp huyện. Danh hiệu Lạc tướng bị bãi bỏ, thay vào đó, mỗi huyện có một viên Lệnh trưởng được chính quyền Đông Hán chỉ định trực tiếp cai trị. Để thuận tiện hơn cho Lệnh trưởng cai trị từng huyện đồng thời xoá bỏ dần thế lực của những Thủ lĩnh cũ của người Việt trên vùng đất cũ của mình, nhà Đông Hán đã tiến hành điều chỉnh lại địa giới hành chính, chia tách và đặt thêm một vài huyện mới. Mã Viện sau khi tiêu diệt Trưng Vương đã quyết định chia cắt huyện Tây Vu cũ làm 3 huyện mới là Tây Vu, Phong Khê, Vọng Hải và giảm dần diện tích huyện Mê Linh.
Ách cai trị thắt chặt của nhà Đông Hán được thể hiện rõ thông qua việc gia tăng hàng loạt biện pháp đè nén, áp bức và tiến hành các chính sách đồng hoá có hệ thống với quy mô ngày một lớn. Bên cạnh việc vơ vét tài nguyên, của ngon vật lạ để cung cấp cho triều đình trung ương, các quan lại tại Giao Châu cũng ra sức bóc lột dân chúng thông qua nhiều hình thức tô thuế và lao dịch. Nhiều diện tích đất đai của công xã người Việt ở Giao Chỉ đã bị những nhóm địa chủ, quan lại, thương nhân từ phương Bắc di cư sang chiếm hữu để mở nông trại, đồn điền. Chính quyền cai trị nắm độc quyền nhiều ngành nghề thủ công như đúc đồng, buôn bán muối. .. Nhà Đông Hán cũng ra sức áp đặt luật Hán trên đất Việt, buộc dân ta phải tuân thủ theo lễ giáo phong kiến Hán, nhằm mục đích loại bỏ tận gốc thói quen “dùng tục cũ để cai trị” của người Việt.
Cuối thế kỷ II – đầu thế kỷ III, nhà Đông Hán suy yếu rồi diệt vong, Trung Quốc liên tục lâm vào nội chiến, loạn lạc. Nhiều triều đại được dựng lên, chỉ trong một thời gian ngắn thì lần lượt tan rã. Chịu ảnh hưởng của các biến cố lịch sử, từ đầu thế kỷ III đến giữa thế kỷ VI, Giao Châu bị lệ thuộc rất nặng nề vào các thế lực phong kiến Ngô, Tấn, Tống, Tề, Lương, Trần (giai đoạn lệ thuộc Lục triều). Năm 264, nhà Ngô cũng tiến hành chia cắt toàn bộ địa giới hành chính tại Giao Châu. Ba quận Nam Hải, Thương Ngô và Uất Lâm đặt tại Quảng Châu, tách riêng toàn bộ Giao Châu thành Trung Quốc nội địa. Tại Giao Châu, nhà Ngô cũng tiến hành chia đặt nhiều quận, huyện nhỏ. Quận Giao Chỉ được tách ra làm 3 quận nhỏ là Giao Chỉ, Tân Xương, Vũ Bình; quận Cửu Chân được chia làm 2 quận là Cửu Đức và Cửu Chân. Lúc này, trên địa bàn 3 quận Giao Chỉ, Cửu Chân, Nhật Nam trước đây đã bao gồm 6 quận nhỏ và 45 huyện. Các huyện cũng được chia tách với diện tích nhỏ hơn so với các huyện dưới thời Đông Hán. Các chính quyền đô hộ Lục triều về sau này cũng vẫn giữ nguyên việc chia đặt quận, huyện như dưới triều Ngô, nhưng tiến hành điều chỉnh nhỏ tại các huyện, ví dụ bãi bỏ việc đặt thêm một vài huyện mới, đổi tên huyện. ..
Chính sách cai trị thi hành từ thời Đông Hán tiếp tục được các chính quyền đô hộ Lục triều đẩy mạnh. Sản vật quý hiếm, của ngon vật lạ từ khắp mọi miền giang sơn đều bị cướp bóc, thu lượm từ phương Bắc. Việc thu thập của cải không theo quy định mà lại được thực hiện một cách bừa bãi, vô hạn độ ngày càng làm dân ta khốn đốn. Dưới thời Ngô, hàng vạn người Việt đã bị bắt bổ sung cho Trung Quốc hoặc tham gia vào những trận nội chiến khác, hàng nghìn thợ thủ công tài hoa cũng bị đưa sang xây những công trình tại Trung Quốc.
Hành động cướp ruộng đất thành lập trang trại đồn điền của địa chủ, quan lại gốc Hán ngày càng phổ biến khiến nhiều thành viên công xã người Việt trắng tay, không có tư liệu sản xuất và thành nô lệ, là tay sai của bọn địa chủ quan lại. Chính sách di dân, đồng hoá cũng được đẩy mạnh với biện pháp thâm độc là đưa người Hán sang sống cùng với người Việt. Quân lính trong những đạo quân chinh phục Giao Châu, tù binh khổ sai người Hán hay đội ngũ quan lại, địa chủ do loạn lạc đã chạy sang định cư sinh sống tại Giao Châu, họ sống lẫn lộn với người Việt, càng đẩy mạnh thêm tư tưởng Hán hoá đang lan tràn trong các cơ cấu kinh tế xã hội truyền thống của người Việt.
