Câu nói Ăn cơm nhà thổi tù và hàng tổng nghĩa được các cụ ta sử dụng để chỉ những người làm việc không có lọi ích gì. Tuy nhiên, nguồn gốc của câu nói này xuất phát từ đâu, và được sử dụng như thế nào? Bài viết dưới đây sẽ giải thích ý nghĩa của câu nói "Ăn cơm nhà thổi tù và hàng tổng".
Mục lục bài viết
1. Giải thích câu ” Ăn cơm nhà thổi tù và hàng tổng”:
1.1. Nguồn gốc lịch sử của câu ” Ăn cơm nhà thổi tù và hàng tổng”:
Vào thời kỳ phong kiến, hàng tổng (hay tổng) là đơn vị hành chính cấp cơ sở, tuy nhiên không giống với một số đơn vị hành chính thời phong kiến ngày xưa (Bao gồm: đạo, lộ, châu, phủ, huyện, xã) thì tổng được hiểu là một dạng đơn vị hành chính trung gian giữa huyện và xã. Nguồn gốc của đơn vị hành chính tổng được các nhà nghiên cứu sử học chỉ ra rằng từ này xuất hiện từ đầu thế kỷ XV đến đầu thế kỷ XVI, thời kỳ Lê Sơ, ghi nhận ở một số đoạn văn bia: Ở Bia Tự điền bi ký, tại số kí hiệu thác bản 3382-3, khắc vào năm Hồng Đức 2 (1471) khu vực xã La Khê (nay là huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình) có ghi: “Điền tại bản huyện, Nội Lãng tổng, Huyền Chân xã”, nghĩa là “Ruộng tại xã Huyền Chân, tổng Nội Lãng trong huyện”. Mặc dù hàng tổng đã xuất hiện ở giai đoạn Lê Sơ, nhưng tên gọi này cũng chỉ mới được sử dụng ở một vài địa phương. Phải sang đến gia đoạn năm 1589 của thời kỳ nhà Mạc, những đơn vị hành chính tổng này tiếp tục được duy trì và mở rộng hơn. Thực tế, bởi nhu cầu mở rộng và phát triển làng xã của từng địa phương từ nửa sau thời Lê trở đi. Giống như phủ ở Trung Quốc, ban đầu do một số châu lớn mà lập thêm phủ, nên sau đó phủ trở thành đơn vị hành chính quản lý cấp châu và huyện. Có thể thấy sự xuất hiện của đơn vị hành chính ở tổng thời kỳ đầu này không phải là chủ ý của triều đình Lê hay Mạc. Tổng ở thời Lê Sơ và Mạc xuất hiện gắn với nhu cầu các hoạt động tín ngưỡng khá sôi nổi dưới thời Lê – Mạc, nhất là ở triều Mạc với sự xuất hiện ngôi đình làng và việc thờ thành hoàng ở đình, đồng thời gắn với nhu cầu mở rộng phát triển làng xã, nhiều xã mới hình thành và đòi hỏi có một cấp trung gian để cai quản các xã đó, trước hết về sinh hoạt tín ngưỡng, tổ chức lễ hội, làm thuỷ lợi…
Thường thì đứng đầu tổng là viên cai tổng và phó cai tổng ( quy định này chỉ xuất hiện từ giai đoạn đầu thế kỷ XIX) nhưng kể từ năm Minh Mệnh thứ 3 (1822), nhà Nguyễn định cho các địa phương chỉ đặt mỗi tổng một viên cai tổng. Vào gia đoạn đầu của thời Nguyễn, chức cai tổng mang hàm bát phẩm, về sau giảm xuống hàm tòng cửu phẩm. Chức cai tổng thường là do các viên tri phủ, tri huyện kén chọn người rồi làm tờ đề đạt lên. Cai tổng được quy định là người có trách nhiệm trông coi một tổng, có nhiệm vụ: “Đến kỳ binh lương thì thu thuế đúng hạn, có trộm giặc lén lút thì bắt, hay có cường hào gàn dở thì vạch rõ để trị tội, có kẻ điêu toa gian dối thì trừng trị để cho thuế khoá xong đủ, địa phương yên ổn, dân không bị tổn hại và không bị phiền nhiễu”. Đến giai đoạn thời Pháp thuộc thì người giữ chức vụ to nhất ở tổng gọi là chánh tổng rồi đến lý trưởng các làng xã và bé nhất là anh mõ làng, người này có vai trò quan trọng trong truyền thông tin bằng lời nói ở Việt Nam qua nhiều thế kỉ.
