Nhằm giúp các bạn học sinh có nhiều kiến thức và nắm vững nội dung bài học, bài viết dưới đây chúng mình gửi đến bạn đọc bài viết Giải thích câu tục ngữ Chớ thấy sóng cả mà ngã tay chèo. Cùng tham khảo bài viết của chúng mình nhé.
Mục lục bài viết
1. “Chớ thấy sóng cả mà ngã tay chèo” nghĩa là gì?
“Chớ thấy sóng cả mà ngã tay chèo” hoặc “Chớ thấy sóng cả mà rã tay chèo” (dị bản) được người xưa gửi gắm như một lời khuyên, lời động viên cho thế hệ sau khi gặp khó khăn trong cuộc sống.
Sóng cả: Sóng cả là những con sóng to, sóng lớn. “Sóng cả” trong câu nói này tượng trưng cho những sóng gió và khó khăn có thể xảy ra trong cuộc sống của con người.
Ngã tay chèo: Ngã là động từ chỉ sự mất thăng bằng bất ngờ, nằm ngoài ý muốn. Ngã tay chèo là hành động chèo không vững, không chắc chắn, bấp bênh thậm chí buông tay của người cầm lái.
“Chớ thấy sóng cả mà ngã tay chèo” là lời khuyên chúng ta đừng vì thấy khó khăn mà nản lòng
Câu tục ngữ “Chớ thấy sóng cả mà ngã tay chèo” xuất hiện hình ảnh con thuyền gặp sóng to giữa biển khơi để nhắc nhở chúng ta bài học khi đứng trước khó khăn, thử thách. Đó là trong bất cứ hoàn cảnh nào, chúng ta cũng phải giữ vững ý chí, không được nản lòng, “ngã tay chèo” hoặc bỏ mái chèo.
Bỏ cuộc trước khi bắt đầu không phải là hành động của một người dũng cảm, người có thể thành công. Nó sẽ khiến con thuyền hay nói cách khác là cuộc đời của mỗi chúng ta mất phương hướng, thoát ly khỏi dự định ban đầu. Vì vậy, khi gặp khó khăn, điều đầu tiên cần làm là giữ vững ý chí, điều này sẽ giúp bạn tìm ra cách giải quyết vấn đề đúng hướng.
2. Giải thích câu tục ngữ Chớ thấy sóng cả mà ngã tay chèo hay nhất:
Trong cuộc sống của chúng ta, ít ai đạt được thành công mà không trải qua gian khổ. Vì đường đời có nhiều chông gai, không bằng phẳng như ta nghĩ. Nếu chúng ta chán nản, thiếu ý chí khi bắt tay vào công việc, nhất là những công việc khó, việc lớn thì nhất định sẽ thất bại.
Để nhắc nhở chúng ta về bài học rèn luyện ý chí và lòng quyết tâm, ông bà ta đã từng dạy: “Chớ thấy sóng cả mà ngã tay chèo”.
Đọc câu tục ngữ, hình ảnh hiện ra trước mắt ta là những con sóng to nổi lên giữa một dòng sông mênh mông và bao la, trên đó là chiếc thuyền nhỏ lẻ loi đơn độc. Quả thật, trước cơn “sóng cả” này, ai mà không sợ, không ái ngại cho số phận con thuyền, cho những con người trong con thuyền này. Thường thì những con sóng ập đến là nguyên nhân gây chết chóc, gây tai họa cho con người. Nhưng cũng không hoàn toàn là như vậy. Vì con người có thể chinh phục được thiên nhiên thì cũng có thể vượt qua cơn “sóng cả” này.
Nếu người lái thuyền vẫn cầm vững tay lái, tay chèo, bình tĩnh ứng phó với mọi tình huống, quyết tâm chèo thuyền vượt qua sóng cả, ta tin chắc rằng người đó sẽ chiến thắng. Ở đây, “sóng cả” có nghĩa ám chỉ công việc to lớn, khó khăn, gian khổ trong cuộc sống.
Đứng trước những trở ngại đó, chúng ta đừng vội nản lòng mà bỏ cuộc, đừng vội “ngã tay chèo” mà lúc đó chúng ta phải quyết tâm sẽ vượt qua, đi đến thắng lợi, có như thế mới thành công. Bài học về đức tính kiên trì, vượt khó, nhẫn nại còn được Bác Hồ dạy cho các thanh niên:
Không có việc gì khó
Chỉ sợ lòng không bền
Đào núi và lấp biển
Quyết chí ắt làm nên
Trong cuộc kháng chiến, nhân dân ta cũng phải đối mặt với muôn vàn khó khăn tưởng chừng không thể vượt qua. Chính nhờ ý chí quyết thắng, nhờ ý chí phấn đấu, nhờ “vững tay chèo” mà chúng ta có được thành quả ngày hôm nay. Qua đó, chúng ta nhận ra một điều đáng nhớ rằng: Sự nản lòng, nhụt chí, chùn bước… chính là nguyên nhân thất bại, là kẻ thù của mỗi chúng ta.
Hiểu được những ý nghĩa sâu xa của lời dạy, mỗi chúng ta cần phải có ý thức rèn luyện bản thân.
