Phân tích bài thơ Mây và sóng để thấy được vẻ đẹp của tình mẫu tử cũng như Vẻ đẹp mộng mơ và ý nghĩa sâu sắc của bài thơ Mây và sóng. Xin mời bạn đọc cùng theo dõi bài viết sau đây với chủ đề Vẻ đẹp mộng mơ và ý nghĩa sâu sắc của bài Mây và Sóng.
Mục lục bài viết
1. Bài văn cảm nhận vẻ đẹp mộng mơ và ý nghĩa sâu sắc của bài Mây và Sóng hay:
Ta go được biết đến là một nhà thơ nổi tiếng của Ấn Độ. Ông là người châu Á đầu tiên đoạt giải Nobel Văn học. Gia tài văn học mà ông để lại cho nhân loại là vô cùng đồ sộ và phong phú. Trong số đó, bài thơ “Mây và Sóng” được coi là một kiệt tác và được xuất bản bằng tiếng Anh trong tập in “Măng non”.
Bài thơ gồm có hai phần. Phần một là lời mời gọi em bé của những người sống trên mây, phần còn lại lời mời gọi em bé của những người sống trên sóng. Từ đó thể hiện vẻ đẹp mộng mơ và ý nghĩa sâu sắc của bài thơ. Đây là một bài thơ trữ tình giống một khúc hát đồng dao, viết về câu chuyện em bé kể cho mẹ nghe về những người bạn trên mây và những người bạn trên sóng đã mời em bé đi chơi cùng.
Trước hết là lời mời gọi của những người sống trên mây: “Bọn tớ chơi từ khi thức dậy cho đến lúc chiều tà. Bọn tớ chơi với bình minh vàng bọn tớ chơi với vầng trăng bạc”. Tác giả tưởng tượng hình ảnh em bé đang nhìn lên bầu trời và lắng nghe lời nói của chín tầng mây cao vời vợi. Vì những đám mây được nhân cách hóa nên có thể đưa ra lời mời rất thân thiện và hấp dẫn như vậy. Bởi thế mà những đám mây đã trở thành đối tượng giao tiếp. Lời mời từ mây thật sự là vô cùng hấp dẫn làm sao “được chơi từ sáng sớm cho đến chiều tối”. Lời mời này hấp dẫn đến nỗi em bé phải hỏi lại. “Nhưng làm sao mình lên đó được!” Những người sống trên mây đã cho em bé biết cách để lên đó, chính là hãy đi đến tận cùng của thế giới, hãy giơ tay lên trời thì sẽ được nâng lên đến tận chín tầng mây. Tại nơi đó em bé sẽ được tận mắt chứng kiến hình ảnh bình minh của vầng trăng bạc thiên nhiên tươi đẹp nơi tận cùng trái đất. Qua bức tranh này, chúng ta có thể cảm nhận được trong hình dung của trẻ thơ nơi tươi đẹp đó chính là cả một khoảng trời bao la rộng lớn. Không gian ấy chính là xứ sở thần tiên chỉ có trong truyện cổ tích và giấc mơ của trẻ thơ. Phải chăng lời mời gọi của mây là ước muốn của trẻ thơ được du hành đến tận cùng trái đất, được trèo lên bầu trời và khám phá thiên nhiên huyền bí chăng? Qua những bài thơ này, chúng ta thấy được rằng Ta go hẳn phải là một nhà thơ yêu thiên nhiên, yêu trẻ thơ và có tâm hồn rất trẻ thì mới có thể viết nên được những giấc mơ kỳ diệu như vậy. Thơ Ta go là những bài ca về lòng nhân ái, thể hiện khát vọng hạnh phúc, tự do.
Hơn nữa, em bé không chỉ mơ ước được bay đến tận cùng thế giới mà còn muốn được du hành khắp các đại dương. Hấp dẫn hơn nữa là những lời mời từ những người sống trên sóng. “Bọn tớ ca hát từ sáng sớm cho đến hoàng hôn. Bọn tớ ngao du nơi này nơi nọ mà không biết từng đến nơi nào.” Thế là em bé hỏi làm sao để có thể ra ngoài đó được. Đại dương đã trả lời rằng: “Hãy đến rìa biển cả thì sẽ được sóng nâng đi.” Người đọc lại một lần nữa được nhìn thấy một thế giới cổ tích kỳ diệu. Ta go đã dẫn chúng ta đến với thế giới cổ tích, thế giới thiên nhiên đầy kỳ thú. Không chỉ vậy, người đọc còn thấy được sự đồng cảm với tâm hồn của trẻ thơ mơ ước về những hình ảnh thiên nhiên tươi đẹp, hấp dẫn. Không chỉ có bầu trời sống động mà còn có cả đại dương bao la nữa.