Người rao mõ thường cầm cái mõ bằng gộc tre khô và cái dùi tre trong tay, gõ một hồi cho mọi người nghe rồi cất tiếng rao cho mọi người biết tin tức hoặc mệnh lệnh của vua, hay những điều muốn thông báo.. Vậy nên cứ có việc gì của làng: từ ma chay, đình đám, cưới xin thuế má thì anh mõ có trách nhiệm phải đi gõ mõ báo tin cho cả làng, cả xã biết. Anh mõ phải làm nhiệm vụ ấy như một nghĩa vụ với làng mà không được trả công, không được hưởng một quyền lợi gì cả. Bên cạnh một số công cụ truyền thông tin là cái mõ, vào ngày xưa người ta còn sử dụng cái tù và ( là vỏ của một con ốc biển hoặc một cái sừng trâu đã được thông hai đầu dùng hơi thổi để báo tin tức, việc làng). Hành động dùng tù và đi thổi khắp làng, khắp tổng mà chẳng được hưởng lợi lộc gì chính là cơ sở để xuất hiện thành ngữ ăn cơm nhà thổi tù và hàng tổng hay ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng.
1.2. Ý nghĩa của câu ” Ăn cơm nhà thổi tù và hàng tổng”:
Câu nói “Ăn cơm nhà thổi tù và hàng tổng” được giải thích dựa theo sách Tục ngữ lược giải của tác giả Lê Văn Hòe như sau:
“Tù và làm bằng vỏ ốc hay bằng sừng trâu, dùng để báo hiệu khi có việc quan hay có động dạng trộm cướp, cháy nhà v.v… Việc thổi tù và báo hiệu ngày xưa thuộc nhiệm vụ tuần tráng. Tuần tráng là những người trai tráng không có bằng cấp, chức vị được cắt cử ra để trông coi trật tự và an ninh trong làng.Tuần tráng trong xã không được lương bổng gì, hằng ngày ăn cơm nhà, làm việc làng. Hàng năm đến vụ gặt, mới được chia nhau một ít thóc tuần gọi là sương túc. Nhưng đi tuần hàng tổng thì sương túc hàng năm cũng không được hưởng. Thổi tù và hàng tổng là nhiệm vụ của tuần tráng hàng tổng.”
Câu nói “Ăn cơm nhà thổi tù và hàng tổng”, hoặc biến thể “Ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng” ngụ ý than phiền về tạp dịch dân đen phải chịu thời xưa. Câu nói trên thường được sử dụng để chỉ những người làm việc công và không được hưởng tí quyền lợi gì. Gần nghĩa với thành ngữ này, trong tiếng Việt còn có thành ngữ ăn cơm nhà vác ngà voi.
2. Sử dụng “Ăn cơm nhà thổi tù và hàng tổng” trong hoàn cảnh nào?
Câu nói “Ăn cơm nhà thổi tù và hàng tổng”, hoặc biến thể “Ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng” mang ý nghĩa than phiền về công việc mà những người làm việc công hay những công việc mà dân đen phải chịu thời xưa. Chính vì vậy nên các cụ chúng ta thời xưa thường mượn câu này để nói bóng gió những người làm việc mà không được hưởng lợi lộc gì. Dần dà, câu nói “Ăn cơm nhà thổi tù và hàng tổng” hay “Ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng” được sử dụng với ý nghĩa rộng hơn. Nhưng tựu chung lại thì tất cả những việc làm tốn công, vô ích vì không mang lại được hiệu quả gì đều có thể được ví bằng thành ngữ này.
3. Ví dụ về câu “Ăn cơm nhà thổi tù và hàng tổng”:
3.1. Ví dụ 1:
Ông Lý Văn Nhất là một người cán bộ nhiệt huyết, tận tâm là người kết nối giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân; tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với bà con đồng bào dân tộc Tày. Ông Nhất luôn nỗ lực, cố gắng làm tốt công việc được giao, gương mẫu, đi đầu trong mọi phong trào và đặt lợi ích của tập thể, cộng đồng lên trên lợi ích cá nhân; để không phụ lòng tin tưởng của chính quyền và sự tín nhiệm của bà con.
