Với một văn bản học thuật, cơ sở lý luận là một trong những phần bắt buộc phải có. Vậy cơ sở lý luận là gì? Cách viết cơ sở lý luận trong luận văn? Nếu bạn cũng có băn khoăn về vấn đề này, hãy cùng tìm hiểu trong bài viết dưới đây.
Mục lục bài viết
1. Cơ sở lý luận là gì?
Cơ sở lý luận là một khái niệm quan trọng trong nghiên cứu khoa học, là phương pháp để lý luận, bằng cách chọn lọc các tài liệu về chủ đề nghiên cứu, bao gồm thông tin, ý tưởng, dữ liệu và bằng chứng được trình bày trên một quan điểm nào đó. Cơ sở lý luận giúp hoàn thành các mục tiêu nghiên cứu, diễn tả các quan điểm về bản chất của chủ đề và phương pháp xem xét chủ đề đó. Phương pháp lý luận này bao gồm các nguyên lý, khái niệm, giả thuyết căn bản và khung tham chiếu của nghiên cứu và được dựa trên các lý thuyết đã được kiểm chứng và khẳng định, để giải thích và phân tích các hiện tượng và đưa ra kết luận dựa trên ý tưởng, kiến thức, sự quan sát thực tế.
Để hình dung dễ hơn, trong nghiên cứu khoa học, luận án, luận văn thạc sĩ, v.v., việc bạn xác định, thảo luận và đánh giá các lý thuyết có liên quan chặt chẽ đến vấn đề bạn đang nghiên cứu nói chung là cơ sở lý luận.
Lý luận cũng là một phương pháp lập luận. Phương pháp lập luận phải logic, thuyết phục được mọi người rằng điều đó là đúng và phải khoa học. Nói cách khác, phải có cơ sở và phải có bằng chứng chứng minh điều đó. Theo thuật ngữ triết học, nó còn được gọi là luận cứ.
Có rất nhiều phương pháp lý luận được sử dụng trong các bài báo và luận án nghiên cứu khoa học, nhưng về cơ bản có bốn phương pháp được sử dụng phổ biến nhất: phân tích, diễn dịch, tổng hợp và quy nạp.
Trong các luận văn, công trình nghiên cứu khoa học khác, phần “Cơ sở lý luận” giúp làm rõ các khái niệm, định nghĩa, quan điểm của các nhà khoa học khác nhau, các yếu tố ảnh hưởng, tiêu chí đánh giá, v.v. Việc một bài báo hay nghiên cứu học thuật có được đón nhận hay không phụ thuộc phần lớn vào cách những nền tảng lý luận này được nghiên cứu và trình bày chính xác.
Để lựa chọn cơ sở lý luận hợp lý, ta cần làm rõ các bước sau:
– Xác định vấn đề cần giải quyết hoặc câu hỏi cần trả lời.
– Nêu rõ giả thiết, tiền đề hoặc điều kiện ban đầu của vấn đề hoặc câu hỏi.
– Trình bày các luận điểm chính, bằng chứng, ví dụ hoặc minh chứng hỗ trợ cho quan điểm, lập luận hoặc giải pháp của mình.
– Đưa ra kết luận hoặc nhận xét cuối cùng dựa trên các luận điểm, bằng chứng, ví dụ hoặc minh chứng đã nêu.
– Kiểm tra tính nhất quán, logic và hợp lệ của cơ sở lý luận, loại bỏ các sai lầm tư duy, suy diễn sai hoặc thông tin sai lệch nếu có.
Như vậy, cơ sở lý luận không chỉ giúp người nói hoặc viết thể hiện ý kiến một cách rõ ràng, chính xác và thuyết phục, mà còn giúp người nghe hoặc độc giả hiểu được quá trình suy nghĩ và đánh giá của người nói hoặc viết. Đây là một kỹ năng thiết yếu trong nhiều lĩnh vực như học thuật, nghiên cứu, kinh doanh, luật, chính trị và nhiều hơn nữa.
2. Cách viết cơ sở lý luận trong luận văn?
Cơ sở lý luận là một phần quan trọng trong luận văn, nơi trình bày các tài liệu, ý tưởng, dữ liệu và bằng chứng liên quan đến chủ đề nghiên cứu của bạn. Để viết cơ sở lý luận một cách hiệu quả, bạn cần thực hiện các bước sau:
– Thu thập, đánh giá và chọn lọc tài liệu:
+ Tìm kiếm các nguồn tài liệu uy tín và phù hợp với đề tài của bạn, như sách, báo cáo, bài báo khoa học, luận văn…
+ Đánh giá tính tin cậy, chính xác và cập nhật của các tài liệu này, loại bỏ những tài liệu không liên quan hoặc lỗi thời.
+ Sau đó, chọn lọc những tài liệu có giá trị nhất cho nghiên cứu của bạn, ghi chép lại các thông tin quan trọng và trích dẫn nguồn gốc.