Mọi thứ đều thật hấp dẫn, và em bé tưởng tượng rằng đang được đi theo sau những người sống trên mây và trên sóng. Nhưng làm sao em có thể rời xa mẹ được đây? Em đã nghĩ về mẹ rằng, “buổi chiều mẹ luôn một mình ở nhà, làm sao rời mẹ mà đi được”. Thế giới thiên nhiên thật bí ẩn hấp dẫn đấy! Nhưng còn một điều hấp dẫn hơn nữa, đó chính là mẹ. Dù em bé bị thiên nhiên thu hút nhưng điều đó vẫn không thể sánh được với thế giới tình yêu của mẹ. Từ đó, bài thơ “Mây và Sóng” đưa chúng ta đến với giấc mơ tuổi thơ tuyệt vời thông qua sự sáng tạo trong trò chơi của em bé. Trước hết, em bé đã nghĩ ra trò chơi mà trong đó con là sao và mẹ sẽ là trăng. Con là sóng và mẹ sẽ là bến bờ kì lạ. Điều độc đáo của trò chơi này là ở đâu có mây thì ở đó có mặt trăng. Trăng và mây cùng chung một bầu trời. Mây và trăng luôn ở cạnh nhau. Khi có sóng là có bờ vuốt ve vỗ về như hình ảnh mẹ ôm con vào lòng. Em bé gọi đây là trò chơi nhưng thực chất đó không phải là trò chơi mà là tình cảm của em bé dành cho mẹ, với ước mơ được ở trong vòng tay mẹ và không bao giờ rời xa mẹ.
Toàn bộ bài thơ đã thể hiện mối liên hệ giao cảm kỳ diệu giữa em bé và thiên nhiên tươi đẹp. Xuyên suốt bài thơ chúng ta có thể thấy hình ảnh bức tranh thiên nhiên huyền ảo, đẹp đẽ. Chúng ta thấy được em bé thể hiện sự sáng tạo trong trò chơi để vừa được chơi vừa được ở bên cạnh mẹ. Bởi vẻ đẹp mộng mơ và ý nghĩa ấy nên bài thơ được thấm đẫm bởi lòng nhân văn vô cùng sâu sắc. Tác giả không chỉ ca ngợi sự cao cả của tình mẹ mà còn đã đưa chúng ta đến với thế giới mộng mơ kỳ diệu của tuổi thơ.
2. Bài văn cảm nhận vẻ đẹp mộng mơ và ý nghĩa sâu sắc của bài Mây và Sóng ấn tượng:
Bài thơ “Mây và Sóng” được viết bằng tiếng Bengali trong tập thơ “Si-su” (Trẻ em) xuất bản năm 1909 và được chính Ta go dịch sang bằng tiếng Anh in trong bản “Trăng non” xuất bản năm 1909. Bài thơ kể về câu chuyện của mẹ và em bé vui đùa giữa “mây” và “sóng”. Thông qua đó, bài thơ đã cho thấy vẻ đẹp mộng mơ của một xứ sở thần tiên bồng bềnh trên mây và trên sóng lớn của biển cả cùng với đó là tình mẫu tử thiêng liêng cao đẹp.