Từ chuyện hàng xóm bất hòa, gia đình không hòa thuận, tranh chấp đất đai… ông Nhất đều có mặt để can thiệp, hòa giải. Ban đầu, nhiều người cũng không đồng tình, không muốn nghe, còn bảo ông lo chuyện bao đồng, thích đi “Ăn cơm nhà thổi tù và hàng tổng” nhưng bằng sự kiên trì mà ông Nhất vẫn hết lần này đến lần khác đến chân thành vận động, giảng giải cho bà con hiểu mới thôi. Cũng có những lúc ông phải đi đi lại lại đến cả tuần, rồi phải mời cả chính quyền xã đến can thiệp, hòa giải thì bà con mới nghe ra.Chính từ tự tận tâm và luôn hết lòng vì bà con, vì công việc chung nên năm 2003 ông được bầu là người có uy tín ở tổ dân phố Thượng Châu.
3.2. Ví dụ 2:
Ở khu vực thôn Ma Đanh – Tu Tra – Đơn Dương – Lâm Đồng là nơi tập trung nhiều dân tộc thiểu số, ở vùng sâu, vùng xa, theo đạo Tin lành, bà con dân tộc Chu Ru. Bà con nơi đây do ít được học hành nên nhiều khi việc phổ biến chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước cho bà con làm theo là điều vô cùng khó khăn. Bởi bà con đã quá quen với các tập tục tổ tiên để lại. Hễ vợ chồng bỏ nhau là phải bồi thường trâu, bò rất tốn kém; hay ốm đau thay vì đến bệnh viện, bà con lại làm lễ cúng gà, cúng heo, cúng dê… Không chỉ có vậy, khu vực nơi đây còn phổ biến với các tệ nạn xã hội, như nghiện ma túy, mại dâm. Tình hình an ninh, trật tự cũng không được tốt lắm, nhiều vụ đánh nhau, gây mất đoàn kết diễn ra thường xuyên…Với suy nghĩ muốn giúp đỡ bà con được đến gần hơn với các chủ trương, chính sách của đảng, Nhà nước, tránh xa những tập tục cổ hủ, lạc hậu, không phù hợp với đạo đức thuần phong mỹ tục, bác YA TIN đã tình nguyện đứng ra trở thành người “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng”, lo chuyện “bao đồng”… mang tiếng cồng, tiếng chiêng người dân Chu Ru luôn được rộn ràng, vang vọng khắp núi rừng Tây Nguyên đầy nắng và gió. Hễ có tranh chấp, bất đồng, mê tín dị đoan… là ở đó có bác YA TIN. Từ chuyện nhỏ nhặt hàng xóm bất hòa, không ưng cái bụng của nhau, tranh chấp đất đai hay thực hiện các nghi lễ mê tín dị đoan…., YA TIN đều có mặt để can thiệp, hòa giải. Mặc dù đôi khi công việc bác YA TIN làm vấp phải nhiều sự cản trở thậm chí nguy hiểm nhưng bác không hề nản lòng, lúc nào bác cũng ôn hòa, bình tĩnh và kiên trì miệt mài với công việc “Thổi tù và hàng tổng” chẳng quản ngày hay đêm, mưa hay nắng, cứ nghe ở đâu trong thôn có bất hòa là bác xuất hiện.
Giờ đây về Tu Tra không còn ngại xa, ngại khó nữa. Bởi những con đường bê tông thẳng tắp đã được nối khắp các thôn bản ở Tu Tra. Tình hình an ninh trật tự được bảo đảm, các đường làng ngõ xóm sạch đẹp khang trang, đời sống bà con từng bước được cải thiện… Tu Tra càng ngày càng có nhiều gia đình như gia đình bác YA TIN. Tu Tra đang “thay da đổi thịt” hàng ngày vươn lên trở thành khu nông thôn mới kiểu mẫu. Có được như ngày hôm nay có lẽ một phần là nhờ Tu Tra có những người cán bộ Mặt trận nhiệt tình, mẫu mực, xông xáo, dám nghĩ, dám làm, cần mẫn, tâm huyết, và sẵn sàng “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng” như bác YA TIN.