– Tìm sự kết nối và chủ đề:
+ Xem xét các mối liên hệ giữa các tài liệu đã thu thập, nhận ra những điểm chung và khác biệt, những ưu và nhược điểm của các quan điểm khác nhau.
+ Xác định các chủ đề chính trong cơ sở lý luận phù hợp với câu hỏi nghiên cứu và mục tiêu nghiên cứu của bản thân.
– Lập kế hoạch phân tích biện minh của bạn:
+ Sắp xếp các chủ đề và thông tin theo một thứ tự logic, rõ ràng và có liên kết.
+ Phân tích và biện minh cho các ý kiến của bạn bằng cách dùng các bằng chứng từ các tài liệu đã tham khảo.
+ Tránh sao chép hoặc trình bày lại toàn bộ nội dung của các tài liệu mà chỉ nêu ra những điểm quan trọng nhất liên quan đến nghiên cứu.
– Triển khai viết phần cơ sở lý thuyết:
+ Viết phần cơ sở lý thuyết theo kế hoạch đã lập, sử dụng ngôn ngữ khoa học, trung lập và chính xác.
+ Ghi rõ nguồn tham khảo cho mỗi thông tin hay ý kiến được trích dẫn hoặc dẫn chứng.
+ Vết mở đầu và kết luận cho phần cơ sở lý thuyết để giới thiệu và tổng kết nội dung chính của phần này.
3. Tầm quan trọng của cơ sở lý luận trong nghiên cứu khoa học:
Khi quá trình xác định chủ đề và tổng hợp câu hỏi nghiên cứu hoàn tất, nhiệm vụ tiếp theo là tận dụng các nghiên cứu do các tác giả khác phát triển có liên quan đến chủ đề đang nghiên cứu. Từ đó, bạn có thể tìm kiếm các lý thuyết, ý tưởng và mô hình cho phân tích của mình.
Dưới đây là tổng quan về 5 yếu tố góp phần tạo nên tầm quan trọng của cơ sở lý luận trong nghiên cứu khoa học.
– Người đọc sẽ có được bức tranh rõ ràng hơn về những bằng chứng chính xác, cụ thể cho các giả thuyết liên quan trực tiếp đến câu hỏi nghiên cứu của mình.
– Kết nối tác giả với kiến thức hiện có. Cung cấp lý thuyết liên quan làm cơ sở cho việc lựa chọn các giả thuyết và phương pháp nghiên cứu.
– Khi xây dựng các tiền đề lý thuyết của một nghiên cứu, các câu hỏi như “tại sao” và “như thế nào” phải được giải quyết. Nền tảng lý thuyết ở đây giúp chúng ta khái quát hóa các khía cạnh khác nhau của hiện tượng từ những cách giải thích đơn giản mà chúng ta quan sát được.
– Ngoài ra, bạn sẽ hiểu rõ hơn nhiều về các phương pháp và cách tiếp cận khác nhau cho bài nghiên cứu này, giúp bạn dễ dàng lựa chọn phương pháp tốt nhất cho bài viết của mình.
– Hơn nữa, cơ sở lý luận không chỉ giúp tác giả đánh giá, lựa chọn hoặc kết hợp các lý thuyết có liên quan mà còn góp phần định hướng nghiên cứu.
4. Cơ sở lý luận bao gồm những gì?
– Khái niệm: Là các thuật ngữ, định nghĩa có liên quan đến vấn đề bạn đang nghiên cứu.
– Nguyên tắc: Tập hợp các quy tắc, nguyên lý cơ bản của hiện tượng hay vấn đề đó.
– Phương pháp nghiên cứu: Người viết cần chỉ rõ phương pháp nghiên cứu được sử dụng là gì? (nêu rõ phương pháp chủ đạo, phương pháp bổ trợ).
– Luận đề: Là vấn đề cần giải quyết. Nói theo cách logic thì đó là phán đoán cần chứng minh.
– Luận điểm: Là giả thuyết, nhận định, ý kiến sau quá trình luận chứng của người viết về vấn đề được nêu ra.
– Luận cứ: Là một sự kiện, một hiện tượng, một quan sát hay một giả thuyết được dùng để chứng minh hoặc bác bỏ một phán đoán nào đó. Luận cứ có thể được phân loại theo nhiều tiêu chí khác nhau, nhưng một trong những phân loại phổ biến nhất là luận cứ dẫn chứng và luận cứ suy diễn. Luận cứ dẫn chứng được sử dụng dùng các sự kiện hay hiện tượng đã được xác nhận là đúng để hỗ trợ cho một phán đoán. Ví dụ: “Trái đất hình cầu vì các ảnh vệ tinh đã chụp được hình dáng của nó”. Luận cứ suy diễn là khi dùng các quy luật hay nguyên lý logic để suy ra một phán đoán từ một hoặc nhiều luận cứ khác. Ví dụ: “Nếu A thì B, A xảy ra, vậy B cũng xảy ra”.