Bài thơ “Mây và sóng” mở đầu bằng những lời mời gọi của những người sống trên mây và sóng. Trước hết là lời mời gọi của những người sống trên mây. “bọn tớ chơi từ khi thức dậy cho đến lúc chiều tà. Bọn tớ chơi với bình minh vàng bọn tớ chơi với vần trăng bạc“. Tác giả đã sử dụng phép nhân cách hóa, so sánh mây với bạn bè, để mây có thể giao tiếp với em bé. Tác giả đã tưởng tượng rằng em bé đang ngồi và ngước mặt lên nhìn bầu trời, trên đó có chín tầng mây tuyệt đẹp đang nói chuyện cùng với cậu bé. Lời mời gọi “lên đây thì được chơi từ sáng sớm đến chiều tối” nghe thật là hấp dẫn nhưng câu hỏi của em bé là làm sao để lên đó được. Như hiểu được ý định của em, những người sống trên mây đã bày cho em rằng hãy đi đến tận cùng thế giới và ở đó sẽ được nhấc bổng lên chín tầng mây. Một bức tranh thơ mộng tựa như chốn thần tiên hiện ra trước mắt em bé, với mây vàng mây bạc cùng không gian trời đất bao la. Đó liệu có phải là niềm khao khát khám phá, được tìm tòi những gì bí ẩn của trời đất huyền bí, thú vị của em bé hay chăng? Ta go là một nhà thơ yêu thiên nhiên và trẻ em. Đó là lý do Ta go dồn hết đam mê vào việc sáng tác nên những tác phẩm để biến những ước mơ hồn nhiên và đẹp đẽ của trẻ thơ thành hiện thực. Thơ Ta go thể hiện tình yêu, lòng nhân ái, khát vọng tự do và hạnh phúc.
Ước mơ của em bé không chỉ là được du lịch vòng quanh trái đất mà còn được khám phá đại dương rộng lớn bao la. Thế là em bé hỏi đại dương làm sao có thể ra ngoài đó được. Rồi đại dương trả lời: “Hãy đến rìa biển cả, con sẽ được sóng nâng đi.” Một khung cảnh thú vị như một câu chuyện cổ tích mở ra trước mắt em bé. Chỉ cần đứng trên rìa biển cả, nhắm mắt lại và sẽ được “sóng” đưa đi. Thiên nhiên dường như đang hòa quyện vào những ước mơ của trẻ thơ. Bầu trời sống động và đẹp đẽ cùng đại dương bao la, rộng lớn. Tuy nhiên, ngay cả khi đã nghe những lời mời gọi thật hấp dẫn như vậy, vẫn không thể khiến em rời bỏ mẹ mà đi được “ buổi chiều mẹ luôn một mình ở nhà làm sao rời mẹ mà đi được”. Thế giới tự nhiên thật tuyệt vời và hấp dẫn đối với em bé, nhưng có điều hấp dẫn và thú vị hơn chính là thế giới của mẹ, người đã sinh thành và nuôi dưỡng từ khi em còn trong bụng mẹ. Thiên nhiên dù có hấp dẫn đến đâu thì đối với cả em bé và chúng ta, mẹ chính là điều mà chúng ta phải trân trọng nhất.
Ta go đưa chúng ta đi từ câu chuyện tuổi thơ này đến câu chuyện thời thơ ấu khác thông qua tâm hồn của một đứa trẻ. Em bé sáng tạo ra một trò chơi có cả mây và sóng nhưng quan trọng nhất là có mẹ. Nếu con là mây thì mẹ sẽ là trăng, nếu con là sóng thì mẹ sẽ là bến bờ kỳ lạ. Mây và trăng sẽ cùng chung một bầu trời. Sóng và bờ sẽ không bao giờ cách xa nhau. Sóng vỗ vào bờ, được bờ vỗ về và ôm ấp như người mẹ luôn an ủi con. Đây là một trò chơi, nhưng trò chơi này không chỉ là một tro chơi mà chính là thể hiện tình cảm thiêng liêng của tình mẫu tử, mong muốn luôn được mẹ ôm ấp, an ủi và mong muốn không bao giờ xa mẹ dù chỉ một giây phút của em bé.
3. Các ý chính cảm nhận vẻ đẹp mộng mơ và ý nghĩa sâu sắc của bài Mây và Sóng:
* Lời mời gọi của những người trên mây và sóng:
Lời mời gọi của mây và sóng:
+ Những người sống trên mây: “Bọn tớ chơi từ lúc thức dậy cho đến lúc chiều tà. Bọn tớ chơi với bình minh vàng, bọn tớ chơi với vầng trăng bạc.
+ Những người sống trên sóng: “Bọn tớ ca hát từ sáng sớm cho đến hoàng hôn. Bọn tớ ngao du nơi này nơi nọ mà không biết từng đến nơi nao?”
⇒ Thế giới được miêu tả thông qua lời mời gọi của những người sống trên mây và sóng là một thế giới kỳ ảo, huyền bí và hấp dẫn, đặc biệt là đối với trẻ thơ.