Luôn lấy câu tục ngữ “Chớ thấy sóng cả mà ngã tay chèo” làm kim chỉ nam trong cuộc sống, ngay từ nhỏ chúng ta phải rèn luyện tính kiên trì, nhẫn nại. Khi đã làm việc gì thì dù khó khăn đến đâu cũng phải cố gắng đến cùng, không được bỏ cuộc giữa chừng. Một bài toán khó, một bài văn khó, một bài tiếng Anh nhiều chữ… chúng ta cũng sẽ làm được, làm đúng nếu chăm chỉ học tập. Đây là phẩm chất cần phải có của mỗi học sinh.
Không những thế, trong quá trình xây dựng sự nghiệp tương lai của mình, những chông gai, nguy hiểm, bão táp, sóng to, gió lớn của cuộc đời lại càng khốc liệt, dữ dội hơn. Nếu từ nhỏ chúng ta đã học “chèo chống” thì chúng ta hoàn toàn không còn sợ “sóng cả” khi tay chèo của chúng ta đã vững vàng. Và như vậy, một tương lai tốt đẹp sẽ đến với chúng ta.
Câu tục ngữ “Chớ thấy sóng cả mà ngã tay chèo” là một bài học giáo dục về ý chí, nghị lực vô cùng ý nghĩa của ông cha ta từ xa xưa nhằm dạy dỗ con cháu sau này. Lời dạy trên là phương châm cho mọi hành động của chúng ta, nó nhắc nhở chúng ta phải luôn nêu cao tinh thần vượt khó, giữ vững ý chí và quyết tâm – không quên lời dạy “có chí thì nên”.
3. Giải thích câu tục ngữ Chớ thấy sóng cả mà ngã tay chèo nâng cao:
Như chúng ta thấy, cuộc sống của mỗi người đều có những khó khăn, thử thách khác nhau. Có những người sinh ra đã bị mất đi một phần trên cơ thể. Khó khăn của họ là phải sống chung với những thiếu sót ấy trong suốt quãng đời còn lại. Có những người thất bại trong kinh doanh hàng trăm lần nhưng họ luôn nỗ lực không ngừng để hướng tới một tương lai tốt đẹp hơn.
Nhưng xét cho cùng, khó khăn và thử thách làm cho chúng ta mạnh mẽ hơn. Chỉ khi chúng ta nỗ lực, chúng ta mới có thể tìm thấy hạnh phúc trong những điều giản đơn nhất. Chúng ta có thể thấy rằng có rất nhiều điều trong cuộc sống này đang chờ chúng ta vượt qua trong tương lai. Câu nói “Chớ thấy sóng cả lại ngã tay chèo” một lần nữa khiến chúng ta hiểu rằng khó khăn và thử thách là những điều kiện tự nhiên trong cuộc sống, và nhờ có những khó khăn đó mới giúp chúng ta kiên cường, trưởng thành hơn.
Khó khăn là như vậy, nhưng điều quan trọng vẫn là nỗ lực của chính chúng ta. Những người có ý chí, tinh thần vượt qua khó khăn và chịu đựng đau khổ là những người luôn biết cách vươn lên và sớm muộn gì cũng sẽ được hưởng “trái ngọt”.
Nếu bạn vừa gặp thất bại, bạn đã nản lòng hoặc bỏ cuộc, bạn sẽ không bao giờ vượt qua được chính mình. Khó khăn sẽ tiếp tục xảy ra, nỗi sợ hãi vẫn còn ở đó. Hãy nhớ rằng nếu bạn vượt qua được thử thách phía sau, đó mới chính là thành công, là thành tựu và cũng là bài học mà bạn không thể mua được ở bất cứ đâu. Chỉ cần bạn có ý chí mạnh mẽ, có niềm tin vào bản thân, mọi thứ đều có thể giải quyết được. Vì vậy, đừng vội “ngã tay chèo” hay nản chí, hãy bình tĩnh đối mặt với thử thách và dũng cảm vượt qua.
4. Những câu tục ngữ, thành ngữ, ca dao bàn về ý chí trong cuộc sống:
– Thua keo này ta bày keo khác.
– Không có chuyện gì khó
Chỉ sợ lòng không bền
Đào núi và lấp biển
Có chí ắt làm nên.
– Người có chí thì nên
Nhà có nền thì vững.
– Thất bại là mẹ thành công.
– Có công mài sắt có ngày nên kim.
– Lửa thử vàng, gian nan thử sức.
-Thắng không kiêu bại không nản.
– Kiến tha lâu cũng đầy tổ.
– Có chí làm quan, có gan làm giàu.
– Luyện khổ thành tài.
– Ai ơi giữ chí cho bền
Dù ai xoay hướng đổi nền mặc ai.
– Ai ơi đã quyết thì hành
Đã đan thì lận tròn vành mới thôi.
– Có cứng mới đứng được đầu gió.
– Dù ai nói ngả nói nghiêng
Lòng ta vẫn vững như kiềng ba chân.
– Một góc giang san,
Một dòng máu đỏ.
Quyết tâm không bỏ
Một mảnh đất hoang,
Trồng bắp, trồng lang,
Tăng nguồn lương thực.