Nhìn chung, từ cuối thời Đông Hán đến Lục triều, tuy các chính quyền đô hộ đã ra sức đẩy mạnh các chính sách bóc lột, cai trị và đồng hoá dân Việt, nhưng trên thực tế những chính sách này chỉ được thi hành tại những địa điểm trung tâm – kinh đô cai trị hay các nơi đóng quân đồn trú của chính quyền đô hộ. Còn tại những miền xa, hay khu vực hẻo lánh, chúng cũng mới dừng lại ở mức “ràng buộc” sơ sài.
4. Bắc thuộc lần thứ ba:
Đầu thế kỷ thứ VII, Giao Châu bị nhà Tuỳ đô hộ trong một thời gian ngắn và từ đó rơi vào sự cai trị của nhà Đường kéo dài đến đầu thế kỷ thứ X. Bộ máy cai trị nhà Đường có sự thay đổi so với những chế độ đô hộ trước đó. Nhà Đường đặt Giao Châu đại tổng quản phủ nhằm cai trị 10 châu là Giao Châu, Phong Châu, Ái Châu, Tiên Châu, Diên Châu, Tống Châu, Từ Châu, Hiểm Châu, Đạo Châu và Long Châu – tức là bao trùm khu vực Bắc Bộ hiện nay tính đến Đèo Ngang. Năm 622, Giao Châu đại tổng quản phủ được đổi thành Giao Châu đô hộ phủ, rồi An Nam đô hộ phủ đến năm 679. Đứng đầu An Nam đô hộ phủ là một viên Đô hộ hoặc Kinh lược sứ; đứng đầu mỗi phủ là chức quan Thứ sử.
Tiến xa hơn một bước so với những chính quyền đô hộ trước đó, nhà Đường đã tìm mọi cách mở rộng bộ máy cai trị đến tận những thôn xóm của người Việt. Giao Châu đại tổng quản đầu tiên của nhà Đường là Khâu Hoà đã tiến hành cải cách phân chia lại những vùng đất nông thôn thành các tiểu hương, đại hương, tiểu xã, đại xã với quy định chi tiết về số lượng dân ở mỗi địa phương để thuận tiện cho công tác tổ chức quản lý hành chính ở cơ sở. Đối với miền núi, nhà Đường đặt các châu ki mi cho tù trưởng quản lý. Tổng cộng An Nam đô hộ phủ cai quản 41 châu.
Chính quyền đô hộ nhà Đường đã thực thi tại An Nam những chính sách cùng thủ đoạn thống trị tàn bạo, thâm độc. Nhân dân An Nam phải gánh chịu thuế, bóc lột hết sức khốc liệt. Phương thức bóc lột chủ yếu của nhà Đường tại An Nam là bóc lột qua các hình thức tô thuế. Bên cạnh đó, phương thức bóc lột qua sản vật vẫn được duy trì. Các châu quận tại An Nam mỗi năm phải cống các sản vật bản địa, thuốc quý hiếm, hàng thủ công. .. Ngoài việc bị bóc lột tô thuế, bị khổ sai vì khai thác sản vật làm lương thực phục vụ triều đình, người dân An Nam còn phải nộp rất nhiều phú thuế khác. .. khiến tình cảnh của họ đã khó khăn nay còn túng quẫn hơn nữa. Hiện tượng bóc lột gia tăng nhanh với mức độ ngày một lớn. Mâu thuẫn giữa người Việt và chính quyền đô hộ ngày một gay gắt đến nỗi đã bùng lên rất nhiều cuộc biểu tình lớn nhỏ của quần chúng vào thế kỷ VIII-IX, tạo tiền đề đưa đến cuộc khởi nghĩa đòi lại nền độc lập dân tộc vào đầu thế kỷ X.
5. Các cuộc khởi nghĩa của nhân dân ta trong 1000 năm Bắc thuộc:
Từ cuộc khởi nghĩa chống ách đô hộ đầu tiên của nhân dân Âu Lạc bùng nổ năm 40 đến thế kỉ X, nhiều cuộc khởi nghĩa đã liên tiếp nổ ra ở ba quận Giao Chỉ, Cửu Chân và Nhật Nam.
– Năm 40, khởi nghĩa Hai Bà Trưng ở Hát Môn.
– Trong các năm 100, 137, 144, diễn ra các cuộc khởi nghĩa của nhân dân Nhật Nam ở quận Nhật Nam.
– Năm 157, khởi nghĩa của nhân dân Cửu Chân ở quận Cửu Chân.
– Năm 178, 190, khởi nghĩa của nhân dân Giao Chỉ ở quận Cửu Chân.
– Năm 248, khởi nghĩa Bà Triệu ở quận Giao Chỉ.
– Năm 542, khởi nghĩa Lý Bí.
– Năm 687, khởi nghĩa Đinh Tiến, Lý Tự Tiên.
– Từ năm 713 – 722, khởi nghĩa Mai Thúc Loan.
– Từ năm 776 – 791, khởi nghĩa Phùng Hưng.
– Từ năm 819 – 820, khởi nghĩa Dương Thanh.
– Năm 905, khởi nghĩa Khúc Thừa Dụ.
– Năm 938, khởi nghĩa Ngô Quyền.
Nhiều cuộc khởi nghĩa được các tầng lớp nhân dân ba quận tham gia, hưởng ứng giành thắng lợi lập được chính quyền tự chủ trong một thời gian.