– Cách để tới với Mây và Sóng:
+ Cách để đến với mây: đi đến tận cùng trái đất và giơ tay lên trời thì sẽ được nâng lên chín tầng mây.
+ Cách để đến với sóng: Hãy đến bên bờ đại dương và nhắm mắt lại thì sẽ được sóng nâng đi.
– Nhận xét:
+ Lời mời gọi của Mây và Sóng: hấp dẫn và thú vị, khơi dậy sự tò mò.
+ Cách để đến với mây và sóng: rất đơn giản, hấp dẫn.
– Nghệ thuật: Nhân cách hóa, sử dụng ẩn dụ đầy sức gợi.
⇒ “Mây” và “sóng” chính là biểu tượng của thế giới cổ tích huyền diệu mà các bé hay tưởng tượng, nhưng cũng là những niềm vui, cám dỗ của cuộc sống đời thường mà con người dễ dàng bị cuốn hút.
* Phản ứng của em bé trước lời mời gọi:
– Ban đầu, em bé đã bị thu hút bởi những lời mời gọi. Em bé hỏi rằng:
+ Với những người sông trên mây: “Nhưng làm thế nào để lên đó được?”
+ Với những người sống trên sóng: “Nhưng làm cách nào mình ra đó được?”
⇒ Phản ứng đầu tiên của em bé mong muốn được đến những nơi đó là điều dễ hiểu vì lời mời như vậy rất thú vị và hấp dẫn, đặc biệt là đối với trẻ em.
– Sau đó em bé đã từ chối lời mời. “Làm sao có thể rời mẹ mà đi được?”
⇒ Lời từ chối dễ thương nhưng cảm động.
・Lý do bé từ chối lời mời: Vì em bé nghĩ đến mẹ, mẹ luôn mong muốn em ở nhà → Mẹ là lí do em bé từ chối lời mời hấp dẫn.
– Nghệ thuật: Đối thoại.
⇒ Dù luyến tiếc cuộc vui, nhưng việc em bé từ chối lời mời hấp dẫn thấy tình yêu nồng nàn của em bé dành cho mẹ. Em luôn nghĩ về mẹ và luôn mong muốn được ở bên mẹ. Tình yêu của mẹ mang đến cho em sức mạnh và động lực để vượt qua cám dỗ.
* Trò chơi của em bé và mẹ:
– Trò chơi của em bé và mẹ:
+ Sau khi từ chối mây: “Con là mây và mẹ là trăng. Hai bàn tay con ôm lấy mẹ, và mái nhà ta sẽ là bầu trời xanh thẳm”.
+ Sau khi từ chối sóng: “Con là sóng và mẹ sẽ là bến bờ kì lạ”.
– Đối với em bé: Những trò chơi này thú vị và hay hơn vì em bé được ở bên cạnh mẹ.
⇒ Hình ảnh thiên nhiên mây và sóng tượng trưng cho niềm vui vui chơi của trẻ thơ, còn hình ảnh vầng trăng và bờ biển kỳ lạ tượng trưng cho lòng nhân hậu, trái tim rộng lớn và tình yêu thương không có giới hạn của mẹ.
– Hai câu thơ cuối: khẳng định tình yêu thiêng liêng, bất diệt của người mẹ, một tình cảm cao cả được nâng lên tầm vũ trụ.
– Nghệ thuật: sử dụng hình ảnh tượng trưng, điệp âm, câu thơ giàu hình ảnh… (nét nghệ thuật đặc trưng của thơ Ta go).
⇒ Em bé xuất hiện với những nét ngây thơ, đáng yêu nhưng thông minh, trí tưởng tượng phong phú cùng với tình yêu mẹ nồng nàn.
⇒ Tinh thần nhân văn của Ta go: Tôn vinh vẻ đẹp của tình mẫu tử.
* Triết lí qua bài thơ:
– Con người không thể thoát khỏi sự cám dỗ của cuộc sống. Nếu không có nền tảng vững chắc thì sẽ rất dễ rơi vào những cám dỗ này. Tình mẹ là trụ cột vững chắc của cuộc đời mỗi con người.
– Hạnh phúc không ở đâu xa, cũng không tự nó đến, hạnh phúc luôn ở gần gũi với chúng ta, trong những điều giản đơn đời thường mà chúng ta tự tạo ra cho mình.